Con đường vô thượng

Khi nói về sự thực hành Pháp, tôi không có ý nói về việc từ bỏ mọi sự và đi vào ẩn thất cô tịch. Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta nên tập trung sự tỉnh giác cao độ vào đời sống hàng ngày của chúng ta. Dù ta đang ăn, ngủ hay làm việc, chúng ta nên liên tục kiểm soát các ý hướng của ta, kiểm soát thân, ngữ, tâm và các hành động của ta, ngay cả sự tiêu cực vi tế nhất. Hãy cố gắng phối hợp các hoạt động hàng ngày của bạn với một động lực bi mẫn. Hãy thấm nhuần những hành xử thuộc thân, ngữ và tâm của bạn bằng trí tuệ đạt được từ sự lắng nghe các giáo lý và từ sự thực hành. Nhưng nếu người nào có thể từ bỏ mọi sự và dâng hiến đời mình cho sự thực hành, thì người đó đáng được ngưỡng mộ.

Sự học hỏi thì giống như ánh sáng chiếu soi bóng tối của vô minh, và sự hiểu biết tích tập được là tài sản tối cao vì ngay cả kẻ trộm tài sản giỏi nhất cũng không thể lấy cắp được nó. Sự học hỏi là vũ khí tiêu diệt kẻ thù vô minh. Nó cũng như người bạn tốt nhất dẫn dắt ta qua mọi lúc gian nan của đời mình. Chúng ta có được những người bạn chân thật nhờ ta có một thiện tâm và không lừa dối mọi người. Những người chúng ta kết làm bạn khi ta có quyền lực, địa vị và ảnh hưởng là những người bạn chỉ dựa vào quyền lực, ảnh hưởng và địa vị của ta. Khi ta gặp điều bất hạnh và mất mát tài sản thì những người gọi là bạn này bỏ mặc chúng ta. Người bạn không thể sai lầm là sự học hỏi các giáo lý. Đây là một thứ thuốc không có phản ứng phụ hoặc các nguy hiểm. Sự hiểu biết giống như đội quân hùng mạnh sẽ giúp ta đè bẹp những thế lực của những lỗi lầm của chính ta. Với sự hiểu biết đó chúng ta có thể tự bảo vệ để không phạm vào những ác hạnh. Danh tiếng, địa vị, và của cải có thể sinh ra từ sự hiểu biết của con người; nhưng chỉ có sự học hỏi và thực hành sẽ tiệt trừ mê lầm là đem lại hạnh phúc bền vững của sự Giác ngộ. Không có sự thông hiểu giáo lý thì những chứng ngộ sẽ tiếp nối theo sau. Các giáo lý chúng ta thọ nhận cần phải sống động. Khi chúng ta huấn luyện một con ngựa cho một cuộc đua thì phải huấn luyện trên cùng một loại đường chạy khi cuộc đua diễn ra. Tương tự như vậy, những chủ đề mà bạn nghiên cứu chính là những giáo lý bạn phải đưa vào thực hành. Việc học hỏi được thực hiện là để cho thực hành. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng nếu bạn có thể thông hiểu những kinh điển sâu rộng như lời chỉ dạy riêng cho bạn, thì bạn sẽ không gặp bất kỳ khó khăn vào trong việc thông hiểu các tantra cùng các bình giải của chúng như lời dạy riêng để đưa vào thực hành trên con đường đưa đến Giác ngộ. Điều này giữ cho chúng ta khỏi quan niệm sai lầm là có vài loại giáo lý không cần thiết cho thực hành và vài loại giáo lý chỉ cần thiết cho việc nghiên cứu có tính chất học giả.

Việc cúi lạy và chắp tay của bạn trước khi nhận lãnh giáo lý là một cách thức để đối trị tánh kiêu ngạo và tự cao. Đôi lúc bạn thấy một người ít hiểu biết Pháp hơn bạn nhưng họ lại có được ý thức khiêm tốn và kính trọng trội vượt hơn. Nhờ hiểu biết Giáo Pháp, bạn phải khiêm cung hơn những người khác. Nếu bạn không như vậy thì bạn còn thấp thỏi hơn người kia. Vậy khi bạn học hỏi, hãy cố gắng kiểm soát tâm thái của riêng bạn và hợp nhất điều bạn học với cách thức bạn suy nghĩ. Nếu điều đó được thực hiện thì sẽ tới một giai đoạn bạn có thể thấy một vài loại kết quả, một vài biến đổi hay tác động trong tâm bạn. Đó là một biểu thị cho thấy bạn đang tiến bộ trong sự thực hành và mục đích của việc học hỏi đã được đáp ứng. Chiến thắng các mê lầm vô minh là công việc của cả một đời người. Nếu chúng ta có thể dấn mình vào thực hành trong một cách thế bền bỉ, thì trải qua nhiều năm tháng chúng ta sẽ thấy một sự chuyển hóa trong tâm. Nếu ta tìm kiếm sự chứng ngộ tức khắc hay sự điều phục lập tức các tư tưởng và cảm xúc thì chúng ta sẽ trở nên mất can đảm và ngã lòng. Hành giả du già Milarepa ở thế kỷ thứ mười một, một trong những Đạo sư vĩ đại nhất của lịch sử Tây Tạng, đã sống nhiều năm như một con thú hoang dã và chịu đựng sự gian khổ ghê gớm để có thể thành tựu những chứng ngộ cao tột. Nếu chúng ta có thể hiến dâng thời gian và năng lực như thế thì ta có thể thấy được lợi lạc từ sự thực hành của mình còn nhanh chóng hơn nữa.

Chừng nào chúng ta có bất kỳ sự tin tưởng nào vào hiệu quả của các giáo lý, thì điều quan trọng là phát triển sự xác tín vào giá trị của việc thực hành ngay lập tức. Để tiến bộ trên con đường, điều cần thiết là có sự hiểu biết đúng đắn về con đường, và điều đó chỉ có thể đạt được bằng cách lắng nghe một giáo lý. Như vậy, bạn hãy phát triển một động lực để thành tựu trạng thái Toàn giác vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, và với động lực đó, hãy lắng nghe và đọc giáo lý này.

Khi một người giảng dạy Pháp, người ấy (là nam hay nữ) đang phụng sự như sứ giả của Chư Phật. Bất chấp sự chứng ngộ thật sự của Đạo sư, điều quan trọng là người nghe Pháp thấy vị Thầy không phân cách với Phật. Người nghe không nên phí thì giờ để suy nghĩ về những lỗi lầm của Đạo sư. Trong các Truyện Jataka (truyện Tiền Thân của Đức Phật) có kể rằng người nghe Pháp phải ngồi ở một chỗ thật thấp, với một tâm thức được điều phục và sự hoan hỉ lớn lao, hãy nhìn vào mặt Đạo sư và uống chất cam lồ của lời ngài nói, giống như các bệnh nhân chăm chú nghe lời thầy thuốc. Đức Phật nói rằng người ta không nên y cứ vào con người của Đạo sư mà đúng hơn nên y cứ vào Giáo pháp, nội dung giáo lý của vị Thầy, thông điệp của Đức Phật. Từ quan điểm về tính chất thiêng liêng của chính giáo lý, điều hết sức quan trọng là phải kính trọng vị Thầy. Khi nghe hay đọc các giáo lý, chúng ta giống như một bình chứa để thâu góp trí tuệ. Nếu cái bình lật úp thì mặc dù các vị Trời có thể đổ mưa cam lồ xuống, nhưng nó chỉ chảy ngoài thành bình. Nếu bình dơ bẩn, cam lồ sẽ bị hư hỏng. Nếu bình có lỗ thủng thì cam lồ sẽ bị rỉ ra. Mặc dù ta có thể tham dự một giảng khóa, nhưng nếu chúng ta dễ dàng bị phóng tâm thì ta giống như một bình chứa lộn ngược đầu. Dù ta có thể chuyên chú, nhưng nếu thái độ của ta bị những ý hướng tiêu cực chế ngự, như nghe giáo lý để chứng tỏ sự thông minh siêu việt, thì chúng ta giống như một bình chứa dơ bẩn. Cuối cùng, mặc dù chúng ta có thể thoát khỏi những lỗi lầm này, nhưng nếu ta không giữ các giáo lý trong tâm, thì giống như để chúng đi vào tai này và đi ra tai kia. Sau khi buổi giảng dạy chấm dứt, chúng ta sẽ hoàn toàn trống rỗng, như thể là ta không thể đem giáo lý đi qua cửa khi chúng ta về nhà. Đây là một lý do việc dùng sổ tay, hay ngày nay, dùng một máy ghi âm, được coi là một ý kiến tốt. Khả năng ghi nhớ các giáo lý dựa vào sức mạnh của sự thường xuyên quen thuộc.

Trong một cuộc nói chuyện với Lạt ma Khun-nu, ngài thuật lại một cách sống động những sự kiện trong đời ngài đã xảy ra rất lâu trước khi tôi sinh ra. Hiện nay tôi đã 59 tuổi. Tôi có khuynh hướng quên mất ngay cả những bản văn tôi đang nghiên cứu lúc này. Lạt ma Khun-nu nói rằng việc học hỏi không bền bỉ là bởi sai lầm đã không nỗ lực trong sự hoan hỉ, và tôi cho rằng điều này hết sức đúng. Bởi thiếu thời giờ, tôi không thường đọc một bản văn; tôi chỉ đọc qua nó một lần và sau đó rút ra một vài ý tưởng tổng quát của những gì bản văn đề cập tới. Vì có trí thông minh khá tốt, tôi đọc các bản văn rất nhanh nhưng không thường đọc chúng. Như một câu cách ngôn nói, người có trí thông minh vĩ đại thì giống như một cánh đồng bốc cháy. Ngọn lửa tắt rụi nhanh chóng. Nếu bạn đọc Các Giai đoạn của Con đường đi tới Giác ngộ của chính ngài Tsong-kha-pa chín lần thì bạn sẽ có chín cách hiểu biết khác nhau về bản văn. Khi bạn đọc một bài xã luận trong báo một lần thì thường không có chuyện đọc lại nó; bạn không thích đọc lại, nó chỉ làm bạn mệt mỏi. Khi bạn đọc các bản văn được viết sâu sắc và lôi cuốn lần thứ hai, thứ ba, và thứ tư, đôi lúc bạn ngạc nhiên là bạn đã quên vấn đề này hay vấn đề kia, mặc dù bạn đã đọc nó nhiều lần trước đó. Đôi khi bạn nảy ra một sự hiểu biết mới mẻ và cách nhìn khác biệt, vì vậy, sự thường xuyên làm cho quen thuộc là phương pháp chính để trị bệnh hay quên. Những người ước muốn đạt được sự Toàn giác nên nhất tâm, chăm chú, khiêm tốn trong tâm thức, được thúc đẩy bởi một ước nguyện giúp đỡ chúng sinh, chuyên chú bằng cả tâm hồn mình, nhìn Đạo sư bằng đôi mắt mình, và lắng nghe Đạo sư bằng đôi tai mình.

Lắng nghe các giáo lý với một thái độ đúng đắn cũng là điều quan trọng. Trước hết, bạn nên nhận thức chính mình là một bệnh nhân và vị Thầy là bác sĩ. Thi sĩ Ấn Độ vĩ đại Shantideva nói rằng khi chúng ta bị đau đớn bởi những bệnh tật thông thường, thì chúng ta phải tuân theo lời dặn dò của bác sĩ. Vì chúng ta bị đau khổ bởi hàng trăm bệnh tật do những vô minh như ham muốn và oán ghét, cho nên việc nghe theo lời dạy của vị Thầy không còn là vấn đề phải thắc mắc.  Các vô minh thì hết sức xảo quyệt. Khi một mê lầm như sự giận dữ hiện diện, chúng ta mất sự kiểm soát. Nhưng lo lắng do tham đắm khiến chúng ta ăn không ngon ngủ không yên. Cũng như bệnh nhân coi những thuốc men mà bác sĩ đưa cho là hết sức quý báu, cẩn thận không dám lãng phí, thì cũng thế, các giáo lý được vị Thầy ban cho nên được giữ gìn như vật trân bảo.

Để khỏi bệnh, bệnh nhân phải dùng thuốc. Chỉ để yên thuốc trong chai sẽ không giúp ích được gì. Tương tự như vậy, để giải thoát tâm thức của ta khỏi bệnh mê lầm kinh niên, chúng ta phải áp dụng những giáo lý vào sự thực hành, và chỉ nhờ thực hành mà chúng ta sẽ có thể tự giải thoát khỏi bệnh mê lầm. Dù chỉ trong thời gian ngắn, sức kiên nhẫn của bạn càng mạnh, thì sự giận dữ của bạn càng ít và lòng tôn kính người khác của bạn càng lớn. Khi sự tự phụ và kiêu ngạo của bạn giảm bớt, thì ảnh hưởng của những mê lầm cũng yếu đi. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng người đang đau đớn bởi bệnh phong hủi kinh niên không thể dùng thuốc một hay hai lần mà đẩy lui được bệnh, mà phải uống thuốc liên tục. Cũng thế, từ vô thủy tâm thức chúng ta đã thường xuyên bị những mê lầm trói buộc chặt chẽ. Làm sao chúng ta có thể hy vọng thoát khỏi chúng nếu chỉ thực hành một hai lần? Làm thế nào có thể hy vọng chữa lành một bệnh tật chỉ bằng cách đọc một bản văn y học?

Phật giáo Tây Tạng có bốn trường phái: Nyingma, Sakya, Geluck, và Kagyu. Là một sai lầm nếu cho là một trong những phái này siêu việt hơn những trường phái khác. Tất cả các phái đều tuân theo cùng một Đạo sư, là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đều kết hợp các hệ thống Kinh thừa và Mật thừa. Tôi cố gắng nuôi dưỡng một niềm tin và kính ngưỡng đối với tất cả bốn trường phái. Tôi hành xử như thế hoàn toàn không phải là một cử chỉ ngoại giao, mà do bởi một xác tín mạnh mẽ. Đó cũng là một nhiệm vụ mà ở địa vị Đạt Lai Lạt Ma, tôi phải biết đầy đủ về các giáo lý của bốn trường phái để có thể chỉ dẫn cho những người đến với tôi. Nếu khác đi, tôi giống như một bà mẹ không có đôi tay đành nhìn đứa con chết đuối. Có lần, một thiền giả phái Nyingma đến hỏi tôi về một thực hành nào đó mà tôi không rành rẽ. Tôi có thể gửi ông ta tới một Đạo sư vĩ đại có khả năng giải đáp vấn đề của ông, nhưng tôi cảm thấy buồn lòng rằng ông ta đã đến để khẩn cầu một sự chỉ dạy của tôi, và tôi đã không đáp ứng được ước muốn của ông ấy. Nếu ước muốn của người khác vượt quá khả năng đáp ứng của ta, thì đó là một chuyện, còn chừng nào nó nằm trong chính khả năng của ta, thì điều quan trọng là làm thỏa mãn những nhu cầu tâm linh của càng nhiều chúng sinh thì càng tốt. Chúng ta phải nghiên cứu mọi phương diện của giáo lý và phát triển sự ngưỡng mộ đối với chúng.

~ Đức Je Tsong-kha-pa

Nguồn: Con đường vô thượng

Nhà Xuất Bản Phương Đông

Việt dịch : Thanh Long và Trường Tâm