Chùa Jokhang thủ phủ Lhasa Tây Tạng

Chùa Jokhang, thủ phủ Lhasa, Tây Tạng

Là một trong những di sản Thế giới từ năm 2000, Chùa Jokhang (Đại Chiêu Tự) nằm ở Trung tâm Thủ phủ Lhasa là một trong những điểm hành hương quan trọng trong tâm thức của người dân Tây Tạng.

Chùa Jokhang được xây dựng vào khoảng đầu Thế kỷ thứ 7. Khi đó, vị vua thứ 33 của Tây Tạng, vua Tùng Tán Cán Bố (Songtsem Gampo, 617 – 650) đang tích cực truyền bá Phật Giáo vào trong đất Tạng. Dưới triều đại của ông, Tây Tạng đã phát triển và đạt được những tiến bộ rực rỡ.

Để mở rộng tình hữu nghị bang giao với các nước láng giềng, Vua Tùng Tán Cán Bố đã liên hôn và cưới về hai nàng công chúa, một là Công chúa Văn Thành (Wen Cheng) của Triều nhà Đường và hai là Công chúa Xích Tôn (Bhrikuti) của Nepal. Khi tới Tây Tạng, cả hai vị Công chúa đều thỉnh mang theo hai bức tượng của Đức Phật Thích Ca thời còn nhỏ đến làm của hồi môn. Bức tượng của Công chúa Văn Thành mang đến diễn tả hình ảnh Đức Phật Thích Ca lúc 8 tuổi, được gọi là Akshobya Vajra còn Bức tượng của Công chúa Xích Tôn thì được gọi là Jowo Sakyamuni, diễn tả hình tượng Đức Phật Thích Ca khi Ngài được 12 tuổi. Và để lưu giữ hai bức tượng quý giá này, vua Tùng Tán Cán Bố đã cho xây dựng chùa Jokhang.

Ban đầu, chùa Jokhang cũng chỉ bao gồm có 8 đền thờ. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần trùng tu và cải tạo, nhất là trong các thời kỳ nhà Nguyên (1206 – 1368), nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911), chùa Jokhang đã dần dần phát triển và đạt tới quy mô như hiện nay.

Chùa Jokhang được xây dựng trên nền của một hồ nước lớn. Truyền thuyết kể rằng, vị trí hồ nước để xây dựng ngôi chùa đã được chọn sau rất nhiều lần xây dựng không thành ở những chỗ khác. Trước đó, mỗi khi chùa được xây lên là đều bị sập xuống. Bối rối trước tình hình đó, Công chúa Xích Tôn đã tới nhờ Công chúa Văn Thành giúp đỡ. Với sự thông tuệ của mình, Công chúa Văn Thành cho biết, vùng đất Tây Tạng nằm trên lưng của một mụ phù thủy mà hồ nước kia chính là trái tim của mụ phù thủy đó. Nếu muốn xây dựng được chùa, thì phải xây dựng ở ngay trên vị trí trái tim hồ nước kia thì mới được. Từ đó, chùa Jokhang đã trở thành một trong những Thánh địa quan trọng giúp truyền bá Phật giáo vào Tây Tạng và trở thành một phần quan trọng không thể tách rời của Lịch sử và Văn hóa trên vùng đất này.

Nguồn: Wikipedia.org