Đức Quán Thế Âm là ai

Đức Quán Thế Âm, một vị Bồ Tát từ bi, đã có nhiều hình tướng thay đổi qua nhiều thế kỷ, Ngài chấp nhận những phẩm chất mới, tên gọi, và thậm chí là một giới tính khác. Sau đây tác giả Kay Larson khám phá cuộc hành trình của Bồ Tát qua các thời gian và văn hóa.

Chắc chắn tôi không phải là người duy nhất đầu tiên được Phật giáo thu hút qua những tiếng thì thầm qua các bài hát của những tác phẩm nghệ thuật. Vào năm 1978, quyển sách “The Snow Leopard” của Peter Matthiessen, câu chuyện về cuộc hành hương của ông vào dãy Himalaya, khiến tôi khao khát có một cái tên gì đó để được gọi. Sau đó, tại Phòng Trưng Bày Nghệ thuật Nhật Bản tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Metropolitan ở New York, tôi bị choáng váng khi thấy một bức tượng gỗ, thếp vàng của Đức Pháp Thân Tỳ Lô Gia Na Phật ( Dainichi Nyorai), thời kỳ Heian/ Nhật Bản (794–1185), bức tượng đã nói lên một trái tim hoàn hảo của sự thanh tịnh và tình thương vô nhiễm.

Tượng Đức Tỳ Lô Giá Na Phật (Dainichi) ngồi trên điện thờ riêng trong viện bảo tàng, hàng triệu du khách đi ngang qua, có người thấy chỉ để mà thấy ; nhưng có một số người thực sự chiêm ngưỡng bức tượng, đã xúc động đến tận con tim và cảm nhận được sự “Giải thoát qua việc nhìn thấy này” giống như nắm chặt được ngọn nến ở cuối doanh nghiệp. Liên Hoa Sanh một vị sư Tây Tạng sáng lập tông phái Ningma (Padmasambhava), theo truyền thuyết, đã giảng dạy về sáu loại giải thoát: nghe, thấy, mặc, ghi nhớ, nếm, xúc chạm . Trong thân trung ấm (bardo), chức năng nghe có thể nhắc nhở về chân tâm của chúng ta. Nhưng trong thế giới hữu hình này, chức năng nhìn thấy có thể cho chúng ta một chút ánh sáng giác ngộ để kích thích tâm trí lưng chừng của chúng ta.

Sự giác ngộ của từ bi có một khuôn mặt, đại diện khuôn mặt đó, trong nghệ thuật Phật Giáo và theo tiếng Phạn là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara). Trong khuôn mặt vũ trụ vĩ đại này, đang ngồi tham thiền, với mí mắt hé mở để nhìn vào trong tâm và hướng nhìn xuống để chứng kiến những than van đau khổ của thế gian. Để đáp ứng với vô số hoàn cảnh này, Đức Quán Thế Âm được thay hình đổi dạng với những phẩm chất mới, mặc áo choàng mới, và chấp nhận những cái tên mới: Guanyin ở Trung Quốc, Kannon ở Nhật, Karunamaya ở Nepal, Lokesvara và Chenrezig ở Tây Tạng. Với lòng bi mẫn, Đức Bồ Tát dạy cho chúng ta mô hình với những phương tiện mới, để cho phép chúng ta khéo léo giúp đỡ những chúng sinh đang đau khổ này. Những hình tướng khác nhau của Đức Bồ Tát đã giúp cho chúng ta hình dung được những khía cạnh của tâm, như sự chứng ngộ, được truyền đạt qua nét đẹp phi thường.

Trong một cuộc triển lãm tinh vi dành riêng cho nghệ thuật của Đức Quán Thế Âm , nhà Quản lý Bảo tàng Karen Lucic, một giáo sư nghệ thuật và cũng là Phật tử, gần đây đã nghiên cứu rộng rãi các phạm vi hoạt động và biểu tượng của Đức Bồ tát trong suốt thời gian và không gian qua, để nói lên lịch sử về nghệ thuật nói chung cũng như nghệ thuật của Phật giáo nói riêng. Qua cuộc triển lảm “Thể hiện lòng từ bi trong nghệ thuật Phật giáo: Hình ảnh, Hành hương, Thực tập” đã tập hợp được những nghệ thuật đa dạng đại diện Đức Quán Thế Âm – tranh ảnh , tranh lụa thangkas, tác phẩm điêu khắc, những khắc bản , mạn đà la, và những quà lưu niệm của các cuộc hành hương – trong thế giới Phật giáo.

Ngược lại dòng lịch sử, Đức Quán Thế Âm / Avalokiteshvara xuất hiện cùng với thời kỳ phát triễn của Phật giáo Đại thừa. Thế kỷ đầu của Công nguyên — các kinh điển Đại Thừa như Kinh Pháp Hoa và Hoa Nghiêm được biết đến qua Con Đường Tơ Lụa — các nghệ nhân Trung Hoa tạo hình tượng Quán Thế Âm theo hình tướng văn hóa của Trung quốc: lúc nam lúc nữ, hoặc không phải nam hay nữ. Tại Bảo tàng Nghệ Thuật Nelson-Atkin, tượng Quan Âm Nam Hải của Trung Quốc rất đẹp mắt và được làm rất nhiều, là một tượng Bồ Tát xinh đẹp, không phải nam, không phải nữ với cánh tay phải chạm vào đầu gối trong một tình trạng thiền định tự tại ( có thể xem trên you tube hoặc google).

Khoảng sáu trăm năm sau, tư thế tự tại tượng Quan Âm Nam Hải của Trung Hoa ảnh hưởng đến một nghệ nhân người Nhật trong thời kỳ Edo đã tạo ra một tượng Quan âm/Nyoirin Kannon nhỏ xíu cao 17 inch (1693) bằng gỗ và thếp vàng, sơn mài, và cẩn đá quý. Trong triển lãm, tượng tráng lệ này, trên đầu đội một vương miện và đeo chuổi ngọc của các vị Bồ tát, khuôn mặt thiền định trang nghiêm và dịu dàng tuyệt vời, cánh tay phải cong đến gần như không xương. Với nét mặt hơi buồn vì sự đau khổ của thế gian, Đức Quan Âm / Kannon trầm ngâm trong hạnh nguyện của một vị Bồ tát, đôi mắt tham thiền nhìn xuống để làm nhân chứng cho hình dạng vàng rực rỡ của Chân tâm . Tượng Quan Âm / Nyoirin Kannon có một bộ ria mép và râu đen mỏng, gợi ý sự mơ hồ về các giới tướng của con người không thể chấp nhận dưới thời Trung cổ Nhật Bản cai trị bởi các tướng quân và lãnh chúa.

Bồ tát là một khuôn mặt quen thuộc ở Nalanda, tu viện Phật giáo vĩ đại – và Viện đại học nổi tiếng được thành lập ở miền bắc Ấn Độ vào đầu Công nguyên . Những cuốn sách đầy ắp trong thư viện của Nalanda đã ca ngợi Đức Quán Thế Âm như Lokanatha, “Chúa tể Vũ Trụ, bảo vệ thế giới.”— giữa những hàng chữ trong Kinh Đại Bát Nhã /Ashtasahasrika Prajnaparamita, hình Đức Quán Thế Âm / Shadakshari Lokeshvara đã được vẽ bằng màu nước đục sáng rực trên lá cọ. Cuộc triển lãm có trưng bày năm trang với những lá cọ tương tự, trong một cuốn sách đem đến Tây Tạng từ thư viện đại học Nalanda trước khi bị cướp phá và đốt cháy bởi những kẻ xâm lược Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ thứ mười hai.

Trong 1.500 năm đầu của Công nguyên, các động như động Đôn Hoàng trong sa mạc Taklamakan ở phía tây Trung Quốc đã trở thành ngã tư văn hóa thường xuyên của các du khách và thương gia của những nền văn minh: Tây Tạng, Ấn Độ, Uyghur, Tangut, Khotanese, Tocharian, Trung Quốc, Âu châu. (Marco Polo không phải là người da trắng đầu tiên và cũng không phải là người châu Âu duy nhất đến Trung Quốc.) Trong những môi trường đa văn hóa phức tạp này, Phật giáo trở thành một động lực chính của sự thay đổi. Sách và hình ảnh, cũng như các tu sĩ Phật giáo từ các tu viện – đại học, đã phá vỡ sự cô lập và những cách biệt của các cộng đồng trong sa mạc nhỏ bé này. Thế giới thật sự là lớn hơn mọi người tưởng.

Đổi lại, giáo lý của Đức Phật về tánh Không đã được phát triển trong những điều kiện thực hành chuyên sâu này. Các thiền sư cho rằng shunyata (tánh không), tâm trí con người không thể nhận thức ra được, nhưng với những năng lượng tinh tế của sự giác ngộ, từ bi và trí tuệ – Đức Phật đã cung cấp rất nhiều những vị thiện tri thức . Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa/Prajnaparamita Sutra là một phẫu thuật tâm linh và trở thành Tâm kinh Bát Nhã / Heart Sutra. Câu văn đầu tiên của kinh điển ngắn nhưng hùng vĩ này, Đức Quán Thế Âm trình bày giáo lý của tánh không/shunyata cho đệ tử của Đức Phật là Xá Lợi Phất / Shariputra. Sự hiện diện của Đức Quán Âm Avalokiteshvara trong kinh gây nên ý nghĩa của Tâm kinh Bát Nhã/Heart Sutra – “sắc tức là không, không tức là sắc” – với ý niệm cho rằng sự rộng lớn trống rỗng của tâm hồn tràn đầy lòng bi mẫn bao la của Bồ Tát.

Câu chuyện về nghệ thuật Phật giáo là một hành trình phức tạp, có nhiều điều kiện và khó khăn, ít gọn gàng và thẳng tiến hơn so sánh với nghệ thuật của phương Tây. Khi tượng Quan Âm tiến hóa trong thiên niên kỷ đầu tiên ở Trung Quốc, tượng Bồ Tát bắt đầu thể hiện có những đặc điểm của một người nữ truyền thống với lòng tốt và chu đáo. Vào thế kỷ thứ mười bốn, một bức tranh thủy mạc trắng đen Trung Quốc mô tả hình Đức Bồ tát như một bóng ma, màu trắng, ẩn hiện trong lớp áo choàng đứng trên một mỏm núi với khuôn mặt hướng nhìn mặt trăng, như một hình bóng trong trang phục mờ ảo – dường như chuyển sang trong suốt và lúc ẩn lúc hiện, như thể đang suy ngẫm về sự trống rỗng của tất cả tham vọng của thế gian.

Trong khoảng thời gian này, những nhà truyền giáo dòng Tên, mang Thiên Chúa giáo của họ đến Trung Quốc, bắt đầu lưu hành những hình ảnh về Đức Mẹ / Madonna và Đức Chúa Con. Trung quốc cảm hứng và vay mượn văn hóa này, biến thể Đức Quan Âm bồng ẵm đứa trẻ được gọi là tượng Quan Âm Đồng Tử / Songzi . Tượng được chạm khắc bằng gỗ đàn hương hoặc các loại gỗ mềm khác, được sơn hay thếp vàng hoặc được đúc bằng đất sét như một món quà để thiêu đốt cầu khẩn. Giống như Đức Mẹ Đồng Trinh Maria, Quan Âm Đồng Tử / Songzi hiểu rõ được hoàn cảnh của một người phụ nữ.

Thời kỳ Edo Nhật Bản, một bức tranh lụa cao năm foot , Đức Quan Âm / Kannon, vị Bồ Tát Nhật Bản, trở thành người mẹ theo một nghĩa khác. Tượng của một người nữ nhưng đáng yêu dựa trên bờ đá của hòn đảo huyền thoại Phổ Đà Sơn, đó là nơi trụ xứ của Đức Quán Thế Âm và trên vương miện to lớn là tượng của Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà/Amitabha thu nhỏ, Đức Quan Âm / Kannon là vị phụ tá. Người hành hương giống như một cậu bé lội qua những làn sóng dưới chân với hai bàn tay chắp lại với sự tôn kính và những người hành hương khác cũng đã đi một hành trình khá dài để tìm kiếm tượng Bồ tát này . Hành hương rõ ràng không phải là đi chơi không mục đích như “đôi dép trên mặt đất”. Hành động tìm kiếm thay đổi thái độ của người tìm kiếm.

Trong dãy Himalaya, giác ngộ là con đường vĩ đại, để cứu chúng sinh một cách chắc chắn và hiệu quả. Nguyện lực Mật giáo và sự oai nghi của tượng Đức Quán Thế Âm 11 Cái Đầu / Eleven-head Avalokishteshvara phóng ra năng lượng tập trung như những tia sáng laser. Đôi mắt của tượng thể hiện sự chánh niệm mãnh liệt do hành trì Mật chú miên mật để đốt cháy tất cả mọi chướng duyên. Bức tượng đồng mạ vàng này, hiện nay thuộc sở hữu của Bảo tàng Nghệ thuật Tây Tạng Jacques Marchais, sản xuất nhiều bản sao nhỏ để cho những người hành hương đang đi kinh hành tại chùa Jokhang ở Lhasa. Một tượng Quan Âm / Mahakarunika chính gốc cao chót vót, đang được thờ trong Nhà nguyện Từ bi Tối cao của ngôi chùa và Chú Đại Bi vĩ đại được trì tụng rất lâu theo sự hành trì của Đức Quan Âm / Chenrezig Ngàn Mắt Ngàn Tay.

Điểm đặc biệt tu hành theo Đại Thừa đó là “lòng từ bi mong muốn tất cả chúng sinh đều thoát khỏi mọi khổ đau. Nhưng đau khổ có nhiều loại do vậy cần phải có những môn pháp khác nhau để đối trị lại. Tinh thần này có vẻ áp đảo với chúng ta. Do vậy nên có câu chuyện về tượng Đức Quan Âm / Chenrezig tại sao có ngàn tay.

Hạnh nguyện giáo hóa của Đức Bồ tát Quán Thế Âm trong quá khứ là muốn chấm dứt mọi khổ đau sanh tử luân hồi /samsara của chúng sanh. Với những nỗ lực tinh tấn, Ngài đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng khi Ngài quay lại, sự khổ đau luân hồi của chúng sanh vẫn còn tiếp tục, Ngài thất vọng sự thất bại của mình, tâm của Ngài tan vỡ thành ngàn mảnh. Khoảnh khắc này giống như bạn vừa tạo ra một tấm kính hoàn hảo, và khi tâm kính bị búa đập vỡ thành từng mãnh vụn, phản ứng duy nhất là tâm bạn hoàn toàn bị tê liệt cùng những sự vô minh làm tăng sự giận dữ và đau khổ gây ra trong sự xấu xa nhất của nó – đây cũng là sự tiến thoái lưỡng nan của Đức Quan Âm / Chenrezig. Phải làm gì khi ngay khi cả một vị Bồ Tát từ bi còn không chịu đựng được nữa?

Câu chuyện tiếp tục với sự giáo hóa, Đức Phật Vô Lượng Quang A Di Đà, từ cõi Tịnh độ thị hiện ra trong cõi Ta Bà này và biến hóa hàng ngàn mảnh vỡ của Đức Quán Âm / Chenrezig thành một ngàn cánh tay (cộng với mười một cái đầu, để ngài có thể nhìn thấy mọi hướng). Tôi thấy câu chuyện này có tinh thần giáo hóa , Đức Phật A Di Đà đã ban cho Đức Quán Thế Âm / Chenrezig một ngàn công cụ phương tiện và dạy rằng : Này, hãy tiếp tục giáo hóa đi.

Hàng ngàn tay của Đức Quán Âm / Chenrezig là một biểu tượng mãnh liệt về sự kiên nhẫn và dũng cảm cần thiết cho hạnh nguyện của một vị Bồ Tát. Khi thế giới này sẵn sàng thổi bay tâm từ bi của chúng ta một lần nữa, thì tượng Đức Quán Thế Âm Ngàn Mắt Ngàn tay / Chenrezig trở thành sự thị hiện quan trọng trong đời, sự thị hiện này còn hơn là một biểu tượng của Đại thừa Phật giáo; vì hạnh nguyện từ bi của vị Bồ tát này là điều cần thiết tuyệt đối, để được hướng dẫn tu tập và nương tựa.

Trong hơn hai nghìn năm qua, nghệ thuật là một phương tiện truyền thông mạnh mẽ để truyền bá Đạo Pháp và vẫn còn tiếp tục như vậy cho đến ngày hôm nay. Con người và chân tâm của chúng ta không thể tách ra được – không những về tâm linh, mà luôn cả trong thế giới vật lý, bởi vì cả hai đều trong chân không nhưng tràn đầy sự sống, mà nghệ thuật chúng ta tạo ra đó là nghệ thuật “bất nhị” ; Trái tim của sự hành trì tu học Phật giáo là vượt ra ngoài lời nói, nhưng lời nói và hình ảnh lại giúp chúng ta thể hiện ra những tinh tế của tâm trí để đạt đến những chân lý mà chúng ta thường mong muốn. Thật sự không thể tưởng tượng được khám phá Phật giáo mà thiếu những phương tiện nghệ thuật.

Kay Larson

Nguồn: Đức Quán Thế Âm là ai?