Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ

Nói đến chùa Khmer là nói đến dân tộc Khmer, văn hóa Khmer; hai yếu tố trên có quan hệ mật thiết với nhau như cá với nước, như răng với môi… Vì vậy, trước khi nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer, ít nhất cũng phải biết sơ lược về cư dân và đời sống sinh hoạt của người Khmer Nam bộ.

Cư dân và đời sống sinh hoạt

Người Khmer Nam bộ có mặt sớm hơn các dân tộc khác trên mảnh đất Nam bộ, nơi phần đông diện tích là vùng nước ngập, đất phù sa bồi đắp quanh năm, có nhiều sông rạch, nhiều cây cối, thú rừng… do thiên nhiên ưu đãi. Để tồn tại và phát triển họ phải khai phá rừng, làm ruộng trồng lúa nước, làm rẫy, đóng bè hoặc ghe, xuồng đi săn bắn, chở hàng, làm phương tiện đi lại hàng ngày như hình ảnh chiếc ghe ngo còn tồn tại và trở thành môn thể thao đến hôm nay và sau này… Trong cuộc chinh phục thiên nhiên vì sinh tồn, mặc dù được thiên nhiên ưu đãi nhưng họ cũng gặp trở ngại bởi thú rừng, thiên tai. Những gì vượt quá khả năng họ phải nhờ đến đấng thiêng liêng, những vị thần linh, cầu trời phù hộ cho mưa thuận gió hòa, được mùa màng, cuộc sống được bình yên… Từ đó họ thờ các vị thần như: Trồng trọt thờ thần Nông; chăn nuôi, chặt đốn rừng thờ cúng thần rừng Mrinh Vel (Mục đồng), cầu mong cho phum sóc được yên vui họ thờ cúng Nắ – ta Phum Sróc (Thần đất đai thổ trạch), lên núi rừng họ thờ cúng thần Nắ – ta Phonum (Sơn thần)… Đời sống tinh thần, những nét văn hóa cư dân Khmer Nam bộ cũng bắt nguồn từ đó. Về sau, dân số đô thị ngày một đông, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động sản xuất cũng phát triển theo, việc giao lưu trao đổi hàng hóa với các nước vùng lân cận cũng được mở rông, trong đó có việc giao lưu với người Ấn Bà la môn giáo nên người Khmer cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa Bà la môn giáo, những văn hóa đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay như: Thờ Linga Yoni (Ngọc dương Sản môn), Brah Bưssnuka (Thần xây dựng), Krong Piali (Thần hoàn bổn cảnh) trong cưới gả, làm lễ hội…

Đến Phật lịch 218 (TK III trước Công nguyên), cũng theo con đường tơ lụa, từ cảng sông Hằng và một số cảng khác, người Ấn phật tử Theravada khi trên đường đi buôn bán, tìm kiếm khai thác mỏ vàng ở các núi đảo hay đất liền, vùng Suvannabhumi – Kim Biên Thành (vùng Đông Nam Á), họ thỉnh tượng Phật và chư tăng, theo đoàn buôn để ban phước lành, tránh những điều rủi ro. Thương nhân Ấn ghé vào cảng Ô Keo (nay thường gọi trại đi là Óc Eo) để trao đổi buôn bán, tìm kiếm khai thác mỏ vàng, vì vùng cảng này có nhiều vàng, ngọc và trao đổi buôn bán nên người Khmer gọi là cảng Ô Keo. Hai vị Thánh tăng Theravada là Sontthera và Uttara Thera làm trưởng đoàn truyền bá giáo pháp, dưới sự bảo trợ của vua Akosa (A Dục) cùng với sự hộ tăng của người Ấn thương gia và thợ mỏ. Quý Ngài cùng ghé truyền giáo pháp tại đây rồi truyền sâu tận Đồ Sơn – Hải Phòng… Khi có nhiều người giác ngộ Phật pháp, quý Ngài trở lại vùng Ô Keo những núi đảo nơi đặt chân đầu tiên truyền giáo pháp để gặp lại chư tăng, phật tử rồi mới trở về Ấn Độ, nên vùng này có một cái núi gọi là Bather. Sơ lược về cư dân và đời sống sinh hoạt người Khmer Nam bộ trên đây sẽ giúp cho ta có cơ sở tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Nam bộ, là một trong những văn hóa cùng tồn tại và phát triển chung với nền văn hóa Việt Nam, góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam thêm đa sắc màu.

Như chúng ta đã biết, người Khmer Nam bộ chịu ảnh hưởng chính của ba luồng văn hóa là: tôn giáo dân gian, Bà la môn giáo và Phật giáo. Ba nền văn hóa này là trụ dựa tinh thần, nó luôn luôn tồn tại, giao hòa với nhau như những dòng nước sông suối và chi phối đời sống tinh thần người Khmer Nam bộ. Vượt qua không gian và thời gian, cùng với đầu óc không ngừng sáng tạo, bàn tay khéo léo tài ba của nghệ nhân đã sản sinh ra một nền văn hóa đặc sắc đậm chất Khmer Nam bộ. Điều này ta sẽ thấy rõ trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Nam bộ.

Kiến trúc Aram hay Wat (Chùa)

Về Nam bộ, chúng ta thường thấy có rất nhiều Wat Khmer cùng tồn tại trong lòng phum sóc đồng bào Khmer, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây Nam bộ, thường thì cứ có từ 100 đến 120 ngôi chùa Khmer thì có một ngôi chùa uy nghi, trang nghiêm, lộng lẫy nhưng cũng rất thanh tịnh và yên lặng.

Đến vùng phum sóc Khmer, nhìn xa xa chúng ta sẽ thấy có một đền núi uy nghi, đồ sộ mọc cao vút lên trời, xen kẽ với cây cổ thụ sum suê giữa phum sóc, xung quanh là một ngôi chùa phật tử Khmer. Nó uy nghi, đồ sộ bởi những không gian kiến trúc rộng lớn và quy mô của các công trình được xếp đặt theo quy hoạch cụ thể. Ta tưởng như một tượng đài phòng thủ các thú dữ, thiên tai hay giặc ngoại xâm và cũng như đài chắn tên lửa để che chở tinh thần phật tử. Khi đến gần hoặc vào bên trong, chúng ta lần lượt tắm mình trong sự uy nghi, trang nghiêm và thanh tịnh của ngôi chùa, trước tiên là những cổng chùa, hàng rào lồi lõm nhưng rất tráng lệ bởi những bức phù điêu trang trí: có chùa là những chuyện diễn ra trong cuộc sống thường ngày, có chùa là túc sanh truyện kể về cuộc đời quá khứ của Đức Phật và cũng có chùa trang trí bằng hoa lá cây rừng… Hàng rào tuy che chở bảo toàn cũng như ngăn cách giữa đời với đạo, giữa người với trời, nhưng lại rất gần gũi như không hề tách biệt mà còn quyến rũ, sẵn sàng chuyên chở, cứu vãn tất cả chúng sanh, đưa đến cõi an lạc, bởi sự khéo tay trang trí của các nghệ nhân cùng với cổng chùa mở rộng lớn. Mỗi chùa thường thì có một hoặc hai cổng: cổng chính và cổng phụ. Tùy theo từng chùa, từng địa phương, có những cổng chùa có một ngọn tháp, có những cổng chùa có ba cổng tháp và cũng có cổng chùa lên đến năm ngọn tháp, điều này được hiểu như sau :

Đối với cổng chùa chỉ có một ngôi tháp hoặc lợp mái chùa nhiều lớp chồng lên nhau, hai bên thường có hai vị thần bảo hộ (Tuya Rắbal) hoặc con sư tử hay xuất hiện bước đầu thần rắn Naga trong truyền thuyết “Biển sữa nổi sóng” uốn lượn trên tường rào đầu ngóc lên trời, tất cả nhằm canh giữ những báu vật quý giá ở bên trong. Những ngôi tháp phía trên thường là hình búp sen hoặc hình chuông được cách điệu từ hình ảnh bát úp đặt trên bậc tam cấp tượng trưng cho tam cõi Đức Phật từng thọ sanh trong suốt bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp tạo duyên lành để thành đạo, là hình ảnh bình bát cuối cùng gắn chặt với thân thế và sự nghiệp 45 năm hoằng dương chánh pháp của đức Phật, nói lên tinh thần giản dị, cuộc sống đơn sơ của bậc toàn giác, đặt lợi ích chung, cứu độ chúng sanh là trên hết. Trên bát úp là cột trụ cao thẳng lên trời có gắn ba hoặc năm đĩa tròn tượng trưng cho Tam bảo hoặc năm vị Phật sẽ thành đạo trong kiếp trái đất này và trên cùng là cõi Niết bàn.

Đối với những chùa có ba ngôi tháp, phần dưới trang trí gần giống nhau, còn ba ngôi tháp tượng trưng cho Tam Bảo (Phật, Pháp Tăng), tháp giữa phải lớn hơn tượng trưng cho Đức Phật. Ba ngôi tháp là hình búp sen cách điệu, là những loài hoa gắn liền với Đức Bồ tát đản sanh trong Lâm-tỳ-ni ngày Rằm tháng Vesak (tháng Tư) năm Tuất, ngôi tháp chia thành cấp bởi những hoa lá trang trí sống động tượng trưng cho Bát chánh đạo và đỉnh cuối cùng là Niết bàn.

Đối với những chùa có điều kiện hơn, cổng chùa được làm bằng năm ngôi tháp hình búp sen, phần dưới cũng có trang trí gần giống nhau. Năm ngôi tháp liên kết với nhau bởi một ngôi tháp lớn ở chính giữa, cao hơn hẳn bốn tháp còn lại. Điều quan trọng là sự xuất hiện cổng năm ngọn tháp này được đồng hóa với núi Meru (núi Tudi) huyền thoại, nơi những vị thần thường an ngự theo học thuyết Bà la môn giáo. Đây cũng là ý tưởng chủ đạo trong lối kiến trúc đền núi mà ta thường gặp không chỉ đối với người Khmer mà còn ở một số dân tộc khác của vùng Đông Nam Á. Vươn xa hơn đó là ý tưởng truyền tải từ thế giới học Phật giáo, theo thuyết của Ngài ghi trong phần Kappakatha (sự hình thành và hủy diệt của trái đất), là một phần trong bộ Thanh tịnh đạo, năm ngọn tháp trượng trưng cho năm vị Phật sẽ thành đạo trong kiếp trái đất này, đỉnh cao nhất cũng là cõi Niết bàn.

Qua đó, chúng ta thấy rõ nghệ thuật kiến trúc tường rào, cổng chùa Khmer không chỉ đơn thuần trang trí cho đẹp bề ngoài, chú trọng một mặt công năng sử dụng mà nó còn kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên với con người, giữa đời với đạo và thế giới này với thế giới khác, đặc biệt là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa Bà la môn giáo với văn hóa Phật giáo. Cổng chùa luôn là một trong những tâm điểm thu hút sự quan tâm của mọi người, nó đã thể hiện khái quát nội dung bên trong với chủ đề chính là Tam Bảo, làm cho người ta phải thích thú tìm hiểu.

Qua khỏi cổng chùa, chúng ta có cảm giác như đã bước sang một thế giới khác. Đó là thế giới tâm linh, hoàn toàn khác hẳn với thế giới trần tục. Nó làm cho ta có cảm giác nhẹ nhõm, vơi đi những phiền não cực nhọc, những đua đòi tranh giành, bởi những vườn hoa khoe sắc, hàng cây xanh bóng mát, hài hòa với các công trình kiến trúc, tạo thành không khí thoáng mát trong lành. Cách trang trí những phù điêu, chạm khắc chìm nổi nhiều đề tài mà chủ đề chính là Tam bảo, đặc biệt là tiếng tụng kinh cao thấp, đôi lúc hài hòa với nhạc lễ (ngũ âm) cất lên giữa bầu không khí trong lành, làm cho hồn ta như bay bổng theo giọng kinh và điệu nhạc ngũ âm. Cách bố trí cây xanh, tạo vườn hoa một mặt là làm cho môi trường trong lành, mặt khác là lưu giữ lại cảnh xưa kia của đất Nam bộ cây cối hoang vu. Đặc biệt là sự tái hiện tinh thần gần gũi với thiên nhiên, cảnh quan kỷ niệm trong suốt 45 năm hoằng dương chánh pháp, mà quan trọng hơn hết là ba cảnh kỷ niệm của cuộc đời và thân thế của Đức Phật. Đó là cảnh Đản sanh ở giữa thành Ka-tỳ-la-vệ và thành Devadaha; cảnh trong rừng Lâm-tỳ-ni, dưới cây Sala (Vô ưu), Đức Phật thành đạo dưới cội cây bồ đề gần bờ sông Neranjarà (sông Niên) và cảnh Ngài nhập Niết bàn dưới cây Song long thọ (cây Sala). Đồng thời, tinh thần đó cũng đúng với từ người Khmer hay gọi là Wat – Arama (Chùa – Công viên, tức xem chùa như là công viên) hay như ghi trong Luật tạng: Aràma nghĩa là Công viên.

Những quần thể kiến trúc thường bố trí theo phương pháp ngũ điểm, vì người Khmer quan niệm những gì lớn nhất, trân trọng nhất phải được đặt ở trung tâm, chọn đó là công trình chính, làm chủ đạo, chi phối tất cả công trình còn lại, như nhà ba gian, gian giữa thờ ông bà, còn chùa thì có chánh điện. Điển hình, có hai cách bố trí mặt bằng tổng thể:

Một là, chánh điện nằm ở trục giữa hai bên đường thẳng vuông góc với nhau, nhưng lệch tâm hẳn về hướng Đông. Ở ba bên chánh điện là Đông, Bắc và Nam bố trí các tháp thờ cốt của những người quá cố. Ở góc hướng Đông – Bắc của nền chùa thường bố trí đền Nắk Ta hay lò thiêu. Ở phần đất phía tây trục Nam – Bắc thường bố trí Sala (Lễ đường) nằm cùng trục Đông – Tây với chánh điện nhưng hơi lệch một ít về hướng Nam, còn lại là tăng xá, phòng khách, phòng trụ trì, trường học… Đây là cách bố trí mở, có phần động và phần tịnh, phần quá khứ và hiện tại tương đối rõ ràng, và luôn dành phần đất hướng Đông đặt những công trình thờ những bậc linh thiêng, những vật quý báu nhất, bởi lẽ, theo quan niệm dân gian cho, hướng Đông là hướng sinh sôi nảy nở, họ mong sao ông bà của mình sẽ tái sinh nơi cực lạc.

Hai là, cách bố trí khép kín mà ta thường gặp trong nghệ thuật không gian kiến trúc chùa Khmer. Cách bố trí này cũng giống như bố trí mở, chỉ khác ở chỗ Sala và trường học song song với nhau, phòng trụ trì nằm cùng trục với chánh điện. Các tăng xá nằm hai bên phòng trụ trì tạo thành sân hình vuông hoặc hình chữ nhật để diễn ra các lễ hội. Cách bố trí này tạo không gian thoáng mát bên trong làm cho các công trình xung quanh vừa có đầy đủ ánh sáng, vừa mát mẻ, mặt khác cũng tạo nên sự kín đáo cho người tu hành…

Chánh điện là những công trình chính luôn đặt ở phần hướng Đông, trên nền cao tượng trưng cho núi Meru. Ba bên hướng Đông, Nam, Bắc ngoài hàng rào chánh điện là những ngôi tháp lớn nhỏ, cao thấp, nhiều kiểu kiến trúc khác nhau để thờ hài cốt ông bà thân nhân của phật tử, tượng trưng cho các núi nhỏ bao bọc núi Meru. Chánh điện xây trên hai lớp nền nhằm tránh ngập nước của vùng đất Nam bộ. Lớp ngoài được bao bọc bởi hàng rào xung quanh, trang trí bằng các phù điêu trong truyện dân gian hoặc hoa lá thiên nhiên, một mặt là để bảo vệ và có ranh giới rõ ràng như nhà dân Khmer xưa kia của Nam bộ, mặt khác tượng trưng cho bộ khung xương bao bọc thân thể. Ba cổng ra vào, một cổng lớn ở hướng Đông và hai cổng nhỏ ở hướng Tây, tượng trưng cho ba cửa mà mọi người khi làm bất cứ việc gì, thiện hay ác cũng qua ba cửa này là: thân, khẩu và ý. Thân có ba chi, khẩu có bốn chi và ý có ba chi. Hai bên cổng có hai con sư tử hoặc Asura, Tuya–ra–bal (Thần Gác cửa) canh gác, cột cổng trang trí bằng hoa lá đắp chìm nổi hay cách điệu thêm Bát chánh đạo. Cũng có những chùa cách điệu tượng chư thiên chấp tay xá hòa với hoa lá thiên nhiên, như chào đón thiện nam tín nữ hay du khách thập phương bằng cả thân khẩu ý hiền từ. Chống đỡ mái cổng là tượng cây nor vừa khoe sắc uyển chuyển vừa khoe sức lực phi thường, quay mặt ra ngoài, đôi mắt nhìn xuống như muốn nói với mọi người rằng: sức mạnh vẻ đẹp của trần gian tuy không bằng cõi trời nhưng đủ sức thu hút làm cho kẻ thiếu sự kiên định mất khuynh hướng, sẽ không đi đến mục đích như cây nor có vẻ đẹp duyên dáng, nụ cười hồn nhiên nhưng chỉ chống đỡ mái cổng rồi quay mặt ra ngoài, chư tăng, phật tử nếu dễ mê muội với sắc đẹp, đường tu sẽ không đến thành công. Mái cổng có khi là tháp hình búp sen cách điệu trang trí bằng hoa lá, có khi là thần Rắn Naga, thân uốn lượn chồng lên nhau tạo thành mái cong cho cổng, đầu quay xuống ngóc lên, đuôi cuốn quấn vào nhau như cố tình khuấy động biển sữa, tìm thần dược sinh tồn bất tử, hình ảnh ngóc đầu lên như gặp sự cản trở lớn đó là ý “tất cả đều là vô thường, khổ não và vô ngã”.

Cách cổng và hàng rào trong mỗi bên khoảng 5 – 6 m là chánh điện, đặt trên nền thường cao từ 0,9 –1,2 m. Có ba lối đi lên, nếu ba lối vào thì tương ứng, chánh điện cũng có ba cửa vào. Kiến trúc sư – nghệ nhân dùng nghệ thuật kiến trúc cố tình lập lại ba cửa trước đây. Đây là ba cửa chính chi phối các nghiệp thiện hoặc ác của tất cả chúng sinh mà về sau này ta phải hưởng quả an lạc hoặc khổ đau. Lại cũng có chánh điện có bốn đường đi lên, tương ứng đó cũng có bốn cửa vào trong, tượng trưng cho bốn đường Đạo và bốn Quả. Thay cho tay vịn cầu thang đi lên là thân thần Rắn Naga uốn lượn theo độ cao của nền chánh điện, có ba hoặc năm đầu ngóc lên hướng ra ngoài, canh giữ bốn đường, một mặt là loại trừ cái ác hay đúng hơn khi qua đường này thân–khẩu–ý hoặc ngũ uẩn phải trong sạch, nếu không sẽ không vào đến bên trong và đây cũng đồng nghĩa với cầu vồng mỗi khi trời chuyển mưa, dân gian Khmer xem đó như trời ban phước cho dân chúng có nước làm mùa, đồng thời cũng xem như viên gạch nối giữa thế giới người phàm với cảnh Phật.

Chánh điện chùa Khmer thường bố cục mặt bằng theo hệ số lẻ, cụ thể như: rộng ba gian, dài 5 –7 gian, hoặc rộng 5 gian dài 9 gian. Cách bố trí như vậy căn cứ theo phương pháp ngũ điểm mở rông, vừa dễ tạo điểm nhấn thể hiện rõ công năng sử dụng bên trong là thờ Phật, Pháp, Tăng mà Đức Phật là tâm điểm. Cả những số lẻ trên cũng tượng trưng cho giáo pháp. Có ba lớp mái dốc chồng lên nhau, mái trên cùng cao hẳn lên trời tạo thành hình tam giác cân hai bên gọi là Ho–o–cheng (Cánh én), góc trên luôn nhỏ hơn hai góc nằm còn lại, đỉnh mái hai bên luôn nhô ra ngoài và trên đó có gắn Chô–ve uốn cong như đuôi rồng cao vút lên trời tạo sự nhẹ nhàng cho mái chùa hay xem như là tính âm dương trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer. Kết thúc từng lớp mái có trang trí hoa văn cao thấp, dày, thưa bao quanh cả bốn cạnh, kết hợp với diềm mái từng lớp bằng thân thần Rắn Naga như bò từ trên trời xuống rồi ngóc đầu lên, vừa tạo vẻ nhẹ nhàng cho mái, vừa là viên gạch kết nối giữa ba lớp mái tượng trưng cho ba cõi Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, tạo thành một khối như biệt lập, cách xa với tháp nhỏ đặt giữa đỉnh mái tượng trưng cho Niết bàn ca xa vời vợi. Nhưng không, nó đã kết nối bằng Bayaka (như vảy rồng), rồi nó lại cũng rất gần gũi với trần gian hơn nữa bởi sự kết nối liên tiếp bằng thần Rắn cách điệu thành Ê–ra (Rồng con) uốn cong, hay bằng tượng cây nor mềm mại uyển chuyển, đứng ở phần gần đầu cột, tựa lưng vào cột, thân uốn cong dơ hai cánh tay mềm dẻo chống đỡ mái chùa, đôi mắt nhìn xuống cùng với nụ cười duyên dáng, làm cho người chiêm ngưỡng không bị nặng nề bởi khối mái khổng lồ, đồng thời cũng không kém sức thu hút bởi dáng mềm mại, nụ cười quyến rũ chứa đầy niềm hy vọng thay lời mời gọi: “Hãy cố chắp cánh bay lên như cây nor bay cao đến đỉnh cột đỡ mái chùa, không nên vì cõi Niết bàn ở xa mà thất vọng buông xuôi như chiếc thuyền đời trôi dạt vô bờ bến giữa biển khơi. Ít nhiều gì đều thành công bởi sự kiên trì của chúng ta…” Khoảng thập niên 30 của thế kỷ XX, cũng có những chánh điện có mái khác hơn chánh điện cất trước đây. Các nghệ nhân hay thợ xây dựng Khmer thêm vào đó bằng một ngọn tháp hay ba ngọn tháp như búp sen cách điệu hoặc tháp chuông cách điệu từ ý tưởng Bát úp, theo truyền thuyết kể rằng: Lúc Đức Phật sắp nhập Niết bàn thì có một vị trong môn đệ hỏi rằng “Nếu sau này Ngài nhập Niết bàn thì nên làm tháp thờ như thế nào?” Đức Phật không trả lời mà chỉ xếp Y lại thành bốn mảnh, lấy Bát úp trên Y, lấy cây gậy chống thẳng đứng trên Bát. Hình ảnh này trở thành sức hấp dẫn cho nghệ nhân hay thợ xây, sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của Phật giáo sau này, và cũng từ ý này nên nền chánh điện luôn đặt trên nền hình vuông hay hình chữ nhật. Sự thay đổi cấu trúc, mô hình trong kiến trúc chùa Khmer sau này vừa nói lên kinh tế phát triển của phật tử, vật liệu xây dựng phong phú, mặt khác vừa nói lên sự kế thừa, nghiên cứu tìm tòi Phật pháp của các nghệ nhân hay thợ xây dựng Khmer đạt một trình độ phát triển nhất định. Đây là một cuộc cách mạng trong kiến trúc Phật giáo. Họ cố gắng thổi tâm hồn Phật pháp vào tác phẩm của mình, như hình ảnh một ngôi tháp chia tám cấp đặt trên ba lớp mái, tượng trưng cho Niết bàn cao hơn ba cõi còn lại, đây là đỉnh cao cuối cùng trong Vũ trụ học Phật giáo, cõi vô sanh bất diệt, không còn đau khổ, không còn phiền não; muốn vậy chúng sanh phải trải qua nhiều cấp, nhiều bậc tu luyện hoàn thiện bản thân như tám cấp của ngôi tháp tượng trưng cho Bát chánh đạo. Hay như ba ngôi tháp tượng trưng cho ba ngôi Tam bảo, đây là cơ cấu trong Phật giáo và luôn có ảnh hưởng đến cả ba cõi, tháp cũng được chia thành tám cấp và đỉnh cao nhất là Niết bàn.

Đặc biệt hơn nữa, chánh điện chùa Khmer luôn đặt hướng chính về hướng Đông, mái chánh điện luôn có ba lớp chồng lên nhau, đây là một sự khác biệt hẳn đối với mái chùa. Tuy cùng chung là Phật giáo mà ta chỉ tìm thấy trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer. Bố cục như vậy không chỉ đơn thuần theo quan niệm dân gian xem hướng Đông là hướng tốt, hướng sinh sôi nảy nở, hướng trời ban mai không khí trong lành, nắng ban mai sẽ làm cho dễ chịu hơn lúc nào hết như khoa học đã chứng minh, mà nó còn thể hiện được ý tưởng chủ đạo trong nghệ thuật bố cục không gian kiến trúc chùa Khmer. Hướng Đông được xem như hướng thiêng liêng nhất trong suốt quá trình tìm đạo bốn A-tăng- kỳ và một trăm ngàn đại kiếp của Đức Phật, hướng đã xóa tan đi những bóng tối mịt mù của nhân loại như mặt trời mọc lên xóa tan đi những bầu trời đen tối, đem lại ánh sáng cho loài người và vạn vật. Ý tưởng này lấy từ hình ảnh Đức Phật nhập thiền định dưới cội Bồ đề tựa lưng vào gốc cây, khi quay mặt về các hướng kia trong hai canh đêm Rằm tháng Vesak không đắc đạo quả; đến canh thứ ba canh cuối đêm Rằm, trời hừng sáng, Ngài quay mặt về hướng Đông, đạo quả toàn giác đã phát sinh đến Ngài, ánh sáng của Tám muôn bốn ngàn pháp môn đã chiếu sáng ba cõi, rồi còn sâu tận A-tỳ địa ngục. Chính từ đó, mặc dù địa hình khó khăn đến đâu, hướng chánh điện chùa Khmer lúc nào cũng quay về hướng Đông.

Vào trong chánh điện, ta như đang vào trong thư viện bách khoa toàn thư về thế giới Phật học, bởi những hình ảnh trang trí màu sắc rực rỡ của cây cỏ hoa lá, động sinh vật, cảnh sinh hoạt của Đức Phật cùng những nhân vật có liên quan từ kiếp quá khứ đến kiếp hiện tại, được các nghệ nhân trang trí trên vách, trên trần hết sức phong phú và sống động. Bồ đoàn Đức Phật đặt ở hướng Tây trong chánh điện, trong đó có thờ Phật tư thế thiền định, trì bình cứu nhân độ thế, thuyết giảng thập nhị nhân duyên, hay tượng Phật nhập Niết bàn. Cũng có những chùa cổ có tượng Avilokesvara, tượng Đại đức Ananda, Mục Kiền Liên… như thuật lại năm Phật sự lúc Ngài còn tại thế, với đôi mắt nửa mở nửa khép, gương mặt hồng hào đầy lòng từ bi hỷ xả của đức Phật, kèm theo nghệ thuật lấy ánh sáng từ khe cửa nửa mờ nửa sáng chiếu lọt vào làm cho hồn ta như đang ngủ say trong lời ru của kim ngôn Đức Phật, đang du ngoạn trong thiên đường, giúp ta cảm nhận được sự an nhàn, thanh bình thực tế trong cuộc sống.

Saladàna gọi tắt là Sala (Lễ đường), nơi diễn ra các lễ cúng tứ sự, trai tăng lớn nhỏ… thường chiếm một diện tích rất lớn theo mật độ phật tử bổn tự. Sala xây trên nền cao nhưng không cao hơn chánh điện và cũng không có hàng rào, mặt bằng bố cục không giống như chánh điện: chiều rộng ba gian, năm gian, chiều dài tùy theo nhu cầu 5–6 gian hoặc 8–9 gian, nhưng khẩu độ mỗi nhịp cột rất lớn. Có chùa làm hai tầng, một trệt một lầu, tận dụng lầu cho chư Tăng ở hoặc làm phòng học, phòng họp nội bộ… Và cũng có chùa làm Sala đôi. Cột trong, cột ngoài thường dùng nghệ thuật vẽ hay đắp chìm nổi hoa văn cây lá thiên nhiên, cách điệu ngọn lửa hay thêm đầu chim thần Garuda. Chân và đầu cột đắp cao và dày những hoa lá tạo sự bề thế cho chân cột. Gần đầu hàng cột ngoài có chim thần Garuda hay cây nor tựa lưng vào cột, tay giơ cao chống đỡ mái, đôi mắt nhìn xuống, miệng chim thần ngậm viên ngọc hoặc há miệng thật to, tạo sự uy nghi, hoành tráng cho Sala, nhưng cũng không kém phần tráng lệ, hiền hậu hút hồn người bởi nụ cười duyên dáng, thân mềm mại quyến rũ. Hai khối mái khổng lồ chồng lên nhau cao vút lên trời rồi tựa trên bàn tay nhỏ nhắn của chim thần Garuda hay tựa trên bàn tay mềm mại của mỹ nhân Cầy Nor, làm cho ta có cảm giác nhẹ nhàng, không có một chút nặng nề hay mệt mỏi. Xung quanh phần dưới của các mái trang trí bằng hoa văn đắp chìm nổi tạo thành máng nước dẫn đến nơi thoát tùy ý. Tiếp giáp hai mặt chiều dài của mái trên đưa cao hẳn lên trời, hai mặt còn lại của hai bên tự tạo ra hai hình tam giác cân gọi là Ho–ô–cheng (Cánh én), có cạnh đáy là cạnh trên của mái dưới, đỉnh mái nhô ra, để tạo độ sâu cho Ho–ô–cheng và che mưa tạt, che cấu trúc bên trong. Các nghệ nhân thêm vào đó bằng diềm mái thân thần Rắn Naga thả thân xuống dưới, đầu ngóc lên trời theo từng khối mái, đuôi quấn vào nhau uốn cong đưa ra ngoài theo chiều dài của mái. Cách trang trí kết hợp với cách tạo hình khối cho mái làm tăng thêm nét đặc sắc, thanh thoát nhẹ nhàng trong kiến trúc mái chùa, đồng thời cũng không kém phần ý nghĩa cao siêu trong triết lý Phật giáo. Đó là mái Sala chỉ có hai lớp biểu tượng cho hai cõi Dục giới và Sắc giới, bởi lẽ công năng sử dụng trong đó chỉ cúng dường vật thí tứ sự, trai tăng chứ không thiền định, không hành tăng sự, làm lễ phát lồ hay làm lễ đại giới đàn như chánh điện. Bên trong mặt bằng, gian giữa có bồ đoàn to cao thờ kim thân Đức Phật, từ trong nhìn ra theo chiều dài, gian bên phải là Tăng đoàn để chư tăng ngồi thường nâng cao khoảng 4–5 dm, vị trụ trì, vị cao hạ ngồi bên trong rồi lần lượt ra ngoài theo hạ lạp, phần còn lại là thiện nam tín nữ ngồi. Vách và trần trang trí bằng tranh vẽ hoặc tranh đắp, thuật lại theo Túc Sanh truyện hay Pháp Cú kinh, làm cho người vào đó cứ như được vào trong giảng đường Phật học và sẽ hiểu được nghiệp mình tạo, quả mình hưởng trong Tam thế: quá khứ, hiện tại và vị lai.

Những điều khác biệt giữa Sala với chánh điện chùa Khmer nữa là: cách bố trí hướng chính và quy định các chiều hình học làm hướng chính. Ở đây ta tìm thấy trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer phần này chưa bắt buộc, còn dễ dàng cho thợ hay nghệ nhân, mặt chính có khi là chiều dài, có khi lại là chiều rộng, hướng chính có thể là hướng Nam, hướng Bắc cũng có khi là hướng Đông, nhưng không có hướng Tây. Điều này mới đầu ta có thể nói chỉ vì vị trí địa hình không cho phép, trình độ thợ hay nghệ nhân Khmer chưa cao, chưa tìm ra nguyên tắc bố cục mặt bằng tổng thể nhất định tối ưu, hoặc bố trí như vậy là để quần thể kiến trúc không cứng rắn… Nói thế là chưa đủ, chưa phải lắm, vì nó còn tuyệt đối không xa ba lớp mái, không chọn hướng chính ở hướng Tây hoặc Sala chỉ trang trí tranh vẽ, tranh đắp dựa theo Túc Sanh truyện, kinh Pháp Cú mà không thuật lại sự nghiệp và cuộc đời của Đức Phật (lịch sử Đức Phật kiếp này như trong chánh điện). Ta đặt vấn đề này trong thế giới Phật học, tìm hồn kiến trúc Phật giáo tức làm tìm tâm hồn Phật giáo hòa hợp với tâm hồn chúng sanh tiềm ẩn trong kiến trúc theo từng dân tộc. Như vậy chúng ta sẽ dễ thấy rõ, nhất là nhờ dựa vào hình ảnh năm điều mộng của Đức Phật trước lúc thành Phật, hoặc hình ảnh Đức Phật đi khất thực, thọ nhận từng miếng cơm muỗng canh, tâm hồn bền bỉ không bị dao động theo chay hay mặn từ lòng tùy hỷ của các tầng lớp chúng sanh cúng dường, không phân biệt giàu nghèo, vua chúa hay quan quyền… Cũng vậy, nghệ thuật xây dựng Sala ở đây cũng nói lên điều đó, vừa dễ dàng bố cục không gian, vừa dễ tạo hình thức kiến trúc, vừa gần gũi, thuận lợi cho các tầng lớp thiện nam tín nữ đến làm lễ cúng dường, nhưng cũng kém tính quyết đoán. Triết lý Phật giáo sâu thẳm giáo dục mọi tầng lớp chúng sanh không vì thế mà tuyệt vọng, tuy chưa đạt đỉnh cao là Niết bàn như chánh điện, nhưng nó cũng được hưởng quả người, quả trời, như hình ảnh hai lớp mái và không thể bị đọa đày xuống địa ngục như không thể quay về hướng Tây, chỉ cần thân, khẩu và ý ta trong sạch.

Phòng trụ trì là nơi lãnh đạo mọi sinh hoạt tu học trong chùa, là trụ cột tinh thần của bổn tự, nền phòng thường đặt nơi dễ quan sát toàn bộ khu vực chùa, quy mô lớn nhỏ tùy theo nhu cầu, nhưng tối thiểu chiều dài cũng ba gian, năm gian và gian giữa thường lớn hơn gian còn lại. Phía trước nối dài với gian giữa là tiền sảnh, nó không chỉ là đầu mối tiếp đón khách bình thường mà còn là một điểm nhấn trong mô hình kiến trúc, đồng thời nó thể hiện được chức năng nhiệm vụ của vị trụ trì là tập trung, điều phối mọi sinh hoạt trong chùa. Cách trang trí, tạo mái cũng giống như Sala, chỉ có một số ít là mái bánh ú, mái bằng.

Sala riền (Trường học) là một công trình cũng rất cần nghiên cứu trong nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer. Trường có khi bố trí song song với Saladàna, có khi bố trí ở một khu vực tương đối biệt lập cần sự yên tĩnh. Trường được xây dựng trên nền cao, hướng chọn ánh sáng thuận lợi, thoáng mát, chiều dài mặt bằng thường năm gian, gian giữa là phòng nghỉ giải lao của giảng sư, phòng lưu giữ hồ sơ hay là phòng của Hội đồng điều hành, mỗi bên của hai gian còn lại là phòng học, có những chùa có bổn tự đông, nhu cầu học tập cao thì xây dựng một trệt một lầu… Điều thu hút cho ta cần quan tâm nghiên cứu ở đây không phải ở chỗ phòng nhiều hay ít, một trệt hay một lầu, mà là nghệ thuật sáng tạo dáng mái và mỹ thuật trang trí: có khi là mái dốc hai khối chồng lên nhau như mái Saladàna, dạng mái này kết hợp với tường, trần để trơn, không trang trí tranh vẽ hay đắp, thuật tại Túc Sanh truyện, nhưng không đề cập gì đến chuyện cúng dường hay thọ tứ sự. Có lẽ ta có thể hiểu làm như vậy là để cho học sinh, tăng sinh dễ tiếp thu bài chăng? Nếu vậy ta bổ sung thêm nhiều tranh minh họa có phải hay hơn không và nếu thế còn hai lớp mái thì sao? Nhưng không, ta thử tìm hiểu nội dung giảng dạy, hệ thống giáo dục trong phum sóc Khmer và hệ quả của nó ta sẽ thấy rõ: trường chùa Khmer không thuần túy dạy một mặt về Phật học, chuyên dẫn dắt con người đi lên thiên đàng như một số vị hiểu nông cạn thô thiển trước đây và xem tôn giáo như một dạng thuốc gây mê, mà đúng hơn là nó kết hợp đào tạo song song, vừa thế học vừa Phật học, vừa siêu hình vừa khoa học kỹ thuật, nó tiếp nhận đào tạo cả tu sĩ, cả con em người dân tộc trong phum sóc. Sự kết hợp hài hòa, sự tác động qua lại và sự hỗ trợ mật thiết không thể tách rời giữa đạo với đời, giữa dân tộc với tín ngưỡng như cá với nước, như răng với môi đã thể hiện rất đậm nét qua tác phẩm nghệ thuật tạo hai khối mái chồng lên nhau, liên kết với nhau chặt chẽ bởi thần Rắn Naga hay hoa văn trang trí. Cho nên, từ trước đến nay, cũng chính từ mái trường chùa, đa số con em đồng bào dân tộc Khmer xuất gia hay tại gia đã trở thành nhà tri thức, thành thợ hay nghệ nhân, thành cán bộ vừa có đạo đức vừa có trình độ đã và đang giúp ích cho xã hội không kém là bao so với nền giáo dục khác.

Đi tìm sâu thêm nữa ta lại phát hiện từ khoảng thập niên 40 thế kỷ XX, có một ngôi tháp hình chuông hay búp sen đặt trên mái dốc của trường, điều này làm cho một phần nào ý nghĩa trên dường như thiếu trung thực, tâm hồn kiến trúc trường chùa ta chưa khám phá ra hay chưa có công cụ tiên tiến để đánh giá đúng mức? Có lẽ không phải vậy, vì nhà khoa học trên thế giới cũng như ta đều công nhận: Kiến trúc là một nghệ thuật tạo hình tượng trưng, dùng hình khối thay cho lời ca tiếng hát, họa tiết trang trí thay cho nốt nhạc, nó thể hiện đời sống sinh hoạt hàng ngày và sự tiến bộ của loài người, nó có kế thừa, sàng lọc tỉ mỉ và không ngừng sáng tạo… Từ câu nói này ta không thấy ngạc nhiên bởi sự có mặt của ngôi tháp trên mái trường và ý nghĩa trước đó phản ảnh thật đúng với khúc nhạc kiến trúc Phật giáo. Sự xuất hiện ngôi tháp đã chứng minh rõ thêm sự tiến bộ nghiên cứu pháp môn và thể hiện hồn Phật pháp vào trong kiến trúc chùa càng rõ nét, sự mộ đạo của các tầng lớp cũng được nâng lên tầm cao mới, lập trường cũng nhất quán vượt qua không gian và thời gian…

Vẫn biết đạo và đời là mối quan hệ mật thiết không thể tách rời, nhưng tiếc thay thời gian đó chưa đủ cơ hội cho phép chùa đồng đào tạo cao sâu ngang hàng với Phật pháp. Có lẽ đây là khát vọng rất lớn trong giới sư sãi và đồng bào Khmer. Gần đây, tuy đã có sự quan tâm hỗ trợ của nền giáo dục, bảo tồn và phát huy văn hóa Khmer, nhưng có lẽ đó chỉ mới là điểm xuất phát hay chỉ là từng lúc từng nơi, chưa đủ sức thu hút làm cho nghệ nhân hay thợ Khmer có cảm hứng sáng tác ra mô hình mới, mà chỉ dừng lại ở chỗ dùng vật liệu, trang trí cho các họa tiết, thể loại có trước, chẳng khác nào khúc ca không lời ca tiếng hát mới, nốt nhạc nhịp điệu chỉ bổ sung thêm chứ không có gì mới. Hy vọng sau này, với chủ trương xã hội hóa giáo dục, nhiều người nhiều tổ chức thấy được hệ quả đích thực của nó rồi quan tâm hỗ trợ đúng mức, cộng với sự nỗ lực của bản thân, sự tăng trưởng kinh tế, phong phú vật liệu thì mô hình kiến trúc, họa tiết trang trí trường chùa mới sẽ đáp ứng được cho nền giáo dục Khmer Nam bộ, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Kết luận

Qua bước đầu tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc một số công trình tiêu biểu trong quần thể kiến trúc Khmer, tuy chưa đầy đủ, lời lý giải chưa logic và sắc nét đúng theo tầm cỡ của nó, nhưng cũng đủ để cho ta rút ra mấy điều kết luận sau đây: Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer rất phong phú đa dạng, rất đặc sắc về hình lẫn hồn, mỗi hình khối, mỗi họa tiết trang trí đều toát lên triết lý Phật giáo, Bà La Môn giáo cùng kết hợp hài hòa với dân gian, rõ nhất là nó liên kết mật thiết giữa đạo với đời nhưng không hề đối lập, mỹ thuật trang trí không chỉ làm cho đẹp để chiêm ngưỡng, hình khối không chỉ tạo ra không gian, công năng sử dụng mà nó còn là một minh chứng lịch sử minh chứng sự tiến hóa của đồng bào Khmer, là một nền giáo dục hoàn thiện, trường tồn hữu hiệu không hề t hậu trong tâm hồn dân tộc, là một kho tàng văn hóa đặc sắc vượt qua không gian và thời gian, chỉ cần chúng ta ra sức bảo tồn, phát huy và đưa nó đi vào phục vụ thiết thực trong cuộc sống, sẽ góp phần làm nên hình ảnh rực rỡ, sống động trong đời sống xã hội Việt Nam.

Hòa thượng – Kiến trúc sư Danh Lung

Tài liệu tham khảo:
1) Nghệ thuật & Kiến trúc Phật giáo.
2) Các công trình kiến trúc nổi tiếng trong lịch sử thế giới cổ trung đại.
3) Tìm hiểu Mỹ thuật Phật giáo.

Nguồn: Nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ