Giới Luật Của Quy Y 

Giới luật bao gồm ba điều phải từ bỏ, ba điều nên làm và ba thái độ bổ sung phải được tuân giữ.

1. Ba điều phải từ bỏ 

Sau khi đã quy y với đức Phật, chớ tôn thờ những thần thánh trong vòng luân hồi. Nói khác đi, những vị Trời của các kẻ ngoại đạo như Isvara hoặc Visnu cũng như những vị thần địa phương, các thổ địa, hay bất kỳ những vị trời hay tinh linh thế tục mạnh mẽ nào khác, bản thân họ chưa giải thoát khỏi những đau khổ của luân hồi, nên bạn chớ coi họ như chỗ nương tựa của mình trong những đời sau, đừng cúng dường hay đảnh lễ họ. 

Đã quy y Pháp, đừng làm tổn hại người khác, ngay cả trong giấc mơ của bạn. Hãy quyết lòng nỗ lực che chở họ với khả năng tốt nhất của bạn. 

Đã quy y Tăng, đừng dính líu với những kẻ ngoại đạo và những người như thế, là những kẻ không tin tưởng vào giáo lý của các Đấng Chiến Thắng hay không tin Đức Phật Toàn Giác là đấng đã giảng dạy những điều đó. Mặc dù không thật sự có những kẻ ngoại đạo ở Tây Tạng, bạn cũng nên tránh dính líu với bất kỳ người nào hành động như một kẻ ngoại đạo (tirthika) – ví dụ như khi họ sỉ nhục và chỉ trích vị Thầy và Giáo Pháp của bạn, hoặc phỉ báng giáo lý sâu xa của Mật Thừa.

2. Ba điều nên làm

Đã quy y Đức Phật, hãy tôn kính ngay cả một mảnh nhỏ của pho tượng đã vỡ tượng trưng cho Ngài. Hãy đặt tượng lên đầu bạn,* để ở nơi tinh sạch, có lòng tin, có nhận thức và tri kiến thanh tịnh, xem pho tượng như Trân Bảo thật sự của Đức Phật. 

Đã quy y Pháp, hãy tôn kính ngay cả một mảnh giấy chỉ hiện có một chữ của Kinh điển trên đó. Hãy đặt mảnh giấy ấy lên đầu bạn và xem đó là Trân Bảo thật sự của Pháp. 

* Đặt vật gì lên đầu mình là một dấu hiệu của sự tôn kính. 

Đã quy y Tăng, hãy coi bất kỳ những gì biểu tượng cho các Ngài, dù chỉ là một mảnh vải nhỏ có màu đỏ hay vàng, như Trân Bảo đích thực của Tăng Đoàn. Hãy tôn kính những biểu tượng ấy, đặt lên đầu, để ở nơi sạch sẽ và nhìn những biểu tượng đó với niềm tin và tri kiến thanh tịnh.

3. Ba giới luật bổ sung

Hãy coi Thầy của bạn, bậc thiện tri thức đã giảng dạy cho bạn ở nơi đây và ngay bây giờ điều gì nên làm và không nên làm, như là Trân Bảo đích thực của Đức Phật. Thậm chí không dẫm lên bóng của Thầy, và hãy nhiệt tình phụng dưỡng và tôn kính Ngài. 

Hãy coi từng lời nói của vị Thầy cao cả của bạn như Trân Bảo đích thực của Giáo Pháp. Hãy chấp nhận mọi điều Ngài nói không bất tuân một điểm nhỏ nào. 

Hãy coi đoàn thị giả, đệ tử của Ngài và những bằng hữu tâm linh của bạn là những người với giới hạnh thuần khiết như Trân Bảo đích thực của Tăng Đoàn. Hãy tôn kính họ với thân, khẩu, ý của bạn và không bao giờ làm họ phải phiền não dù chỉ trong chốc lát. 

Đặc biệt, trong Mật Thừa, vị Thầy là đối tượng quy y chính yếu: thân Ngài là Tăng; khẩu Ngài là Pháp và ý Ngài là Phật. Do vậy, hãy nhận thức rằng Ngài không khác gì sự hợp nhất tinh túy của Tam Bảo và hãy nhìn thấy mọi hành động của Ngài đều trọn vẹn, không gì sai suất. Hãy đi theo Ngài với lòng tin tuyệt đối và nỗ lực cầu nguyện Ngài trong mọi lúc. Nên nhớ rằng khi bạn làm phật lòng Ngài bằng bất kỳ những gì đến từ thân, khẩu, ý, đó là bạn đã từ bỏ toàn bộ quy y. Vì vậy hãy quyết tâm và nỗ lực làm hài lòng Ngài trong mọi lúc. 

Cho dù điều gì xảy tới với bạn, vừa ý hay khó chịu, tốt hay xấu, bệnh tật hay đau khổ, hãy hoàn toàn giao phó bản thân bạn cho Thầy của bạn. Hãy nhận thức rằng mọi hạnh phúc đều xuất phát từ lòng từ bi của Tam Bảo. Có câu nói rằng mọi sự vừa ý và tốt đẹp trong thế gian này, ngay cả một cơn gió nhẹ thoảng qua trong một ngày nóng bức, đều xuất phát từ lòng từ bi và lực gia trì của Đức Phật. Cũng thế, thiện niệm nhỏ bé nhất xuất hiện trong tâm bạn bắt nguồn từ năng lực không thể nghĩ bàn của lực gia trì từ Ngài. Trong Nhập Bồ Tát Hạnh, Ngài Santideva có nói: 

Giống như khi một tia chớp xé toang màn đêm, 

Ánh sáng ấy phơi bày tất cả những đám mây đen đang ẩn trốn, 

Cũng thế, hiếm hoi biết bao, nhờ năng lực của chư Phật, 

Mà những thiện niệm chóng vánh khởi lên và thoáng qua trong thế giới này. 

Thế nên, việc nhận ra lòng bi mẫn của chư Phật trong mọi sự việc sẽ cứu giúp bạn và đem lại hạnh phúc cho bạn. 

Bất cứ khi nào bạn đối mặt với bệnh tật hay đau khổ, khi gặp ma quỷ và khi những kẻ thù gây nên chướng ngại, hoặc bất kỳ việc gì khác có thể xảy đến với bạn, thì bạn hãy chỉ cầu nguyện Tam Bảo và không dựa vào bất kỳ phương pháp nào khác để đối phó những khó khăn như thế. Nếu bạn phải trải qua việc chữa trị hay sử dụng một nghi thức chữa bệnh, thì hãy làm những việc đó trong niềm nhận thức rằng chính các sự việc đó cũng là hoạt động của Tam Bảo. 

Hãy học hỏi để có niềm tin và tri kiến thanh tịnh bằng cách nhận thức được rằng tất cả mọi việc đã xuất hiện đều là do Tam Bảo làm cho hiển lộ. Khi bạn lên đường đi tới một nơi nào đó, dù để làm việc hay vì một vài lý do nào khác, hãy kính lễ Phật, Pháp và Tăng ở hướng đó. Hãy trì tụng lời nguyện quy y liên tục hàng ngày, hoặc bạn dùng bài nguyện Tâm-Yếu đã trích dẫn ở trên, hoặc tụng đọc bài nguyện dưới đây có tên là Tứ Quy Y, thông dụng cho tất cả các Thừa: 

Con quy y Đạo Sư, 

Con quy y Phật. 

Con quy y Pháp. 

Con quy y Tăng. 

Hãy khuyên bảo người khác quy y và khuyến khích họ thực hành pháp môn quy y. Hãy giao phó bản thân bạn và những người khác cho Tam Bảo trong cả đời này lẫn những đời sau, và hãy thực hành pháp môn quy y [tụng lời nguyện quy y và quán tưởng ruộng công đức quy y] một cách siêng năng. 

Khi bạn đi ngủ, hãy quán tưởng những Bổn Tôn của ruộng công đức, như đã mô tả ở trên, nhưng đặt tất cả những vị ấy trong tim bạn, và rơi vào giấc ngủ trong khi dồn hết tâm thức tập trung vào các Ngài. Nếu không thể làm như vậy, hãy nghĩ tưởng đến Thầy của bạn và đến Tam Bảo như đang thực sự hiện diện bên gối của bạn, tràn đầy lòng từ bi với bạn. Sau đó đi vào giấc ngủ với niềm tin và tri giác thanh tịnh không đánh mất niệm tưởng về Tam Bảo. 

Khi bạn ăn hay uống, hãy quán tưởng Tam Bảo trong cổ họng và cúng dường các Ngài mọi thứ mà bạn ăn hay uống. Nếu bạn không làm được điều đó, hãy cúng dường các Ngài ngụm nước hay miếng ăn đầu tiên, và nghĩ: “Con cúng dường những món này lên Tam Bảo.” 

Khi bạn có quần áo mới, trước khi mặc vào lần đầu tiên, hãy nâng chúng lên và thầm cúng dường chúng cho Tam Bảo. Sau đó hãy mặc vào với niệm tưởng rằng Tam Bảo đã ban chúng cho bạn. 

Bất cứ khi nào bạn thấy điều gì đem lại cho bạn sự hoan hỷ hay lòng khao khát, hãy thầm cúng dường điều ấy lên Tam Bảo trân quý: những khu vườn đáng yêu đầy hoa, những dòng suối trong trẻo, những ngôi nhà xinh đẹp, những vườn cây tươi mát, những tài sản và của cải vô tận, những người đàn ông và phụ nữ ăn mặc đẹp đẽ. 

Khi rót nước, hãy tung vài giọt vào không trung và nói: “Con cúng dường nước này cho Tam Bảo,” trước khi rót nước vào bình chứa. 

Tất cả những hoàn cảnh tốt đẹp và đáng ao ước trong đời này – mọi tiện nghi, hạnh phúc, sự mến mộ, thuận lợi hay bất cứ điều gì bạn có được – cũng đều phát xuất từ lòng từ bi của Tam Bảo. Với lòng quy ngưỡng và tri kiến thanh tịnh, hãy nghĩ rằng: “Con cúng dường tất cả những điều này cho các Ngài”. Hãy cúng dường lên các Ngài bất kỳ nguồn công đức nào mà bạn tạo được – lễ lạy, cúng dường, thiền định về Bổn Tôn, tụng niệm các câu minh chú (mantra), v.v… – và hãy hồi hướng tất cả những nguồn công đức này vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Hãy thường xuyên cúng dường Tam Bảo khi bạn có thể làm được, vào ngày mồng một, ngày rằm và sáu thời trong ngày (ba thời vào ban ngày, ba thời vào ban đêm).* Luôn tuân theo những thời điểm đặc biệt này để cúng dường Tam Bảo. 

Bất kỳ điều gì xảy tới, dù xấu hay tốt, đừng bao giờ quên quy y Tam Bảo. Hãy tu tập bản thân cho đến khi ngay cả cảm giác sợ hãi trong một cơn ác mộng cũng không làm bạn quên quy y, bởi điều đó có nghĩa là bạn cũng sẽ nhớ để quy y như thế trong thân trung ấm. Tóm lại, hãy đặt toàn bộ niềm tin của bạn nơi Tam Bảo và không bao giờ từ bỏ việc quy y cho dù phải trả giá bằng cả cuộc đời bạn. 

Xưa kia, ở Ấn Độ, có một hành giả cư sĩ Phật Giáo bị một số người ngoại đạo (tirthika) bắt giam, họ nói với ông: “Nếu ngươi từ bỏ quy y Tam Bảo, chúng ta sẽ không giết. Nếu không, chúng ta sẽ giết chết ngươi.” 

* dus drug, sáu thời: ba thời ban ngày và ba thời ban đêm. 

Ông ta trả lời: “Tôi chỉ có thể từ bỏ quy y bằng miệng, tôi không bao giờ có thể làm điều đó bằng tâm.” Vì thế họ giết ông. 

Chúng ta nên thực sự giống như vị cư sĩ đó. Một khi ta từ bỏ quy y Tam Bảo, thì dù những pháp tu mà chúng ta thực hành có sâu xa tới đâu chăng nữa, ta có thể không còn là một phần tử của cộng đồng Phật giáo nữa. Có câu nói rằng: 

Chính việc quy y Tam Bảo cho ta thấy sự khác biệt giữa một Phật tử và một người không phải là Phật tử. 

Có nhiều kẻ ngoại đạo tránh làm những hành vi ác hại, thiền định về các Bổn Tôn, thực hành nương vào những kinh mạch và năng lực, và đạt được những thành tựu thông thường. Nhưng bởi không biết quy y Tam Bảo, họ không ở trên con đường đi tới giải thoát và sẽ không thoát khỏi luân hồi. 

Không có duy nhất một điều nào trong tất cả những giáo lý Kinh điển và Mật điển mà Ngài Jowo Atisa không biết hay chưa từng đọc. Nhưng Ngài cho rằng trong tất cả những giáo lý đó, quy y Tam Bảo có tầm quan trọng bậc nhất khiến Ngài đã lấy đó làm một chủ đề để dạy đệ tử – tới nỗi người ta đặt biệt danh cho Ngài là “Học Giả Quy Y.” 

Vậy, từ giây phút bạn đi vào con đường giải thoát và trở thành một Phật tử, hãy thực hành quy y cùng với các giới luật của việc quy y, và đừng bao giờ từ bỏ giới luật cho dù mạng sống của bạn đang bị lâm nguy. Như trong một Kinh điển có ghi: 

Những người quy y Phật 

Là những đệ tử cư sĩ chân chính; 

Họ không nên tìm kiếm quy y 

Nơi bất kỳ thần thánh nào khác. 

Những người quy y Thánh Pháp 

Không nên có các tư tưởng ác hại. 

Những người quy y Tăng Đoàn cao quý 

Không nên kết giao với những kẻ ngoại đạo. 

Ngày nay, một số người khẳng định mình là đệ tử của Tam Bảo nhưng lại không có sự tôn kính tối thiểu đối với những đại diện của Tam Bảo. Họ coi những tranh tượng tượng trưng cho Đức Phật hay những pho sách chứa đựng những lời dạy của Ngài là những món hàng bình thường có thể được mang ra rao bán hay cầm cố. Điều này gọi là “sinh sống bằng cách bắt giữ Tam Bảo để đòi tiền chuộc” và là một lỗi lầm hết sức nghiêm trọng. Chỉ ra chỗ khiếm khuyết của một bức vẽ hay tượng của một vị Phật hoặc chỉ trích bức tranh hay bức tượng Phật, thì trừ khi bạn ước định được sự cân xứng để sửa chữa bức tượng hay bức tranh đó, còn bằng không thì đó cũng là một lỗi lầm nghiêm trọng và nên tránh. Đặt Kinh sách trực tiếp trên sàn nhà, bước qua chúng, thấm nước bọt vào ngón tay để lật trang sách và những cư xử thiếu tôn kính khác cũng đều là những lỗi lầm nghiêm trọng. Chính Đức Phật đã nói: 

Sau khi năm trăm năm chấm dứt 

Ta sẽ hiện diện trong Kinh điển. 

Hãy xem Kinh điển chính là Ta 

Và tỏ lòng tôn kính. 

Một câu châm ngôn để dùng mỗi ngày nói rằng chúng ta không nên đặt những hình ảnh lên trên Kinh điển. Thay vì tượng trưng cho thân hay ý của Đức Phật thì Kinh điển tượng trưng cho ngữ của Ngài, dạy chúng ta điều gì nên làm và điều gi không nên làm và cũng bảo đảm tính liên tục của giáo lý của Ngài. Do đó, kinh điển không khác với bản thân Đức Phật, và thiêng liêng một cách đặc biệt. 

Ngoài ra, phần lớn mọi người nghĩ rằng chuông và chày* là những đồ vật bình thường. Họ không hiểu rõ rằng chúng là những bảo vật tượng trưng cho Tam Bảo. Chày tượng trưng cho tâm Phật, cho năm trí huệ. Chuông mang hình ảnh của một khuôn mặt, theo ngoại Mật điển thì đó là Đức Tỳ Lô Giá Na (Vairochana), và theo quan điểm của các Mật điển thượng thừa thì đó là Đức Vajradhatvishvari. Nói khác đi, chuông mang hình ảnh của thân Phật. Những chữ chạm khắc trên chuông là tám chủng tự của tám vị phối ngẫu, và bản thân của chuông tượng trưng cho ngữ của Phật, âm thanh của Giáo Pháp. Như vậy, chuông và chày đồng thời đáp ứng mọi tiêu chuẩn đại diện cho thân, khẩu và ý của Đức Phật. Đặc biệt hơn, đây là hai đối tượng bao gồm tất cả các mạn đà la của Kim Cương Mật Thừa, và vì thế được coi là những đối tượng mật nguyện phi thường. Như vậy, nếu bạn thiếu tôn kính với những pháp bảo này thì đó là một lỗi lầm nghiêm trọng. Hãy luôn luôn tôn kính các pháp bảo.

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi