Aryadeva – Độc nhãn đại sư

Chư Phật trong ba đời
Chỉ có một điều bí mật
Trực giác được điều này
Thì ngươi hiểu được tâm ngươi
Hãy đi lại tự tại
Hãy đắm mình trong chân lý
Xoá bỏ ưu tư và phiền não
Ngươi chính là một hành giả Du-già

Truyền thuyết

Truyền thuyết kể rằng ngài Aryadeva sinh ra từ một đoá sen. Ngay khi đủ tuổi, ngài thụ pháp tại tu viện Sri Nalanda và về sau trở thành Tu viện trưởng ở đấy.

Ngài từng là giáo thọ của hàng ngàn tăng chúng, là bổn sư của vô số các nhà học giả, trí thức đương thời, tuy nhiên ngài vẫn chưa chứng đắc. Vì thế, ngài bèn tìm đến Bồ Tát Long Thụ.

Rời Nalanda, ngài đi về phía nam. Khi ngang qua một cái hồ nước rộng mênh mông, ngài gặp Bồ Tát Văn-thù (Manjuri) đang giả dạng làm người câu cá.

Aryadeva vái chào và hỏi nơi ở của Bồ Tát Long Thụ. Bồ Tát Văn-thù bảo rằng vị thánh ấy ở trong một cánh rừng già gần đây và đang luyện thuốc.

Theo hướng chỉ của bồ tát, Aryadeva tìm đến nơi thì thấy Bồ Tát Long Thụ đang điều chế độc dược thành thuốc trường sinh.

Aryadeva đảnh lễ vị chân sư và xin được thu nhận làm đệ tử.

Bồ Tát Long Thụ nhận lời thỉnh cầu, điểm đạo cho Aryadeva và cho phép ngài ở lại để tu tập thiền quán.

Hằng ngày, hai thầy trò rời khu rừng đi đến các khu lân cận để hoá duyên.

Trong khi, ngài Long Thụ vất vả mới xin được thức ăn thì Aryadeva thường trở về với rất nhiều thức ăn ngon.

Thấy thế, ngài Long Thụ quở mắng: “Vật thực của ngươi kiếm được chỉ thuần do mấy con mụ dâm đãng trao cho, thật là bất tịnh. Vì vậy, từ đây trở đi ngươi chỉ được phép dùng vỏ chuối thay cho bình bát, kim nhọn để gắp thức ăn mà thôi.”

Aryadeva vâng lời thầy, mỗi ngày khi ăn ngài dùng mũi kim găm từng hạt cơm đưa vào miệng.

Thấy thế, đám phụ nữ càng ngưỡng mộ, lại làm đủ thứ bánh ngon dâng lên ngài.

Nhưng ngài nhất mực không dùng đến, lại đem cúng dường cho thầy.

Cho đến một hôm. Aryadeva báo với thầy rằng ngài đã đắc pháp.

Bồ Tát Long Thụ bèn ra lệnh cho Aryadeva phải ở lại trong lều không được ra ngoài khất thực.

Aryadeva vâng lệnh thầy. Nhưng lần này, Mộc thần định đến cúng dường.

Nữ quái ăn vận hở hang, để lộ nhiều phần da thịt nõn nà đến gặp ngài. Sau đó, ả giả vờ lân la trò chuyện cùng Aryadeva.

Aryadeva mang thức ăn mà nữ quái cúng dường ngài dâng lên cho thầy và kể lại sự việc.

Bồ Tát Long Thụ nghe kể chuyện bèn đi đến nơi nữ quái ẩn mình. Nghe gọi tên, nữ quái hiện lên, thò đầu ra ngoài, còn thân thể vẫn giấu bên trong thân cây.

Sư hỏi: “Tại sao ngươi không phô thân ngươi cho ta xem mà lại làm thế với đệ tử của ta?

Nữ quái đáp: “Tôi làm thế là vì đệ tử của ngài đã đoạn trừ được tham ái vi tế, còn ngài thì không.”

Từ đó, Long Thụ đặt tên cho ngài là Aryadeva (Thanh tịnh thánh nhân).

Sau khi Long Thụ Bồ Tát điều chế xong rượu trường sinh, ngài nếm thử vài giọt rồi đưa cả bát cho Aryadeva uống.

Nhưng Aryadeva ném cả bát rượu trường sinh vào gốc cây. Lập tức rượu ấy biến thành một chiếc lá dính liền vào thân cây.

Ngài Long Thụ bảo: “Ngươi làm phí rượu của ta như thế. Hãy làm lại cái khác cho ta.”

Aryadeva lấy một bình chứa nước, tiểu vào trong đó rồi dùng que khuấy lên, đoạn đưa cho thầy mình.

Bồ Tát Long Thụ bảo: “Nhiều quá!”

Aryadeva liền đổ bớt phân nửa bình nước tiểu vào một thân cây, trăm hoa hốt nhiên nở rộ.

Bồ Tát Long Thụ nói: “Nay ngươi đã giác ngộ. Đừng đi vào luân hồi nữa.”

Nghe những lời này, Aryadeva cất mình bay lên không trung. Nhưng ngay khi ấy có một người đàn bà tiến đến gần cung kính đảnh lễ ngài. Người đàn bà này lâu nay vẫn đi theo ngài như bóng với hình. Thấy vậy, Aryadeva hỏi: “Vì sao ngươi lúc nào cũng đi theo bên ta?”

Bà ấy đáp: “Tôi theo ngài vì tôi cần một con mắt của ngài.”

Aryadeva bèn móc con mắt bên phải trao cho bà. Kể từ đó ngài được gọi là Đạo Sư Độc nhãn (Kamaripa).

Hành trì

Thác sinh từ hoa sen có nghĩa là sinh ra từ sự giác ngộ. Tuy nhiên, trước khi nhận ra tánh Phật, hành giả cần phải trải qua con đường tu tập từ thế học đến đạo học.

Sử liệu

Theo Phật sử có hai vị Long Thụ. Mỗi vị cũng đều có một đệ tử mang tên Aryadeva. Cả hai vị Aryadeva đều là truyền nhân của thầy, đồng thời là những bậc văn tài lỗi lạc.

Vị Aryadeva thứ nhất rất nổi tiếng nhờ vào những tác phẩm luận về Bồ Tát đạo. Tác phẩm Catuhsataka được coi là bộ luận về Bồ Tát đạo nổi tiếng nhất của ngài. Bộ luận giải thích Bồ Tát nên hành sử như thế nào trong giai đoạn sơ chứng.

Ở đây, cần minh định rằng vị Aryadeva thuộc thế kỷ thứ 8 không hề viết luận thuyết về Rasayana, mà chính vị Long Thụ ở thế kỷ thứ 10 đã viết các bộ luận về Satuspitha Tantra. Vị này vốn là chân sư (guru) của môn Rasayana.

Vị Aryadeva trong truyền thuyết kể trên vốn sinh ra từ một đoá sen trong vườn thượng uyển của đức vua xứ Śrỵ Lanka. Sau khi được truyền ngôi báu, ngài thoái vị để xuất gia.

Sau khi nắm được yếu chỉ của Tam tạng kinh điển, ngài hành hương sang Ấn Độ và gặp được Long Thụ Bồ Tát ở đây.

Aryadeva xây dựng rất nhiều tu viện ở miền nam Ấn Độ. Ngài lưu lại miền nam cho đến lúc thần Mahakala hiện thân thỉnh cầu ngài đi về phía bắc để nhiếp phục một đạo sĩ Bà-la-môn.

Sau khi nhiếp phục và khai đạo cho vị đạo sĩ, ngài Aryadeva để lại bài kệ như sau:

Thần Siva có ba mắt
nhưng không nhìn thấy chân lý.
Indra có ngàn mắt
như kẻ mù loà.
Ta, Aryadeva,
chỉ có một mắt
nhưng thấy suốt các pháp.

Keith Dowman

Việt dịch: Nguyễn Thạnh Lê Trung Hưng

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến

Trích tác phẩm: Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn – Nhà xuất bản Tôn Giáo