Trì tụng Mật chú

Có nhiều cách để trì chú. Một cách là tụng thành lời, và một cách là tụng trong đầu, như được liệt kê trong những cách trì tụng mật chú. Có nhiều cách tụng chú mà bạn quán tưởng các chữ cái, và tụng trong đầu theo cách đó, hoặc tưởng tượng chính các chữ cái đang phát ra âm thanh. Có một danh sách dài về những cách mà mình có thể tu tập với mật chú. Nhưng nếu như nhìn sâu hơn, thì ta sẽ muốn tu tập thân, khẩu và ý của mình. Không chỉ là thân và tâm, hay không chỉ là tâm mà thôi. Vì lời nói liên quan đến việc giao tiếp, nên nó khá quan trọng. Là con người, nếu như muốn giúp đỡ người khác, dạy người khác, v.v…, thì mình phải giao tiếp, nên mới sử dụng lời nói.

Vậy thì ở một mức nào đó, việc trì chú lớn tiếng ít nhất sẽ giúp cho lời nói trở nên tích cực, bởi vì mình kết hợp thân thể ở một vị trí nhất định, tưởng tượng rằng mình là một vị Hộ Phật nào đó; tụng một câu mật chú; và phát khởi lòng bi hay tánh quang minh của tâm thức, hoặc bất cứ điều gì đại diện ở đó. Vậy thì đó là một cách kết hợp cả ba yếu tố thân, khẩu và ý với nhau.

Rồi ở mức sâu hơn thì mật chú liên quan đến hơi thở và năng lượng. Năng lượng và hơi thở trong cơ thể có sự liên quan rất chặt chẽ, từ quan điểm phân tích của đạo Phật. Thế thì một câu chú sẽ tạo ra nhịp điệu đều đặn cho hơi thở và năng lượng, mà về mặt sóng não hay bất cứ điều gì, thì có một sự lợi ích nào đó. Vậy nếu như chỉ làm việc ở mức độ đó, để thiết lập một nhịp điệu ổn định hơn cho năng lượng, dù bạn trì tụng lớn tiếng hay tụng trong đầu, thì tôi nghĩ nó sẽ có tác động như nhau. Tuy nhiên, tôi chỉ nói từ ấn tượng của riêng mình, nhưng tôi nghĩ chắc chắn nó sẽ giúp cho bạn bình tâm như nhau, ví dụ vậy, hoặc làm cho tâm bạn bén nhạy hơn một chút.

Nhưng mức độ sâu sắc nhất của mật chú thì liên quan đến việc hình thành năng lượng của hơi thở. Bạn sẽ định hình hơi thở bằng câu chú, và điều đó sẽ định hình năng lượng, cho phép bạn có một phương pháp để kiểm soát khí và năng lượng của cơ thể, để có thể đưa chúng vào kinh mạch trung ương. Vậy thì điều mà bạn muốn làm, theo một nghĩa nào đó, là định hình hơi thở. Và nó được thực hiện với một loại mật chú đặc biệt, một loại hành trì đặc biệt, rất, rất là cao cấp, để đưa khí vào trong kinh mạch trung ương, nên sẽ có được tâm thanh quang dễ dàng hơn, là điều thuận lợi nhất để chứng ngộ tánh Không, v.v…

Ở một mức độ thì điều giúp cho việc định hình hơi thở là ít nhất phải phát ra âm thanh ở một mức nào đó, nhưng bạn biết đó, không phải thật là to tiếng. Tất nhiên, có rất nhiều cách trì chú: có cách ồn ào, có cách êm dịu, có cách hát, và có tất cả những cách khác. Nhưng cuối cùng, ở mức sâu sắc nhất thì điều duy nhất cần thiết là việc định hình hơi thở. Vậy thì bạn có thể làm điều đó, ngay cả bằng một lời thì thầm. Theo một nghĩa nào đó thì nó chỉ định hình hơi thở. Không có ai khác phải nghe thấy nó.

Hầu hết thời gian, khi trì chú thì điều nên làm là miệng sẽ chuyển động theo hình dạng của câu chú, và phát âm chút ít, nhưng thật ra thì chỉ có bạn mới nghe được, nên nó không làm phiền mọi người xung quanh. Hiện nay, tất nhiên, khi bạn đến các tu viện và nghe mọi người trì chú bằng giọng lanh lảnh, nhưng từ quan điểm sách vở lý thuyết thì điều thường được khuyên là: chỉ định hình hơi thở một cách riêng tư. Nói tóm lại thì nó không có nghĩa là việc chỉ trì tụng nó trong đầu là vô dụng, hoặc ít mạnh mẽ hơn, mà chỉ khác nhau thôi.

Phải nói rằng mật chú là một đề tài rất, rất là khó hiểu, và để không làm cho nó thoái hóa vào lĩnh vực từ ngữ thần thông. Đặc biệt là vì người Tây Tạng phát âm sai những câu chú bằng tiếng Phạn; người Mông Cổ thậm chí còn cách xa tiếng Phạn nhiều hơn nữa; còn khi người Trung Quốc và Nhật Bản thử trì chú thì thậm chí bạn còn không biết họ đang tụng mật chú gì nữa. Rồi thì người ta bắt đầu đặt câu hỏi về những gì thật sự quan hệ ở đây, vì rõ ràng là những người này vẫn đạt được thành tựu nhờ mật chú. Nó không phải là một đề tài dễ dàng. Đức Dalai Lama có khuyên rằng, dù trên thực tế thì người Tây Tạng có cách tụng và phát âm riêng – vì họ không đọc là “Om Vajrasattva”, mà lại đọc là, “Om Benzasato”, là một sự biến dạng của tiếng Phạn – nhưng dù sao đi nữa thì Ngài nói nếu như người Tây phương có thể đọc càng giống với tiếng Phạn nguyên thủy thì càng tốt hơn. Nhưng dĩ nhiên là nhiều vị Lạt ma Tây Tạng muốn các đệ tử Tây phương nên phát âm giống như cách các ngài phát âm. Thế thì mọi việc tùy thuộc vào vị thầy.

Khi mình đã nhận một lễ quán đảnh, và đã cam kết sẽ trì chú. Nếu như mình tụng chú trong khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hay ở một nơi nào như vậy, chứ không phải trong thời thiền thông thường, thì có được không? Việc trì chú trong suốt cả ngày có phải là một ý kiến tốt hay không? 

Trước hết, nói chung thì không nên giới hạn việc tu hành ở một môi trường được kiểm soát, như nơi hành thiền. Toàn bộ chủ ý của việc tu hành là khả năng áp dụng nó trong đời sống hàng ngày, và không tạo ra cách sống chia rẽ, là mình sẽ hành xử theo cách này khi ngồi trên tọa cụ để hành thiền, rồi lại hành động hoàn toàn khác trong đời sống thường nhật. Nên có thể nói là mình có thể trì chú trong mọi lúc, bất cứ lúc nào.

Nếu như mình ở nơi công cộng, như tàu điện ngầm, hay bất cứ nơi nào thì chắc chắn bạn sẽ không tụng lớn tiếng. Bạn không phải lấy một chuỗi tràng hạt, một mala ra trước mặt mọi người, và dùng nó để tụng chú. Tuy nhiên, như tôi đã giải thích một chút trước đây, thì cách hành trì này nên được giữ kín hay ẩn mật. Nếu như bạn nhất thiết phải sử dụng tràng hạt để tập trung tinh thần (vì ngón tay của mình sẽ di động), thì hãy để nó trong túi, khi bạn đang ở nơi công cộng, nếu như phải sử dụng nó. Đúng không? Chúng ta đang nói về một cư sĩ bình thường, chứ không nhất thiết nói về một vị tăng hay ni.

Không phải lúc nào mình cũng đếm số mật chú; nếu không thì bạn cứ lo đếm số, thay vì tụng chú thì cũng được vậy. Điểm chính của mật chú là một mặt, giúp cho mình tập trung vào một tâm trạng nào đó, như lòng bi mẫn của Đức Quán Thế Âm, hay tâm quang minh của Đức Văn Thù. Vậy thì chắc chắn trong khi tụng chú, mình sẽ cố gắng có tâm trạng này, tương ứng với câu chú.

Có nhiều pháp quán tưởng khác nhau mà mình có thể học để kết hợp với mỗi một pháp tu mật chú. Cũng có thể thực hiện điều này, ngay cả khi ở nơi công cộng, đặc biệt là khi chỉ ngồi trên tàu điện ngầm, hay phương tiện giao thông công cộng nào giống như vậy. Nếu như đang làm việc gì nguy hiểm, ví dụ như bạn đang làm việc với một cái máy chạy bằng điện, hay cái gì tương tự, thì hiển nhiên là bạn muốn tập trung tinh thần, và không thực hành pháp quán tưởng.

Nhưng phải nhớ rằng trước khi tiến triển đến giai đoạn khá cao ở giai đoạn viên mãn, khi mà bạn có thể phát khởi năng lượng khí liên quan đến mắt, ví dụ vậy, để mình mang sắc tướng của vị Bổn tôn với nhãn thức – trước giai đoạn đó, thì sẽ là hành trì mà tất cả chúng ta đều thực hiện, với bất cứ pháp quán tưởng nào mà bạn thực hành, với nhãn thức thì bạn nhìn thấy hình tướng thông thường của sự vật, và pháp quán tưởng thì bằng ý thức (nên theo một nghĩa nào đó thì chúng chồng lên nhau). Khi băng qua đường thì bạn phải lo nhìn đường đi.

Ông có thể giải thích thêm về nhu cầu phải tụng chú, bên cạnh việc tuân theo cam kết này hay không?

Trong chữ mantra thì man là chữ viết tắt của manas, có nghĩa là “tâm thức”, và tra bắt nguồn từ động từ tiếng Phạn “cứu” hay “bảo vệ”. Đây là cách mà nó thường được giải thích. Nó bảo vệ tâm mình thoát khỏi những dạng tư tưởng tiêu cực. Đó là một mức độ. Thay vì có những ý nghĩ tiêu cực về việc không thích người khác, thì việc trì chú của Đức Quán Thế Âm sẽ giúp mình chánh niệm về lòng từ bi đối với họ, nên nó sẽ bảo vệ tâm trí.

Ở mức độ rất bình thường, nếu như có một bài hát hay nhạc đang vang lên trong đầu, mà mình không thể làm cho nó ngưng lại, thì cách tốt nhất để giúp cho tâm thoát khỏi điều này là sử dụng năng lượng ngôn ngữ đó trong tâm trí để trì chú, thay vì chơi nhạc trong đầu. Hay thậm chí nó không cần phải là việc hát một bài hát trong đầu. Nó có thể chỉ là những ý nghĩ bất tự chủ như lo lắng vào ban đêm, và những điều như vậy. Hãy sử dụng năng lượng ngôn ngữ của tâm trí để tụng một câu chú.

Tuy nhiên, ở mức độ sâu hơn, như tôi đã nói, thì mật chú là sự định hình của hơi thở; và bằng cách định hình hơi thở bằng âm thanh của câu chú, thì nó sẽ định hình năng lượng vi tế. Vậy thì có một cái được gọi là trì tụng kim cang, mà trong đó, người ta kết hợp hơi thở với âm thanh OM AH HUM. Với những hành trì đặc biệt, khá cao cấp, được sử dụng để định hình hơi thở, có nghĩa là năng lượng vi tế, thì ta sẽ làm cho nó hòa tan vào kinh mạch trung ương, và sau đó bảo vệ tâm bằng cách đưa nó đến mức độ thanh quang vi tế nhất.

Ngay cả những thành tựu thế gian mà mình cũng thường đạt được, nhờ việc kiểm soát và định hình các năng lượng vi tế, và điều đó được thực hiện bằng mật chú. Chúng đề cập đến khả năng ngoại cảm và thần thông, được sử dụng để giúp đỡ người khác, không chỉ để phô trương oai lực, hay đại loại như vậy.

Vậy thì có nhiều cách sử dụng và nhiều mục tiêu trong mật chú.

Nếu như mình tụng một câu chú, trong khi một phần khác trong tâm trí lại đang nghĩ đến điều gì khác, thì có ích lợi gì không?

Vậy thì vẫn tốt hơn là không tụng câu chú nào cả. Ít nhất là có một điều gì đang diễn ra, ngay cả khi mình đang nghĩ về bóng đá cùng một lúc với việc trì tụng OM MANI PADME HUM. Nhưng dĩ nhiên điều tốt nhất là cố gắng tập trung tinh thần.

Cách tốt nhất để tụng chú là gì? Có phải là trì tụng chúng với pháp quán tưởng, hay với một số ý tưởng đặc biệt?

Có nhiều cách khác nhau để tụng chú như tụng lớn tiếng; êm dịu; chỉ tụng trong đầu; chỉ quán tưởng các chữ cái của câu chú, thay vì tụng nó trong đầu, hay tụng lớn tiếng. Trong Mật điển Hành Động (kriya tantra) thì có một sự tưởng tượng rằng các chữ cái của câu mật chú trong tim mình đang phát ra âm thanh của câu chú, trái ngược với cách tưởng tượng là chính mình đang phát ra âm thanh. Rồi thì có những pháp thiền quán về tánh Không của âm thanh đó của câu chú. Có rất nhiều, rất nhiều hình thức tu tập mật chú khác nhau.

Thông thường thì điều được đề ra là ít nhất môi của bạn sẽ mấp máy theo câu chú, chỉ cần thì thầm theo hơi thở, để chỉ có một mình bạn nghe được nó thôi. Không phải phô trương bằng cách tụng lớn tiếng, để mọi người xung quanh bạn đều nghe thấy, mặc dù trong một số trường hợp thì bạn sẽ tụng lớn tiếng. Còn tốc độ trì tụng thì tùy theo ý bạn. Vấn đề là không bỏ qua một âm tiết nào. Nếu như bạn có bao giờ nghe Đức Dalai Lama trì chú thì Ngài tụng nhanh hơn bất cứ người nào mà tôi đã từng nghe qua trong đời. Cách Ngài tụng Kinh hay tụng bất cứ điều gì cũng giống như vậy, nhưng tất cả đều rõ ràng.

Tiến sĩ Alexander Berzin

Việt dịch: Lozang Ngodrub

Hiệu đính: Chân Thông Tri

Bản sao chép của một hội thảo, Riga, Latvia, tháng 7, năm 2008

Nguồn: Trì Tụng Mật Chú — Study Buddhism