Hoan Hỷ, Phương Pháp Đối Trị Tánh Ganh Tị

Hãy phát tâm hoan hỉ sâu xa và chân thành trước công cuộc chuyển Pháp Luân Vĩ Đại đã được các Đấng Chiến Thắng khởi động vì lợi lạc của chúng sinh. Hãy hoan hỷ trước các hoạt động bao la, đầy uy dũng của chư Bồ Tát, và trước các thiện hạnh của chúng sinh là những việc đáng tán thán và đưa tới giải thoát. Hãy hoan hỷ trước bất kỳ điều tốt lành nào mà bản thân bạn đã làm trong quá khứ, đang làm trong hiện tại và chắc chắn sẽ làm trong tương lai. Hãy tụng đọc: 

Con hoan hỷ trước tất cả các thiện hạnh .

Được gói trọn trong hai chân lý (chân đế và tục đế) .

Chúng ta hoan hỷ trước tất cả các thiện hạnh bao gồm trong hai chân lý, dù được thực hiện bởi chúng ta hay bởi người khác, dù bị các cảm xúc làm cho ô nhiễm hay dù thanh tịnh hoàn toàn, bởi vì không một giáo lý nào trong tất cả chín Thừa mà không được bao gồm trong chân lý tương đối (tục đế) hay chân lý tuyệt đối (chân đế). 

Việc phát khởi tâm hoan hỷ theo cách này sẽ đem đến lợi lạc vô hạn. Có một lần vua Ba Tư Nặc (Prasenajit) thỉnh mời Đức Phật và chúng đệ tử của Ngài dùng bữa hằng ngày tại cung điện trong thời gian bốn tháng. Trong thời gian này ông đã cúng dường hội chúng tất cả tài sản của mình. Một bà lão hành khất đi ngang qua đó tràn ngập lòng hoan hỷ trước hành động này. 

“Vua Ba Tư Nặc đã đạt được mọi của cải này nhờ công đức vua đã tích tập trong quá khứ,” bà lão nghĩ, “và giờ đây vua đã được gặp Đức Phật. Đức Phật là người mà nhà vua chú tâm gửi đến hết tất cả mọi cúng dường, và công phu tích lũy công đức của nhà vua thực là cực kỳ to lớn. Kỳ diệu thay!” 

Nhờ lòng hoan hỷ chân thành và hoàn hảo mà bà lão đã tạo được vô lượng công đức. Đức Phật thấu suốt điều này. 

Chiều hôm đó, khi đến lúc hồi hướng công đức, Đức Phật nói với vua: “Ngài muốn ta hồi hướng nguồn mạch công đức mà Ngài đã thâu đạt được cho Ngài, hay muốn ta sẽ hồi hướng công đức ấy cho người xứng đáng hơn Ngài ?” 

Nhà vua đáp: “Xin hồi hướng công đức cho bất kỳ ai có nguồn mạch công đức to lớn nhất.” 

Vì thế Đức Phật đã hồi hướng công đức cho bà lão hành khất. Việc này xảy ra trong ba ngày liền. Quá bực tức, nhà vua thỉnh ý các thượng thư để tìm cách chấm dứt tình trạng này. 

“Đức Vua quyết định về việc này thế nào ?” họ hỏi. “Ngày mai, khi thỉnh mời đức Thế Tôn và các đệ tử của Ngài đến để cúng dường, chúng ta sẽ đánh đổ một số thực phẩm và thức uống quanh những cái nồi. Khi những người hành khất đến nhặt thực phẩm rơi rớt, chúng ta sẽ đánh họ thật nghiêm khắc để ngăn cản họ.” 

Và họ đã làm như thế. Khi bà lão hành khất hoan hỷ đến nhặt thực phẩm bị đánh đổ, họ ngăn lại và đánh bà. Bà trở nên giận dữ, vì vậy tiêu hủy nguồn mạch công đức của bà. 

Như tôi đã lập lại ở đây nhiều lần, chỉ duy nhất tác ý của người thực hiện công việc ấy sẽ quyết định được là các hành động người đó làm là hành động tích cực hay tiêu cực – chứ không phải việc thật sự thực hiện công việc bằng vật chất hay bằng những lời lẽ dựa vào tác ý trên. Vì lý do này, trong Thắng Quân Vương Sở Vấn Kinh, Đức Phật đã giảng giải tỉ mỉ rằng việc chỉ đơn thuần nhìn thấy điều tốt người khác đã làm với một tâm thức thanh tịnh, chân thành hoan hỷ trước điều đó và hồi hướng năng lực của việc làm đó cho Giác Ngộ viên mãn của tất cả mọi chúng sinh, thì hạnh hoan hỷ ấy sẽ đem lại công đức còn nhiều hơn những hành vi tốt đẹp có tính phô trương, là những hành vi đã bị tám mối quan tâm thế tục làm cho băng hoại, bị ô nhiễm bởi các tham vọng đối với cuộc đời này, bởi tánh kiêu ngạo về các hành vi tốt đẹp của mình, bởi ước muốn ganh đua với đức hạnh của người khác và v.v… Chagme Rinpoche có nói: 

Khi nghe nói về điều tốt của người khác, 

Nếu như ta đuổi được đi mọi niệm tưởng ganh tị tiêu cực 

Và thực sự hoan hỷ tận sâu thẳm trong tim ta, 

Thì công đức của ta sẽ ngang bằng công đức của họ. 

Bát Nhã Tập Kệ cũng có nói: 

Sức nặng của tất cả các núi Tu Di trong một tỷ thế giới có thể cân đo được, Nhưng không thể đo lường được với công đức của việc tùy hỷ công đức. 

Hãy luôn luôn hoan hỷ trước điều tốt mà những người khác đã làm, vì hạnh hoan hỷ rất dễ thực hiện và thật lợi lạc. 

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi