Mười Phương Chư Phật

Theo Phật giáo Nguyên thủy thì không thể có 2 đức Phật cùng xuất hiện nên chủ trương thuyết “Nhất Phật”, đó là chỉ có duy nhất Phật Thích Ca trong thế giới này mà không hề có Phật A Di Đà, Phật Dược Sư và dĩ nhiên không có Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù hay Phổ Hiền trong hệ Nguyên thủy. Nhưng Phật giáo Đại thừa giới thiệu giáo lý Pháp thân thường trụ vĩnh hằng cho nên có nhiều vị Phật xuất hiện cùng lúc, phía Tây có Phật A Di Đà, phía Đông có Phật A Súc và vô số Phật tồn tại mà kinh điển gọi là “Thập phương hằng sa chư Phật”. Chẳng những thế, tam thế chư Phật có 1000 vị Phật trong quá khứ, 1000 vị Phật ở hiện tại và 1000 vị Phật ở vị lai. Tổng cộng 3 kiếp là 3000 vị Phật. Tuy có hằng sa chư Phật trong mười phương pháp giới, nhưng đây chỉ là biểu tượng cho những đức năng, lý thể của Phật tánh.

Thập phương là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc,Tây Nam, phương trên, phương dưới. Ý của Thập phương chư Phật là tất cả các vị Phật ở khắp mọi nơi trong càn khôn vũ trụ.

Kinh A Di Đà viết rằng:

 -Xá-Lợi-Phất! Như Ta hôm nay ngợi khen công đức lợi ích chẳng -thể nghĩ bàn của đức Phật A Di Đà, phương Đông cũng có đức A-Súc-Bệ-Phật, Tu-Di-Tướng Phật, Đại-Tu-Di Phật, Tu-Di-Quang Phật, Diệu-Âm Phật; Hằng hà sa số những đức Phật như thế đều ở tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi Tam thiên Đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.

 -Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Nam, có đức Nhật- Nguyệt-Đăng Phật, Danh-Văn-Quang Phật, Đại-Diệm-Kiên Phật, Tu Di-Đăng Phật, Vô-Lượng-Tinh-Tấn Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.

 -Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Tây, có đức Vô Lượng-Thọ Phật, Vô-Lượng-Tướng Phật, Vô-Lượng-Tràng Phật, Đại Quang Phật, Đại-Minh Phật, Bửu-Tướng Phật, Tịnh-Quang Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.

 -Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương Bắc, có đức Diệm-Kiên-Phật, Tối-Thắng-Âm Phật, Nan-Trở Phật, Nhựt-Sanh Phật, Võng-Minh Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.

 -Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương dưới, có đức Sư-Tử Phật, Danh-Văn Phật, Danh-Quang Phật, Đạt-Mạ Phật, Pháp-Tràng Phật, Trì-Pháp Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin Kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.

 -Xá-Lợi-Phất! Thế giới phương trên, có đức Phạm-Âm Phật, Tú-Vương Phật, Hương-Thượng Phật, Hương-Quang Phật, Đại-Diệm-Kiên Phật, Tạp-Sắc Bửu-Hoa-Nghiêm-Thân Phật, Ta La-Thọ-Vương Phật, Bửu-Hoa Đức Phật, Kiến-Nhất-Thiết-Nghĩa Phật, Như-Tu-Di-Sơn Phật… Hằng hà sa số những đức Phật như thế, đều tại nước mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cõi tam thiên đại thiên mà nói lời thành thật rằng: “Chúng sanh các ngươi phải nên tin Kinh: Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Này”.

Tóm lại, dựa theo Phật giáo Đại thừa có hằng hà sa số chư Phật trong mười phương thế giới, nhưng đặc biệt nhất là:

1)Phương Đông: đức A-Súc-Bệ-Phật tức là Bất Động Như Lai. A Súc nghĩa là Vô Động cho nên Phật A Súc là vị Phật tượng trưng cho tâm kiên định, dững dung trước bát khổ, tam khổ, không bao giờ bị gió lục trần lung chuyển.

2)Phương Nam: đức Nhật- Nguyệt-Đăng Phật tức là Nhật Nguyệt Quang Như Lai. Nhật là mặt trời, nguyệt là mặt trăng và đăng là đèn cho nên Nhật Nguyệt Quang Như Lai là vị Phật có trí tuệ sáng ngời không bao giờ tắt cũng như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng và ánh đèn.

3)Phương Tây: đức Phật A Di Đà tức là Vô Lượng Thọ Như Lai.

Vô Lượng Thọ Phật tức là Phật A Di Đà. Vô Lượng Quang là chỉ cho ánh sáng chiếu sáng rộng rãi khắp không gian vô cùng vô tận. Nói cách khác ánh sáng chiếu tới đâu là không gian tới đó hay không gian tới đâu thì ánh sáng tới đó. Do đó Vô Lượng Quang là chỉ cho về mặt không gian. Còn Vô Lượng Thọ là biểu tượng cho thời gian. Vô Lượng Thọ là sống lâu vô lượng nghĩa là suốt trong chiều dài của quá khứ và mãi mãi cho vị lai mà Phật A Di Đà vẫn còn sống. Nói cách khác có thời gian là có Phật A Di Đà. Vậy Phật A Di Đà là Phật biểu tượng cho cả không gian và thời gian. Nhưng trong thế gian cái gì là biểu tượng cho không gian và thời gian? Đó chính là vũ trụ. Thế thì Phật A Di Đà là biểu tượng của vũ trụ. Nói cách khác Phật A Di Đà là ám chỉ cho không gian thanh tịnh trùm khắp mười phương và thời gian thanh tịnh suốt ba đời. Đó chính là tự tánh thanh tịnh bản nhiên (chơn tâm, Phật tánh) trùm khắp không gian và suốt cả chiều dài của quá khứ, hiện tại và vị lai. Vậy chúng sinh hiện giờ là đang ở trong pháp thân thanh tịnh của Phật A Di Đà.

4)Phương Bắc: đức Diệm-Kiên-Phật tức là Vô Lượng Quang Nghiêm Thông Đạt Giác Huệ Như Lai. Diệm là lửa tức là biểu tượng cho trí tuệ. Kiên là hai cái vai dùng để biểu thị cho Quyền Trí và Thật Trí. Dựa theo Phật giáo Đại thừa, Đức Phật có lúc nói quyền (thí dụ, không thật) và có lúc Phật nói thật vì thế người đệ tử Phật phải có đủ trí tuệ để nhận biết.

5)Ở phương dưới: đức Sư-Tử Phật. Sư tử tượng trưng cho Chánh Pháp cho nên Sư tử hống là tượng trưng cho Phật thuyết pháp.

6)Ở phương trên: đức Phạm-Âm Phật tức là Phạm Âm Như Lai.

7)Hướng Đông Nam: Tối Thượng Quảng Đại Vân Lôi Âm Vương Như Lai.

8)Hướng Tây Nam: Tối Thượng Nhật Quang Danh Xưng Công Đức Như Lai.

9)Hướng Tây Bắc: Vô Lượng Công Đức Hỏa Vương Quang Minh Như Lai.

10)Hướng Đông Bắc: Vô Số Bách Thiên Câu Chi Quảng Huệ Như Lai.

THẬP PHÁP GIỚI

1.Pháp giới của Phật.

2. Pháp giới của Bồ Tát.

3. Pháp giới của Duyên Giác.

4. Pháp giới của Thanh Văn.

5. Pháp giới của chư Thiên.

6. Pháp giới của loài người.

7. Pháp giới của A Tu La.

8. Pháp giới của súc sinh.

9. Pháp giới của ngạ quỷ.

10. Pháp giới của địa ngục.

 Tâm thức con người biến đổi khôn lường từng sát na, từng giây, từng phút, duyên theo ngoại cảnh do đó cứ mỗi tâm niệm thay đổi chúng ta đang sống một trong mười cảnh giới tương ứng với tâm niệm đó cho nên có lúc chúng ta an lạc, có lúc chúng ta đau khổ. Vì thế nếu chúng sinh biết sống trong tỉnh thức chánh niệm để kiểm soát những biến hành của thân, thọ, tâm, pháp thì chắc chắn sẽ có an lạc, không rơi vào cảnh khổ.

Lê Sỹ Minh Tùng

Nguồn: http://www.pagodethienminh.fr/?page_id=4382