Quán tưởng nơi chốn như cõi Phật

Trong bất kỳ thực hành quán tưởng nào chúng ta cần nghĩ tưởng rằng mọi sự đã toàn thiện từ vô thủy, và điều ta quán tưởng không là một sản phẩm của trí năng mà là sự thực vốn có tự ban sơ. Điều này có nghĩa là chúng ta nhận thức sự toàn thiện tự nhiên của môi trường là một cõi Phậtchúng sinh ở trong đó là các hiện thể linh thánh, các Dāka và Dākinī. Với lòng sùng mộ mãnh liệt, chúng ta nhận thức vị Thầy của ta không phân cách với Guru Padmasambhava. Nếu chúng ta duy trì lòng sùng mộ thường xuyên, thì chắc chắn là Guru Rinpoche sẽ luôn luôn kề cận ta, như cái bóng của ta. Để nâng đỡ và làm sống động lòng sùng mộ như thế, chúng ta trì tụng các câu kệ của pháp Guru yoga này.

Câu kệ đầu tiên bắt đầu với “Emaho”, một biểu lộ của sự ngạc nhiên, và tiếp tục với các từ :“Cõi Phật vô hạn tự xuất hiện, hiện diện tự nhiên, hoàn toàn thanh tịnh…” Cõi Phật này ám chỉ Cõi Cực Lạc của Guru Rinpoche, Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ, Sangdopalri, nơi các hiện thể giải thoát tự nhiên khỏi các cảm xúc độc hại, có khuynh hướng tự nhiên thực hành Pháp, và là nơi người ta có thể đối diện với Guru Rinpoche. Đây là nơi được gọi là một “Cõi Phật thuần tịnh”. Đối nghịch với cõi này, chúng ta có chốn phàm tình này nơi chúng sinh đầy tràn các độc mạnh mẽ, như sự tham muốn, kiêu ngạo, ganh tỵ, và keo kiệt, nơi họ không hành xử phù hợp với Pháp, và là nơi họ hoàn toàn phóng tâm bởi các mục đích bị giới hạn vào đời này. Đây là nơi được gọi là một “cõi bất tịnh”.

Nếu chúng ta quán tưởng nơi chốn quanh ta như một cõi bất tịnh, thì nó sẽ không giúp ích cho ta. Nhưng nếu ta quán tưởng nó là một cõi Phật thuần tịnh, thì nó sẽ trở nên như thế; hay chính xác hơn, chúng ta sẽ đến chỗ chứng ngộ được sự thanh tịnh tự nhiên của nó. Như vậy, chúng ta nên quán tưởng nơi chốn như một cõi Phật tự xuất hiện bao gồm toàn thể thực tại được hiển lộ. Trong pháp Guru yoga hiện giờ đây, Cõi Phật được sắp đặt toàn hảo này là Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ, Sangdopalri, Cõi Cực Lạc của Guru Rinpoche.

Cõi Phật như thế không được làm bằng đất đá bình thường, mà bởi các châu ngọc quý báu. Nó có các cây như ý cũng như một hồ chứa nước như chất cam lồ có tám phẩm tính và đem lại sự bất tử. Ngay cả các thú vật hoang dã sống ở đó cũng xử sự hài hòa với Pháp, và tất cả những âm thanh tự nhiên của nước, gió, lửa, và rừng rậm vang dội như những thần chú. Bầu trời tràn ngập vô lượng cầu vồng và các Vidyādhara, Dāka, và Dākinī, nhiều như những hạt bụi dưới ánh sáng mặt trời. Thiên nhạc, những bài ca kim cương, và các giai điệu du dương của các thần chú vang dội, đem lại sự an lạc không thể diễn tả cho tâm thức. Các sinh thể không bị phân chia thành những người mà ta coi như bạn hữu và những người mà ta xem như kẻ thù, mà tất cả đều có bản tánhhình tướng của các Dāka và Dākinī. Tất cả đều là những bằng hữu trên con đường, xử sự phù hợp với Pháp. Trong Cõi Phật này chúng ta nhận thức các sinh thể tự do đối với các độc hại của sự ganh tỵ, kiêu ngạo, và gây hấn, và không phán đoán một vài người là siêu việt và những người khác là thấp kém, chúng ta phát khởi một lòng từ ái và khoan hòa đồng nhất với tất cả.

Nếu chúng ta giữ trong tâm cõi Phật được quán tưởng này, thì phương cách chúng ta nhận thức về các sự vật sẽ từ từ thay đổi. Chúng ta sẽ nhận thức mọi sự là thanh tịnh và sẽ có thể nhìn thấy Núi Huy Hoàng Màu Đồng Đỏ ở mọi nơi. Ví dụ như nếu ta nhìn các bích họa miêu tả cuộc đời Đức Phật trên tường ở một điện thờ, lòng sùng mộ của ta tăng trưởng. Còn nếu các bức tường chỉ được để một màu trắng trơn, chúng sẽ không gây hứng khởi gì. Để duy trì sự quán tưởng một nơi chốn như một Cõi Cực Lạc, chúng ta cũng làm như vậy.

Tóm lại, chúng ta nên nhận thức mọi hình tướng ta nhìn thấy là sự hiển lộ của thân Guru Rinpoche, mọi âm thanh ta nghe là thần chú, lời nói (ngữ) của Guru Rinpoche, và bất kỳ tư tưởng hay hồi ức nào xuất hiện trong tâm ta là sự phô diễn của tâm trí tuệ toàn thiện của Guru Rinpoche. Chúng ta đừng cho rằng việc này là một sự tạo tác trong tâm thức, mà phải nghĩ rằng các sự việc đã tự nhiên như vậy từ vô thủy. Trạng thái thuần tịnh này là một cái gì hiện hữu tự nhiên, nhưng chúng ta không tỉnh giác về nó. Nhờ sự thực hành pháp Guru yoga chúng ta sẽ dần dần đi tới chỗ nhận ra bản tánh thực sự của các hiện tượng. Vì vậy mục đích của thiền định là để giải tan nhận thức sai lầm của ta về các sự vật và thay vào đó, chứng ngộ được sự thanh tịnh sẵn có của mọi hiện tượng.

Đức Dilgo Khyentse Rinpoche