Thực hành Bổn tôn Tara trắng

Giáo lý này được dựa trên một sadhana thiền định ngắn gọn tên là Dòng Cam lồ. Tara Trắng (Bạch Độ Mẫu) là một vị Phật nữ hoàn toàn giác ngộ được đặc biệt kết hợp với việc xua tan những chướng ngại cho sự trường thọ, vì thế ngài là một Bổn Tôn trường thọ, và ngài thành tựu các hoạt động giác ngộ của một vị Phật, chẳng hạn như việc làm an dịu. Ví dụ như những người thực hành Tara Trắng có thể đạt được các thành tựu làm yên dịu các chướng ngại cho thọ mạng. Tara thực hiện bốn hoạt động giác ngộ. Ngài có thể giúp chúng sinh thành tựu tất cả những gì họ cần và cũng giúp họ ngăn ngừa các chướng ngại, đặc biệt là chướng ngại cho sự trường thọ của họ. Đó là lý do vì sao thực hành Tara Trắng rất phổ biến. Trong các tu viện và những Pháp hội công cộng vĩ đại, khi các bài nguyện trường thọ và lễ trường thọ được thực hiện, thực hành Tara Trắng thường được bao gồm trong các nghi lễ. Bởi đây là một trong những thực hành thông thường được cử hành ở đây, tại Gar Drolma Choling, cũng như tại nhiều trung tâm Giáo pháp khác, tôi muốn đi vào những phần khác nhau của sadhana để giải tan mọi nghi ngờ hay hiểu biết sai lệch mà bạn có thể có về việc thực hành. Điều này đặc biệt mang lại lợi ích cho những người mới đi vào thực hành sadhana và cảm thấy khó khăn hay khó hiểu.

Khi bạn đến một trung tâm Giáo pháp để thực hành, điều quan trọng là bạn vui hưởng việc thực hành và cảm thấy thanh thản và thoải mái. Bạn không cần phải ngồi trên sàn nhà; nếu bạn thích ngồi ở phía sau trên một chiếc ghế thì cũng tốt. Nếu bạn muốn ngồi ở phía trước, điều đó cũng tốt; hãy ngồi ở bất kỳ nơi nào bạn thích. Rất lợi lạc khi bạn thực hành ở nơi có những biểu tượng vật lý của thân, ngữ và tâm Phật, và tất cả những biểu tượng vật lý này có ở trong một trung tâm Giáo pháp. Nếu bạn thực hành tại nhà, cũng lợi lạc nếu có những biểu tượng này, nhưng nếu bạn không có thì đừng lo lắng về điều đó. Chúng không tuyệt đối cần thiết. Bạn vẫn có thể thực hiện một thực hành tốt lành mà không có chúng.

Bạn có thể thực hành Tara bất kỳ lúc nào, và thật tốt khi trì tụng thần chú của ngài mỗi khi bạn có thể, nhưng bạn không nên cảm thấy bị áp lực phải làm điều này. Bạn không nên cảm thấy bị thúc ép hay bắt buộc để làm thực hành hay trì tụng thần chú của ngài mỗi ngày. Đừng lo lắng! Không có những bắt buộc cứng nhắc. Đức Tara hoàn toàn thiện lành, vì thế bất kỳ khi nào bạn quyết định thực hành Tara, điều đó chỉ có thể lợi lạc, điều đó chỉ có thể tốt lành.

Có thể bạn đã nghe nói rằng điều quan trọng là phải nhận một quán đảnh trước khi thực hành bất kỳ pháp Du già Bổn Tôn nào. Nhưng cho dù bạn chưa từng nhận một quán đảnh, điều đó không có nghĩa là bạn không thể dấn mình vào thực hành này. Dứt khoát là bạn có thể thực hành Tara và bạn không phải lo lắng về việc bạn không được nhận một quán đảnh về thực hành này. Nếu một ngày nào đó bạn có cơ hội để thọ nhận một quán đảnh thì điều đó thật tuyệt vời, nhưng bạn không phải lo lắng về việc không thọ nhận nó, bởi việc ngồi xuống và thực hành Tara là một hoạt động vô cùng tốt lành. Chẳng có gì là sai khi thực hành đức hạnh!

Khi ta thực hành một sadhana, giai đoạn phát triển và giai đoạn thành tựu hòa hợp nhau, vì thế khi ta ngồi xuống và thực hành, điều quan trọng là thực hành toàn bộ sadhana. Nói chung, tốt nhất là thực hiện toàn bộ thực hành từ đầu đến cuối và không bỏ dở nửa chừng một khi bạn đã bắt đầu nó. Nhưng nếu bạn phải rời trung tâm Giáo pháp trước khi thực hành chấm dứt, hay nếu bạn không có thời giờ để chấm dứt khi bạn thực hành tại nhà, điều đó cũng tốt. Không có hại gì khi không kết thúc thực hành. Điều quan trọng mà bạn cần biết là Đức Tara luôn luôn chỉ có lòng từ và bi vĩ đại đối với chúng sinh. Ngài nhìn tất cả chúng sinh một cách bình đẳng, với lòng đại bi, vì thế không điều gì có thể làm ngài không vui với bạn. Không điều gì có thể làm ngài không thích bạn hay cảm thấy sân hận đối với bạn, bởi ngài chỉ có lòng từ và bi thanh tịnh, và ngoài điều đó ra không thể có điều gì khác.

Đức Tara không chỉ có lòng bi mẫn vĩ đại, vô hạn, không điều kiện, ngài cũng có hai loại trí tuệ hoàn toàn thấu suốt. Ngài có trí tuệ nhìn các sự việc giống như chúng ở trong bản tánh tuyệt đối, và ngài có trí tuệ nhìn các sự việc trong sự đa tạp của chúng như các hiện tượng thông thường.

Ta bắt đầu sadhana Tara Trắng với những lời nguyện quy y và phát triển Bồ đề tâm. Trong bất kỳ hoạt động Giáo pháp nào – dù là nghiên cứu, thực hành, hay thiền định – ta phải có ba sự tuyệt hảo.

Tuyệt hảo thứ nhất là thiết lập một động lực hoàn toàn thanh tịnh ngay từ lúc khởi đầu. Ta làm điều này bằng cách phát triển tâm quy y và Bồ đề tâm. Kế đó ta thực hiện phần chính yếu của thực hành và trải qua các giai đoạn phát triển, tan hòa, và thành tựu. Ở phần giữa này, ta duy trì tuyệt hảo thứ hai, tuyệt hảo của sự không xao lãng, bằng cách luôn luôn không xao lãng trong thời gian thực hành. Kế đó, lúc kết thúc, là tuyệt hảo thứ ba, kết thúc hoàn toàn viên mãn, là sự hồi hướng. Ta kết thúc thực hành bằng cách hồi hướng công đức của thực hành cho sự lợi lạc của tất cả chúng sinh.

Trong bài nguyện quy y có nói:

Con và tất cả chúng sinh quy y tập hội cao quý của các vị Bổn Tôn Bhagavati (Hộ Phật), hiện thân của Phật, Pháp, và Tăng đoàn, cho đến khi đạt được giác ngộ.

Bhagavati hay các đấng Chiến Thắng siêu việt ám chỉ Đức Tara, và tập hội các Bổn Tôn Bhagavati, là Đức Tara và đoàn tùy tùng của ngài. Các ngài là hiện thân của Phật, Pháp, và Tăng. Ta lập lại lời nguyện quy y ba lần.

Có rất nhiều điều để nói thêm về sự quy y và tầm quan trọng của nó. Rất dễ tìm thấy nhiều giáo lý súc tích về nó trong những quyển sách và những hình thức khác, và bạn nên nghiên cứu các giáo lý đó. Ở đây tôi sẽ chỉ tiếp tục với một cái nhìn khái quát về sadhana.

Phần kế tiếp của sadhana là bài nguyện thứ hai, bài cầu nguyện phát triển Bồ đề tâm. Khi ta đọc bài nguyện này, ta lập một hứa nguyện giúp đỡ tất cả những bà mẹ chúng sinh bao la vô hạn như không gian đạt được giác ngộ của Đức Tara. Bồ đề tâm được phát triển nhờ sự phát triển Bốn Tâm Vô lượng (Từ, Bi, Hỷ và Xả) và khiến tâm ta vô cùng rộng lớn, bao la, tràn đầy lòng từ và bi, và cảm nhận một ý nghĩa của sự hứa nguyện. Ta nhận trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho chúng sinh bằng cách an lập họ trong trạng thái giác ngộ của Đức Tara. Trong bài nguyện này ta đọc:

Nguyện mọi chúng sinh bao la vô hạn như không gian, là những bà mẹ của chúng con, được hạnh phúc và thoát khỏi đau khổ.

Con sẽ nhanh chóng giúp họ đạt được trạng thái tối thượng của Đức Tara.

Lời nguyện này được lập lại ba lần. Vào lúc bắt đầu của mỗi sadhana, dù là thực hành Bổn Tôn nào, ta luôn luôn bắt đầu với những lời nguyện quy y và Bồ đề tâm. Khi tụng những bài nguyện này, điều tối quan trọng là sử dụng thời gian để thực sự phát triển những trạng thái tâm đó, bởi việc phát triển một động lực hoàn toàn thanh tịnh vào lúc bắt đầu sẽ khiến cho thực hành có một năng lực vô cùng mạnh mẽ. Ta càng có thể phát triển động lực đó một cách mạnh mẽ, hoặc tâm ta càng rộng lớn và thanh tịnh khi tụng những bài nguyện quy y và Bồ đề tâm thì thực hành sẽ càng mãnh liệt.

Với những bài nguyện quy y và Bồ đề tâm, ta hoàn thành tuyệt hảo thứ nhất, thiết lập động lực hoàn toàn thanh tịnh vào lúc khởi đầu. Kế đó, ta bắt đầu thực hành thực sự với sự tịnh hóa, như có nói:

Từ tánh Không thuần tịnh…

Ta tịnh hóa sự bám chấp của ta vào môi trường xung quanh bình thường của ta bằng cách hiểu rõ bản tánh trống không thanh tịnh của nó và nhận ra rằng nó là một cung điện thiêng liêng hoàn toàn thanh tịnh hay cõi Phật.

Từ tánh Không thuần tịnh hiển lộ lâu đài bảo vệ bao la…

Ta quán tưởng một lâu đài bảo vệ, hay một phạm vi bảo vệ, nó giống như một thùng đựng ở bên ngoài. Nó hoàn toàn bao bọc chúng ta và giống như một vòng ánh sáng cầu vồng. Phạm vi bảo vệ bao la này là điều đầu tiên hiển lộ nhờ nền tảng thanh tịnh của tánh Không, và nhờ đó không điều gì ở bên ngoài có thể xâm nhập vào nó, vì thế bạn được che chở khỏi những chướng ngại và ngăn che tiềm tàng v.v…

Nếu ta đang thực hành sadhana này để bảo vệ hay che chở người nào đó đang đau khổ vì bệnh tật, đang bị hãm hại hoặc đang đau khổ theo cách này hay cách khác, hay thậm chí để làm lợi lạc cho toàn thể quốc gia, ta quán tưởng rằng tất cả những ai mà ta đang cố gắng giúp đỡ đều ở trong phạm vi bảo vệ này. Nếu ta đang thực hành cho quốc gia, ta quán tưởng toàn thể quốc gia ở bên trong phạm vi bảo vệ.

Có hai cách để phát triển hay quán tưởng Bổn Tôn. Ta có thể quán tưởng Bổn Tôn trong không gian trước mặt ta, là sự phát triển phía trước; và ta có thể quán tưởng bản thân mình là Bổn Tôn; là sự tự quán tưởng. Dù ta quán tưởng Bổn Tôn ở phía trước hay quán tưởng bản thân ta là Bổn Tôn, các chi tiết của vị trí, màu sắc, vật trang sức v.v… đều hoàn toàn giống như những hình ảnh được biểu thị trên một thangka, nhưng không nên nhìn những điều đó như một hình ảnh bằng phẳng, cứng chắc hay một pho tượng thuần nhất. Bổn Tôn không phải là một thực thể vật chất, cứng chắc như đất và đá, nhưng đúng hơn ngài có bản chất chói ngời của một cầu vồng. Bổn Tôn nên xuất hiện một cách trong sáng và sống động, với đủ mọi tính chất, y phục, các pháp khí cầm tay, vật trang sức, châu báu v.v… Tất cả những điều này nên xuất hiện hết sức rõ ràng nhưng không có thực chất, giống như một cầu vồng. Khi ta thiền định bản thân như Bổn Tôn, thân tướng ta xuất hiện một cách rõ ràng như Đức Tara nhưng không có bất kỳ tính chất thực có nào. Ta không còn thân tướng xương và thịt bình thường nữa, là điều mà ta thường bám chấp là bình thường và thực sự hiện hữu; nó trở thành thân ánh sáng cầu vồng chói ngời của Bổn Tôn.

Sau khi ta đã thiết lập phạm vi bảo vệ, sự quán tưởng xuất hiện hay phát khởi trong các giai đoạn. Trước hết, giai đoạn quán tưởng này viết:

Ở chính giữa, bừng nở một đóa sen, trên đó là một đĩa mặt trăng. Trên đĩa mặt trăng là một chữ TAM màu trắng sáng ngời, chiếu rọi ánh sáng làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Ánh sáng quay lại và thẩm thấu vào chữ TAM.

Ở giữa vòng bảo vệ là hoa sen, trên đó là đĩa mặt trăng, và trên đĩa mặt trăng là chủng tự TAM màu trắng. Từ chữ TAM trắng, ánh sáng phát ra. Những ánh sáng đó phóng tới tất cả chúng sinh và hoàn thành mọi lợi lạc cho họ. Khi các tia sáng đã chiếu tỏa và hoàn thành lợi ích của tất cả chúng sinh, chúng quay lại và tan hòa vào chữ TAM. Sau đó, trong một khoảnh khắc duy nhất,

Ngay lập tức, tôi trở thành Tara, ngài có màu sắc của núi tuyết, mỉm cười, có một mặt, hai tay, và thật duyên dáng.

Đức Tara tuyệt đẹp. Ngài tô điểm bằng y phục lụa là và những món trang sức quý báu, chẳng hạn như những chuỗi đeo cổ v.v… Bàn tay phải của ngài bắt ấn bố thí siêu việt, và ngài cầm một hoa utpala trong bàn tay trái. Hai chân ngài xếp lại theo tư thế kim cương, phía sau ngài là một đĩa mặt trăng, và ở ba vị trí của ngài có ba chữ: OM, AH, và HUNG. Một chữ OM màu trắng ở trán; một chữ AH đỏ ở cổ họng; và một chữ HUNG màu xanh dương ở tim ngài. Từ ba chữ này, ánh sáng phát ra và thỉnh mời hiện thể trí tuệ (trí tuệ tôn) Tara. Từ cõi tịnh độ của ngài, Đức Tara đến và hợp nhất với Tara được quán tưởng trước mặt ta, và cũng hợp nhất với sự tự phát triển của ta, tự quán tưởng ta là Tara. Nói cách khác, hiện thể trí tuệ – Đức Tara trong cõi tịnh độ – được thỉnh mời và sau đó tan hòa vào các hiện thể thệ nguyện (thệ nguyện tôn), là các Đức Tara mà ta đã quán tưởng. Trong sadhana đặc biệt này, cả hai sự phát triển ở trước mặt và tự-phát triển đồng thời xảy ra. Trong một vài sadhana, sự tự phát triển được thực hiện trước, và sau đó đến sự phát triển trước mặt.

Có ba đặc điểm ta phải chú ý trong việc thực hành giai đoạn phát triển.

Trước hết, ta phải duy trì để quán tưởng được rõ ràng; ta phải bảo đảm rằng quán tưởng của ta luôn luôn rõ ràng và sống động. Ta nên nhất tâm tập trung vào Bổn Tôn, khiến cho mọi phương diện của sự quán tưởng xuất hiện một cách sống động. Lúc ban đầu, việc phát triển một quán tưởng rõ ràng thì không dễ dàng, vì thế sẽ thật ích lợi khi bạn dùng một ít thời gian để nghiên cứu một hình ảnh của Bổn Tôn như một tấm hình hay một thangka, chăm chú nhìn Bổn Tôn cho đến khi bạn thực sự quen thuộc với mọi chi tiết của thân tướng Bổn Tôn.

Kế đó, khi bạn nhắm mắt lại, Bổn Tôn sẽ xuất hiện một cách tự nhiên và sống động. Nếu bạn dùng rất nhiều thời gian để nhìn vào hình ảnh, dần dần bạn sẽ quen thuộc với mọi chi tiết, và hình ảnh sẽ xuất hiện rõ ràng ngay tức thì mỗi khi bạn nghĩ đến nó. Bổn Tôn được quán tưởng của bạn nên xuất hiện như một cầu vồng, với bản tánh chói lọi và trống không.

Nhưng giống như những màu sắc của một cầu vồng không có thực chất nhưng vẫn xuất hiện một cách sống động, trong trẻo và rõ ràng, tương tự như vậy, mặc dù Bổn Tôn không có thực chất và chói ngời, mọi chi tiết xuất hiện một cách rõ ràng và sống động.

Đặc điểm thứ hai mà ta cần bao gồm trong quán tưởng là việc hồi tưởng về sự thuần tịnh. Mọi chi tiết của hình tướng Bổn Tôn có một ý nghĩa tượng trưng, và hồi tưởng sự thuần tịnh có nghĩa là quán chiếu về ý nghĩa tượng trưng của thân tướng Bổn Tôn. Chẳng hạn như Tara có bảy mắt và cầm một hoa sen. Những chi tiết này có ý nghĩa: sáu con mắt của ngài nhìn chúng sinh trong sáu cõi với lòng bi mẫn, và mắt thứ bảy – mắt trí tuệ ở trán ngài – là con mắt trí tuệ nguyên sơ. Việc cầm một hoa sen tượng trưng rằng mặc dù ngài xuất hiện giữa chúng sinh bất tịnh, đau khổ trong sáu cõi sinh tử để làm lợi lạc cho họ, nhưng giống như một hoa sen mọc lên từ bùn lầy, ngài an trụ trong sạch và không bị vấy bẩn bởi những ô nhiễm của sinh tử. Giống như bùn tuột khỏi hoa sen mà không hề làm hoa biến đổi, sự thuần tịnh của Đức Tara không bị sinh tử làm ô nhiễm. Ấn bố thí siêu việt mà ngài thực hiện với bàn tay phải tượng trưng rằng ngài biểu lộ thiện tâm và sự bố thí đối với chúng sinh. Ngài làm việc để hoàn thành mục đích của họ (sự giải thoát) nhờ việc bố thí Giáo pháp (Pháp thí), và ngài cũng thực hiện mọi hình thức bố thí khác để hoàn thành mục đích của chúng sinh.

Đặc điểm thứ ba ta cần giữ trong tâm là sự tự hào thiêng liêng. Mỗi khi ta phát triển bản thân trong thân tướng của Bổn Tôn, điều vô cùng quan trọng là phải cảm thấy một sự tự hào thiêng liêng, không nghi ngờ gì về việc ta có đầy đủ bản tánh thuần tịnh của Bổn Tôn. Ta phải phát triển sự xác quyết rằng bản tánh thuần tịnh của Bổn Tôn là bản tánh nội tại của ta, vì thế khi ta thiền định về Bổn Tôn, ta có sự xác tín tuyệt đối rằng ta thực sự xuất hiện trong thân tướng của Bổn Tôn. Tự hào thiêng liêng này khiến cho những gia hộ mãnh liệt của thực hành Bổn Tôn thấm nhập dòng tâm thức của ta và giúp ta chiến thắng mọi loại trở ngại. Ta sẽ không chỉ đạt được kinh nghiệm và sự chứng ngộ mà cũng có thể tịnh hóa và chiến thắng bệnh tật của thân thể và những vấn đề khác.

Đó là ba đặc điểm mà ta luôn luôn cần đưa vào tâm khi thực hành giai đoạn phát triển: sự rõ ràng, sống động của việc quán tưởng; sự hồi tưởng về tính chất thanh tịnh, hay sự hiểu biết về những ý nghĩa tượng trưng; và sự hỗ trợ của lòng tự hào thiêng liêng.

Sau khi ta phát triển bản thân trong hình tướng của Bổn Tôn và thỉnh mời hiện thể trí tuệ – Đức Tara – đến từ trụ xứ thanh tịnh của ngài và hợp nhất với ta, ta cúng dường và tán thán ngài. Cúng dường là phương pháp để tích tập công đức, và nó cũng giúp ta tịnh hóa các cảm xúc phiền não – đặc biệt là sự tham muốn. Sau các lễ cúng dường, ta tán thán các phẩm tính của Đức Tara, và điều này khiến tâm ta mở trống để nhận những gia hộ của ngài, bởi ta phát triển một niềm tin và sự kính ngưỡng bằng cách nghĩ tưởng về những phẩm tính vĩ đại của ngài. Bài tán thán cũng tịnh hóa tâm ghen tị. Có một thần chú cho mỗi món cúng dường, ví dụ như: OM ARYA TARE SAPARIWARA ARGHAM PRATITSA SWAHA, và có một cử chỉ đi cùng với mỗi món cúng dường. Các món cúng dường là: argham (nước rửa mặt); padyam (nước rửa chân); pushpam (hoa); dhupam (hương); alokam (ánh sáng, chẳng hạn một cây nến hay đèn bơ); ghande (dầu thơm hay nước hoa); naiwite (thực phẩm); và shapta (âm nhạc). Ta tụng thần chú Phạn ngữ tương tự cho mỗi cúng dường, chỉ thay đổi tên gọi món cúng dường mỗi lần. Những vật đặc biệt này được cúng dường là bởi trong xứ Ấn Độ cổ xưa, mỗi khi có một vị khách quý đến nhà, gia chủ sẽ mời người ấy vào nhà và cung cấp cho khách nước rửa mặt, nước rửa chân v.v… để họ được an lạc và dễ chịu. Để làm vui lòng Đức Tara, vị khách mời tôn kính, ta dâng tất cả những món thú vị này, và bằng cách làm như thế, ta tích tập công đức.

Bài tán thán ở trong mục kế tiếp nói:

Đỉnh đầu của các vị trời và bán thiên kính lễ gót sen của Ngài.
Con tán thán và lễ lạy Mẹ Tara, Đấng giải thoát mọi hoàn cảnh bất lợi.

Vương miện của các vị trời và bán thiên không giống với vương miện của một vị vua. Trong trường hợp này, vương miện ám chỉ đỉnh đầu, và dòng này có nghĩa là ngay cả các vị trời và bán thiên đầy quyền lực cũng chạm đỉnh đầu của họ vào chân ngài để biểu lộ sự quý trọng và tôn kính.

DZA HUNG BAM HO

Đây là thần chú để hợp nhất các hiện thể trí tuệ và hiện thể thệ nguyện mà ta đã đề cập ở trên. Trước hết ta quán tưởng bản thân trong thân tướng của Bổn Tôn, hiện thể thệ nguyện; kế đó ta thỉnh mời Đức Tara, hiện thể trí tuệ, từ nơi ngài an trụ trong các cõi thuần tịnh đến và ở với chúng ta, và ngài nhận những lễ cúng dường của ta.

Bây giờ ngài tan hòa vào ta, và chúng ta trở nên bất khả phân. Với thần chú này ta hợp nhất với Đức Tara và trở thành một với ngài trong bản chất.

Sau đó bài tán thán nói:

Một lần nữa, từ chữ chủng tự trong tim con, ánh sáng chiếu rọi và thỉnh mời các Bổn Tôn quán đảnh.

Ánh sáng của chữ TAM ở ngang trái tim, thỉnh mời các Bổn Tôn quán đảnh, là những vị Phật trong năm bộ Phật, và các ngài xuất hiện, mang các bình quán đảnh chứa đầy chất cam lồ. Kế đó, khi ta tụng thần chú OM SARWA TATHAGATA ABHISHEKATA SAMAYA SHRIYE HUNG, các ngài ban quán đảnh cho ta bằng cách rót chất cam lồ từ chiếc bình. Chất cam lồ đi vào đỉnh đầu ta và tràn ngập toàn thân ta. Khi cam lồ ngập đến đỉnh dầu, nó tạo thành vương miện của năm vị Phật. Giờ đây ta đã thọ nhận quán đảnh của các ngài, và những gia hộ của năm bộ Phật đã đổ vào ta.

Trong mục kế tiếp, ta tụng thần chú Tara.

Nơi luân xa tim của tôi là Đức Tara như một luân xa, ở giữa ngài là chữ TAM trắng. Các chữ của thần chú ở trên những nan hoa của chakra (luân xa).
Khi tôi tụng thần chú, nó xoay theo chiều kim đồng hồ.

Các chữ thần chú được đặt đều nhau trong một vòng tròn bao quanh chữ TAM tại trái tim, và khi bạn bắt đầu tụng thần chú, vòng chữ bắt đầu chuyển động theo chiều kim đồng hồ quanh chữ TAM. Kế đó ta tụng thần chú càng nhiều càng tốt. Thần chú Tara là

OM TARE TUTARE MAMA AYUR JNANA PUNYE PUSTIM KURU SVAHA

Sau khi tụng thần chú, ta cúng dường một lần nữa, giống như đã giải thích trước đây. Rồi một lần nữa, ta tụng những lời tán thán. Cũng giống như trước đây, mục đích của việc cúng dường và trì tụng những lời tán thán là để tích tập công đức và tịnh hóa các che chướng, đặc biệt là các che chướng liên quan tới sự yêu quý bản thân (ái ngã), nghĩ rằng bạn và những khát khao của bạn thì quan trọng hơn khát khao của những người khác. Như được giải thích trong chương Bảy Nhánh của quyển sách này, có nhiều loại cúng dường. Những gì có thể được dâng cúng thì không có giới hạn. Bạn có thể cúng dường trong tâm những gì mà người khác sở hữu và những gì không thuộc sở hữu của ai, tạo thành những món cúng dường vô hạn do tâm hóa hiện. Tâm bố thí này, cúng dường mọi sự cho Bổn Tôn, tịnh hóa những che chướng trong tâm – tâm ái ngã và quy ngã. Sự tán thán cũng tương tự như trước. Giai đoạn thành tựu, sự tan hòa, kết thúc những gì được gọi là thực hành “thực sự” hay “phần chính yếu”. Khi ta tụng BADZRA MU, ta để cho sự quán tưởng về bản thân ta như Bổn Tôn tan hòa, buông lỏng sự tự hào linh thánh của ta, sự xác quyết rằng ta là Bổn Tôn; nhưng ta không quay trở lại hình tướng bình thường của ta. Đúng hơn, ta chỉ an trú trong thiền định không quy chiếu. Không có Bổn Tôn; không có bản ngã tầm thường; chỉ có không gian, dhamadhatu (Pháp giới). Trong giai đoạn thành tựu, ta nghỉ ngơi trong sự nhận ra chân tánh của mọi hiện tượng. Ta để cho mọi ý niệm tan hòa vào trạng thái đó, trong bản tánh cố hữu. Ta thiền định như thế trong một thời gian, và sau đó ta lại xuất hiện trong thân tướng của Bổn Tôn và tụng lời hồi hướng.

Hồi hướng là tuyệt hảo thứ ba trong ba tuyệt hảo được bao gồm trong thực hành. Vào lúc bắt đầu của thực hành là tuyệt hảo của động lực hoàn toàn thanh tịnh mà ta thiết lập nhờ việc trì tụng lời nguyện quy y và Bồ đề tâm. Kế đó tới phần giữa, là tuyệt hảo thứ hai của sự tập trung không xao lãng trong phần chính của thực hành. Giờ đây, vào lúc kết thúc thực hành, sau khi ta tan hòa sự quán tưởng, ta chấm dứt thực hành với tuyệt hảo của sự hồi hướng hoàn toàn thanh tịnh và kế đó là các bài ước nguyện và kiết tường.

Đây là một thực hành vô cùng súc tích và ngắn gọn. Có nhiều sadhana dài hơn và phức tạp hơn với nhiều chi tiết, nhưng một khi ta hiểu rõ cấu trúc nền tảng của sadhana, ta có thể nhận ra rằng mọi thực hành Bổn Tôn đều chủ yếu xây dựng theo cấu trúc này. Vì thế ở đây tôi đã giải thích sadhana Tara, nhưng những bình giảng này cũng được áp dụng cho thực hành Quán Thế Âm, A Di Đà, và hầu như cho mọi Bổn Tôn yidam khác.

Khenpo Samdup
Dịch giả: Thanh Liên
Nguồn: Thực hành Bổn tôn Tara trắng