Phát bồ đề tâm

 Bồ đề tâm là tinh túy của Pháp.

Có hai phương pháp thông dụng để phát bồ đề tâm là tonglen – pháp cho và nhận, và pháp mà ta gọi là ‘tứ vô lượng tâm’. Trong nghi thức ngắn của Longchen Nyingthig, bồ đề tâm rất ngắn gọn và cô đọng; ở đó không nhắc đến các thực hành này. Trong khi, đó không phải là bạn bị thiếu hụt gì đó hay mắc sai lầm bởi không thực hành chúng, thì nếu bạn có thời gian, hãy kết hợp cả hai.

Pháp tonglen rất nổi tiếng và được thực hành rộng rãi. Đó là pháp mạnh mẽ để phát bồ đề tâm nguyện. Giống như các phép thiền khác, tonglen có thể được kết hợp cùng với bài tập thở. Khi thở ra, hãy vô tư bố thí tất cả niềm hạnh phúc, công đức, các thứ quý giá của mình cho  mọi chúng sinh. Khi hít và hãy nhận lấy những đau khổ, buồn phiền, chướng ngại, ác nghiệp của mọi chúng sinh, mà không phải chỉ là của một vài chúng sinh nào đó. Đây là bồ đề tâm nguyện.

Như một bồ tát mới phát tâm, đây là tất cả những gì ta có thể làm được. Dù vậy cũng không thể nói bồ đề tâm nguyện là cái gì đó dễ dàng. Nếu bạn muốn trở nên dũng cảm tới mức cắt cả chân tay mình để bố thí cho hổ đói, thì bạn phải khởi đầu bằng sự  phát tâm cao thượng, và thiền tonglen chính là phương pháp rất hữu hiệu để làm việc đó.

Tứ vô lượng tâm là phương pháp phổ biến khác. Chúng có thể được kết hợp cùng với tonglen. Với vô lượng tâm đầu tiên, hãy nghĩ, “Cầu cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc  ngay lúc này!” Chẳng hạn, ở đâu đó vào chính lúc này, có ai đó đang mắc phải rắc rối hoặc bị phiền muộn. Bởi vì vô lượng tâm đầu tiên là Từ, ta có thể nghĩ, “Nguyện mọi chúng sinh đều được hạnh phúc!” Với ý nghĩ đó, chúng ta tưởng tượng rằng ở đâu đó, ai đó đang nhận được điều mong ước, thỏa mãn mọi nhu cầu, và thoát khỏi mọi sợ  hãi. Chúng ta cũng nghĩ, “Nguyện họ có được nhân của hạnh phúc”. Như vậy, vô lượng tâm đầu tiên là, “Nguyện mọi chúng sinh có được hạnh phúc và nhân của hạnh phúc.” Đây là điều khác biệt so với hoạt động nhân đạo bình thường, vì chúng ta đang bố thí hạnh phúc và cả nhân của hạnh phúc.

Vô lượng tâm thứ hai  là, “Nguyện mọi chúng sinh thoát khỏi khổ”. Giả dụ có một số người đang bị buồn khổ. Khi đó chúng ta nghĩ: “Nguyện họ thoát khỏi nỗi khổ này. Nguyện họ cũng thoát khỏi các nhân của khổ: cảm xúc và mọi loại ý nghĩ cũng như hành động bất thiện. Cầu cho họ thoát khỏi khổ ngay lúc này!” Thêm nữa, ta nghĩ, “Nguyện chúng sinh từ bỏ sự sát hại, trộm cướp, lừa dối, và thoát khỏi m ọi cảm xúc tiêu cực,” bởi vì chính chúng là nguyên nhân của đau khổ. Vậy là, bạn bố thí hạnh phúc và nhân của hạnh phúc, bạn còn cố  gắng cứu họ  khỏi  sự  bất hạnh: khổ não và nhân của khổ não. Như kết quả của việc này, họ cảm nhận sự vui sướng. Khi đó bạn thiền định về vô lượng tâm thứ ba, là “Nguyện họ giữ được niềm vui này mãi mãi.”

Vô lượng tâm thứ tư là sự bình đẳng. Với điều này, bạn tự nghĩ, Nguyện tất cả chúng sinh được tự do khỏi sợ hãi và hy vọng. Nguyện mọi chúng sinh thoát khỏi đam mê và giận dữ. Thoát khỏi ý niệm nhị nguyên về người thân hay kẻ thù, nguyện tất cả đều bình đẳng. Không giận dữ với kẻ thù, không bám luyến với người thân, nguyện tất cả họ  đều bình đẳng.” Rồi bạn duy trì trạng thái đó.

Hiểu được lợi ích và mục đích của từ bi và bồ đề tâm là cực kỳ quan trọng. Vì thế, hãy đọc Lời vàng của Thầy tôi, đặc biệt mục bài ca của Patrul Rinpoche về lòng từ bi và bồ đề tâm. Trong quyển này, Patrul Rinpoche giới thiệu những hướng dẫn cơ bản về cách làm thế nào để phát bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tinh túy của Pháp. Thật đáng xấu hổ cho chúng ta, mặc dù là Phật tử nói nhiều về sự vĩ đại của bồ đề tâm và lòng từ bi, mà không luôn luôn cố gắng đưa chúng vào thực hành. Trong mỗi tình huống, chúng ta cần cố gắng phát triển một cái tâm tốt lành. Cuối cùng, cái tâm tốt lành chính là chìa khóa đưa ta đến tình yêu thương, từ bi và bồ đề tâm. Thiếu bồ đề tâm, mỗi thực hành của chúng ta sẽ củng cố thêm bản ngã.

Hiện tại, ý nghĩ về kích hoạt tính Không dường như quá phức tạp đối với ta. Phương pháp tốt nhất để đối trị bản ngã của chúng ta hiện nay chính là bồ đề tâm, mong muốn đưa mọi chúng sinh đến giác ngộ. Nếu bạn thực sự phát triển ý niệm muốn đưa chúng sinh đến giác ngộ, thì việc muốn ai đó rơi vào bất hạnh là không thể. Hơn nữa, mặc dù mục đích của bạn là hạnh phúc vĩnh cửu, bạn sẽ vẫn hài lòng khi thấy chúng sinh chỉ nhận được những hạnh phúc nhất thời nhỏ bé. Bạn có thể nhận thấy vì sao điều này lại phá tan nền móng của bản ngã.

Như các vị thầy Kadampa đã nhắc đi nhắc lại chúng ta rằng, thực hành bồ đề tâm bao gồm việc nuôi dưỡng thái độ nhường phần hơn cho người khác và nhận phần thiệt về mình. Một số người có thể cho rằng, điều đó sẽ làm cho ta mất tính tự tin, còn thái độ của bồ tát về việc cho đi lợi lạc, hạnh phúc và không bận tâm đến thiệt hại hay bất hạnh xảy đến với mình thì, xin lỗi, chỉ là thái độ của kẻ thiếu lòng tự trọng. Thực ra, hoàn toàn ngược lại. Với thái độ trên, tính tự tin càng phát triển vững hơn.

Thiếu lòng tự trọng là gì? Đó là có bản ngã rất rất lớn; đó là lý do vì sao thiếu lòng tự trọng lại xếp ở vị trí đầu tiên. Ở đó có bản ngã rất lớn, và chính cái bản ngã ấy luôn luôn muốn được tốt hơn, được coi trọng hơn. Có cảm giác rằng bản ngã của bạn là không tốt chính là cái mà ta gọi là thiếu lòng tự trọng. Tuy nhiên, với thái độ của bồ tát thì bạn cho người khác mọi điều tốt đẹp và không quan tâm đến những gì tồi tệ xảy ra cho mình. Với tâm thái như vậy thì không có điểm quy chiếu, cho nên niềm tự tin sẽ tăng trưởng, đồng thời thiếu lòng tự trọng không bao giờ có cơ hội nổi lên. Như vậy, không cần phải lo sợ khi chuyên chú vào tâm bồ đề hết lần này đến lần khác!

Mấu chốt là trước tiên hãy hòa tan đạo sư vào bản thân bạn và rồi theo dõi xem điều gì xảy ra. Trong khi thực hành, khi bạn sắp kết thúc thời khóa, hãy hòa trộn bản thân với đạo sư. Rồi, đơn giản hãy quán sát xem điều gì xảy ra lúc đó. Nếu các ý nghĩ xuất hiện, hãy quán sát các ý nghĩ. Là người mới thực hành, bạn có thể  bị sao nhãng. Nếu vậy, ngay lập tức hãy quán sát lại hình ảnh đạo sư và hòa trộn lại. Bạn có thể quán sát sự trộn lẫn này tiếp tục và tiếp tục. Khi tôi nói quán sát, tôi không có ý bảo bạn nhớ lại những gì đã xảy ra trong tâm bạn, cũng không lập kế hoạch cho tương lai. Tôi nói về sự quán sát tâm trong chính thời điểm hiện tại. Để làm được điều này, mấu chốt là trước tiên hãy hòa tan đạo sư vào bản thân bạn và rồi theo dõi xem điều gì xảy ra.

Nhiều người thấy thất vọng và tự hỏi không biết họ thực hành có ‘đúng’ hay không. Lời khuyên ở đây là: hãy thực hành. Hãy lao vào rồi sau thời gian nào đó bạn sẽ nắm được điều cơ bản. Ví dụ, khi bạn học lái xe, bạn có thể nói mãi về  phanh, bánh răng, tay lái, và bộ  ly hợp; nhưng rồi cách nào đó, lúc nào đó bạn phải thực sự lái, đúng không? Bạn phải mở khóa, đạp chân ga, rồi lái.  Bạn phải làm như vậy.  Đó chính là hướng dẫn cơ bản. Có thể sẽ thấy, mọi việc như không được tốt đẹp cho lắm. Trong vòng một vài năm, có thể bạn trải qua giai đoạn hòa tan đạo sư giống như là bỏ táo vào túi. Nhưng đó là cách duy nhất.

Sau thời gian nào đó, nó sẽ giống như là đổ cốc nước vào túi. Cái túi có thể đã được ướt một chút, và bạn cũng chỉ mới bắt đầu hiểu được cái túi; bạn còn chưa nắm được cái cốt lõi. Sau thời gian nữa, bạn sẽ tiến tới cái nhận biết rằng hòa tan với đạo sư giống như đập vỡ chiếc bình sứ và cố gắng tìm hiểu hai không gian trống rỗng riêng biệt.

Còn bây giờ, đó là lời khuyên thực hành duy nhất có tác dụng. Thực tế là chúng ta không thể thoát khỏi ý nghĩ rằng đạo sư, hay Phật là thực thể độc lập, tách biệt với bản thân ta. Nhận rõ điều này thực ra đã là một tiến bộ. Hãy nhớ rằng, thực hành Pháp giống như bóc từng lớp vỏ. Với sự nhận thức như trên, lớp vỏ là thuyết hữu thần đã được bóc. Đầu tiên, bạn không có cách nào khác là thực hành theo cách hữu thần, thế rồi thái độ vô thần sẽ dần dần được cuốn vào. Khi đó lớp vỏ tiếp theo sẽ được bóc đi.

Dạng rối loạn này là tốt. Trong số nhiều mối nghi ngờ xuất hiện, không phải tất cả đều là xấu. Một vài mối nghi ngờ là cái mà chúng ta thường chào đón, giả dụ như tâm phân biệt, vậy nên sự phản biện có thể rất có ích, đặc biệt khi chúng ta tìm thấy lỗi lầm trong sự giải thích cái bản ngã của ta. Đó là dấu hiệu cho biết Pháp đang xâm nhập vào tâm bạn. Chúng ta thường không chấp nhận thái độ phản biện đối với sự giải thích bản ngã của mình. Thay vào đó, chúng ta hoàn toàn tham dự vào nó.

Khi Pháp bắt đầu thấm vào đầu óc ta, chúng ta khởi lên cảm giác phê phán những gì ta nghĩ; đó là dấu hiệu tốt. Như đã nói, chúng ta không nên nấn ná ở đó. Chúng ta cần tiến lên phía trước, đi tiếp.

Đức Dzongsar Khyentse Rinpoche