Cốt lõi của hành trì Phật pháp

Tất cả chúng sanh có điều gì giống nhau? Đó là ước muốn có được hạnh phúc và thoát khổ. Đó là điều tự nhiên  tất cả chúng sanh đều muốn có, phải không? Tất nhiên không ai trong chúng ta muốn khổ, điều quan trọng nhất là chúng ta nhận ra điều gì tạo ra khổ, tìm ra nguyên nhân tạo khổ và cố gắng loại trừ những nhân tố này. Đó là điều tối  quan trọng đối với chúng ta. Thật sự quan điểm của Phật giáo là gì? Đúng ra, khi quý vị nhìn vào quan điểm Phật giáo, có rất nhiều điều để nói. Nó có thể được giải thích một cách bao quát, nhưng tất cả những điểm chính của quan điểm Phật giáo có thể được tóm gọn trong một điểm  – đó là sự tương quan lẫn nhau, hay duyên khởi. Điều này có nghĩa rằng tất cả nghiệp quả, bất cứ là quả gì, sanh ra từ các nhân duyên, rằng tất cả mọi hiện tượng hiện hữu dựa vào những nhân tố khác. Đó là tinh túy tối hậu trong quan điểm Phật giáo.

Thuyết duyên khởi này có ý nghĩa thật rộng lớn, vì niềm hạnh phúc chúng ta tìm kiếm đến từ các nhân duyên. Sự đau khổ, điều chúng ta không thích, phát khởi từ các nhân duyên. Vì thế, không một yếu tố nào nói trên tồn tại một cách tự nhiên hay cố nhiên, mà chúng phát  khởi dựa vào những nhân duyên nào đó. Điều này có nghĩa là ta có thể tập họp các nhân duyên để tạo ra hạnh phúc mà ta mong muốn và loại trừ những nhân duyên dẫn ta đến nỗi khổ ngoài ý muốn.

Đức Phật đã sống ở Ấn Độ và đã thuyết bài pháp đầu tiên với đề tài Tứ Diệu Đế. Ngài giảng pháp Tứ Diệu Đế ở Varanasi tại Ấn Độ. Khi đức Phật giảng về Tứ Diệu Đế, Ngài đã nói gì? Điều đầu tiên Ngài nói là  – hãy thấu hiểu nỗi khổ. Đúng ra, điểm này rất bao quát. Đức Phật nói một cách đơn giản rằng “hãy hiểu về khổ”, nhưng điều này hàm chứa rất nhiều điều trong đó. Nó rất quan trọng, vì nếu ta không hiểu về khổ, ta sẽ không thể nhận diện rõ ràng điều gì tạo ra khổ. Thế là ta không thể tìm ra nguyên nhân, những điều tạo khổ, vì vậy không thể loại trừ khổ. Vì thế, thấu hiểu về khổ trước tiên là điều vô cùng quan trọng.

Sự thấu hiểu về khổ, buông bỏ những điều tạo khổ và thực hành những điều đưa đến hạnh phúc đòi hỏi ta cần phải hiểu biết chút ít về tâm mình.  Ý tưởng muốn từ bỏ những điều tạo khổ và giữ gìn những điều mang đến hạnh phúc phải được thấu hiểu qua sự vận hành của tâm quý vị. Thấu hiểu chút ít về bản chất và sự vận hành của tâm là một điều rất quan trọng.

Tâm vận hành như thế nào? Đây không những là điều ta cần hiểu mà còn phải nghĩ đến trong mọi lúc, hết lần này đến lần khác. Tất cả chúng ta có một cái tâm và nó vận hành trong mọi lúc, 24 tiếng đồng hồ. Ta có thể quán chiếu những gì Đức Phật nói, những giáo pháp Đức Phật dạy về tâm và quan sát chính tâm mình để thấy có sự tương đồng gì hay không. Điều rất quan trọng là ta lắng nghe giáo pháp Đức Phật dạy về tâm, rồi quán sát điều này dựa trên kinh nghiệm của chính mình, về phương cách tâm ta vận hành suốt ngày đêm.

Theo Đức Phật dạy, tâm là một cái gì trong sáng và có ý thức. Nó là một cái gì sáng ngời và hiểu biết. Nó có khả năng nhận biết sự vật. Nó cũng có thể được gọi là tâm thức. Thế nên, đối với một Phật tử, tâm là như thế, tâm là một cái gì trong sáng, có ý thức và khả năng nhận biết sự vật. Nó không phải là một thực thể ta có thể đụng chạm được, nó cũng không thể bị ngăn trở.

Một điểm ta có thể bị lẫn lộn là sự tương đồng giữa sự hiểu biết về tâm trong Phật pháp và trong khoa học. Các nhà khoa học có thể không sử dụng từ “tâm”, nhưng sự hiểu biết của họ về tâm thức chung quy là sự vận hành của bộ óc, vì vậy chủ yếu đối với khoa học gia, sự vận hành của não bộ tương đương với tâm thức. Tuy nhiên, điều này không đúng đối với Phật tử. Theo Phật pháp, tâm không phải là vật chất. Tâm không phải là một cái gì sở hữu hình tướng; bởi vì nếu nó có hình tướng, khi thân thể bị hoại diệt – cái thân thể làm bằng vật chất này bị hoại diệt  – điều này có nghĩa rằng tâm cũng sẽ bị hoại diệt cùng một lúc. Đây không phải là trường hợp như vậy – tâm là một cái gì không bao giờ đi đến sự tận cùng – nó đến với ta từ đời này sang đời khác, từ đời trước đến đời nay và đi đến đời tương lai. Vì thế sự hiểu biết của Phật tử về tâm thức không như các khoa học gia nói là sự vận hành của não bộ, hay của một vài hiện tượng vật chất nào đó.

Các nhà khoa học không nói rằng không có cái gọi  là tâm thức. Đúng ra, họ nói họ không thể nhìn thấy cái ta gọi là tâm thức. Nhà khoa học đã dùng nhiều loại kỹ thuật tinh vi để quan sát những hiện tượng vật chất và họ không nhìn thấy được tâm với những kỹ thuật này. Vì thế, họ chất vấn thật sự tâm thức  là gì. Như vậy không phải Phật pháp và khoa học có sự đối ngược về sự hiểu biết về tâm thức. Đúng hơn là các nhà khoa học đặt câu hỏi về cái mà ta gọi là tâm thức. Để chấp nhận sự hiện hữu của một vật gì, nhà khoa học phải quan sát được nguyên nhân thiết yếu mang đến sự hiện hữu của vật đó, và họ không nhìn thấy được nguyên nhân chính tạo ra tâm bằng kỹ thuật của họ. Vì vậy, họ đặt câu hỏi về điều này.

Điều mà ta có kinh nghiệm trực tiếp là quả thật ta có một cái tâm. Đi cùng với cái tâm đó là những điều ta gọi là “tâm thái” hay “tâm hành”, đối với những ai quen thuộc ngôn từ Phật pháp. Chung qui, có hai điều  – ta có tâm và trạng thái của tâm. Trạng thái tâm có thể tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực. Nhưng tâm không vận hành một cách độc lập khi tiếp xúc với một đối tượng. Tâm không tiếp xúc với một đối tượng bằng chính động lực của nó, mà chính là bằng năng lực của các trạng thái tâm. Khi những trạng thái tích cực của tâm phát khởi, tâm bắt đầu đồng hóa với trạng thái này và trở nên tích cực. Khi những trạng thái tiêu cực của tâm phát khởi, tâm bắt đầu đồng hóa với chúng và trở nên tiêu cực. Chung qui, ta có hai dạng, trạng thái tâm tích cực và tâm tiêu cực. Chúng hướng tâm đến một trong hai chiều hướng. Chính tâm thái mang đến chiều hướng của tâm.

Ta có kinh nghiệm gì về điều này? Hãy nghĩ đến những trạng thái tiêu cực khác nhau mà ta đã từng trải qua như giận dữ, tham luyến, kiêu hãnh và ganh tỵ. Đây là những tâm trạng tiêu cực, phải không? Khi chúng phát khởi, tâm bắt đầu đồng hóa với chúng và trở nên tiêu cực. Ngược lại, khi những trạng thái tích cực như tâm từ và bi phát khởi, tâm bắt đầu đồng hóa với chúng và trở nên tích cực. Đúng không? Ta có kinh nghiệm về điều này  – cách tâm thay đổi tùy theo tâm thái nào đi kèm với nó. Có phải ai trong chúng ta cũng có thể liên hệ một vài kinh nghiệm về điều này không? Quý vị có thể nghĩ đến một vài kinh nghiệm mà quý vị đã trải qua không?

Vì chúng ta đều có thể nghĩ đến điều này bằng kinh nghiệm của riêng mình, nên ta thấy là ta có thể trưởng dưỡng những trạng thái tích cực, khuyến khích tâm tích cực và cố loại bỏ những trạng thái tiêu cực. Từ chính kinh nghiệm của mình, ta thấy rằng ta có thể làm được điều này.

Tâm lúc nào cũng hiện diện. Chưa có một lúc nào tâm không hiện diện. Là chúng sanh, chúng ta luôn có một cái tâm. Đối với các trạng thái như lòng từ, bi hay sân hận và kiêu hãnh thì không phải như vậy. Những trạng thái của tâm đến và đi. Trong khi đó, tâm lúc nào cũng có mặt. Tâm là nền tảng và lúc nào cũng hiện diện. Vì các trạng thái tâm đến và đi, ta có  thể suy luận rằng ta có thể khuyến khích hay trưởng dưỡng trạng thái này và loại bỏ trạng thái kia, đúng không? Vì trạng thái của tâm đôi khi có mặt và đôi khi không, trên căn cứ này, ta có thể suy luận rằng ta có thể chấm dứt trạng thái mà ta không cần đến và nỗ lực phát triển những trạng thái mà ta cần có, đúng không? Quý vị hiểu chứ?

Chung quy, hành trì giáo pháp của Phật là như vậy. Hãy quán chiếu xem  – khi những tâm thái tiêu cực phát khởi, chúng tạo ra nỗi khổ. Quý vị không muốn điều này, quý vị muốn tiêu diệt  chúng. Nhưng khi những tâm thái tích cực như lòng từ khởi lên, nó mang lại hạnh phúc và quý vị muốn có nó. Hãy thử nghĩ khi cơn giận khởi lên, nó mang sự khó chịu cho chính quý vị và những người khác. Nhưng khi những tư tưởng như lòng từ hay bi phát khởi, chúng mang đến an lạc cho chính quý vị và người khác, vì thế điều rõ rệt là ta muốn cũng như cần phải chấm dứt những trạng thái tiêu cực và nỗ lực phát triển những trạng thái tích cực. Điều này rất rõ ràng, phải không? Mọi người hiểu rõ chứ?

Nếu sự việc là như vậy thì tại sao ta không làm như vậy? Tại sao ta không diệt trừ những niệm tiêu cực và phát triển những niệm tích cực? Khi giận hờn đến thì ta đón chào nó. Ta ngồi đó và chào mừng nó, nhưng ta không hề tích cực phát triển lòng từ bi. Đúng không?

Theo lời quý ông giới thiệu về tôi, và dĩ nhiên tôi đã tu học Phật pháp rất nhiều năm –  hành trì Phật pháp đơn giản là chấm dứt những tâm thái tiêu cực tạo ra vấn đề cho chúng ta và cố gắng khuyến khích, phát triển những tâm thái tốt mang đến hạnh phúc. Hành trì Phật pháp đơn giản là như vậy đó.

Cầu nguyện là sự hỗ trợ cho hành trì Phật pháp của chúng ta. Vì thế việc cầu nguyện tự nó là một hành trì Phật pháp hay không tùy vào động lực trong tâm quý vị. Thật sự, nếu quý vị muốn biết những lời cầu nguyện của quý vị đúng là hành trì Phật pháp hay không, quý vị phải nhìn vào tâm mình. Nếu nhờ những lời cầu nguyện này mà tâm quý vị thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, thì chắc chắn, đó là hành trì Phật pháp. Nhưng nếu việc cầu nguyện không làm tâm  quý vị cải thiện tốt hơn mà còn khiến nó trở nên tiêu cực hơn, liệu ta có thể gọi đó là hành trì giáo pháp của Phật hay không?

Vì sao tôi nói như vậy? Bởi vì người dân Tây Tạng và có lẽ người Việt Nam cũng suy diễn rằng đọc kinh cầu nguyện thật sự là cách hành trì Phật pháp tốt. Nhưng tôi đã từng về Tây Tạng vài lần và đã nói với dân chúng Tây Tạng rằng cầu nguyện như vầy không phải là cách, không phải là hành trì Phật pháp thật sự. Chỉ một điều này tự nó không phải là hành trì Phật pháp.

Hành trì Phật pháp thực tiễn chính là phát triển tâm thái tích cực và chấm dứt những tâm thái tiêu cực. Tôi nói với họ – giống như tôi đang nói ở đây  – rằng xem việc cầu nguyện tự nó là một hành trì Phật pháp tốt là một sai lầm! Tôi đã tu học Phật pháp rất nhiều năm và tôi nói với quý vị rằng ý nghĩ này là một sự sai lầm. Hành trì Phật pháp chính yếu là chuyển hoá tâm mình, phát triển những tâm thái tốt và chấm dứt những tâm thái xấu.

Điều chúng ta cần làm  là thanh tịnh tâm mình. Là Phật tử, ta chấp nhận sự hiện hữu của  chư Phật. Chư Phật cũng có tâm như chúng ta. Bản tánh của tâm Phật cũng giống như bản tánh của tâm ta. Chỉ là chư Phật đã tịnh hóa tâm của các ngài, còn chúng ta chưa tịnh hóa được tâm mình. Tâm đều giống nhau – cái tâm căn bản ta đang đề cập đến đều như nhau.

Khi trời mưa, dòng sông đầy ngập nước.  Nước này cũng là nước chúng ta uống. Chúng đều là nước  – chỉ là một loại nước đã được thanh lọc và loại kia thì chưa. Khi nước đã được thanh lọc, nó không dơ bẩn (bạn không muốn uống thứ nước dơ), bạn nói: “Nước này đã được lọc sạch, tôi sẽ uống nó.”

Vậy làm sao ta tịnh hóa tâm mình? Quý vị phải tạo lập dần dần  -trở nên quen thuộc với những tâm thái tích cực của tâm và lần lượt ngăn chn những tâm thái tiêu cực. Sau một thời gian, sẽ đến một thời điểm mà quý vị chỉ có những tâm thái tốt và tâm quý vị trở nên thanh tịnh.  Hành trì Phật pháp là như vậy  – đây là một trong những điều quan trọng mà tôi muốn nói hôm nay.

Geshe Tashi Tsering

TỨ DIỆU ĐẾ

Thông dịch viên: Tỳ Kheo Lozang Zopa

Người sao chép: Lozang Khadro/Elaine Lum

Việt dịch: Lozang Ngodrub; Hiệu đính: Lozang Pema

Thuyết pháp tại chùa Phật Đà, Brisbane, Úc Đại Lợi

Ngày 6/11/2005