Một chỉ dẫn ngắn gọn về thệ nguyện samaya

Kính lễ Đức Kim Cương Tát Đỏa!

Bất cứ khi nào chúng ta thọ nhận quán đỉnh về một vị Bổn tôn Yidam bất kỳ, thệ nguyện Samaya là điều quan trọng đối với sự chín muồi tinh túy thực sự của quán đỉnh trong dòng tâm thức của chúng ta.

Hãy lấy ví dụ về quán đỉnh Văn Thù Sư Lợi. Nói chung, tránh mười ác hạnh và làm mười thiện hạnh đóng vai trò là nền tảng. Sau đó, trên nền tảng đó, con phải xem bậc thầy là Đức Văn Thù Sư Lợi bằng xương bằng thịt và tuân thủ những điều sau:

(1) Những thệ nguyện liên quan đến Ý Giác Ngộ

Đừng bao giờ quên vun bồi từ, bi và Bồ đề tâm tương đối hay thiền định về Bồ đề tâm tuyệt đốitính Không và tịnh quang. Hãy bảo vệ ý giác ngộ của bậc thầy bằng cách tránh bất cứ thứ gì có thể gây phiền nhiễu, như thể cuộc đời của con phụ thuộc vào đó. Như con làm với chính tim mình, hãy trưởng dưỡng bất cứ điều gì thích hợp với ý giác ngộ của bậc thầy và dấn thân liên tục trong thực hành du-già mà trong đó, bậc thầy, Đức Văn Thù Sư Lợi và tâm của chính con hợp nhất bất khả phân.

(2) Những thệ nguyện liên quan đến Khẩu Giác Ngộ

Hãy liên tục trì tụng các Chân ngôn Đà-ra-ni, chẳng hạn Chân ngôn Arapatsa[2]. Hãy xem khẩu của bậc thầy – thậm chí nếu Ngài là một người bình thường – là những lời dạy của chính Đức Phật, bởi bậc thầy vượt xa chư Phật về lòng từ ái. Hãy tránh xung đột với bất cứ điều gì mà Ngài nói, dù cho nó có vẻ như không liên quan đến Giáo Pháp. Và điều quan trọng là con không trệch hướng, dù chỉ một chút, khỏi bất cứ chỉ dẫn nào trực tiếp liên quan đến Giáo Pháp. Hãy xem bất cứ lời bình luận phê bình hay quở trách nào là một giảng dạy về Giáo Pháp và thấu triệt chúng trong tâm. Nếu bậc thầy ở gần, đừng làm bất cứ điều gì một cách độc lập mà không được sự chấp thuận của Ngài trước. Bất cứ điều gì Ngài nói, hãy giữ gìn nó cẩn thận như thể chính cuộc đời con đang gặp nguy hiểm và luôn luôn thực hiện nó.

(3) Những thệ nguyện liên quan đến Thân Giác Ngộ

Hãy xem bậc thầy là tinh túy thực sự của Đức Văn Thù Sư Lợi và quán tưởng Ngài trên đỉnh đầu con hay ở luân xa tim. Đừng bao giờ làm bất cứ điều gì có thể gây hại dù chỉ một lỗ chân lông trên thân thể bậc thầy. Hãy tránh ngay cả việc dẫm lên bóng của bậc thầy. Hãy nhìn nhận mọi hành động về thân thể của Ngài một cách tích cực. Hãy giữ các đại diện hay biểu tượng về thân, khẩu và ý giác ngộ của bậc thầy và Đức Văn Thù Sư Lợi, và đừng cho những vị không có cùng thệ nguyện xem chúng. Hãy thực hành du già quán tưởng thân con là Bổn tôn.

Nói chung, con phải rèn luyện trong nhận thức thanh tịnh về việc nhận ra cách thức mà mọi hữu tình chúng sinh, trong sự thanh tịnh cố hữu của họ, là bất khả phân với thân, khẩu và ý giác ngộ của Đức Văn Thù Sư LợiĐặc biệt hãy chăm sóc những người có cùng thệ nguyện, bởi họ giống như chính năng lực trọng yếu của con. Hãy tiến hành bất cứ điều gì hòa hợp với thân, khẩu và ý của bậc thầy và thực hành ba cách thức đem đến sự hài lòng[3]. Nếu có ai đó hành xử theo cách thức đối nghịch với thân, khẩu và ý của bậc thầy hay có tà kiến, hoặc người gây hại, đừng phản ứng lại bằng sự sân hận, mà hãy sử dụng các phương pháp khác nhau để đẩy lui mọi nguy hại. Nếu điều này thất bại, hãy tránh chia sẻ ý nghĩa của Mật thừa với họ. Đừng ở cùng với bất cứ người nào mà hành động của họ trái ngược với con.

Nếu con có thể thực hành theo cách này, con sẽ nhanh chóng đạt thành tựu trong cuộc đời này và sẽ chẳng có chướng ngại nào trong việc hoàn thành các mong ước. Tất cả những gì tích cực trong đời này và các đời tương lai phụ thuộc vào điểm này, vì thế, điều quan trọng là con duy trì các thệ nguyện mà không để chúng suy giảmChúng ta được dạy rằng nếu các đệ tử thọ nhận sự từ ái ba phần của bậc thầy[4] nhưng sau đó không thể giữ gìn thệ nguyện Samaya, bất cứ điều gì họ làm từ đó trở đi – mọi kế hoạch và hoạt động – sẽ chẳng gì hơn ngoài con đường sai lạc.

Đây chỉ là sự tóm tắt. Con cần phải tìm kiếm một sự giải thích chi tiết, nhưng những bản văn như vậy thì nhiều vô số.

Đáp lại lời thỉnh cầu từ thị giả, người mang danh hiệu Tulku – Losal Pema Ozer, điều này được viết bởi hành giả Mật thừa Rigtsal Dorje.

 

[1] Theo Rigpawiki, Lala Sonam Chodrup tức Khenchen Chodrup hay Rigtsal Dorje (1862-1944) là một học giả liên hệ với Tu viện Dzogchen, vị được xem là hóa hiện về khẩu của Tổ Dzogchen Pema Rigdzin. Ngài đã nghiên cứu tại Phật học viện Shri Singha và nhận danh hiệu Khenpo, nhưng từ chối một sự bổ nhiệm ở đó mà thích du hành và tiếp tục các nghiên cứu. Ngài đã biên soạn năm quyển trước tác, bao gồm một tiểu sử của Tôn giả Longchenpa và các tác phẩm về Nhập Bồ Tát Hạnh và Mật điển Guhyagarbha.

[2] Tức Chân ngôn OM ARAPACANA DHIH, phiên âm trong tiếng Tạng là OM ARAPATSANA DHIH.

[3] Ba cách làm hài lòng bậc thầy được nhắc đến trong chương 6 cuốn Lời Vàng Của Thầy Tôi: “Cách tốt nhất là cúng dường sự hành trì và bao gồm việc đưa bất cứ điều gì Ngài giảng dạy vào hành trì với sự quyết tâm, bất chấp mọi khó khăn. Cách trung bình là phục vụ bằng thân và khẩu và liên quan đến việc phục vụ Ngài và làm bất cứ điều gì Ngài muốn con làm dù đó là thân, khẩu hay ý. Cách thấp nhất là nhờ cúng dường tài vật, tức là làm hài lòng bậc thầy nhờ dâng lên Ngài những thứ vật chấtthức ăn, tiền v.v.”

[4] Đó là lòng từ ái của việc trao truyền quán đỉnhkhẩu truyền và chỉ dẫn cốt tủy.

Khenpo Lala Sonam Chodrup

Adam Pearcey chuyển dịch Anh ngữ

Pema Jyana chuyển dịch Việt ngữ