Làm Thế Nào Tịnh Hóa Chướng Ngại Nương Vào Pháp Sám Hối

Ác hạnh, chướng nghiệp và tập khí** là các chướng ngại chính yếu ngăn trở sự hiển lộ của tất cả những kinh nghiệm và chứng ngộ phi thường trên con đường đạo thâm sâu. Giống như mặt gương phải lau sạch mới soi rõ, chướng nghiệp phải được diệt trừ thì chứng ngộ mới có thể xuất hiện, giống như sự phản chiếu trên tấm gương Tạng Thức.***Để đạt được mục đích này thì Đức Phật đã dạy vô vàn phương pháp tịnh hóa, nhưng phương pháp tốt nhất vẫn là pháp trì tụng và thiền quán vị Bổn Sư của mình như là đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva). 

* Những chướng ngại của các cảm xúc tiêu cực và các chướng ngại thuộc ý niệm (phiền não chướng và sở tri chướng). “Những chướng ngại” có nghĩa là những yếu tố trùm lấp và ngăn che Phật tánh của ta (xem Thuật ngữ). ** Các tập khí được tạo nên bởi những hành động quen thuộc trong quá khứ.

*** Phạn. Alaya [A Lại Da Thức]. Thức tiềm ẩn, trong đó những dấu vết của nghiệp được tàng trữ. Xem thuật ngữ. 

Không có ác hạnh nào mà không thể tịnh hóa được nhờ vào sám hối. Các bậc Thầy vĩ đại xưa kia đã khẳng định rằng: 

Không có gì là tốt đẹp trong các ác hạnh – trừ việc ác hạnh có thể được tịnh hóa nhờ vào pháp sám hối. 

Trong tất cả các ác hạnh – dù là các vi phạm bên ngoài liên quan đến các giới Biệt Giải Thoát – Ba La Đề Mộc Xoa (Pratimoksa), hay các vi phạm bên trong của Bồ Đề Tâm, hoặc những vi phạm bí mật của các thệ nguyện của Mật thừa (tantric samayas) – thì không có ác hạnh nào dù trầm trọng tới đâu mà không thể tịnh hóa được nương vào pháp sám hối. 

Trong Kinh điển, Đức Phật đã kể lại vài câu chuyện để minh chứng cho điều này. Ví dụ, có câu chuyện về người Bà la môn Atapa, được gọi là Angulimala, “Xâu Chuỗi Ngón Tay.” Angulimala giết chết chín trăm chín mươi chín người, nhưng về sau đã tự thanh tẩy được những ác hạnh đó nhờ pháp sám hối, và đã đạt được quả vị A La Hán ngay chính trong đời đó. Ngoài ra còn có câu chuyện của Vua A Xà Thế (Ajatasatru); Ngài giết hại cha mình, nhưng về sau đã chuộc lại tội lỗi của mình bằng pháp sám hối và đã đạt được giải thoát. Trước khi được giải thoát, nhà vua chỉ phải kinh qua những đau khổ của địa ngục trong thời gian dài bằng một trái banh nẩy lên một lần mà thôi. Đấng hộ pháp Long Tọï (Nagarjuna) đã nói rằng: 

Những kẻ đã hành động buông thả 

Nhưng về sau trở nên nghiêm cẩn và chú tâm 

Thì tươi đẹp như vầng trăng sáng nhô lên từ những đám mây, 

Như Nanda, Angulimala, Darsaka và Sankara. 

Tuy nhiên, nghiệp chướng chỉ được tịnh hóa nếu ta chân thành sám hối một cách đúng đắn, sử dụng bốn lực tịnh hoá nghiệp (tứ lực tịnh nghiệp) làm pháp đối trị. Quá trình tịnh hóa sẽ không bao giờ thực hiện được nếu ta để mắt và miệng sao lãng vào việc khác, hoặc nếu ta chỉ đọc to những từ như “Con thú nhận… Con sám hối…” trong khi tâm thì bận theo đuổi những niệm tưởng khác. Còn khi sám hối, nếu nghĩ rằng: “Trong tương lai, cho dù mình có làm điều quấy quá cũng không sao vì sau đó mình có thể sám hối được hết,” thì suy nghĩ đó sẽ làm cho nghiệp chướng không thể thanh tịnh hóa được, cho dù có phát lồ sám hối đi chăng nữa. 

Ngài Jetsun Mila đã nói rằng: 

Con có thể nghi ngờ rằng sám hối không thể thực sự tịnh hoá các ác hạnh, 

Nhưng nếu tâm thức của con trở nên thuần thiện, thì con đã được tịnh hoá rồi. 

Điều tuyệt đối căn bản của bất cứ pháp sám hối nào là cần phải dựa trên tất cả bốn ‘lực’ tịnh hoá nghiệp như là phương pháp đối trị. 

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi