Nghệ thuật kiến trúc Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên

Kiến trúc Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên là sự thể hiện hợp nhất của vũ trụ bên ngoài với Thân giác ngộ của Đức Phật. Đây là ngôi bảo tháp đầu tiên ở nước ta được kiến lập theo kiến trúc Kim cương thừa của Phật giáo.

Cùng với Thiền tông và Tịnh độ, Kim cương thừa là một trong những pháp môn chính của Phật giáo Việt Nam. Theo các sử liệu khảo cổ, vùng Tây Thiên – Tam Đảo từng lưu dấu ấn Kim cương thừa từ xa xưa. Ngày nay, nơi đây là một trụ sứ Kim cương thừa trứ danh, nhiều lần đón nhận sự hướng đạo gia trì của Đức Pháp Vương cùng Thượng sư Truyền thừa Drukpa Ấn Độ.

Năm 2011, Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên được khởi công xây dựng tại Khu danh thắng Tây Thiên, xã Đại Đình (Tam Đảo). Đích thân Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa – người đứng đầu dòng Truyền thừa Drukpa, một trường phái mới của Phật giáo Tây Tạng đã trực tiếp lựa chọn vị trí, thiết kế và yểm tâm gia trì ngôi Đại bảo tháp.

Sư ni Thích Viên Đức, Ủy viên Ban Quản trị Sơn môn Tịnh thất Tây Thiên cho biết, Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên có chiều cao 37 m, được xây trên diện tích 1.500 m2. Bảo tháp được thiết kế và xây dựng phỏng theo mô hình Mandala thể hiện năm loại trí tuệ của Phật (Ngũ Trí Phật) qua hình tượng 5 tháp.

Tháp trung tâm hình vòm và 4 tháp nghìn Phật theo kiến trúc Bồ đề Đạo tràng, xung quanh là 16 Bồ tát cúng dường. Kiến trúc tổng thể của bảo tháp là sự hội tụ của mười phương chư Phật và cảnh giới Tịnh độ theo mô thức vũ trụ Mandala như mô tả trong Kinh thừa và Mật thừa.

Bên trong tháp, nền của kiến trúc Mandala Tây Thiên khắc họa bốn vòng tròn đồng tâm với bốn màu: Đỏ, xanh dương, xanh lá cây và vàng tượng trưng cho bốn đại: Địa, thủy, hỏa, phong. Chính giữa vòng tròn trên cùng là một tòa bảo điện hình vuông 4 tầng, càng lên cao càng thu nhỏ dần, tiêu biểu cho Thân – Khẩu – Ý và Trí giác ngộ.

Cột trụ chính ở trung tâm bảo tháp còn được gọi là cây đời sống, tượng trưng cho cột sống của Đức Phật và trục của vũ trụ. Sở dĩ được gọi là cây cột sống hay cây bồ đề là để mô tả tiến trình tu tập, giác ngộ từ khởi đầu đến khi trở thành cây Phật hoàn hảo, viên mãn.

Khuôn viên chính của bảo tháp được chia thành 3 phần: Phần chân đế, phần vòm, phần hộp vuông tương ứng với thân Phật. Xung quanh mái vòm bên ngoài là 8 bảo điện nhỏ thờ Tứ Trí Phật và bốn Phật Ba La Mật.

Ở 4 phương phụ bên ngoài an trí 4 tòa bảo tháp nghìn Phật. Mỗi tòa tháp bao gồm một tòa chính ở giữa và một tòa phụ xung quanh. Tòa chính giữa khắc họa 1 nghìn Phật Bản tôn… Bên trong bảo tháp, các bài trí không gian, màu sắc, độ tương phản sáng tối… hình thành nên bầu không khí linh thiêng của tâm giác ngộ.

Theo sư ni Thích Viên Đức, Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên không chỉ được kiến lập theo Mandala Ngũ Trí Phật mà còn là sự kết hợp của nhiều thể loại Mandala như: Đại Mandala, Mandala Tam Muội, Mandala Công hạnh, Ngữ Mandala được thể hiện trên hệ thống tranh bích họa.

Ví dụ, tám hướng Phật thành đạo được sơn vẽ trong tum của bảo tháp, cây Quy y truyền thừa nơi vân tập hơn 200 pho tượng Phật. Xung quanh cây Quy y là các cột rồng cầm các pháp khí tương ứng với các phương khác nhau.

Tại ngôi Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên, nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Kim cương thừa được thể hiện sống động, trực quan, biểu đạt nghệ thuật tâm linh sâu sắc. Kiến trúc bảo tháp có sự đối xứng về không gian, an trí chư Phật, Bồ Tát theo phương vị, tạo nên cảnh giới Tịnh độ Mandala, giúp tâm giác ngộ và trở nên thanh tịnh, một lòng hướng về Phật pháp.

Bạch Nga

Nguồn: Nghệ thuật kiến trúc Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên