Bồ Đề Tâm cốt lõi của Đại Thừa

Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ ra cốt lõi đích thực của Đại thừa là nhân từ và bồ đề tâm. Đây là điều cần được nhấn mạnh. Ngài nói, những thứ ấy không chỉ quan trọng một hay hai lần, mà ngay từ khởi đầu con đường đạo pháp, trong quá trình tu tập, và cho đến tận cùng. Bồ đề tâm và nhân từ được nhấn mạnh ở mọi giai đoạn phát triển tâm linh. Nếu không có nhân từ và bồ đề tâm, bạn không thể hình thành ước nguyện, sự sẵn lòng, sự nhiệt thành để bắt đầu thực hiện hóa con đường giác ngộ vì lợi ích của mọi chúng sinh. Hơn nữa, sự gia trì và năng lượng mạnh mẽ cần thiết sau đó để thành tựu con đường ấy cũng đến từ nhân từ và bồ đề tâm.

Nhưng chúng ta thường lười biếng. Có khi chúng ta ngủ gật khi đang hành thiền. Lý do chúng ta lười biếng là vì không đủ từ bi để giúp người khác, chúng ta sẽ luôn bận rộn, dù không nhất thiết bận rộn về cơ thể. Nhưng không làm gì cả với thân người quý giá này thì thật là lãng phí thời gian. Chúng ta không có năng lượng cho tu tập hay hoạt động vì người khác là bởi mình không hiểu rằng tiềm năng giác ngộ tồn tại như nhau trong mọi chúng sinh. Hiểu điều ấy, bạn mới tự tin vào bản thân, và sự gia trì sẽ đến. Bạn cảm thấy mình thật sự là một điều gì đó. Và bạn quả thực là. Thay vì luôn nhìn đi chỗ khác để tìm kiếm điều quý giá, hãy nhận ra bản thể của bạn là điều quý giá. Bạn chính là viên ngọc quý.

Tại sao bồ đề tâm và nhân từ lại quan trọng cho đến tận cùng, khi chúng ta đạt giác ngộ? Giả sử bạn thành công trong luân hồi, khi ấy bạn hoàn toàn quên mất khổ ải của những chúng sinh khác. Bạn tận hưởng những vui thú giác quan. Bạn quên những chúng sinh khác. Đây là bản chất của dính mắc. Nhưng khi đạt giác ngộ hay Phật quả, bạn đầy lòng từ bi cho mọi người. Từ bi cho người khác lớn đến mức vị Phật ấy rúng động; những hiện thân của vị Phật lên tới hàng tỷ, tất cả đều nhằm giúp đỡ chúng sinh khắp thế gian.

Theo giáo lý Đại thừa, những người tu tập du già mật tông được cho là những người tránh né niết bàn. Giả dụ có ai đó nói với bạn:” Được rồi, anh không phải lo gì cả. Cứ ngồi đó, tuyệt đối không làm gì. Tôi sẽ cho anh mọi thứ, mọi điều tuyệt diệu. Anh không phải làm gì cả, không phải giúp đỡ người khác. Hoặc ngược lại, anh có thể hữu ích cho người khác, dù việc ấy khó”. Bạn sẽ chọn hướng nào? Bạn sẽ chọn thoải mái? Hay bạn sẽ chọn giúp người khác, dù việc ấy khó?

Theo Ba la mật thừa và Kim cương thừa, nói một cách tương đối, cần niết bàn hay giải thoát cá nhân là một thái độ mê lầm. Tại sao? Vì khi đạt niết bàn, bạn hoàn toàn vượt khỏi bản ngã, đi tới an bình và phúc lạc. Bạn trở nên mê đắm với phúc lạc của định.

Giống như một người đã đói nhiều tháng, đột nhiên được ăn ngon và trở nên hoàn toàn mê đắm với nó. Đây là điều tự nhiên. Những người đạt niết bàn sẽ còn mê đắm với phúc lạc trong nhiều thời kiếp nữa; họ không có đủ nhân hậu, không có đủ đại từ bi.

Bởi thế, trong suốt toàn bộ hành trình tới giác ngộ, thực chứng bồ đề tâm là quan trọng nhất.

 Đức Lama Yeshe

Trích “Trở thành Đức Phật từ bi”