Lễ Lạy, Phương Pháp Đối Trị Tánh Kiêu Ngạo

Đối với pháp môn lễ lạy này, hãy quán tưởng là bạn đang phân thân thành một trăm, một ngàn, rồi thành ra vô số thân thể như thân thể bạn hiện nay, nhiều như vô lượng những hạt bụi trong thế giới. Đồng thời hãy quán tưởng rằng tất cả chúng sinh vô lượng như không gian vô lượng đang lễ lạy cùng bạn. Những câu tụng đọc được sử dụng trong phần này là: 

Hrih! Con xin quy mạng lễ, hoá hiện thành nhiều thân, 

Nhiều như những vi trần trong toàn thể thế giới. 

Nói chung, khi bạn thực hành toàn bộ “năm trăm ngàn pháp tu chuẩn bị”, bạn có thể kết hợp phần lễ lạy với pháp thực hành quy y, làm như vậy là đúng chứ không sai, và truyền thống kết hợp cả hai phương pháp đó cũng thường được [các hành giả] noi theo. Nhưng riêng trong giáo lý giảng dạy về pháp lễ lạy được cắt nghĩa ở đây thì việc kết hợp phần lễ lạy với pháp hành trì Bổn Sư Du Già mới chính là một phương pháp tuyệt hảo để tu tập. 

Điều quan trọng cần chú ý khi thực hành pháp môn lễ lạy là phải liên kết thân, ngữ, và ý. Khi bạn lễ lạy bằng thân, hãy trì tụng lời cầu nguyện lễ lạy bằng ngữ của bạn. Trong khi đó, hãy dùng tâm để nhận biết rằng bạn đang thực hành lễ lạy cùng tất cả chúng sinh và thực hành lễ lạy với lòng tôn kính và quy ngưỡng, hoàn toàn nương tựa vào Thầy của bạn và hoàn toàn quy phục Ngài. Mặt khác, bạn sẽ phải hoàn toàn dứt bỏ việc phát ngôn bừa bãi theo sở thích, hoặc ngó quanh ngó quất khắp mọi nơi trong khi tâm bạn tiếp tục theo đuổi đủ loại hiện tượng đang xảy ra bên ngoài. Có một kẻ nào đó đi ngang qua, hay một người nào đó đang nói chuyện ở phía bên phải của bạn thì bạn sẽ chú ý về phía đó và đôi mắt bạn sẽ bị lôi kéo về phía đó, và bạn sẽ thấy mình đang chắp đôi bàn tay lại ép lên má trái. Khi có ai đó xuất hiện ở bên phía trái của bạn, bạn sẽ nhìn quanh, lắng nghe về phía đó và đôi bàn tay chắp lại của bạn cuối cùng lại chạm vào má bên phải. Bạn phải hiểu rằng nếu bạn chỉ trình diễn bề ngoài bằng cách lễ lạy như thế, để cho tâm buông lung phóng dật trong khi thân bạn tự lắc lư lên xuống thì đó chỉ là một thứ thử thách cho xác thân mà không đem lại bất kỳ lợi lạc nào. 

Khi lạy, bạn hãy chụm hai bàn tay lại trong hình dạng của một búp sen sắp nở, còn chừa một khoảng trống ở giữa [hai lòng bàn tay]. Không được ép sát hai bàn tay lại với nhau mà không để chừa khoảng không ở giữa, cũng như không được chắp hai tay bằng cách chỉ chạm các đầu ngón tay lại với nhau mà thôi. Kinh Đại Giải Thoát có nói: 

Đôi bàn tay chắp lại trên đầu 

Như một búp sen hé nở, 

Và với vô lượng thân này tụ hội giữa trời mây 

Con quỳ lạy mười phương chư Phật. 

Và Kho Báu Thiện Đức có nói: 

Hãy làm một biểu hiện tôn kính nơi tim, 

Thân cúi xuống thấp, tâm không phóng dật, 

Đôi bàn tay chụm lại như một búp hoa 

Và gắn liền với nhau như chiếc hộp đựng xá lợi. 

Hãy chắp hai bàn tay lại và đặt trên đỉnh đầu bạn, rồi đặt ở yết hầu (cổ họng) và đặt nơi tim bạn để tịnh hóa các chướng ngại của thân, khẩu và ý của bạn. Rồi bạn hạ người xuống trên nền nhà chạm vào nền nhà ở năm điểm trên thân thể là trán, hai lòng bàn tay và hai đầu gối, để tịnh hóa các chướng ngại của ngũ độc và nhận được năng lực gia trì cho thân, khẩu, ý, phẩm hạnh và hoạt động. Sau đó hãy đứng thẳng lên, lại chắp tay lại và tiếp tục thực hành lễ lạy theo phương cách như trên. 

Việc đong đưa hai cánh tay mà không chắp hai bàn tay lại là việc sai trái. Còn nếu bạn chỉ cúi xuống phía trước mà đầu gối và trán không chạm đất thì cũng không đúng. Cũng không đúng nốt nếu khi đứng dậy, bạn cứ lom khom mà không đứng thẳng người lên. Lễ lạy như thế là thiếu tôn kính. Người ta nói rằng nghiệp trổ quả của việc lễ lạy mà không đứng thẳng là kẻ thực hành lễ lạy sẽ bị tái sinh làm một người lùn gù lưng. Chúng ta thực hiện việc lễ lạy với hy vọng công phu tu tập này sẽ đem đến cho ta lợi lạc – vì thế, chẳng có ý nghĩa gì trong việc thực hành lễ lạy nếu kết quả của việc làm ấy chỉ đem đến cho ta một thân thể méo mó biến dạng. 

Ngay cả nếu bạn không thể lễ lạy được nhiều lần, thì hãy nỗ lực bằng mọi cách để bảo đảm rằng bất kể cái lạy nào của bạn cũng sẽ là một cái lạy hoàn hảo, không thể chê vào đâu được. Thật là vô nghĩa nếu bạn cố tình làm cho công việc lễ lạy trở nên dễ dàng hơn bằng cách thực hiện lễ lạy trên một chỗ dốc, chẳng hạn ở sườn một ngọn đồi, hoặc bằng bất kỳ phương pháp nào khác. 

Hơn nữa, ngày nay khi người ta tỏ lòng tôn kính một ai, ví dụ như khi viếng thăm một Lạt Ma, họ thi lễ và lạy một cái lạy tạm coi như là đúng cách, và rồi sau đó bồi thêm hai cái lạy nữa chẳng khác nào hai cái « nghiêng mình ». Đại khái cứ cho như đó là cách lễ lạy của những kẻ có tầm vóc quan trọng đi – và hầu hết những kẻ ngu dốt lại noi theo gương của họ. Nhưng đó là một cách lễ lạy cực kỳ thô tục. Mục đích của việc thỉnh cầu giáo lý, ngay cả trong những sự việc đơn giản như cách quỳ lạy ra sao, là để nghe Đạo Sư giảng dạy bất kỳ điều gì ta không biết, và sau đó luôn luôn đưa những giáo huấn đó vào thực hành mà không bỏ quên bất kỳ chi tiết nào. Nếu ta không thể đưa vào thực hành ngay cả một điều thật dễ học và dễ làm thì việc học hỏi về Phật Pháp sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa và không đem lại kết quả nào. Những người đã từng nghiên cứu Phật Pháp phải giỏi giang thành thạo hơn những người không nghiên cứu Pháp, kể cả trong cách thức họ thi lễ, cách lạy những cái lạy thật đơn giản. 

Khi Ngài Jetsun Mila đến cầu Pháp với Lạt Ma Ngokpa, Ngài tới vào lúc Lạt Ma Ngokpa đang giảng Mật điển Hô Kim Cương (Hevajra Tantra) cho một tập hội tăng sĩ đông đảo. Ngài Mila tỏ lòng tôn kính bằng cách quỳ lạy từ xa. Vị Lạt Ma rất hài lòng. 

Bỏ mũ miện xuống khỏi đầu, vị Lạt Ma lạy trả ngài Mila và nói: “Đây thật là một việc gián đoạn tốt lành! Người quỳ lạy đằng kia đang lạy theo cung cách của các đệ tử của Ngài Marpa xứ Lhodrak.* Hãy hỏi xem ông ta là ai.” * Vị thầy gốc (bổn sư) của Milarepa, và cũng là bổn sư của Ngokpa. 

Bất kỳ ai đi theo một vị Thầy nào và nhận giáo lý của Ngài thì cũng phải giống như một miếng vải được ngâm trong thuốc nhuộm. Khi anh ta học tập để noi theo những hành động của vị Thầy đáng kính của mình, thì chắc chắn sẽ có một vài chuyển biến đáng lưu ý xảy ra so với anh ta trước kia. Khi một miếng vải được nhuộm màu, thể nào màu mới cũng sẽ ít nhiều ngấm vào miếng vải— làm sao mà miếng vải đó lại không thay đổi màu sắc chút xíu nào cho được? Ngày nay, có những người từng thọ nhận Pháp hàng trăm lần, nhưng họ vẫn không cải thiện bản thân được chút nào, và xử sự hoàn toàn như một người thế tục trên mọi phương diện. Tất cả những gì Giáo Pháp sản sinh ra lại chỉ là những hành giả trơ lì, là những kẻ vi phạm mật nguyện. Có câu nói rằng: 

Đạo Pháp có thể là nguồn cảm hứng khiến những kẻ xấu ác biến đổi, nhưng không thể truyền cảm hứng cho những hành giả trơ lì đối với Pháp – giống như mỡ có thể làm loại da cứng trở nên mềm mại, nhưng không thể làm mềm da của túi đựng bơ. 

Một khi bạn đã học hỏi về lợi lạc của các thiện hạnh, về tai hại của các ác hạnh và về phẩm hạnh của chư Phật, thì điều đó sẽ không bao giờ đủ nếu bạn chỉ đơn thuần tán đồng tin tưởng ; bạn còn phải khơi dậy sự xác quyết và lòng tín tâm để có thể thực sự chuyển hoá cái nhìn của bạn. Nếu không thì ngay cả vị Phật Toàn Giác bằng xương bằng thịt cũng sẽ chẳng thể nào cứu giúp bạn. Đấng Vĩ Đại xứ Oddiyana đã ban lời cảnh cáo sau đây: 

Đừng tham dự vào giữa đám đông những kẻ đệ tử lạc lối chuyên bàn suông về Giáo Pháp trong khi tâm họ đã trở nên trơ lì với Pháp. 

Đừng liên kết với những bằng hữu nào muốn giới hạn các mật nguyện của họ. 

Cho dù bạn chỉ hiểu một chữ duy nhất của Giáo Pháp thì bạn cần nhận biết ra được cách nào để cho chữ ấy chan hòa trong tâm bạn và đưa được chữ ấy vào trong thực hành. Mục đích của việc đi theo một vị Thầy là quan sát tư tưởng, lời nói và hành động của Ngài và học cách hành pháp như Ngài hành pháp. Như tục ngữ có câu: 

Mọi hành động chỉ là noi gương: Những người hành động tuyệt hảo là những người noi gương giỏi nhất. 

Theo cách này, bạn nên để cho những phẩm hạnh bên ngoài, bên trong và ẩn mật của Thầy in dấu lên bạn, giống như một mẫu tượng tsa-tsa hình thành từ chính cái khuôn của nó. 

Lễ lạy” là một từ tổng quát mô tả một cử chỉ tôn trọng và kính phục. Có nhiều cách khác nhau để lễ lạy, và những tập tục lễ lạy biến đổi từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Thầy của bạn đã hướng dẫn bạn cách thức lễ lạy cho phù hợp với lời dạy của Đấng Chiến Thắng. Vì thế, nếu bạn cố ý lễ lạy theo một cách thức sai lầm, dù bởi kiêu ngạo hay dù để giúp cho việc lễ lạy dễ dàng hơn, thì cả hai đều là một hành vi thiếu tôn kính và là một biểu hiện của sự khinh thường. Bạn cũng cần phải hiểu rõ rằng nếu chỉ thực hành lễ lạy như thể để thanh toán một món thuế thì việc làm này sẽ không có nghĩa lý gì cả và chỉ đem lại những kết quả sai lầm. 

Trái lại, nếu lễ lạy đúng đắn thì việc này đem lại vô lượng lợi lạc. Một lần, khi một nhà sư đang lễ lạy một cái tháp đựng những mẩu tóc và móng chân tay của Đức Phật, Ngài Ananda hỏi Đức Phật một hành động như thế có thể có lợi lạc gì. Đức Phật đáp: 

Kết quả gặt hái được từ một cái lạy duy nhất có oai lực khủng khiếp nhiều đến nỗi nếu như ta được trở thành một vị đại đế vô lượng lần nhiều bằng số lượng hạt bụi ở dưới thân ta xuống cho đến vực sâu nhất của trái đất, thì lợi lạc của cái lạy đó vẫn không cạn kiệt. 

Và trong Kinh điển có nói: 

Nhục kế không thể nghĩ bàn trên đầu Đức Phật hình thành từ việc Ngài đã lễ lạy Đạo Sư của Ngài với tất cả lòng tôn kính. 

Cuối cùng, lễ lạy cũng sẽ dẫn dắt chúng ta đến việc có được nhục kế (usnisa) không thể nghĩ bàn trên đỉnh đầu của chư Phật Toàn Giác.

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi