Pháp hành thiền

Đến hơi thở

Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi. Đầu tiên, thầy nói chuyện với những ai mới tập thiền, một số sư, một số ni chưa quen; và nhất là chúng điệu và cư sĩ. Ai ngồi kiết già, bán kiết già được thì ngồi, ai không có già nào cả, cũng không sao. Trong trường hợp này, lựa chọn thế ngồi cho thoải mái, lưng phải thật thẳng, giữ đầu và cổ tương đối vững vàng, đừng gục xuống mà cũng đừng thẳng đuột. Tuy nhiên, tốt nhất nên tập ngồi kiết già hoặc bán già vì các con còn trẻ, trẻ thì dễ tập, dễ uốn! Hôm nay tất chúng ta cùng ngồi.

Xong chưa? Rồi à! Bây giờ các con chỉ ngồi và đếm hơi thở thôi. Đúng, chỉ ngồi và đếm hơi thở hít vô, hơi thở ra thôi. Đơn giản vậy. Đếm hơi thở có từ thời đức Phật, ngài dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ khi nói về hít vô, thở ra. Tiếng Pāḷi là Ānāpānasati. Ānāpāna là hơi thở vô, hơi thở ra. Sati là niệm. Nói gọn là niệm hơi thở vô ra. Cụm từ Ānāpānasati này được Tàu dịch là An Ban Thủ ÝAn ban là hơi thở vô ra.Thủ ý là nắm giữ cái ý, nhiếp tâm hay định tâm. Có nghĩa là nhiếp tâm hay định tâm nơi hơi thở vào ra. Có một quyển kinh nói về An Ban Thủ Ý do An Thế Cao dịch và thiền sư Khương Tăng Hội đề tựa, xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ thứ 3 TL. Ở trong quyển kinh này, ngài Khương Tăng Hội giới thiệu cách tu niệm hơi thở qua 6 giai đoạn mà ngài gọi là Lục Diệu MônSổ tức, tuỳ tức, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Sổ là đếm, tức là hơi thởSổ tức là đếm hơi thở. Tuỳ là theo dõi, theo khít, luôn áp sát theo, nương theo; vậy tuỳ tức là theo dõi, nương theo hơi thở. Chỉ là dừng lắng, là định. Quán là tuệ. Hoàn là cách gọi khác của đạo. Và tịnh là cách gọi khác của quả.

Thấy chưa, mặc dầu ngài Khương Tăng Hội đã triển khai Ānāpānasati, nhưng vẫn không rời tinh thần kinh điển Nguyên thủy. Và rõ ràng cái cửa đầu tiên là phải đếm hơi thở để trú tâm nơi hơi thở

Khi hơi thở hít vô rồi thở ra, đếm 01. Hơi thở hít vô, thở ra, đếm 02… Đếm cho đến10. Đếm 10 xong trở lại đếm 01, 02 rồi đến 10. Cứ trở lui, trở tới con số 01 đến 10 ấy. Đừng xem thường, hãy chú tâm liên tục mà đếm, nó dễ quên lắm đấy. Có người vừa mới đếm 3,4 hơi thở là cái tâm đã chạy đi đâu mất tiêu! Đếm đúng và nhớ số đếm liên tục, đừng quên. Khó lắm đấy, đừng xem thườngLưu ý, là đếm theo “hơi thở thực”, chứ không phải đếm theo “quán tính”. Đếm theo hơi thở thực là khi đếm, cái tâm nó gắn khít với hơi thở. Đếm theo quán tính là đếm một cách máy móc, đếm theo tưởng của mình chứ không liên hệ gì với hơi thở thực cả. Hai các hoàn toàn khác nhau đấy! Đếm theo hơi thở thực mới đúng. Nhớ là khi quên chỗ nào, lầm lộn chỗ nào thì phải trở lại từ đầu. Mục đích của đếm hơi thở là cột tâm vào số đếm, vào hơi thở ấy để cho tâm khỏi chạy nhảy lung tung.

Cứ đếm đến 10, trở lại 01 đến 10 hoài như vậy cho đến lúc thấy rõ ràng mình không còn quên số đếm thì tâm đã bắt đầu an trú. Vậy là chúng ta đã thành công giai đoạn một, nghĩa là đã bước qua Sổ Tức Môn để bắt đầu đi vào Tuỳ Tức môn. 

Hôm nay thầy nói ngang chỗ đó đã.

Chúng ta hãy cùng nhau đếm số hơi thở, 45 phút thôi.

Theo dõi hơi thở

Hiện tại, trong hội chúng có người đếm số, có người theo dõi hơi thở. Tức là có người đang Sổ Tức môn, có người đang Tuỳ Tức môn, nói theo An Ban Thủ ÝSổ tức nói nhiều rồi, bây giờ sang tuỳ tức.

Tuỳ tức, theo dõi hơi thở, nương theo hơi thở cũng không dễ dàng gì! Ở đây có 2 bệnh chính. Người nhiều hôn trầmthụy miên thì nương theo hơi thở một hồi rồi quên, rơi vào dã dượibuồn ngủ khi khí trệ xuống đan điền. Người nhiều trạo cử, phóng tâm thì khi hơi thở ra đầu chót mũi thì nó phóng đi mất, chẳng biết tăm dạng hành tung, do khí thượng thăng. Nên nhớ là nó luôn chạy đi khi hơi thở ra. Nó không bao giờ phóng đi khi hít vô! Vậy thì để ý, chăm chăm chú chú khi thở ra, nhất là giai đoạn chuẩn bị hít vô. Thời gian từ khi thở ra và chuẩn bị hít vô là thời gian mà tâm hay bị phóng, lưu ý như vậy.

Quên hay phóng thì tìm cách cột nó lại. Hãy chú ý tướng hơi thở chạy vô chạy ra, từ mũi xuống đan điền và từ đan điền ra chót mũi. Để tâm liên tục hai chỗ đan điền và chót mũi. Vậy là cột 2 chỗ.

Nếu cột 2 chỗ mà nó vẫn chạy mất thì cột 3 chỗ. Trong Thanh Tịnh Đạo có đề cập đến cột 3 chỗ như cột bó củi. Bó củi mà cột 2 chỗ thì lỏng lẻo, phải cột 3 chỗ nó mới chặt. Cũng vậy, không những cột nơi đan điền (để tâm khi hơi thở xuống đó), cột nơi mũi (chú tâm khi hơi thở ra đến chót mũi) mà còn cột ở giữa, là nơi chỗ ngực nữa.

Tuy nhiênmọi người hãy tuỳ nghi tìm cách riêng cho mình. Vì trong Thanh Tịnh Đạo còn đưa thêm ví dụ: Như người cưa cây, lưỡi cưa từ bên này sang bên kia thân cây, hơi đâu mà theo dõi cả 3 nơi, chỉ cần chú tâm vào một điểm là đủ quán xuyến hết rồi! Cho nên có người chỉ cần chú ý đến chót mũi, vì dù vô, dù ra, hơi thở cũng phải đi qua đấy!

Hơi thở vào ra nó tế vi quá, có người khó thấy, khó theo dõi. Vậy là chư vị thiền sư bèn nghĩ cách khác, vận dụng nó, sáng tạo nó sao cho việc theo dõi hơi thở có hiệu quả. Vì cần theo theo dõi hơi thở có hiệu quả thì những thiền chi sẽ phát sanh ngay. Và nếu thiền chi tuần tự phát sanh thì nó sẽ tự động đối trị với những chướng ngại.

Thiền sư Mahāsi Sayadow vận dụng phồng, xẹp. Khi hít vô, bụng phồng ra, ghi nhận phồng. Khi thở ra, bụng lép lại, ghi nhận xẹp. Phồng xẹp của cái bụng thì dễ thấy hơn hơi thở. Thế mà có người vẫn quên, không ghi nhận được. Thế là thiền sư dạy rằng, khi bụng phồng lên thì lấy cái tay mà ghi nhận phồng, khi bụng xẹp xuống thì lấy cái tay mà ghi nhận xẹp. Thật không có gì rõ ràng, dễ dàng và cụ thể như vậy nữa. Thế những vẫn có người than là quên mất, không nhớ được, không ghi nhận được. Thế là ngài thiền sư Mahāsi vận dụng thêm nữa.

Ngài đưa thêm 2 chỗ, ngồi và đụng.  Ngồi là ghi nhậnđể tâm nơi chỗ mình ngồi. Đụng là ghi nhậnđể tâm nơi chỗ mình đụng toạ cụ. Vậy là có 4 chỗ: Ngồi, đụng, phồng, xẹp! 4 chỗ là chắc ăn phải không, cái tâm nó chạy đi đâu được!

Nói tóm lạimọi người hãy tự vận dụng đi, và tự bản thân mỗi người sẽ thực nghiệm, chứng nghiệm điều ấy.

– Nếu tuỳ tức mà tâm không cột được, không an trú được thì đừng nói chuyện thiền định hay thiền tuệ.

– Nếu tuỳ tức mà cột tâm được, an trú được thì thiền chi hỷ sẽ phát sanh; và ta sẽ dễ dàng bước qua những thiền chi khác.

Chúc chư hành giả thành công.

Hoà thượng Giới Đức