Báo thân

Dharmakāya (Pháp thân) an trụ trong trạng thái của sự quang minh sâu xa và bản tánh tuyệt đối của các hiện tượng. Không chỉnh sửa bản tánh của Pháp thân, Sambhogakāya (Báo thân) tự-xuất hiện, thân hỷ lạc, hiển lộ tự nhiên. Từ tinh túy của Pháp thân, phương diện hiển lộ của trí tuệ nguyên sơ, vô số thân Phật và cõi tịnh độ xuất hiện như sự tự-tri giác, giống như những tia sáng năm màu xuất hiện từ một miếng pha lê nhờ những tia sáng mặt trời. Trong Báo thân, vị Thầy và các đệ tử được hợp nhất trong phạm vi của cùng một sự chứng ngộ. Vị Thầy không ban giáo lý mà đúng hơn, các giáo lý được tự xuất hiện trong trạng thái đồng nhất. Các Báo Thân xuất hiện tự nhiên như sự tự-tri giác theo năm cách thế:

Nơi chốn: “Cõi tịnh độ vô song của mạng lưới tuyệt đẹp” tự-tri giác
Vị Thầy: Năm bộ Phật, chẳng hạn như Vajrasattva (Akshobhya, Phật Bất Động), được tô điểm ba mươi hai tướng tốt và tám mươi tướng phụ.
Các Đệ tử: Vô lượng chư Phật như đại dương, xuất hiện như sự tự-hiển lộ của trí tuệ nguyên sơ, không gì khác hơn chính là vị Thầy.
Giáo lý: Cái thấy chói ngời vĩ đại, không thể diễn tả và thoát khỏi những sự khái niệm hóa của biểu thị và ngôn từ.
Thời gian: Sự bất biến; chu kỳ thời gian luôn luôn tiếp diễn.

Có hai loại trao truyền trong Báo thân:

1. Trong cõi tịnh độ vô song, các giáo lý tantra được Samantabhadra (Phổ Hiền) ban cho chư Phật Báo Thân tự-tri giác, chính là Đức Phổ Hiền, trong khi vị Thầy và các đệ tử an trụ trong trạng thái chứng ngộ không thể phân biệt. Điều này được gọi là sự trao truyền cùng một tâm của vị Thầy và đệ tử.

2. Nhờ sự gia hộ của vị Thầy, những đệ tử có tâm thức khác biệt với tâm của Thầy trở nên đồng nhất với tâm Thầy. Điều này được gọi là sự trao truyền việc trở nên bất khả phân của tâm Thầy và đệ tử.

Năm trí tuệ nguyên sơ của Báo thân là:

1. Pháp giới thể tánh trí (dharmadhātujnāna): Là sự hợp nhất bất khả phân của ba phương diện: tánh Không vĩ đại (sự mở trống), là nền tảng của sự giải thoát, thuần tịnh tự nguyện thủy; nền tảng của sự tự-quang minh, ánh sáng tự nhiên của trí tuệ nguyên sơ; và Pháp giới tối hậu của trí tuệ tỉnh giác.

2. Đại viên cảnh trí (ādarshajnāna): Những hình tướng xuất hiện trong giác tánh trống không-quang minh theo cách thế không bị chướng ngại, giống như sự xuất hiện của những phản chiếu trong một tấm gương. Trí tuệ nguyên sơ này là phương diện của nền tảng đối với sự xuất hiện của hai sắc thân, Báo thân và Hóa thân. Để đáp lại những đệ tử có thể nhìn thấy và tu tập, hai sắc thân của Đức Phật và ba trí tuệ nguyên sơ sau đây xuất hiện tự nhiên như một phản chiếu.

3. Bình đẳng tánh trí (samantājnāna): Đó là trí tuệ bình đẳng vĩ đại giải thoát tự nguyên sơ, trong đó mọi sự xuất hiện của các sắc thân của Đức Phật xuất hiện phù hợp với tri giác của các đệ tử, không rơi vào hay giữ bất kỳ cực đoan nào.

4. Diệu quan sát trí (pratyavekshanajnāna): là trí tuệ nguyên sơ đồng thời nhìn thấy rõ ràng mọi hiện tượng có thể nhận thức được không chút sai lầm.

5. Thành sở tác trí (krityānushthānajnāna): là trí tuệ nguyên sơ thành tựu những mục đích của riêng ta trong trạng thái của giác tánh nội tại, và phụng sự tự nhiên mọi nhu cầu của chúng sinh mà không cần nỗ lực, giống như một viên ngọc như ý.

Pháp giới thể tánh trí nhìn mọi sự như chúng là, chân lý tuyệt đối; và bốn trí tuệ nguyên sơ kia nhìn thấy cách thức mọi sự xuất hiện, chân lý tương đối.

Tulku Thondup Rinpoche
Việt dịch: Thanh Liên
Trích: Các Đạo Sư của sự Thiền định và những điều kỳ diệu