Mạn Đà La Đặc Biệt Của Pháp Thân

Trên cái đế mạn đà la tượng trưng cho Pháp Giới vô sanh tuyệt đối, hãy đặt các tụ tượng trưng cho bốn thị kiến cũng như cho bất kỳ tư tưởng tạo tác nào. Hãy cúng dường tất cả cho vị Thầy và các Bổn Tôn Pháp Thân. Đây là pháp cúng dường mạn đà la đặc biệt của Pháp Thân. 

Đối với pháp cúng dường mạn đà la này của ba Thân, hãy duy trì một ý niệm trong sáng về tất cả những giáo huấn thực hành này và với lòng quy ngưỡng, hãy lập lại lời cầu nguyện, bắt đầu bằng: 

Om Ah Hum. Tam thiên đại thiên thế giới, cõi giới gồm một ngàn triệu thế giới… 

…Trong khi bạn tính đếm (counting) các cúng phẩm bạn đang dâng cúng, hãy cầm cái đế của mạn đà la trong bàn tay trái, để nguyên các vật cúng dường lần đầu trên đó, và cứ mỗi lần trì tụng bản văn thì bạn lại đặt thêm một tụ lên trên bằng bàn tay phải. Hãy thực hành với lòng kiên nhẫn, đưa đế mạn đà la lên cho tới khi tay bạn đau tới độ không còn cầm được nữa. “Chịu đựng gian khổ và kiên nhẫn một cách dũng cảm vì Pháp” thì có ý nghĩa hơn việc hoàn toàn nhịn đói. Đó có nghĩa là luôn luôn quyết tâm hoàn tất bất kỳ pháp hành trì nào cho dù pháp ấy có khó làm chăng nữa, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa. Hãy thực hành như thế này, và trong khi làm thế, bạn sẽ tích lũy được một số lượng khổng lồ công đức nhờ vào sự kiên trì và nỗ lực của bạn. 

Khi thực sự không thể cầm mạn đà la được nữa, hãy đặt mạn đà la xuống bàn trước mặt bạn và tiếp tục chồng lên đó các tụ cúng dường và đếm số lần. Khi bạn dừng nghỉ, chẳng hạn để uống trà, hãy gom mọi thứ bạn đã cúng dường lại, và khi bắt đầu trở lại, hãy khởi sự với mạn đà la ba mươi bảy cúng phẩm trước khi tiếp tục như trước. 

Hãy quả quyết thực hiện ít nhất một trăm ngàn lần công phu cúng dường mạn đà la theo cách này. Nếu bạn không kham nổi số lượng đó khi sử dụng mạn đà la chi tiết của ba Thân, thì thay vào đó có thể tụng câu kệ bắt đầu bằng: 

Mặt đất được tịnh hóa với nước thơm… 

trong khi cúng dường mạn đà la bảy cúng phẩm.

Bất kỳ bạn dùng hình thức cúng dường nào, điều quan trọng là áp dụng ba phương pháp siêu việt như trong bất kỳ pháp môn thực hành nào khác. Hãy bắt đầu bằng việc phát khởi Bồ Đề Tâm, sau đó thực hiện chính pháp môn hành trì mà không để cho bất kỳ ý niệm tạo tác nào khởi lên, và niêm phong pháp hành trì cho thật hoàn hảo vào lúc cuối bằng việc hồi hướng công đức. 

Nếu đang dùng lúa mạch, lúa mì, hoặc loại hạt khác để cúng dường mạn đà la, chừng nào mà bạn có thể lo liệu được phí tổn thì hãy luôn luôn cúng dường hạt mới và không dùng cùng một hạt hai lần. Những vật đã cúng dường thì bạn có thể đem cho chim muông, phân phát cho những hành khất, hoặc xếp chồng lên trước một biểu tượng của Tam Bảo. Nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng đó là của riêng bạn hoặc sử dụng cho bạn. Nếu bạn thiếu tài lực để sắm sửa lại các hạt cúng dường mỗi lần thực hành pháp hành trì này thì hãy cố gắng sắm sửa các hạt mới mỗi khi điều kiện cho phép. Nếu quá nghèo, bạn cũng có thể dùng đi dùng lại số lượng hạt đó. 

Tuy nhiên, bạn hãy thường thay đổi hạt, làm sạch các hạt này trước khi cúng dường bằng cách nhặt ra các vật lạ, bụi đất, vỏ trấu, rơm, phân chim và những thứ tương tự, và tẩm hạt bằng nghệ hoặc loại nước hoa khác. 

Cho dù giáo lý cho phép dùng vật cúng dường bằng đất và đá, nhưng đây là vì lợi lạc cho những người quá nghèo khó đến nỗi không có chút sở hữu nào, hoặc để dành cho những người có năng lực siêu việt đến nỗi chỉ với một hạt bụi duy nhất, tâm họ có thể tạo nên các cõi Phật nhiều như tất cả những hạt bụi trên toàn thể thế giới. Còn bản thân bạn tuy có thể thực sự có được đầy đủ những gì cần thiết, nhưng lại không thể buông bỏ và cúng dường một cách rộng rãi. Bạn có thể quả quyết bằng đủ loại loại lý lẽ đã được cân nhắc và có vẻ rất hợp lý – thậm chí tự thuyết phục mình – rằng bạn đang thực hiện cúng dường bằng cách trì tụng thần chú hoặc bằng quán tưởng. Nhưng bạn sẽ chỉ tự lừa gạt mình. 

Hơn nữa, tất cả các Mật điển và giáo huấn cốt tủy đều nói về “các cúng phẩm trong sạch, được chuẩn bị sạch sẽ” hoặc “những cúng phẩm đã được chuẩn bị sạch sẽ.” Các Mật điển không bao giờ khuyên nên dùng “các cúng phẩm dơ bẩn, được chuẩn bị một cách dơ bẩn.” Vì thế đừng bao giờ cúng dường các đồ thừa hay thực phẩm bị ô nhiễm bởi tính keo kiệt hay bụi bẩn. Đừng dành riêng cho mình phần lúa mạch tốt nhất và dùng phần còn lại để cúng dường hoặc làm các bánh cúng (torma) bằng món bột lúa mì xay nhuyễn (tsampa). Các hành giả Kadampa thuở xưa thường nói: 

Giữ phần tốt nhất cho bạn và cúng dường phó mát mốc meo và rau quả héo úa cho Tam Bảo là điều không nên làm. 

Đừng làm các bánh cúng hoặc đèn cúng dường với những vật liệu hư ôi hoặc thối rữa, trong khi dành những thứ hảo hạng cho mình. Lối hành xử đó sẽ làm cạn kiệt công đức của bạn. 

Khi làm shelze hay các torma, hãy chuẩn bị bột nhào cho vừa vặn (không quá đặc cũng không quá lỏng), với chính độ vừa mà chính bản thân bạn cũng sẽ ưa thích. Thật sai lầm 

nếu bạn đổ thêm nhiều nước vào bột nhào chỉ để cho dễ làm hơn. 

Ngài Atisa thường nói: “Những người Tây Tạng này sẽ không bao giờ có thể giàu có, họ làm bánh cúng bằng bột nhào mỏng teo!” 

Ngài cũng nói: “Ở Tây Tạng, chỉ cúng dường nước thôi cũng đủ tích lũy công đức. Ở Ấn Độ trời quá nóng và nước chẳng bao giờ tinh sạch được như ở Tây Tạng đây.” 

Như một cách tích lũy công đức, cúng dường nước tinh trong, thanh tịnh sẽ cực kỳ hiệu quả nếu bạn có thể thực hiện việc này thật tinh tấn. Hãy rửa sạch bảy chén cúng dường hoặc các đồ đựng khác và đặt chúng cạnh nhau, đừng quá sát và không quá xa. Chén phải được đặt thẳng tắp, không chén nào trong số đó lệch khỏi hàng. Nước phải tinh khiết không lẫn các hạt, tóc, bụi hoặc các côn trùng nổi ở trong đó. Phải thận trọng khi rót đầy các chén, nhưng đừng quá đầy tới miệng chén, không làm đổ chút nước nào trên bàn cúng dường. Đây là cách thực hiện cúng dường nước tốt đẹp và hoan hỉ. 

Phổ Hiền Hạnh Nguyện Tán có nói về các phẩm vật cúng dường “được sắp xếp hoàn hảo, đặc biệt và tuyệt vời…” Cho dù bạn thực hiện hình thức cúng dường nào, nếu bạn làm thật tốt đẹp và hoan hỉ, thì ngay cả trong cách thức sắp đặt, lòng tôn kính mà bạn biểu lộ đối với chư Phật và Bồ Tát trong khi cúng dường sẽ đem lại một lượng công đức bao la. Vì thế hãy nỗ lực chuẩn bị thật chu đáo các phẩm vật cúng dường của bạn. 

Nếu bạn thiếu tài lực hoặc không thể thực hiện các pháp cúng dường, thì ngay cả việc cúng dường những vật dơ bẩn hay thô xấu cũng không có gì sai miễn là tác ý của bạn hoàn toàn trong sạch. Chư Phật và Bồ Tát không có ý niệm sạch hay dơ. Có những ví dụ về những sự cúng dường như thế trong các truyện kể, như câu chuyện về một người đàn bà nghèo khó có tên Người Bới Rác Thành Phố cúng dường Đức Phật một ngọn đèn bơ. Và có câu chuyện về người đàn bà cùi hủi cúng dường Ngài Đại Ca Diếp một chén cháo gạo mà bà đã nhận trong buổi khất thực. Khi bà đang cúng dường Ngài thì một con ruồi rơi vào chén. Bà cố lấy con ruồi ra và ngón tay bà cũng nhúng vào trong chén. Dù thế nào đi nữa, Ngài Đại Ca Diếp đã dùng nó để hoàn thành ý hướng tốt đẹp của bà, và vì vật cúng dường của bà đã cung cấp thực phẩm trọn ngày cho Ngài nên bà tràn ngập niềm vui. Bà đã được tái sinh ở cõi Trời thứ Ba Mươi Ba. 

Nói tóm lại, khi bạn cúng dường mạn đà la, dù cúng dường thứ gì đi nữa thì món ấy cũng cần phải tinh sạch, được cúng dường trong một cách thế hoan hỉ, và ý hướng của bạn phải hoàn toàn thanh tịnh. 

Trong bất cứ giai đoạn nào của đường tu, bạn không nên ngưng nỗ lực thực hiện các pháp hành trì để tích lũy công đức, chẳng hạn cúng dường mạn đà la. Như các Mật điển có nói: 

Chẳng có chút công đức nào thì làm gì có thành tựu; 

Người ta không thể ép cát để lấy dầu. 

Hy vọng vào bất kỳ một thành tựu nào mà không lo tích lũy công đức thì giống như cố gắng ép cát ở bờ sông để lấy dầu thực vật. Cho dù bạn ép bao nhiêu triệu hạt cát, bạn sẽ chẳng bao giờ lấy được chút xíu dầu nào. Nhưng muốn tìm kiếm các thành tựu bằng việc tích lũy công đức thì giống như nỗ lực lấy dầu bằng cách ép các hạt mè. Bạn càng ép mè thì bạn càng lấy được nhiều dầu. Cho dù chỉ ép một hạt mè duy nhất trên móng tay bạn cũng sẽ làm toàn thể móng tay mình bóng dầu. Có một câu tục ngữ tương tự: 

Trông chờ các thành tựu mà không tích lũy công đức thì giống như cố gắng khuấy nước để làm bơ. 

Mưu cầu các thành tựu sau khi vun bồi công đức thì giống như khuấy sữa làm bơ. 

Không còn nghi ngờ gì rằng việc đạt được mục đích tối hậu của thành tựu siêu việt cũng là kết quả của việc hoàn tất tốt đẹp việc tích lũy hai bồ công đức. Chúng ta đã thảo luận về việc không thể nào đạt được hai thân thuần tịnh của Phật Quả nếu không thành tựu việc vun bồi tích lũy phước đức và trí tuệ. Đức Long Thọ đã có nói: 

 Nhờ những thiện hạnh này mà mọi chúng sinh có thể Thành tựu vun bồi phước đức và trí tuệ Và đạt được hai Thân siêu việt Đến từ công đức và trí tuệ. 

Nhờ thành tựu vun bồi công đức là một việc tuy vẫn còn bao hàm các ý niệm (tạo tác), bạn đạt được Sắc Thân (rupakaya) siêu việt. Nhờ thành tựu vun bồi trí tuệ siêu vượt các ý niệm, bạn đạt được Pháp Thân siêu việt. 

Các thành tựu nhất thời của cuộc đời bình thường cũng có thể được tạo ra bởi việc tích lũy công đức. Nếu chẳng có chút công đức nào thì mọi nỗ lực của ta dù to dù lớn đến đâu cũng sẽ thất bại. Ví dụ có những người chưa từng nỗ lực chút nào mà chẳng bao giờ thiếu thực phẩm, tiền bạc hay tài sản trong hiện tại là nhờ kho công đức họ đã tích lũy trong quá khứ. Những người khác tiêu phí cả đời đâm đầu vào mọi chỗ, cố làm giàu bằng thương mại, trồng trọt v.v… nhưng chúng không đem lại ngay cả chút lợi ích nhỏ bé nhất, và cuối cùng phải chết đói. Đây là những điều mà mọi người có thể tự thấy cho chính mình. 

Thậm chí điều này cũng thích hợp trong việc làm nguôi dịu các vị thần tài bảo, các Hộ Pháp và v.v… với hy vọng có được một thành tựu siêu nhiên tương ứng. Những Bổn Tôn như thế không thể ban cho ta điều gì trừ phi ta có thể thu hoạch được hoa trái (quả) đến từ hạnh bố thí (nhân) của chính ta trong quá khứ. 

Có một lần một ẩn sĩ không có gì để sống, vì thế ông bắt đầu thực hiện thực hành pháp tu Damchen.* Ông trở nên lão luyện trong pháp tu đến nỗi có thể trò chuyện với vị Hộ Pháp như thể nói với một người khác, nhưng ông vẫn chưa đạt được thành tựu. 

Damchen nói với ông: “Ông không có ngay cả chút kết quả ít ỏi nhất đến từ bất kỳ hành động bố thí nào trong quá khứ, vì thế ta không thể đem lại cho ông một thành tựu nào.” 

Một hôm nhà ẩn sĩ đứng vào hàng cùng một vài hành khất và được bố thí một tô súp đầy. Khi ông về nhà, Damchen hiện ra và nói với ông: “Hôm nay ta đã ban cho ông một vài thành tựu. Ông có nhận thấy không ?” 

“Nhưng tất cả các hành khất đều nhận một tô súp, đâu phải chỉ mình tôi,” nhà ẩn sĩ nói. “Tôi không thấy (dấu hiệu) thành tựu đến từ Ngài ra sao.” 

Damchen nói “Khi ông nhận súp, một miếng mỡ lớn đã rơi vào tô ông, đúng không ? Đó là thành tựu đến từ ta!” 

Không thể khắc phục sự nghèo khổ bằng các pháp tu tài bảo và những pháp tu tương tự mà không có một vài tích tụ công đức trong những đời quá khứ. Nếu có những vị như các vị Trời tài bảo thực sự có khả năng ban cho các thành tựu tài bảo siêu nhiên thì chư Phật và Bồ tát, với khả năng và năng lực có thể thực hiện các điều huyền nhiệm còn lớn hơn hàng trăm, hàng ngàn lần, và là những bậc Giác Ngộ đã hoàn toàn hiến mình để giúp đỡ chúng sinh ngay cả khi không được thỉnh cầu, thì chắc chắn chư Phật và Bồ Tát sẽ trút xuống thế giới này một khối lượng dồi dào của cải khiến tất cả mọi sự cùng khổ đều được giải trừ trong giây lát. Nhưng điều này đã không xảy ra. 

* Damchen Dorje Lekpa, Phạn: Vajrasadhu, một trong những Hộ Pháp chính.

Bởi bất kỳ những gì ta có chỉ là kết quả của công đức ta từng tích tụ trong quá khứ, nên một chút công đức thì đáng giá hơn một trái núi nỗ lực. Ngày nay khi những người thấy được chút ít của cải hay quyền lực ít ỏi nhất trong xứ sở man dại này của chúng ta, họ hoàn toàn sửng sốt và tán thán: “Ôi chao, ôi chao! Có thể có được chuyện này sao?” Thật ra có được của cải này cũng chẳng cần phải đòi hỏi gì nhiều trong cách tích tụ công đức. Khi tác ý của người cúng dường và đối tượng được cúng dường đều thanh tịnh, thì kết quả của hành động cúng dường này được minh chứng bởi câu chuyện của Mandhatri. Bằng hành động cúng dường bảy hạt đậu, ông đạt được vương quyền tối cao tận Cõi Trời thứ Ba Mươi Ba. Rồi có trường hợp của Vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) mà quyền lực của ngài là kết quả của hành động cúng dường một đĩa thực phẩm nóng sốt không muối. 

Khi Ngài Atisa đến Tây Tạng, xứ ấy giàu và lớn hơn ngày nay. Và tuy thế Ngài nói: “Tây Tạng thực sự là một vương quốc gồm các thành phố ngạ quỷ. Ở đây ta không thấy ai đang hưởng quả của việc đã từng cúng dường, thậm chí chỉ một lượng lúa mạch duy nhất cho một đối tượng thanh tịnh!” 

Nếu người ta thực sự cho rằng của cải hoặc một chút quyền lực tầm thường là cái gì thật kỳ diệu và tuyệt vời, thì trước hết đó là một dấu hiệu cho thấy tâm hồn họ nhỏ bé biết bao; thứ đến, điều này chứng tỏ họ bám chấp vào các hình tướng phàm tục ra sao; và thứ ba, họ không hiểu biết đúng đắn sự đơm hoa kết trái của tất cả mọi hành động, như đã được minh họa trước đây bằng hạt giống của cây asota – hoặc cho ta thấy họ không tin vào kết quả này cho dù họ có hiểu biết về điều đó. 

Nhưng bất kỳ ai có được sự xả bỏ chân thành và chân thật thì họ sẽ hiểu rằng trong tất cả những sự kiện hoàn hảo hiển nhiên được tìm thấy trong thế gian này – ngay cả việc giàu có như một long vương, có một địa vị cao như bầu trời, mạnh mẽ như sấm sét hoặc tươi đẹp như một ánh cầu vồng – không điều gì trong những thứ này có chút gì thường hằng, bền chắc hoặc có được chút thực chất nào. Những thứ như thế chỉ khơi dậy sự nhờm tởm, giống như một đĩa thức ăn béo ngậy được đem mời một người mắc bệnh vàng da. 

Việc tích lũy phước đức với hy vọng được giàu có trong đời này thì là điều hoàn toàn tốt lành đối với người thế gian bình thường, nhưng điều này khác xa Phật Pháp chân chính, vì Phật Pháp chân chính được đặt nền tảng trên quyết tâm giải thoát khỏi sinh tử. Như tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, nếu bạn đang tìm kiếm một Chân Pháp đưa tới giải thoát, bạn phải từ bỏ mọi tham luyến với đời sống thế tục như thể có quá nhiều nước bọt trong bụi đất. Bạn phải lìa bỏ quê hương và hướng về những miền đất vô danh, luôn luôn ở những nơi cô tịch. Bạn phải phấn khởi tu tập khi đối diện với bệnh tật và vui vẻ đương đầu với cái chết. 

Một lần kia, một đệ tử của đức Dagpo Rinpoche vô song hỏi Ngài: “Trong thời đại suy thoái này thật khó tìm ra thực phẩm, áo quần và những thứ cần thiết khác để thực hành chân Pháp. Vậy con phải làm gì ? Con cần nỗ lực để làm nguôi dịu phần nào các Bổn Tôn tài bảo, hay học một phương pháp hữu hiệu để trích ra các tinh chất, hoặc cam chịu một cái chết nào đó?” 

Bậc Đạo Sư đáp: “Dù con hết sức nỗ lực, nhưng nếu không có bất kỳ hoa trái nào của hành động bố thí trong quá khứ thì việc làm lành với các Bổn Tôn tài bảo sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, việc tìm kiếm giàu sang trong đời này thì mâu thuẫn với việc chân thành thực hành Pháp. Việc thực hành pháp trích xuất tinh chất ra từ các bất động vật thì bây giờ không còn phải như là trong đại kiếp tăng tiến nữa, khi mà tinh chất của đất, đá, nước, thảo mộc, v.v… đã tiêu tán. Bây giờ việc đó chẳng còn hiệu nghiệm nữa. Tự buông mình vào một cái chết nào đó thì cũng chẳng tốt. Sau này, sẽ rất khó khăn để có thể có lại được một thân người với đầy đủ tự do và thuận lợi như con hiện có. Tuy nhiên, nếu con có niềm tin chắc chắn tận đáy lòng rằng con có thể thực hành mà không quan tâm đến việc con sống hay chết, thì con sẽ chẳng bao giờ thiếu thực phẩm và quần áo.” 

Trước giờ, chưa từng bao giờ có một ví dụ nào về một hành giả chết vì đói. Đức Phật đã từng tuyên bố rằng ngay cả trong thời gian có nạn đói vô cùng thảm khốc, khi mà muốn mua được một lượng bột sẽ phải trả giá bằng một lượng ngọc, thì ngay cả lúc đó, đệ tử của Đức Phật cũng sẽ không bao giờ phải thiếu thực phẩm và quần áo. 

Tất cả các pháp hành trì mà chư Bồ Tát thực hiện để vun bồi công đức và trí huệ hay để giải trừ các chướng nhiễm chỉ có một mục đích duy nhất: đó là hạnh phúc của tất cả chúng sinh đầy khắp không gian. Bất kỳ ước muốn nào hầu đạt được Phật Quả viên mãn chỉ cho riêng bạn thì chẳng dính dáng gì tới Đại Thừa, huống hồ là thứ thực hành nhắm tới việc thành tựu các mục đích tầm thường của đời này. Cho dù bạn có thể hành trì bất cứ loại pháp môn nào, dù là thực hành tích lũy phước đức và trí tuệ hay thực hành pháp tịnh hóa các chướng nhiễm, hãy thực hiện các pháp ấy vì sự lợi lạc của toàn thể chúng sinh vô biên, và đừng trộn lẫn pháp hành trì với bất kỳ thứ tâm tham luyến chấp ngã nào. Ngay cả khi bạn không ước muốn những điều này, thì như một tác dụng phụ, tất cả các lợi lạc, tiện nghi và hạnh phúc của riêng bạn trong đời này sẽ được đầy đủ, giống như khói tự xuất hiện khi bạn thổi vào một ngọn lửa, hay chồi lúa mạch tất nhiên sẽ nảy nở khi bạn gieo hạt. Nhưng đối với bất kỳ sự thôi thúc nào khiến bạn hiến mình cho riêng những điều đó (lợi lạc, tiện nghi và hạnh phúc) thì hãy vứt bỏ hết những thôi thúc này như vứt bỏ thuốc độc đi. 

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi