Khơi dậy sự tin tưởng xác quyết – Bản tóm lược những nội dung linh thiêng của Bảo tháp Jarung Kashor

Đây là câu chuyện về việc trùng tu sự hỗ trợ tuyệt vời cho Ý Giác Ngộ –

Mặt trời ngọc báu của lòng bi mẫn tuyệt diệu, nhờ đó, Đức Phật hoàn hảo từ ái chăm lo cho những chúng sinh đang trôi lăn,

Thứ chiếu tỏa ánh sáng của lợi lạc và hạnh phúc rất cần thiết

Lên hữu tình chúng sinh và những giáo lý của Đức Phật.

Trong quá khứ, khi Heruka vĩ đại và vinh quang phẫn nộ điều phục Rudra, trong tám nghĩa địa của tám quốc gia trên thế giới này – nơi cư ngụ của tám Mamo – tám đại bảo tháp, những cội nguồn của thành tựu, được dựng lên. Hơn thế nữa, tại tám địa điểm vĩ đại của đất thánh Ấn Độ, tám bảo tháp được dựng lên để tưởng nhớ tám hành động vĩ đại của Phật Thích Ca Mâu Ni hoàn hảo; ở Uddiyana, Visvakarma, vua của những thợ thủ công, đã xây dựng Bảo Tháp Không Hành Nữ Vinh Quang Không Thể Chạm Đến; và Vua A Dục đã xây dựng mười triệu bảo tháp. Như thế, có vô số bảo tháp trên thế giới này.

Sau đây là một trình bày ngắn gọn về những chỉ dẫn được tìm thấy trong các Kinh điển và Mật điển về việc xây dựng những bảo tháp chứa đựng xá lợi như là cốt lõi:

Guhyasamaja[3] tuyên bố rằng:

‘Những bảo tháp được cho là các cung điện

Nơi tất cả chư Phật cư ngụ’.

Một Mật điển Mật thừa nói rằng:

‘Bất kỳ ước nguyện nào được thực hiện trước những bảo tháp chứa đựng xá lợi

Sẽ đều viên thành – Như Lai đã tán thán như thế’.

Kinh Thanh Tịnh Vô Cấu Quang[4] dạy rằng:

Trong quá khứ, ở Kapila, Đức Thế Tôn nói với Bà-la-môn Kapilacandra vĩ đại: “Này Bà-la-môn vĩ đại, bây giờ hãy rời đi. Trên đường đến Kapila, tại nơi ba con đường giao nhau, ông sẽ thấy một bảo tháp cổ xưa chứa đựng xá lợi. Hãy phục hồi và yểm bằng thần chú bí mật viết trên giấy. Sau đấy, hãy dâng cúng dường và trì tụng thần chú bí mật này bảy lần. Làm thế sẽ kéo dài cuộc đời ông. Sau khi chết, ông cũng sẽ tái sinh trong những cõi cao hơn và tận hưởng của cải lớn lao. Và cuối cùng, ông sẽ trở thành một đối tượng của sự kính trọng linh thiêng[5]”.

Thánh Diệu Pháp Môn[6] nói rằng:

Này A Nan, trong tam thiên đại thiên thế giới này, nếu một nam hay nữ tử sùng kính của gia đình cao quý xây dựng một bảo tháp Niết bàn của Thiện Thệ, A La Hán, Phật toàn giác, kích thước bằng trái mận anh đào và nếu họ yểm cây sinh lực lớn bằng cây kim bên trong, che nó bằng chiếc ô lớn bằng lá cây bách xù, yểm một bức tượng lớn bằng hạt lúa mạch và đặt một viên xá lợi lớn bằng hạt mù tạc vào trong bảo tháp này, thì anh hay cô ấy sẽ tích lũy công đức lớn hơn nhiều công đức nhờ cúng dường các vật phẩm làm từ bảy loại chất liệu quý báu lên chư vị Nhập Lưu[7], lên những vị sẽ trở lại một lần và lên Tăng đoàn Tỳ Kheo khắp bốn phương.

Những bản văn này giải thích mở rộng cách thức mà quá trình yểm những bức tượng và bảo tháp vô tri lại tương tự cách mà thần thức nhập vào một thân thể có sức sống. Đầu tiên, năm kiểu xá lợi[8], các Mandala, những cây sinh lực và v.v. được yểm vào trong bức tượng hay bảo tháp. Thứ hai, một Kim Cương Thượng Sư[9], người có mười đặc tính xứng đáng[10], cung thỉnh chư Bổn tôn trí tuệ.

Quá trình này có thể được xác minh bởi cả các cội nguồn tài liệu đáng tin cậy cũng như lập luận. Trong khi tất cả những chỉ dẫn thực tiễn này ẩn giấu và nằm rải rác trong các Mật điển, sau đấy, chúng được giảng giải bởi chư đạo sư sở hữu con mắt của Giáo Pháp[11], chẳng hạn Đấng Bảo Hộ Long Thọ vinh quang, đại học giả Vô Cấu Hữu [Vimalamitra], đại học giả Tịch Hộ [Shantarakshita] và Acharya Jetari. Các chỉ dẫn khẩu truyền này sau đó được trao truyền không gián đoạn, giống như một dãy những ngọn núi vàng, cho đến khi chúng đến với chư đạo sư cao quý và vinh quang của chúng ta. Nương tựa lòng từ của những vị đã duy trì cho đến ngày nay các chỉ dẫn thực tiễn này, thứ trình bày rõ ràng truyền thống không sai lầm của các Mật điển này, chúng tôi vẫn luôn luôn cử hành sự trì tụng Hai Mật Điển Vô Cấu[12], đúng như quy định, trước khi bắt đầu xây dựng hơn một trăm bảo tháp chứa đựng những Mandala Hai Mật Điển Vô Cấu trên toàn thế giới.

Ở Nepal, tại địa điểm linh thiêng của nghĩa địa Lhundrup Tsek (“Đồi Tự Nhiên”), Bảo Tháp Jarung Kashor, đấng ban tặng những thành tựu siêu việt và thông thường, đã chịu tổn thất nghiêm trọng bởi trận động đất 7,9 độ vào 12 giờ trưa ngày 25 tháng 4 năm 2015. Khi việc trùng tu bảo tháp cổ xưa này bắt đầu, nhiều xá lợi – cây sinh lực và những đà-ra-ni được cuộn – đã bị hỏng và hư hại nghiêm trọng. Trong nỗ lực phục hồi về trạng thái ban đầu và cải thiện điều vẫn trong tình trạng tốt, cả tôi – Tulku Rigdzin Pema và Sengdrak Tulku Ngawang Tengyal, đã tuân thủ chặt chẽ những chỉ dẫn thực tiễn về cách thức yểm bảo tháp bằng các đối tượng được gia trì.

CÂY SINH LỰC

Vào ngày 22 tháng 9 năm Mộc Mùi lịch Tây Tạng (tức ngày 22 tháng 11 năm 2015), sự hội tụ của những hành tinh rất cát tường. Ngày này đánh dấu thời điểm mà, sau khi dành thời gian an cư mùa hạ trên Cõi Trời Tam Thập Tam và báo đáp lòng từ của mẫu thân, Đấng Thiện Thệ giáng hạ từ các cõi trời xuống thị trấn Samkasya.

Sau đó, chúng tôi dần dần yểm năm kiểu xá lợi:

Trên đỉnh của cây sinh lực, được làm từ gỗ trầm hương thảo dược, chúng tôi đặt ‘Bảo Tháp Tôn Thắng’[13]. Trong chiếc bình của bảo tháp này[14], chúng tôi yểm một viên ngọc báu như ý, thứ chứa đựng các xá lợi quý báu của truyền thống Cựu Dịch Ngagyur, một xá lợi của Phật Ca Diếp và vài phần xương của Phật Thích Ca Mâu Ni. Ở mỗi phía trên đỉnh của cây sinh lực, chúng tôi đặt những chủng tự của năm gia đình Phật. Tại năm vị trí, chúng tôi đặt các chủng tự bằng ký tự Lanja[15] của thân, khẩu, ý, phẩm tính và hoạt động giác ngộ, tất cả đều được làm bằng đồng và mạ vàng. Trên những phần còn lại của cây sinh lực, chúng tôi mạ vàng các Mật Chú, Minh Chú và Đà-ra-ni Chú tinh túy, trọng yếu của chư Bổn tôn Yidam an bình và phẫn nộ. Tại ba trung tâm của cây sinh lực, chúng tôi đặt: viên xá lợi thân – thứ phát triển sự huy hoàng, chất thệ nguyện Samaya ‘Tinh Túy Mặt Trời’; viên xá lợi khẩu – thứ phát triển diệu âm, chất thệ nguyện Samaya ‘Bindu Bốn Hoan Hỷ’; ‘Cakra Giải Thoát Nhờ Nhìn Ngắm’; và ‘Cakra Của Cây Sinh Lực Vững Chắc’. Cuối cùng, một trăm thần chú và đà-ra-ni của Mindrolling đều được buộc vào cây sinh lực. Sau đấy, nó được bọc bởi chất dẻo và đồng quý để chống nước trước khi yểm vào trong bảo tháp.

  1. Xá lợi Pháp thân

Về xá lợi Pháp thân chính yếu, một lượng lớn Tsatsa[16] được ban phước vốn đã được đặt trong bảo tháp.

  1. Xá lợi Giáo Pháp

Chúng tôi đã đặt năm đà-ra-ni vĩ đại[17], một trăm thần chú và đà-ra-ni được kết tập bởi Mipham Rinpoche[18] toàn tri, bao gồm Pháp thân Vô Lượng Quang, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Vô Lượng Thọ, Đạo Sư Liên Hoa Sinh, Guru Drakpo, Guru Dorje Drolo, Phổ Ba-Kim Cương Đồng Tử [Kila-Vajrakumara], Kim Cương Điều Phục [Vajravidarana], Kim Cương Thủ [Vajrapani], Văn Thù Sư Lợi, nguyên âm và phụ âm và ‘Tinh Túy Duyên Khởi’. Tất cả những thần chú này đã được khắc trên hơn hai nghìn lá đồng quý, sử dụng các kỹ thuật in cơ khí và đặt trong bốn mươi lăm hộp đồng.

  1. Xá lợi Thân thể

Các mảnh xương thực sự của Bổn Sư của chúng ta, Đấng Chiến Thắng giác ngộ của tộc Thích Ca cùng những viên xá lợi làm từ xương của Phật Thích Ca Mâu Ni đã được đặt bên trong bảo tháp.

  1. Xá lợi kích cỡ hạt mù tạc

Những viên xá lợi từ việc nhân lên các xá lợi của Phật toàn giác Thích Ca Mâu Ni, một bộ những viên xá lợi ‘Khó Đạt Trong Vũ Trụ’, bao gồm bốn kiểu viên xá lợi được thu thập bởi Tổ Jamyang Khyentse Wangpo[19], ba xá lợi chân chính của Đức Phật, các xá lợi của ‘Bảy Phật Anh Hùng’ được rút ra từ những kho tàng Terma từ Động Kuchok Dechen, và một xá lợi của Đại Terton Pema Lingpa[20] đã được yểm vào trong bảo tháp.

  1. Xá lợi Y áo

Một mảnh y chân chính của Đại Đạo Sư Liên Hoa Sinh và một mảnh y của Đại Viện Trưởng Tịch Hộ đã được đặt trong bảo tháp.

CÁC ĐẠI DIỆN VỀ THÂN

Một bức tượng đồng thiếc Phổ Hiền Như Lai từ Đông Ấn Độ, một bức tượng đồng thiếc Kim Cương Trì vĩ đại từ Tây Ấn Độ, một bức tượng Đạo Sư Hồ Sinh Kim Cương [Guru Tsokye Dorje] làm từ Zikhyim[21] đỏ mà Kyabje Trulshik Rinpoche[22] đã sử dụng như là Pháp khí hành trì, bảy bức tượng Phổ Hiền chất lượng cực kỳ tốt bằng đồng mạ vàng, mười lăm bức tượng năm gia đình Phật, bốn mươi chín bức tượng Kim Cương Tát Đỏa, bốn mươi lăm bức tượng Phật Vô Lượng Thọ, bảy mươi lăm bức tượng Phật Vô Lượng Quang, ba mươi mốt bức tượng Phật Dược Sư, ba bức tượng Phật A Súc Bệ, sáu mươi bảy bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, 237 bức tượng Đạo Sư Liên Hoa Sinh, bốn bức tượng Đại Viện Trưởng Tịch Hộ, bốn bức tượng Vua Trisong Detsen, Đạo Sư và hai vị phối ngẫu, năm mươi mốt bức tượng Thánh Quán Thế Âm, ba mươi bảy bức tượng Văn Thù Sư Lợi, sáu mươi bức tượng Kim Cương Thủ, ba mươi bảy bức tượng Cứu Độ Mẫu Tara, 105 bức tượng Hai Mươi Mốt Độ Mẫu Tara, mười bảy bức tượng Bạch Độ Mẫu, năm bức tượng Phật Đỉnh Tôn Thắng, ba bức tượng Orgyen Khandro Norlha và những bức tượng tám hóa hiện của Guru Rinpoche – tất cả đã được đặt vào trong bảo tháp. Tất cả những bức tượng này cao tám hoặc mười hai inch. Một nghìn bức tượng Guru Dewachenpo [Đạo Sư Đại Lạc] làm từ đất sét thảo dược và một nghìn bộ Tam Tôn Trường Thọ[23] cũng được yểm vào trong bảo tháp.

CÁC ĐẠI DIỆN VỀ KHẨU

Một bộ Kangyur[24] được in từ những bản khắc gỗ tại Derge Gonchen, một bộ Kangyur chữ in, một bộ Tengyur[25], tuyển tập trước tác của Đấng Chiến Thắng Longchen Rabjam, một bộ Bảy Kho Tàng, một bộ tuyển tập trước tác của Tổ Rigdzin Jigme Lingpa, một bộ Gongdu, một bộ Kathang De Nga – tất cả đều được in trên giấy bằng máy. Choying Dzod (Kho Tàng Pháp Giới); một bộ Kathang De Nga (Sử Thi Năm Chương); Sự Liên Tục Tự Xuất Hiện, cuốn cẩm nang chỉ dẫn Dzogchen được rút ra như một kho tàng bởi Tổ Pema Lingpa; hai bản sao của cuốn cẩm nang chỉ dẫn Namcho – Phật Quả Trong Lòng Bàn Tay – tất cả đều được in bằng máy trên lá đồng quý[26]. Chúng, cùng với một phần bản viết tay của đại dịch giả Vairocana và ký tự biểu tượng Dakini trên cuộn kinh kho tàng được tìm thấy bởi Đại Terton Sangye Lingpa, đã được đặt vào trong những hộp quý và yểm vào bảo tháp.

CÁC ĐẠI DIỆN VỀ Ý

Một Bảo Tháp Kadam bằng đồng thiếc, hai mươi lăm Bảo Tháp Kadam làm từ đồng mạ vàng và một bảo tháp pha lê đã được đặt bên trong bảo tháp.

CÁC ĐẠI DIỆN VỀ Ý VÀ PHẨM TÍNH

Nhiều cặp chuông và chày đã được đặt vào bên trong bảo tháp.

CÁC ĐẠI DIỆN VỀ HOẠT ĐỘNG

Một dao Phổ Ba làm từ sắt thiên thạch, cao khoảng một gang tay; một dao Phổ Ba làm từ Zikhyim cao khoảng một gang tay; một dao Phổ Ba từ sắt thiên thạch cao gần nửa mét; một dao Phổ Ba từ gỗ chiên đàn đỏ bằng khoảng mười hai chiều rộng ngón tay; một dao Phổ Ba làm bằng sắt từ xích của một cây cầu do đại thành tựu giả Thangtong Gyalpo[27], cũng như một số dao Phổ Ba gỗ chất lượng cao đã được đặt bên trong bảo tháp.

CÁC LOẠI KHÁC

Mười chín hộp đồng, chứa đựng nhiều đại diện đặc biệt, thứ vốn đã ở trong bảo tháp; 1002 vị Phật của Hiền kiếp này, mỗi vị cao khoảng sáu inch, thứ nằm ở phía ngoài của những phần trang trí của bảo tháp; năm mươi bức tượng Guru Nangsi Zilnon, khoảng 366 miếng đồng trên đó khắc hình Guru Rinpoche và thần chú Đạo Sư-Thành Tựu[28], sử dụng các kỹ thuật cổ xưa, đã được yểm. Các Cakra theo Lama Gongdu ‘Ý Định Hợp Nhất Của Chư Đạo Sư’ và Rinchen Terdzod ‘Kho Tàng Terma Quý Báu’, thứ dùng để phục hồi các cộng đồng của Tăng đoàn, để hoằng dương Mật thừa bí mật, phát triển sức mạnh của các vị vua, tăng dân số, mở rộng các truyền thừa gia đình của những vị với phẩm tính cao quý, mở rộng các truyền thừa giáo lý sâu xa, tăng trưởng thọ mạng và trí tuệ, tăng trưởng của cải và tài sản, phục hồi sức mạnh và năng lực của Dralha, xoa dịu những hận thù giữa chư thiên và long, tăng cường danh tiếng và tên tuổi, phục hồi tinh túy của trái đất, ngăn bệnh dịch trong các quốc gia, xoa dịu xung đột vào những thời điểm khác nhau và nhìn chung tăng trưởng sự huy hoàng của các đại, Vòng Huy Hoàng, Cakra Sinh Lực Trì Minh – thứ tăng cường sự hoàn hảo của thế giới bên ngoài và trong. Các Cakra của Lama Kundu ‘Hiện Thân Chư Đạo Sư’, Yidam Kundu ‘Hiện Thân Chư Bổn Tôn’ và Khandro Kundu ‘Hiện Thân Không Hành Nữ’, Cakra của Acala phẫn nộ – thứ bảo vệ khỏi động đất, Cakra Giải Thoát Các Thành Phố, Cakra Bạch Tán Cái, Cakra Cứu Độ Mẫu Tara – tất cả đã được in trên những miếng đồng quý và đặt vào trong bảo tháp.

Như thế, vào ngày 17 tháng 10 năm 2016, tức ngày 16 tháng 8 năm Hỏa Thân lịch Tây Tạng, bảo tháp đã được yểm thành công bằng các xá lợi được nhắc đến ở trên. Đại Đạo Sư từng nói rằng:

‘Trong tương lai, khi những đại diện của thân, khẩu và ý được tạo ra,

Sự hoàn thành và thánh hóa cần xảy ra đồng thời’.

Một Mật điển cũng nói rằng[29]:

‘Sự thánh hóa của chư Phật và các đại diện khác

Cần được tiến hành theo những nghi thức.

Nghi thức thánh hóa không nên sơ sài.

Vì lý do này, kẻ nào mong muốn các thành tựu

Cần dồn hết mọi nỗ lực và cử hành rất kỹ lưỡng’.

Tuân theo lời khuyên này, những vị viện trưởng, Tulku, Lama và tu sĩ của truyền thống Sakya đã cử hành các nghi thức thánh hóa trong năm ngày. Những vị viện trưởng, Tulku, Lama và tu sĩ của truyền thống Kagyu, những đấng bảo hộ của tất cả chúng sinh, đã cử hành các nghi thức thánh hóa trong năm ngày. Những vị viện trưởng, Tulku, Lama và tu sĩ của truyền thống Geluk siêu việt hơn đã cử hành các nghi thức thánh hóa trong năm ngày. Từ truyền thống Ngagyur Nyingma, nhiều vị viện trưởng, Tulku và đạo sư tâm linh đã cử hành các nghi thức thánh hóa trong sáu ngày.

Những lợi lạc của sự thánh hóa được tìm thấy trong các Mật điển:

Một Mật điển tuyên bố rằng:

‘Bất cứ nơi nào mà những đại diện này được tìm thấy,

Các đoàn tùy tùng và sự giàu có sẽ vân tập như mây,

Nam tử và dòng dõi gia đình sẽ tăng trưởng lớn lao,

Danh tiếng và tên tuổi sẽ mở rộng khắp hư không,

Sự tập trung và định Samadhi sẽ phát triển,

Và khả năng làm lợi lạc chúng sinh một cách lớn lao sẽ đạt được.

Hành động của người ta sẽ sánh ngang với chư Thiện Thệ’.

Thiết lập một kết nối với việc xây dựng một đại diện đặc biệt như thế thông qua bất kỳ điều gì trong ba cửa sẽ đem đến những lợi lạc vĩ đại. Như Kinh Nghiệp Phân Biệt[30] tuyên bố:

Đức Phật nói với vị Bà-la-môn trẻ Daraka: “Có mười tám lợi lạc trong việc xây dựng một bảo tháp của Như Lai. Mười tám điều này gồm: tái sinh trong hoàng gia, có thân thể khỏe mạnh, đẹp đẽ và ưa nhìn, ổn định, được nghe thấy khắp mười phương, nói thành văn xuôi và thơ theo cách thức tạo ra sự thích thú lớn lao, thọ nhận những cúng dường từ chư thiên và con người, sở hữu của cải to lớn, nhanh chóng và hoàn toàn vượt khỏi tất cả khổ đau v.v. Đây là mười tám lợi lạc của việc xây dựng các bảo tháp của Như Lai.

Kinh Đại Bi Bạch Liên Hoa[31] nói rằng:

‘Về phía Bắc, trong thành phố Taksasila, sẽ xuất hiện một vị chủ hộ tên là Jatanika. Ông ấy sẽ dâng cúng dường lên thân thể của Ta và chư Thanh Văn và xây dựng một sự hỗ trợ chứa đựng các đối tượng linh thiêng[32]. Một nghìn kiếp về sau, vào thời kỳ Bhadrankara, trong một thế giới được sắp xếp hoàn hảo, ông ấy sẽ trở thành Phật Samantavabhasa’.

Bất kỳ ai tiếp cận một bảo tháp của chư Như Lai với lòng sùng mộ và nhận thức thanh tịnh, đỉnh lễ và dâng cúng dường, và đi nhiễu, trong đời này, sẽ có cuộc đời trường thọ và như một vị thí chủ, sẽ ổn định trong sự cai quản chính trị. Rốt ráo, vị ấy sẽ thoát khỏi khổ đau [và ở] trong cõi Tịnh độ Cực Lạc Sukhavati vô song. Điều này được tuyên bố trong Kinh Ba Tư Nặc Khuyến Thỉnh[33]:

‘Hãy cúng dường bất cứ thứ gì đáng ao ước hay trong khả năng

Lên một bảo tháp của chư Như Lai.

Những vị dâng các cúng phẩm thích hợp sẽ thoát khỏi lỗi lầm,

Họ sẽ đạt được giác ngộ vô song, vượt khỏi mọi khổ đau’.

Kinh văn cũng nói rằng[34]:

Xá Lợi Phất, vị với trí tuệ vĩ đại,

Đã hỏi Thế Tôn như sau:

“Xin cho con biết

Kết quả của việc đi nhiễu

Quanh những bảo tháp

Hỡi đấng dẫn dắt vĩ đại của thế giới thù thắng!”

Đấng Giác Ngộ Viên Mãn, thù thắng nhất trong tất thảy,

Thế Tôn, đáp rằng:

“Ta sẽ chỉ ra một vài phẩm tính

Đạt được bởi bất kỳ ai đi nhiễu quanh một bảo tháp.

Bằng cách đi nhiễu quanh một bảo tháp,

Con sẽ trở nên xinh đẹp và ưa nhìn,

Con sẽ có vẻ ngoài cao quý và khơi dậy niềm hoan hỷ trong tất cả những ai thấy con,

Con sẽ có và tận hưởng số lượng lớn của cải và lạc thú.

Bằng cách đi nhiễu quanh một bảo tháp,

Con sẽ trở thành một vị chủ hộ vĩ đại, sinh ra trong dòng dõi cao quý,

Con sẽ giàu có và sở hữu nhiều tài nguyên,

Con sẽ có nhiều của cải và ngũ cốc.

Bằng cách đi nhiễu quanh một bảo tháp,

Con sẽ đạt được những kết quả của Tứ Diệu Đế,

Các khả năng và sức mạnh,

Và các nhánh của giác ngộ.

Như những bản văn này chỉ ra, xây dựng một bảo tháp lưu giữ xá lợi của chư Như Lai trong tâm và phát khởi sự kính trọng đem đến tất cả các phẩm tính hoàn hảo, cả tạm thời và rốt ráo. Đích thân Bậc Thầy Toàn Tri đã tuyên thuyết không chỉ một lần mà lặp đi lặp lại. Một sự hỗ trợ thù thắng như vậy, với mọi đối tượng linh thiêng mà nó chứa đựng, được xây dựng theo cách thức xuất sắc, kết hợp trong một đại diện tập hội mọi điều tuyệt diệu trong cả luân hồi và Niết bàn. Như thế, nó chiếu tỏa như một sự chữa lành cần thiết, đem đến lợi lạc và hạnh phúc cho giáo lý và chúng sinh.

Điều này được viết bởi kẻ đầu óc hoang dại Rigdzin Pema Tenzin Dorje, người mang danh hiệu là vị tái sinh của Tu viện Sang-Ngak Dargye ở Marsho, Gonjo vào ngày 27 tháng 10 năm 2017. Cầu mong nó đem lại thiện lành và hoàn hảo!

Drupchen Dorje chuyển dịch Tạng-Anh năm 2019; Stefan Mang và Peter Woods hiệu đính.

Nguồn Anh ngữ: https://www.lotsawahouse.org/tibetan-masters/tulku-rigdzin-pema/boudha-stupa-karchak.

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ.

[1] Jarung Kashor là tên gọi Tây Tạng được sử dụng phổ biến nhất cho bảo tháp Boudha nổi tiếng ở [thủ đô] Kathmandu, Nepal. Về nguồn gốc của tên gọi cũng như lịch sử của bảo tháp này, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a29266/giai-thoat-nho-lang-nghe.

[2] Tulku Rigdzin Pema Rinpoche – sinh năm 1948 ở Gojo, một quận thuộc Kham, miền Đông Tây Tạng. Lên 3 tuổi, Ngài được Đức Adzom Gyalse Gyurme (1859-1969) công nhận là vị tái sinh của Togden Sonam Wangchuk Rinpoche, một hóa thân của đại thành tựu giả Puni xứ Ấn Độ. Sự công nhận này xảy ra theo các chỉ dẫn được cố đạo sư Sonam Wangchuk Rinpoche để lại, liên quan đến hóa thân tiếp theo của Ngài.

Sau lễ tấn phong tại Tu viện Sangak Dargyeling ở Kham, Ngài nghiên cứu Kinh điển, Mật điển và triết học với nhiều Khenpo khác nhau. Chư đạo sư chính yếu của Ngài là Rago Choktrul, Dilgo Khyentse Rinpoche và Penor Rinpoche; từ những vị này, Ngài thọ nhận mọi quán đỉnh và trao truyền Kim Cương thừa.

Kể từ khi trốn khỏi Tây Tạng vào đầu thập niên 80, Ngài chủ yếu sống với Dilgo Khyentse Rinpoche tại Tu viện Shechen ở Nepal, nơi Ngài đóng vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị và gia trì tất cả tôn tượng. Ngài là một chuyên gia về xây dựng bảo tháp, hoàn thành việc trì tụng Mật chú quan trọng nhất và chịu trách nhiệm cho việc hoàn thành một số lượng lớn Bảo tháp ở châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ.

[3] Đó là Mật điển Bổ sung (rgyud phyi ma) cho Guhyasamaja (gsang ba ‘dus pa).

[4] Thanh Tịnh Vô Cấu Quang Đà-ra-ni (raśmivimalaviśuddhaprabhādhāraṇī‘od zer dri ma med pa rnam par dag pa’i gzungs).

[5] Trì tụng các thần chú cuối cùng sẽ biến thân bình phàm của một hành giả thành xá lợi và vì thế, một đối tượng tôn kính.

[6] Thánh Diệu Pháp Môn (adbhūtadharmaparyāyarmad du byung ba’i chos kyi rnam grangs).

[7] Nhập Lưu là quả vị đầu tiên trong bốn quả vị của con đường Tiểu thừa. Những vị Nhập Lưu đã đạt được sự chứng ngộ của mười sáu phần (vô thường và v.v.) của Tứ Diệu Đế và sau đấy, chư vị tiếp tục trên con đường.

[8] Năm kiểu xá lợi (ring bsrel rnam lnga), như được giải thích sau đó bởi Tulku Rigdzin Pema, gồm: (1) Pháp thân, (2) Giáo Pháp, (3) thân thể, (4) y áo và (5) kích cỡ hạt mù tạc.

[9] Kim Cương Thượng Sư (Vajracaryardo rje slob dpon) – một đạo sư Kim Cương thừa đầy đủ phẩm tính, người có thẩm quyền tâm linh, được phép trao truyền các giáo lý Kim Cương thừa cùng những thực hành liên quan và có khả năng dẫn dắt các thực hành như vậy trong một tập hội nhóm.

[10] Mười đặc tính này khác nhau tùy theo các Mật điển. Theo Mật Điển Ngọc Báu Chói Ngời (Ratnajvālatantrarin chen ‘bar ba’i rgyud), chúng gồm: (1) chày kim cương, (2) chuông, (3) trí tuệ, (4) Bổn tôn, (5) Mandala, (6) hỏa tịnh, (7) Mật chú, (8) bột màu, (9) đồ cúng (Torma) và (10) ban các quán đỉnh.

[11] Đó là một vị thầy sở hữu cả kiến thức Giáo Pháp của kinh văn và chứng ngộ.

[12] Hai Mật Điển Vô Cấu (dri med rnam gnyis) là hai Mật điển Kriya liên quan đến việc xây dựng các bảo tháp. Chúng chính là Thanh Tịnh Vô Cấu Quang Đà-ra-ni và Vimalosnisa Đà-ra-ni.

[13] Bảo Tháp Tôn Thắng (rnam rgyal mchod rten).

[14] Phần phình ra của bảo tháp.

[15] Lanja là kiểu chữ linh thiêng cổ xưa để viết Phạn ngữ, đặc biệt là các đà-ra-ni.

[16] Tsatsa là một bức tượng nhỏ của Bổn tôn hay bảo tháp, thường được làm từ đất sét bằng một cái khuôn.

[17] Các học giả Tây Tạng phân loại thành năm bộ đà-ra-ni, thứ được yểm vào như là xá lợi. Tổ Jamgon Kongtrul (1813-1899) giải thích rằng một kiểu của mỗi đà-ra-ni trong năm đà-ra-ni này cần phải được yểm vào trong mỗi bảo tháp cùng với Thanh Tịnh Vô Cấu Quang Kinh. Chúng gồm: (1) Uṣṇīṣavijayā, (2) Vimaloṣṇīṣa, (3) Guhyadhātu, (4) Bodhigarbhālaṃkāralakṣa và (5) Pratītyasamutpādahṛdaya (Tinh Túy Duyên Khởi).

[18] Về Mipham Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a32261/tieu-su-duc-mipham-jamyang-namgyal-gyatso-1846-1912-.

[19] Về Tổ Jamyang Khyentse Wangpo, tham khảo https://thuvienhoasen.org/p38a30571/cuoc-doi-duc-jamyang-khyentse-wangpo.

[20] Pema Lingpa (1450-1521) là một Terton quan trọng từ Bhutan, được liệt kê là vị thứ tư trong năm vị Khai Mật Tạng Vương. Ngài được xem là vị cuối cùng trong năm hóa thân của công chúa Pema Sal. Theo Nyoshul Khen Rinpoche, “vị đầu tiên [trong các hóa thân của Tôn giả Longchenpa] là Rigdzin Pema Lingpa, […] một sự thật được ngầm nhắc đến trong Vô Cấu Quang, chúc thư cuối cùng của Tôn giả Longchenpa.

[21] Zikhyim (zi khyim) là một từ mượn từ tiếng Trung; nó cũng được gọi là ‘li’ trong Tạng ngữ. Zikhyim hầu như liên quan đến một hợp kim đặc biệt, thứ bao gồm bảy kim loại hoặc nhiều hơn để đúc tượng, chuông và các Pháp khí quý báu khác. Nó cũng có thể liên quan đến loại đồng tự nhiên từ trái đất. Cả hợp kim và đồng tự nhiên này đều được xem là rất quý và vì thế, các Pháp khí làm từ Zikhyim thường không được mạ.

[22] Về Kyabje Trulshik Rinpoche, tham khảo https://thuvienhoasen.org/a25961/kyabje-trulshik-rinpoche-1924-2011-.

[23] Tam Tôn Trường Thọ gồm Vô Lượng Thọ, Bạch Độ Mẫu và Phật Đỉnh Tôn Thắng.

[24] Kangyur nghĩa đen là ‘những lời được chuyển dịch của Đức Phật. Đó là một tuyển tập những lời dạy của chính Đức Phật trong phiên bản Tạng ngữ.

[25] Tengyur – những bộ luận về các giáo lý của Đức Phật.

[26] Kho Tàng Pháp Giới (chos dbyings mdzod); một bộ Sử Thi Năm Chương (bka’ thang sde lnga); Sự Liên Tục Tự Xuất Hiện, cuốn cẩm nang chỉ dẫn Dzogchen được rút ra như một kho tàng bởi Tổ Pema Lingpa (padma gling pa’i gter ma dzogs chen khri yig rgyud rang shar); và cuốn cẩm nang chỉ dẫn Namcho – Phật Quả Trong Lòng Bàn Tay (gnam chos khrid yig sangs rgyas lag ‘chang).

[27] Thangtong Gyalpo hay Tsondru Zangpo (1385-1509) là một thành tựu giả Tây Tạng nổi tiếng, người du hành rộng khắp ở Trung Hoa, Tây Tạng và các quốc gia phương Đông khác, xây dựng vô số chùa chiền và làm cầu sắt, thành lập các Tu viện ở Derge và nơi khác.

Ngài được cho là một hóa hiện về tâm của Guru Rinpoche, cũng như một hóa thân của Tổ Dolpopa Sherab Gyaltsen.

[28] Cũng được biết đến là thần chú Kim Cương Thượng Sư, thần chú của Guru Rinpoche.

[29] Trích dẫn này đến từ Một Phần Thực Hành Mật Điển Tối Cao Tịnh Hóa Vận Mệnh Xấu Ác (sarvadurgati­pariśodhanatejorājasya kalpaikadeśaḥngan song yongs su sbyong ba rgyal po’i brtag pa phyogs gcig pa).

[30] Nghiệp Phân Biệt (karmavibhaṅgalas rnam ‘byed).

[31] Đại Bi Bạch Liên Hoa (mahākaruṇāpuṇḍarīkasūtrasnying rje chen po pad+ma dkar po’i mdo).

[32] Điều này cung cấp một sự chú giải về từ mchod rten trong Tạng ngữ để chỉ bảo tháp. Nghĩa đen, đó là một sự hỗ trợ (rten) để cúng dường (mchod).

[33] Cũng được biết đến là Ba Tư Nặc Kệ (prasenajidgāthāgsal rgyal gyi tshigs bcad).

[34] Nhiễu Hành Kệ (caityapradakṣiṇagāthāmchod rten bskor ba’i tshigs bcad).