Đại sư Indrabhuti – Ông hoàng giác ngộ

Ngay lúc thuận duyên nhất
Y cũng không thể giác ngộ
Nếu như không có sự cứu độ
Của một bậc đạo sư
Không có một vật gì ở trong hay ở ngoài
Có thể làm cho một nhà Du-già tỉnh thức
Không có sự phân biệt giữa Niết-bàn và Phật
Hãy cắt đứt những hệ phược
Thì nhận ra bản chất của Niết-bàn.

Truyền thuyết

Vùng Oddiyana thời ấy chia làm hai vương quốc: Sambhola và Lankapuri. Đức vua Indrabhuti đứng đầu xứ Sambhola, còn xứ Lankapuri do đức vua Jalendra cai trị.

Vua Indrabhuti có người em gái lên bảy tuổi, tên gọi là Laksminkara. Tuy cô còn bé nhưng dung nhan mỹ miều nên ông vua xứ láng giềng Jalendra muốn xin cưới cho con trai của mình.

Jalendra gửi sứ điệp sang vương quốc Sambhola nói rõ ý định của mình. Sau khi tiếp nhận điệp văn của vua xứ Lankapuri, cả triều đình luận bàn rằng trở ngại duy nhất của cuộc hôn nhân là sự khác biệt về tín ngưỡng: một bên thờ Phật còn bên kia thì thờ Phạm Thiên, cho nên cách tốt nhất là để đôi bên trai gái có cơ hội tìm hiểu và cần có thời gian để san bằng các dị biệt.

Tuy nhiên, Indrabhuti vẫn cho phép họ đính hôn với nhau.

Năm năm sau, hoàng tử xứ Sambhola đến viếng thăm hôn thê của mình, Laksminkara. Trước khi vị hoàng tử trở lại cố quốc, vua Indrabhuti ban cho chàng rất nhiều vàng, bạc, ngựa, voi.

Vua Jalendra lấy làm ngạc nhiên khi không thấy cô dâu theo về cùng, nhưng ngài cũng tỏ ra hài lòng khi hoàng tử giải thích rằng cô dâu còn quá nhỏ để có thể rời bỏ gia đình.

Vua Indrabhuti có rất nhiều thê thiếp và tất cả các bà phi này đều là tín đồ đạo Phật.

Nhân một hôm chân sư Kambala du hành đến xứ Sambhola, các bà phi cùng quận chúa Laksminkara ra đón tiếp ngài để được thụ pháp.

Sau khi được điểm đạo, quận chúa tu tập rất miên mật cho tới tuổi mười sáu thì vua Janlendra sai người sang đón về nhà chồng.

Nhưng khi đến xứ Lankapuri, quận chúa đã tìm cách thoát thân và trốn vào một hang động để tu tập cho tới lúc hoàn toàn chứng đắc.

Vua Indrabhuti nghe tin em gái bỏ trốn, ngài tự nhủ thầm: “Em gái ta non dại mà còn giác ngộ Phật pháp một cách sâu sắc như vậy. Ta nghĩ thật là hổ thẹn cho bản thân.”

Suy nghĩ như thế, vua bèn thoái ngôi, giao lại ngai vàng và công việc triều chính cho người con cả, còn bản thân ngài đi đến một lâu đài nhỏ để tu tập trong 12 năm thì đắc thần thông Đại thủ ấn, nhưng không một ai biết được sự thành tựu này.

Một ngày nọ hoàng tử cùng đoàn tùy tùng đến vấn an vua cha, khi họ định mở cửa thì một giọng nói từ trên cao vọng xuống: “Không cần vào! Ta ở trên này.”

Mọi người nhìn lên, thấy đức vua ngự trên ngai vàng ở giữa hư không.

Họ sung sướng rạp mình đảnh lễ. Ngài Indrabhuti ngự giữa không trung suốt bảy ngày để thuyết giảng diệu pháp cho con trai và đoàn tùy tùng.

Keith Dowman

Việt dịch: Nguyễn Thạnh Lê Trung Hưng

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến

Trích tác phẩm: Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn – Nhà xuất bản Tôn Giáo