Thánh tăng A Nan và Đức Ông Cấp Cô Độc

Tác phẩm và hình tượng nghệ thuật tôn giáo có thể biểu hiện một phần nào đó đời sống tâm linh và tôn giáo của một dân tộc, cũng như phản ảnh sự chuyển dạng từ một nền văn minh này qua một nền văn minh khác.

Khi nghiên cứu về hình tượng nghệ thuật văn hóa dân tộc, chúng ta có thể nhận thấy hình ảnh hai vị Thánh cổ truyền của Phật giáo Ấn đã được chuyển hóa để trở thành hai vị Thánh linh thiêng trong truyền thống Phật giáo Việt Nam. Ở nước ta, nhất là tại miền Bắc, hai vị Thánh này là biểu tượng cho hai thực tại của con người: sinh và tử, sự sống và cõi chết.

Bài nghiên cứu dưới đây vốn viết bằng tiếng Anh cho các độc giả Tây phương, và các độc giả nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật Á châu, đăng trong tạp chí Arts of Asia (Nghệ thuật châu Á), xuất bản ở Hồng Kông. Bài tiếng Việt sau do chính tác giả lược dịch và viết lại để giới thiệu với độc giả trong nước. Tác giả, một tu sĩ Phật giáo, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Berkeley và hiện là Giáo sư Mỹ thuật tại một số đại học tại Hoa Kỳ, với hy vọng cùng đóng góp cho việc nghiên cứu về mỹ thuật Phật giáo Việt Nam, từ Mỹ tác giả đã gửi bài cộng tác về cho VHPG. VHPG hân hạnh giới thiệu cùng độc giả.

Ngài Cấp Cô Độc, theo như kinh điển và văn chương Phật giáo, là vị Thánh “bảo hộ trẻ thơ và là người bạn tốt cho những kẻ nghèo nàn cô thế”, và là một vị đệ tử tại gia nổi tiếng của Đức Phật. Khi du nhập vào Việt Nam Trưởng giả Cấp Cô Độc đã trở thành Đức Ông, vị Thánh bảo vệ trẻ thơ khó nuôi dưỡng, và được tôn thờ như vị thần hộ mạng trẻ em trên cõi thế. Ngài A-nan, vị thị giả của Phật, đã trở thành kẻ cứu độ cho các oan hồn, các cô hồn và các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn và được tôn thờ như một vị Thánh tăng độ kẻ ở cõi âm.

So với các quốc gia khác ở Á châu, vấn đề nghiên cứu lịch sử phát triển mỹ thuật ở Việt Nam còn rất mới, nhất là lãnh vực Phật giáo. Một số học giả về ngành phê bình lý luận lịch sử mỹ thuật thì không rành về Phật học. Trong khi các nhà nghiên cứu Phật học thì ít ai để tâm nghiên cứu ngành lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam. Trong quá khứ, một số học giả rất chú tâm nghiên cứu về văn hóa trống đồng Đông Sơn, đồ gốm Việt Nam, vẽ tranh đương đại và về y phục của các dân tộc thiểu số. Gần đây, một số học giả Tây phương viết về một số hình tượng điêu khắc gỗ dựa trên hình ảnh và tài liệu của một vài chuyến nghiên cứu điền dã ở Việt Nam hoặc dựa trên một số tượng gỗ sưu tập gần đây ở nước ngoài. Hầu hết các pho tượng này bị đánh cắp từ các chùa ở miền Bắc Việt Nam, bán lậu ra nước ngoài và hiện nay được sưu tập hoặc trưng bày ở các sưu tập nghệ thuật tư nhân hoặc các viện bảo tàng nghệ thuật ở phương Tây. Hình tượng ngài A-nan và ngài Cấp Cô Độc được nghiên cứu và minh họa trong bài hiện đang thờ tại các chùa ở miền Bắc. Tác giả bài này có được sự may mắn và nhiều thuận duyên nghiên cứu và chụp ảnh các tượng của hai vị Thánh này tại các chùa. Các hình ảnh này chỉ là một phần nhỏ trong bộ sưu tầm và nghiên cứu hình tượng tín ngưỡng được tôn trí trong bối cảnh văn hóa và tôn giáo tại địa phương chứ không phải qua các pho tượng được trình bày tại các viện bảo tàng hoặc qua sách vở.

Các hình tượng đề cập trong bài nghiên cứu này có niên đại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX. Nói chung, rất khó để có thể đánh giá niên đại tuyệt đối cho các pho tượng được minh họa trong bài viết này. Tuy vậy, dựa trên nội dung và niên đại các văn bia dựng ở các chùa nói về các công trình kiến trúc và trùng tu, chúng ta có thể phỏng đoán một niên đại tương đối cụ thể về các pho tượng này.

Bài viết bao gồm năm phần. Phần một đề cập tới bối cảnh lịch sử đã đưa đến sự hình thành và phát triển về tín ngưỡng của hai vị Thánh này trong không gian thờ tự tại các chùa Phật giáo Việt ở miền Bắc. Phần hai và phần ba phân tích tổng quát về hai phong cách nghệ thuật qua một số tượng do tác giả nghiên cứu và chụp hình ở các chùa ở miền Bắc được đề cập đến trong bài. Phần hai phân tích về phong cách lý tưởng (idealist style) qua các pho tượng thổ phủ sơn ở chùa Mía, Sơn Tây và chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh. Hai chùa này đều xây vào đầu thế kỷ XVII, do sự tài trợ của vua Lê chúa Trịnh và hoàng thân quốc thích cũng như các vị cung phi. Phần ba phân tích các tượng bằng gỗ phủ sơn được tạo hình trong phong cách nghệ thuật hiện thực (realistic/natural style). Các pho tượng thờ ở chùa Sùng An, Hải Dương, và ở Hoàng An, tại phường Quảng Bá, Hà Nội, là các thí dụ điển hình về phong cách hiện thực này. Khi bàn tới bộ tượng Thánh Tăng và Đức Ông, chúng ta cũng cân nhắc tới trường hợp đặc biệt ở chùa Thầy, Hà Tây nơi Đức Ông Cấp Cô Độc được thờ chung với Thái tử Kỳ Đà, và sẽ được đề cập tới trong một tiểu mục sau phần ba. Phần bốn bàn về những nguồn gốc đã ảnh hưởng đến sự tạo hình của hai bộ Thánh tượng này. Trước tiên là sự đóng góp của hai vị thiền sư nổi tiếng Trung Hoa là Chuyết Công và Minh Hành, hai vị sư cuối thời Minh đã đến hoằng pháp tại Việt Nam, và đã góp công trùng tu một vài ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc. Hai ngài đã mang theo các bản in về khoa cúng thí thực và đã làm sống lại truyền thống chẩn tế thí thực cô hồn. Kế đó, chúng ta so sánh giữa hình tượng của Đức Ông và hình tượng Quan Công để thấy được một vài nguyên nhân tại sao tượng của hai vị này tạc giống nhau. Khi bàn đến truyền thống nghệ thuật và tượng Thánh Tăng và Đức Ông thờ ở chùa, chúng ta cũng cần đề cập đến các kinh điển quan trọng liên quan đến nghi lễ chấn tế thí thực, và nội dung các nghi thức này. Do vậy, phần cuối của bài viết sẽ bàn tới câu chuyện ngài A-nan gặp quỷ đói, và xuất xứ của hai vị thị giả hầu hai bên. Trong phần này chúng ta cũng đề cập một cách ngắn gọn nghi thức cúng thí thực mỗi chiều ở các chùa, và ý nghĩa quan trọng của nó trong tác dụng về mặt tâm linh. Đoạn cuối của phần năm sẽ tóm tắt nghi lễ bán khoán con thơ cho Đức Ông ở chùa.

*          *          *

Khác hẳn với các chùa chiền và tự viện ở các nước Đông Á, tại miền Bắc nước ta ngài A-nan và ngài Cấp Cô Độc được tôn thờ như hai vị Thánh. Người miền Bắc thường tôn xưng ngài Cấp Cô Độc là Đức Ông, và thờ ngài như vị thần bảo hộ già lam và bảo vệ bình an cho trẻ em nhi đồng. Ngài Cấp Cô Độc là vị đệ tử tại gia nổi tiếng của Phật, đồng thời là một người hộ đạo mạnh mẽ khi ngài còn tại thế. Trưởng giả Cấp Cô Độc đã dùng tài sản của mình mua khu vườn thượng uyển của Thái Tử Kỳ Đà để xây dựng Tu Viện Kỳ Hoàn tại thành Vương Xá cho Đức Phật Thích Ca và Tăng đoàn của ngài. Tên thật của ông là Tu Đạt (Sudatta), nhưng vì ông hay giúp đỡ bố thí cho kẻ nghèo nàn, kẻ khốn cùng, và trẻ mồ côi, nên ông được quần chúng quý mến và tôn xưng là Trưởng giả Cấp Cô Độc. Trong cộng đồng Tăng lữ, ông nổi tiếng là người ủng hộ đức Thế Tôn hết lòng về mặt của cải vật chất, và là người cố công xây dựng và bảo trợ Tu Viện Kỳ Hoàn. Do vậy, trong quá trình lịch sử phát triển Phật giáo, ông Cấp Cô Độc được tôn thờ là vị thần ủng hộ già lam (già lam có nghĩa là chùa chiền), và là một cư sĩ lý tưởng và gương mẫu cho hàng Phật tử tại gia. Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam tại miền Bắc, các bậc cha mẹ thường đến chùa lễ bái và cầu nguyện với Đức Ông như vị thần bảo vệ an lành, khỏe mạnh cho các trẻ thơ. Các bậc phụ huynh tin rằng ngài là một Phật tử tại gia, có vợ con và tài sản nhà cửa nên ngài có thể hiểu một cách thấu đáo va thông cảm sự lo lắng và cầu mong của người đời. Xét chung, ngài Cấp Cô Độc là một vị cư sĩ duy nhất được thờ ở chùa. Nói một cách khác, ngài không phải là Phật, là Bồ-tát, hoặc các đại đệ tử xuất gia của Phật, như chúng ta thấy các tượng thờ trong Phật điện. Điểm đặc biệt khác là các khách thập phương, tín chủ, ngay cả Phật tử thuần thành và tín tâm nhất cũng cảm thấy rất gần gũi và thân thiết với ngài, và nhiều người khi đến chùa lễ bái lại dâng cúng cả rượu bia, thuốc lá thơm và đồ mặn trên bàn thờ ngài.

Các chùa Việt Nam, đặc biệt là các chùa ở miền Bắc, ngài A-nan được thờ với ba chức năng. Thứ nhất, ngài được kính ngưỡng là vị thị giả của Phật, đồng thời là vị Tổ sư thứ hai trong Thiền tông. Về chức năng thứ nhất này, ngài được mô tả như một vị Tăng trẻ tướng hảo quang minh, diện mạo trang nghiêm, và được thờ tại Phật điện, đứng phía bên phải Đức Phật. Đối diện bên kia là ngài Ma-ha Ca-diếp, vị Tổ thứ nhất của Thiền tông Ấn Độ. Ngài Ca-diếp được mô tả như một vị lão tăng, mặt mày khắc khổ phản ảnh hạnh tu đầu đà của ngài. Hai hình ảnh này tương phản và hỗ trợ nhau, một già một trẻ, môt tu theo lối khổ hạnh, một tu theo kiểu tri thức thích được nghe nhiều hiểu rộng, ưa chuộng đa văn. Tượng của hai vị đại đệ tử và là hai vị tổ Thiền tông đầu tiên này được thờ ở một số chùa lớn ở miền Bắc như chùa Quán Sứ, chùa Bà Đá, chùa Kim Liên ở Hà Nội, chùa Tây Phương ở Hà Tây. Về chức năng thứ hai, ngài được thờ như một vị có đức lớn lao đối với Ni giới và chỉ thờ trong các chùa Ni. Trong truyền thống Ni giới, các vị Tỳ kheo ni nhớ công ơn ngài A-nan có lòng cầu khẩn với Đức Phật cho nữ giới được xuất gia, do vậy các bậc Ni trưởng đã lập tượng ngài thờ ở Tổ đường. Tuy vậy trường hợp này hơi hiếm, và thiếu phổ thông trên mặt các pho tượng của ngài thờ ở các chùa Ni. Tại Hà Nội chỉ có chùa Đức Viên gần chợ Hôm thờ ngài A-nan theo chức năng này, còn đa phần vẫn thờ Sơ tổ Thiền tông Trung Quốc là ngài Bồ-đề Đạt-ma ở Tổ đường. Về chức năng thứ ba, đồng thời một phần chính có liên quan đến bài nghiên cứu này, ngài A-nan được gọi là Thánh Tăng, và được thờ như vị Tăng gương mẫu cho đoàn thể xuất gia. Quan trọng nhất là ngài được kính trọng như vị Thánh Tăng siêu độ cô hồn, và là vị chủ sám trong nghi lễ thí thực. Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, ngài A-nan được thờ nhiều nhất tại các chùa ở miền Bắc về chức năng thứ ba này.

Xét trên phương diện lịch sử, hình tượng ngài A-nan và ngài Cấp Cô Độc được đề cập đầu tiên trong văn bia thời Mạc (1527-1592). Theo bia văn chùa Đại Bi tại tỉnh Hải Dương dựng vào năm 1592, tướng Nguyễn Văn Trạch cùng phu nhân Lê Thị Ngọc Toàn đã bỏ tiền của trùng tu chùa Đại Bi cho được trang nghiêm tráng lệ hơn xưa. Gia đình ông cũng đã cúng chín pho tượng Phật, bốn pho tượng Bồ-tát, tám pho tượng Kim Cương, mười tám pho La-hán, hai pho Hộ Pháp, ba pho Thánh Tăng cô hồn và bảy pho tượng gỗ trưởng giả. Ba pho Thánh Tăng cô hồn được ghi trong văn bia này có thể là tượng ngài A-nan và tượng Bà-la-môn và Tiêu Diện trong bộ tượng ba vị này. Còn các tượng trưởng giả đề cập trong văn bia có thể là Trưởng giả Cấp Cô Độc và hai vị thị giả.

Vào triều đại nhà Mạc, các vị vua và hoàng hậu, hoàng thái hậu, các vị công chúa, hoàng tử, và thân tộc nhà Mạc đã bỏ tiền của trùng tu các ngôi chùa đổ nát sau nhiều năm chiến tranh và đã có công đức kiến tạo thêm nhiều ngôi chùa mới. Theo các học giả và các nhà nghiên cứu Việt Nam, tiền được được dựng thêm trước Phật điện là một đặc thù của thời Mạc. Đây là một kiến trúc mới mà theo các học giả này, trước thời Mạc, chùa Việt Nam chưa có tiền đường. Khi tòa nhà tiền đường được xây thêm vào công trình kiến trúc mới, các vị sư tăng đã thờ thêm tượng các vị hộ pháp, thần già lam, 18 vị La-hán. Vào thời Lê Trịnh (1599-1788), chùa chiền cũng đươc mở rộng thêm có quy mô hơn. Các chúa Trịnh, cùng cung phi, phi tần, và các vị trong dòng tộc nhà chúa, cũng như các quan lại, thân hào và hương hào trong làng, tiếp tục trùng tu tự viện quy mô và tráng lệ hơn xưa.

Một điểm khá quan trọng cần nêu lên ở đây là Thánh Tăng A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc được thờ phổ thông ở các chùa miền Bắc, nhưng rất hiếm thấy thờ ở các chùa ở miền Trung và miền Nam. Điểm này phản ảnh nguyên nhân chính trị vào thế kỷ XVII và XVIII khi đất nước Việt Nam chia cách làm hai miền. Đàng Ngoài dưới sự thống trị của chúa Trịnh trên danh nghĩa phò Lê, diệt Nguyễn. Tại Đàng Trong, chúa Nguyễn Hoàng đã lập nghiệp tại Thuận Hóa (ngày nay là tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên), đây vốn là đất cũ của Chiêm Thành. Dưới sự lãnh đạo của các chúa Nguyễn, các phần đất miền Trung và toàn bộ đất đai các tỉnh miền Nam vốn là đất của nước Chiêm Thành và Cam-bốt dần dần bị các vua chúa nhà Nguyễn xâm chiếm và biến thành đất nước Việt ngày nay. Theo các tư liệu văn bia, các công trình khảo cứu, cũng như tư liệu khảo cổ về kiến trúc chùa chiền, chúng ta biết rằng ngài Thánh Tăng A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc được bắt đầu thờ vào bán thế kỷ XVI và thịnh hành nhất vào thế kỷ XVII và XVIII. Đây là thời điểm Trịnh Nguyễn phân tranh, chúa Trịnh trị vì miền Bắc, chúa Nguyễn cai trị miền Nam. Cũng cần nhắc rằng khi quan sát hệ thống thờ tự tại các chùa ở miền Trung và miền Nam, chúng ta thấy rằng đại đa số các chùa thờ ngài Tiêu Diện đại sĩ, và vị thần Hộ Pháp Vi Đà ở tiền đường, chứ không phải ngài A-nan và Cấp Cô Độc.

Trong cách bài trí tôn tượng ở các chùa miền Bắc, ta thấy tượng thánh A-nan và tượng Đức Ông Cấp Cô Độc được đặt bên phải và bên trái của tòa tiền đường. Bàn thờ ngài A-nan thường thường đặt phía bên trái (phía Tây), còn bàn thờ của ngài Cấp Cô Độc đặt phía bên phải (phía Đông) của tiền đường. Cách bài trí, phong cách nghệ thuật, niên đại và vật liệu tạo tượng của hai vị này luôn luôn tương xứng nhau. Thí dụ, nếu tượng ngài A-nan có quỷ Tiêu Diện và vị Bà-la-môn làm thị giả hầu hai bên, thì tượng ngài Cấp Cô Độc ở bệ thờ bên kia cũng có hai vị quan văn và quan võ đứng hầu. Nếu bàn thờ bên trái chỉ tôn trí tượng Thánh Tăng A-nan không có thị giả, thì bàn thờ bên phải cũng tôn trí tượng ngài Cấp Cô Độc, rất tương xứng với bàn thờ bên kia. Cách bài trí này theo một quy luật thống nhất tại các chùa ở miền Bắc. Riêng tại chùa Thầy ở Sài Sơn, Hà Tây, ngài Cấp Cô Độc cùng thờ chung với Thái tử Kỳ Đà phía bên phải nhà tiền đường. Tại đây chúng ta không thấy có án thờ ngài Thánh Tăng A-nan (hình 16), có thể ngài Từ Đạo Hạnh, vị Thánh tổ của chùa, là vị Thánh Tăng thờ ở đây. Chúng ta sẽ bàn tới vấn đề này ở cuối phần tư của bài.

Lý do tại sao tượng của hai vị này được tôn trí tại tòa tiền đường cần được giải thích. Đứng trên phương diện lịch sử mà bàn, một số học giả Việt Nam như giáo sư Hà Văn Tấn, Chu Quang Trứ, Đinh Khắc Thuân và TRần Lâm Biên nhận định rằng tòa nhà tiền đường được dựng thêm vào toàn bộ kiến trúc của tự viện tại miền Bắc Việt Nam vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Các vị hộ thần như hai vị Hộ Pháp, Thánh Tăng A-nan, trưởng giả Cấp Cô Độc, thần Thổ Địa, Thập điện minh vương, Tứ thiên vương, tám vị thần Kim Cương, 18 vị La Hán, v.v…được đưa vào thờ ở tòa kiến trúc mới này. Đứng trên phương diện tâm linh mà bàn, chúng ta thấy rằng ở các chùa thường cúng cháo thí thực cô hồn vào buổi chiều. Trong phần nghi lễ cúng thí thực, có một đoạn vị chủ lễ phải rời bàn Phật và tới tụng kinh và cúng cháo trước bàn thờ Thánh Tăng A-nan. Theo kinh điển Phật giáo, các cô hồn quỷ đói còn mang nhiều nghiệp xấu ác tạo từ kiếp trước và khi đầu thai làm ngạ quỷ bị quả báo ác nên sinh ra thân thể xấu xa ghê tởm, bụng to miệng nhỏ. Do vậy, khi các chùa cúng thí thực vào mỗi buổi chiều, các loài quỷ đói khát khổ sở này chỉ có thể đến bàn thờ ngài A-nan để nghe kinh, nhận thức ăn và nước uống, và không được đi vào điện Phật nơi thờ các vị Phật và Bồ-tát. Kinh điển cho rằng hai vị Hộ Pháp đứng thờ hai bên không cho các cô hồn và quỷ đói vào chánh điện. Đứng trên khía cạnh thực tế mà bàn, chúng ta thấy bàn thờ Đức Ông được tôn trí ở tòa tiền đường bởi vì nhiều tín chủ của chùa thường đem rượu bia và các thức ăn mặn thành tâm dâng cúng trên bàn thờ ngài. Rượu bia và các thực phẩm lễ vật mặn thường thường bị nghiêm cấm trong các chùa Phật giáo Đại thừa, và những thứ lễ vật này tuyệt đối không được dâng lên điện Phật, hoặc cúng dường chư Tăng. Bởi những lý do này, bàn thờ Thánh Tăng A-nan và Đức Ông Cấp Cô Độc được đặt ở tòa tiền đường, chứ không phải trong Phật điện.

Quảng Chơn