Đạo không phân biệt

Chúng ta cũng không nên cho là Phật giáo Tây Tạng ưu việt hơn các hình thức khác của đạo Phật. Ở Thái Lan, Miến Điện và Tích Lan, các nhà sư có một lời nguyện chân thành khi thực hành giới luật tu viện, và không như các nhà sư Tây Tạng, họ còn giữ được tập quán đi khất thực đã được Đức Phật và các đệ tử của ngài thực hành từ 2500 năm trước. Ở Thái Lan tôi đã tham dự vào cuộc kinh hành của một nhóm nhà sư. Đó là một ngày nóng bức, và vì theo truyền thống thì kinh hành với chân không giày dép nên chân tôi thực sự bị phỏng giộp. Ngoài chuyện ấy ra, còn thì thật cảm hứng khi nhìn sự thực hành của các nhà sư Thái Lan.

Hiện nay nhiều người chỉ nhìn thấy sự tiêu cực trong sự thực hành của một truyền thống tâm linh hay tôn giáo. Họ chỉ để ý xem các tổ chức tôn giáo khai thác và lấy đi của cải của quần chúng như thế nào. Tuy nhiên, các sai lầm mà họ nhìn thấy không phải là những sai lầm của chính những truyền thống, mà là của những người tự nhận là tín đồ của các những truyền thống đó, giống như những thành viên của những tu viện hay nhờ thờ dùng những viện cớ tâm linh để làm lợi lạc cho bản thân bằng tổn phí của những tín đồ khác. Nếu bản thân các hành giả thiếu thận trọng thì sẽ làm hại lây tới tất cả những người chuyên tâm vào sự thực hành đó. Những toan tính sửa chữa các sai sót đã được thể chế hóa của các tổ chức thường bị hiểu lầm thành một cuộc tấn công vào truyền thống nói chung. Nhiều người kết luận rằng tôn giáo có hại và không thể giúp ích cho họ. Họ bác bỏ bất kỳ hình thức đức tin nào. Những người khác dửng dưng với sự thực hành tâm linh và hài lòng với lối sống thế gian của mình. Họ có những tiện nghi vật chất và không theo mà cũng không chống đối tôn giáo. Tuy nhiên tất cả đều bình đẳng ở điểm đều ước muốn bẩm sinh là đạt được hạnh phúc và tránh khỏi đau khổ. Nếu chúng ta bỏ sự thực hành tâm linh, hay trong trường hợp này là bỏ sự thực hành Phật giáo thì chúng ta không còn tin tưởng vào định luật nghiệp báo nữa và sẽ không còn coi các bất hạnh của ta là kết quả của những hành động tiêu cực trong quá khứ. Các bất hạnh có thể được xem là những biểu hiện của sai lầm trong xã hội hay trong cộng đồng, hoặc như kết quả của hành vi của một người bạn. Rồi thì chúng ta đi đến chỗ đổ lỗi, trách móc này sẽ củng cố thêm những thái độ quy ngã, như sự luyến ái và oán ghét. Qua mối liên kết với những thái độ lầm lạc như thế, chúng ta trở nên vướng mắc với những thứ sở hữu của ta và bị bủa vây bởi tính hồ nghi hay ngay cả bệnh hoang tưởng. Nhiều hành giả vĩ đại đã đi trên con đường Phật pháp và hướng dẫn cuộc đời họ trên nền tảng của lòng từ ái và bi mẫn. Với những động lực như thế, ý hướng căn bản của bạn sẽ là sự làm việc cho lợi lạc của chúng sinh, và vì lợi ích của họ mà bạn nỗ lực nuôi dưỡng những tâm thái tích cực của mình. Ở một vài nước phát triển, nhiều người thờ ơ với bất kỳ hình thức thực hành tâm linh nào là những người giàu có về vật chất, nhưng dù như thế họ vẫn không hoàn toàn hài lòng. Họ đau khổ vì muốn giàu có hơn nữa, đến nỗi mặc dù sung túc về vật chất nhưng họ lại nghèo nàn về mặt tinh thần. Chính khi họ nhận ra là mình không thể đạt được điều mà họ mong muốn thì sự rối loạn thực sự bắt đầu. Họ trở nên thất vọng và sự lo buồn phát sinh. Tôi đã trò chuyện với vài người bạn, họ rất giàu, nhưng bởi cách nhìn cuộc đời của họ thiên về vật chất nên họ miệt mài trong công việc. Họ không rảnh rỗi để dành cho một thực hành nào, nó có thể giúp cho họ có được một vài cách nhìn xa rộng hơn. Dần dà, họ thực sự đánh mất giấc mơ hạnh phúc, là cái mà tiền bạc đã phải lo liệu, cung cấp để thay thế.

Trong sự thực hành đạo Phật, mặc dù né tránh những nỗi đau khổ này, nhưng chúng ta quán xét chúng một cách thận trọng – những nỗi khổ của sự sinh ra, khổ của già lão, khổ của những biến đổi trong thể trạng, khổ của sự bất định trong đời này, và khổ của sự chết. Chúng ta nỗ lực, thận trọng khi suy nghĩ về chúng để khi thực sự đối diện với chúng thì chúng ta đã sẵn sàng. Khi chạm mặt cái chết, ta sẽ nhận ra rằng thời khắc của chúng ta đã đến. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không giữ gìn thân thể mình. Khi đau ốm, chúng ta dùng thuốc và cố gắng ngăn ngừa sự chết. Nhưng nếu cái chết là điều không tránh được, thì người theo đạo Phật sẽ chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta hãy để sang một bên trong chốc lát vấn đề đời sống sau khi chết, sự giải thoát, hay trạng thái Toàn giác. Ngay trong đời này, sự suy tưởng về Pháp và tin tưởng ở Pháp đã có những lợi lạc thực tiễn. Chúng ta phải sử dụng tất cả các cơ hội để thực hành Chân lý, để tự cải thiện, thay vì chờ tới một lúc nào đó mà ta cho là mình sẽ bớt bận rộn. Như Gung–thang Rinpoche đã nói, các hoạt động của đời này giống như các gợn sóng trên mặt ao: Khi gợn sóng này biến mất thì cái khác xuất hiện, không bao giờ chấm dứt. Các hoạt động thế gian không ngừng nghỉ cho tới khi chết; vì thế chúng ta phải nỗ lực tìm ra một khoảng thời gian trong mỗi ngày của đời mình để thực hành Pháp. Trong cơ hội này – khi ta đã có được thân người quý báu, đã gặp được Pháp và có một vài niềm tin ở nó – nếu chúng ta không thể đưa Pháp vào thực hành thì sự thực hành sẽ khó khăn hơn trong những đời sau, khi chúng ta không có được những điều kiện như vậy nữa. Giờ đây, chúng ta đã gặp được một hệ thống sâu xa như thế, trong đó toàn bộ phương pháp đạt tới trạng thái Giác ngộ đều có thể tiếp tục được, thì thật đáng buồn nếu chúng ta không nỗ lực làm cho Pháp có ít nhiều ảnh hưởng trên cuộc đời chúng ta.

Đạo sư

Hằng hà sa số chư Phật đã xuất hiện trong quá khứ, và chúng ta đã không có may mắn được gặp các Ngài. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ra đời là để hóa độ chúng sinh trong thời đại suy thoái này. Ngài đã xuất hiện trong thế gian 2500 năm trước và từ đó đã chỉ dạy cho nhiều chúng sinh con đường giải thoát khỏi sự luân hồi đau khổ. Tuy nhiên, chúng ta không có diễm phúc được gặp Ngài, được ở dưới sự dẫn dắt của Ngài, và vì thế còn bị sót lại với tâm thức chưa thuần thục và tầm thường. Đã có nhiều Đạo sư vĩ đại ở Ấn Độ và Tây Tạng thành tựu trạng thái Toàn Giác. Nhiều Đạo sư vĩ đại khác đã hoàn tất những chứng ngộ cao siêu, trong khi những vị Thầy khác mới chỉ xoay xở để đi vào con đường. Ngày nay, các giáo huấn đã hiện diện trong nhiều thế kỷ, nhưng sự quan trọng của Pháp không nằm ở tính chất tương tục của nó trải qua một thời gian dài, mà nằm ở chỗ nó có hiện diện trong tâm ta hay không, có sống động trong những hành động của ta hay không. Nếu chúng ta chỉ thỏa mãn rằng giáo lý của Đức Phật vẫn còn hiệu hữu trong thế gian thì Pháp có nguy cơ bị suy hoại vì sẽ không có ai có đủ khả năng để nói về nó từ kinh nghiệm thực hành. Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ XIII qua đời vào năm 1933, dân tộc Tây Tạng đã tự cô lập. Mặc dù sự biến chuyển lớn lao đang xảy ra ở những nơi khác trong thế giới, người Tây Tạng tự giam nhốt mình… Hiện nay Phật giáo Tây Tạng có thể bị hủy diệt vì sự phân hóa của người dân Tây Tạng, vì thế thực sự nỗ lực trong việc thực hành Pháp là điều hết sức quan trọng trong lúc này. Vào những thời điểm hệ trọng như thế, chính Đạo sư, vị Thầy, là người che chở và nâng đỡ ta. Chính Đạo sư là người khai mở cho ta những giáo lý mênh mông và sâu thẳm do chính Đức Phật lập nên, trong một phương cách thích hợp với tầm hiểu biết của chúng ta. Mặc dù tất cả chư Phật đã tích cực làm việc cho sự lợi lạc của chúng sinh, nhưng chúng ta có thể hưởng được những lợi lạc như thế hay không thì tùy thuộc vào việc ta quan hệ với vị Thầy của mình thế nào. Đạo sư là cánh cửa duy nhất đi vào sự Giác ngộ vì ngài là vị Thầy sống mà ta có thể quan hệ trực tiếp. Gặp được một vị Thầy thì không đủ nếu ta không tuân theo chỉ dạy của ngài về sự thực hành và về cách sống cuộc đời mình. Nếu chúng ta may mắn gặp được những giáo lý này thì hầu như ta tránh được phần lớn những trở ngại chính khi ta thực hành Pháp. Vì vậy, thật quan trọng nếu ta làm cho phần đời còn lại của ta trở nên có ý nghĩa bằng cách tiến hành sự tu tập. Nếu chúng ta khởi sự từ bây giờ, thì rất có thể là ta sẽ có đủ năng lực để tiến bộ trong suốt con đường.

Sự thực hành theo bất kỳ con đường nào cần được đặt nền trên những giáo lý toàn diện và chính xác. Chúng ta phải xem xét thận trọng loại thực hành nào ta thích làm và loại giáo lý nào ta cần để tạo nền tảng cho sự thực hành. Đại học giả Tây Tạng Sakya Pandita (1182 – 1251) thường nói rằng người ta quá chăm chút những vấn đề thời gian như việc mua một con ngựa. Vì thế, khi chúng ta đã chọn sự thực hành Pháp, thì điều quan trọng là phải chọn lựa kỹ càng hơn nữa sự thực hành và vị Thầy, vì mục đích là đạt được Phật Quả, chứ không phải là sự truyền bá. Sự việc vị Thầy có đích thực hay không thì không tùy thuộc vào khả năng trích dẫn từ kinh điển Phật giáo. Bạn cần phân tích lời nói và hành động của vị Thầy. Qua sự phân tích sâu sát thường xuyên, bạn sẽ có thể phát triển sự sùng kính sâu xa đối với vị Thầy đó. Đạo sư Tây Tạng Po-to-wa (1031-1106) nói rằng khởi điểm của toàn thể con đường là học hỏi đế nắm được lời chỉ dạy của vị Thầy, và như thế, mọi kinh nghiệm chứng ngộ tối thiểu và sự giảm bớt mê lầm ít ỏi nhất sẽ xảy đến như kết quả của những giáo lý của vị Thầy. Nếu chúng ta không thể điều hành các công việc của mình mà không nhờ tới sự hướng dẫn của một luật sư giỏi, thì không cần bàn tới tầm quan trọng của vị Thầy nếu ta đang đi theo một con đường không quen thuộc để đạt được Phật Quả. Có những trường hợp những người rất thông minh, họ có vẻ hết sức linh lợi, nhưng khi chú tâm tới Pháp thì tâm trí họ trở nên tê liệt. Điều này cho thấy là họ không tích tập đầy đủ tiềm năng tích cực. Cũng có trường hợp những người rất thông minh và có sự hiểu biết Giáo Pháp uyên bác, nhưng sự hiểu biết này không ảnh hưởng được tâm thức họ. Họ không đem những gì họ biết vào việc thực hành. Trong bối cảnh này, vị Thầy hết sức quan trọng. Sự chứng ngộ cao cấp đặc biệt chỉ có thể có được nhờ sự dẫn dắt từng bước một của vị Thầy có kinh nghiệm chân xác. Vị Thầy trở nên một vai trò mẫu mực và nguồn hứng khởi cho sự thực hành của chúng ta. Ta có thể phát triển đức tin mạnh mẽ nhờ đọc các bản văn có liên quan tới sự thực hành lòng bi mẫn. Nhưng khi gặp được một con người bằng xương bằng thịt đã thực hành nó và là người có thể chỉ dạy cho ta sự thực hành lòng bi mẫn từ kinh nghiệm riêng của ngài, thì điều này còn gây cảm hứng chúng ta mãnh liệt hơn nữa.

Ngài Tsong-kha-pa nói rằng trừ phi tâm thức của vị Thầy được điều phục, sẽ không hy vọng gì vị Thầy điều phục được người khác. Vị Thầy nên tự chế trong thái độ của mình, nhờ định lực, tâm thức các ngài cần được giữ gìn trước những phóng tâm. Các ngài nên được trang bị năng lực của trí tuệ, nó thấu suốt qua hình tướng của các hiện tượng. Nếu một người có sự tu hành cao cấp trong giới hạnh, có thể nói là tâm thức người ấy đã được điều phục. Trong Kinh Giới Bổn Biệt Giải Thoát, là quyển kinh đề cập tới những giới nguyện tu viện, tâm thức được sự so sánh với một con ngựa hoang, và sự thực hành giới luật được sánh với những dây cương nhờ đó con ngựa này được điều phục. Cũng vậy, khi tâm chưa thuần thục khởi hành từ con đường và miệt mài trong những ác hành, con ngựa hoang này cần được điều phục bằng cách dùng dây cương của giới hạnh để kiềm chế thân và tâm trước những hành động tiêu cực. Một vị Thầy có phẩm tính cũng phải thiện xảo trong việc tu tập thiền định cao cấp, nó được chứng minh bằng việc áp dụng bền bỉ sự chánh niệm và nội quán. (…) Một vị Thầy cũng phải được hoàn toàn an định nhờ sự tu hành trí tuệ cao cấp trong sự thấu hiểu bản tánh như huyễn của các hiện tượng. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng một người chỉ có tâm thức được điều phục thì không đủ; họ cũng nên thông hiểu các giáo huấn. Lạt ma Drom-ton-pa (1005-1064) thường nói rằng khi một vị Thầy vĩ đại nói về một chủ đề đặc biệt thì ngài có thể liên hệ nó với toàn thể kinh điển của con đường đạt tới Phật Quả. Các vị Thầy nên có khả năng chuyển hóa sự hiểu biết của mình về toàn bộ một vấn đề thành một sự chỉ dạy lợi lạc và dễ thực hành. Đúng như những kinh điển đã dạy, chư Phật không thể tẩy sạch ác hành của người khác, không thể tiêu trừ nỗi đau khổ của họ, cũng không thể chuyển nhượng những chứng ngộ của các Ngài cho ta. Chỉ có một cách duy nhất để chư Phật có thể giải thoát chúng sinh là chỉ ra cho chúng ta một con đường đúng đắn. Mục đích thực sự của việc chỉ dạy người khác là để giúp họ hiểu biết. Vì thế, cần thiết phải có một lối nói lôi cuốn để thực hiện được điều gì là quan trọng khi tiếp cận vấn đề. Động lực để giảng dạy phải trong sạch – không bao giờ vì một ước muốn danh tiếng hay lợi lạc vật chất. Nếu động lực là tiền bạc thì sự giảng dạy trở nên đơn thuần là một hoạt động thế tục.

Trước khi người Trung Hoa tới Tây tạng năm 1951, một số người ở Lhasa đọc các bản văn hay ca hát để kiếm tiền. Điều này vẫn còn xảy ra ở Tây Tạng. Các du khách tụ tập quanh họ và chụp ảnh. Tôi thấy điều này thật đáng buồn vì Pháp đã được sử dụng như một khí cụ để xin ăn, chứ không phải để tiến bộ tâm linh. Ngài Po-to-wa nói rằng mặc dù ngài đã ban nhiều giáo huấn, ngài không bao giờ chấp nhận ngay cả một sự ca tụng nhỏ bé nhất, bởi vì ngài giảng dạy vì lòng bi mẫn chúng sinh. Ngài xem nó như bổn phận phải giảng dạy vì mục đích chính yếu của ngài là giúp đỡ họ. Bạn không cần phải làm cho người khác cảm thấy mắc nợ cũng như không cần nhận những lời cảm ơn của họ, vì những gì bạn thực sự đang làm là để thực hiện hạnh nguyện của riêng bạn. Khi bạn ăn thực phẩm của bạn thì không có chuyện cảm ơn chính mình, vì lẽ ăn là điều bạn phải làm. Ngài Tsong-kha-pa nói rằng những vị Thầy phụng sự như người dẫn đường đến Giác ngộ thì giống như nền móng hay gốc rễ cho sự thành tựu Giác ngộ của bạn. Vì vậy, những người đang tìm kiếm một vị Thầy nên quen thuộc với những tiêu chuẩn cần thiết và xác định vị Thầy có những tiêu chuẩn đó hay không.

Trong thế giới, nếu không có một nhà lãnh đạo chân chính thì chúng ta không thể cải thiện xã hội. Cũng vậy, trừ phi vị Thầy có phẩm chất đúng đắn, mặc dù đức tin của bạn có mạnh mẽ đến đâu, việc tuân thủ theo vị Thầy có thể làm hại bạn nếu bạn được dẫn dắt theo một đường hướng sai lầm. Vì thế, trước khi thực sự coi ai là vị Thầy, điều quan trọng là phải khảo sát họ, hỏi han người khác về họ, và khảo sát chính bạn. Khi bạn nhận thấy một người thích hợp là một vị Thầy thì chỉ khi ấy bạn mới nên bắt đầu coi người đó như Đạo sư của bạn. Cũng tương tự, trước khi vị Thầy chấp nhận ai là một đệ tử, thì tối quan trọng là trước hết người đệ tử đó phải đáp ứng những tiêu chuẩn mà một vị Thầy đòi hỏi. Chỉ vì một vị Lạt ma có một vài thị giả hay người hầu thì không đủ để coi người đó là một vị Thầy. Có một khác biệt giữa một vị Thầy với một Tulku (hóa thân), hay một tái sinh của một Đạo sư đặc biệt trở lại cõi đời. Một số vị vừa là Lạt ma vừa là Tulku, một số là Tulku nhưng không là Lạt ma, và một số là Lạt ma chứ không phải Tulku. Trong cộng đồng Tây Tạng, các vị Tulku chiếm một địa vị cao. Nếu họ cũng không có các phẩm tính của một vị Thầy, thì vị trí của họ chỉ là địa vị xã hội. Trong xã hội Tây Tạng, và ngay cả ở Tây phương là nơi nhiều vị Lạt ma tới giảng dạy, khi người nào đó được gọi là Tulku thì người ta lập tức tôn kính họ. Còn những người khác thật sự là những hành giả nghiêm cẩn thì không được kính trọng nhiều, chỉ vì họ không có danh hiệu Tulku.

Triết gia Phật giáo vĩ đại nhất của Ấn Độ là ngài Nagarjuna, ngài được tất cả các hành giả sau này coi như vị Thầy, mặc dù ngài chỉ có một cái tên, và chúng ta không thấy ghi lại là ngài có một đoàn tùy tùng hay thư ký riêng. Các vị Lạt ma Tây Tạng của ta có những danh hiệu dài và rất kêu, một số tên thật khó phát âm. Thật ra, không cần có một danh hiệu nào khác ngoài danh hiệu Tỳ Kheo (vị tăng), đã được chính Đức Phật ban cho. Đây là một số trong những sai lầm lớn của xã hội Tây Tạng. Người Tây Tạng chúng ta không chú ý tới các chiếc y tu sĩ màu vàng thực sự được chính Đức Phật ban cho, mà thay vào đó, chú tâm tới những y phục được ban ra như một dấu hiệu đẳng cấp để làm cho người ta có vẻ cao quý. Sau này các vị Thầy Ấn Độ mang một loại mũ màu đỏ nhạt, và ở Tây Tạng, tín đồ theo các vị ấy lưu tâm tới chiếc mũ đỏ đó hơn là tới điều thực sự quan trọng. Tu sĩ vĩ đại Geshe Sang-pu-wa (thế kỷ thứ XII) có nhiều vị Thầy. Có lần, khi du hành từ miền đông Tây Tạng, ngài gặp một đệ tử cư sĩ đang ban các giáo lý. Geshe Sang-pu-wa đến nghe. Khi những người tùy tủng hỏi vì sao ngài cần phải nhận giáo lý từ một cư sĩ, thì Geshe Sang-pu-wa trả lời là ngài đã nghe được hai điều rất lợi ích. Vì Geshe Sang-pu-wa có thể phát triển lòng kính trọng và đức tin ở nhiều người nên việc ngài có nhiều vị Thầy không thành vấn đề đối với ngài. Những người như chúng ta có tâm thực chưa thuần thục, có thể nhìn thấy lỗi lầm nơi vị Thầy của mình và có xu hướng dễ dàng mất lòng tin. Chừng nào ta còn nhìn thấy lỗi lầm nơi vị Thầy, và chừng nào ta có xu hướng mất lòng tin bởi nhìn thấy các lỗi lầm cạn cợt bên ngoài và được phóng chiếu, thì tốt nhất là có ít Thầy thôi nhưng liên hệ với các ngài thật tốt. Nếu bạn không có vấn đề này thị bạn được tự do, càng có nhiều vị Thầy càng tốt.

Đức Dailai Lama XIV