Hồi Hướng

Hãy theo gương mẫu của Đức Văn Thù bằng cách hồi hướng cho tất cả chúng sinh bất kỳ công đức nào bạn hay bất kỳ ai khác đang tích lũy qua hành động mà giờ đây bạn và những người ấy đang làm. Hãy niêm phong bằng dấu niêm của trí tuệ vô niệm. Hãy tụng đọc những dòng dưới đây: 

Tất cả những thiện căn đã được tích lũy trong suốt quá khứ, hiện tại và vị lai, Con hồi hướng như là một hạt nhân đưa đến đại Giác Ngộ. 

Đừng quên hồi hướng vào lúc cuối, trước khi bất kỳ hành động đáng khen nào chấm dứt, dù lớn hay nhỏ. Bất kỳ thiện căn (nguồn mạch công đức) nào không được hồi hướng theo lối này thì sẽ chỉ kết trái một lần và sau đó sẽ bị cạn kiệt. Nhưng bất cứ điều gì được hồi hướng cho Giác Ngộ tối hậu thì sẽ không bao giờ bị khô cạn, thậm chí khi đã kết trái một trăm lần. Thay vào đó, công đức đó sẽ tăng trưởng và phát triển cho tới khi bạn thành tựu được Phật Quả toàn hảo. Trong Kinh Sagaramati có nói: 

Giống như một giọt nước rơi vào đại dương 

Sẽ không bao giờ biến mất cho tới khi đại dương khô cạn, 

Công đức được hoàn toàn hồi hướng cho Giác ngộ 

Sẽ không bao giờ biến mất cho tới khi đạt được Giác Ngộ. 

Bạn có thể ước muốn đạt được mức độ tu chứng của một vị Thanh Văn hay Phật Độc Giác, hay đạt được thành tựu Toàn Giác. Bạn có thể chỉ ước muốn được tái sinh trong các cõi giới cao, như một vị Trời hay một con người. Hoặc bạn có thể chỉ ước muốn một kết quả nhất thời như một cuộc đời trường thọ hoặc dồi dào sức khỏe. Nhưng khi bạn làm điều gì đáng khen, thì dù trong cái nhìn của bạn có mục đích nào chăng nữa, điều quan trọng là hãy hồi hướng việc ấy cho mục đích Giác Ngộ. Ngài Drikung Kyobpa Rinpoche có nói: 

Trừ phi bạn nguyện cầu 

Bằng cách xoa tay vào viên ngọc như ý của hai công năng tích tụ (hai bồ công đức), 

Thì kết quả bạn mong ước sẽ không bao giờ xuất hiện: 

Vì vậy, khi kết thúc, hãy phát tâm hồi hướng với tất cả tấm lòng. 

Chính công năng hồi hướng sẽ quyết định được xem những thiện hạnh mà bạn đã làm có sẽ dẫn tới Toàn Giác hay không. Còn những hành động tạo tác thiện lành mà bạn tích lũy dù có khổng lồ đến đâu chăng nữa, cũng không thể dẫn tới giải thoát trừ phi bạn giúp cho những hành động này có được một hướng đi tốt bằng cách hồi hướng hết thảy mọi việc. Geshe Khampa Lungpa có nói: 

Không một thiện hạnh nào do tạo tác có được một định hướng riêng, Vì thế hãy phát tâm nguyện rộng lớn vì lợi lạc của chúng sinh. 

Tương tư như vậy, đối với một hành động tích cực hay một hạnh lành mà bạn có thể thực hiện nhân danh cha, mẹ hoặc nhân danh những người thân yêu của bạn, hoặc cho người đã chết, thì bạn cũng phải phát tâm hồi hướng y như trên. Không hồi hướng thì hành động đó không có hiệu quả. Nhưng nếu bạn hồi hướng việc đã làm thì những người mà bạn muốn hướng tâm đến sẽ được lợi lạc một cách tương ứng. 

Một lần kia những cư dân ở Vaisali đến mời Đức Phật tới dùng bữa vào ngày hôm sau. 

Sau khi họ ra về, năm trăm quỷ đói đến và khẩn cầu Ngài: “Xin hồi hướng cho chúng tôi công đức bố thí mà dân chúng ở Vaisali sắp cúng dường cho Ngài và cho chúng đệ tử của Ngài vào ngày mai.” 

“Các ông là ai ?” Đức Phật hỏi, mặc dù Ngài đã biết câu trả lời. “Tại sao nguồn công đức của dân chúng ở Tỳ Xá Li (Vaisali) lại phải hồi hướng cho các ông?” 

“Chúng tôi là cha mẹ họ,” các quỷ đói đáp. “Chúng tôi bị tái sinh làm quỷ đói là hậu quả của thái độ bủn xỉn của chúng tôi.” 

Đức Phật nói: “Trong trường hợp này, hãy đến đó trong phần hồi hướng và ta sẽ làm như các ông yêu cầu.” 

“Điều đó không thể được,” họ nói. “Chúng tôi rất xấu hổ vì thân hình xấu xí của mình.” 

Đức Phật đáp: “Các ông nên xấu hổ khi làm những hành động xấu ác đó. Lúc ấy không cảm thấy xấu hổ thì có gì là khôn ngoan đâu, nhưng bây giờ lại thấy xấu hổ khi các ông đã bị tái sinh trong thân tướng khốn khổ này ư ? Nếu các ông không đến, ta sẽ không thể hồi hướng công đức cho các ông.” 

“Nếu thế chúng tôi sẽ tới,” họ nói và cáo biệt. 

Ngày hôm sau, khi đã đến lúc, chúng quỷ đói tới để nhận hồi hướng. Những cư dân ở Vaisali khiếp sợ và bắt đầu chạy trốn. 

“Không có lý do gì phải sợ,” Đức Phật trấn an họ. Đây là cha mẹ quý vị đã bị tái sinh làm quỷ đói. Chính họ đã nói với ta như thế. Ta có nên hồi hướng nguồn công đức của quý vị cho họ hay không ?” 

“Tất nhiên là Ngài nên làm như vậy!” họ la to lên. 

Đức Phật liền nói: 

Nguyện xin hồi hướng công đức của hạnh cúng dường cho chúng quỷ đói này. 

Cầu mong họ thoát khỏi thân tướng xấu xí 

Và đạt được hạnh phúc của những cõi cao hơn! 

Vừa khi đức Phật mở lời nói thì tất cả quỷ đói đã lăn ra chết. Đức Phật giảng rằng họ đã được tái sinh ở cõi Trời thứ Ba Mươi Ba. 

Ngài Jetsun Mila nói: 

Giữa một ẩn sĩ thiền định trong núi non 

Và kẻ cúng dường cung cấp lương thực cho Ngài 

Có một mắt xích đưa họ cùng nhau đến bờ Giác Ngộ. 

Việc hồi hướng công đức chính là tinh túy của mắt xích đó. 

Muốn cho bất kỳ công phu hồi hướng công đức nào đưa dẫn tới Toàn Giác thì việc hồi hướng ấy phải được đi kèm với trí huệ, hoàn toàn tách khỏi ba ý niệm [đối đãi]. Nếu ta bám chấp vào các ý niệm đó như thật có thì việc ta hồi hướng công đức sẽ bị ô uế và việc hồi hướng đó sẽ bị gọi là hồi hướng độc hại. Bát Nhã Tập Kệ có nói: 

Đấng Chiến Thắng đã dạy rằng ta làm việc tốt chung với các ý niệm tạo tác 

Thì giống như ăn thực phẩm dinh dưỡng pha lẫn thuốc độc. 

Ba ý niệm được đề cập ở đây là các ý niệm sau đây: có một nguồn mạch công đức (thiện căn) để hồi hướng, có người được hồi hướng và có mục đích mà ta nhắm tới cho việc hồi hướng. Nếu ta có thể hồi hướng công đức trong trạng thái trí tuệ, hoàn toàn thấu hiểu rằng ba điều trên không thực sự hiện hữu, thì việc hồi hướng đó quả thực không có pha lẫn chất độc. Điều đó có lẽ vượt quá khả năng của những người bình thường với căn cơ như của chúng ta. Tuy nhiên, nếu ta chỉ đơn giản nghĩ rằng ta đang hồi hướng công đức theo đúng phương cách mà chư Phật và chư Bồ tát trong quá khứ đã làm thì công phu hồi hướng của ta sẽ hoàn toàn thoát khỏi ba ý niệm tạo tác. Trong Kinh Sám Hối (một tên khác của Đại Thừa Sám Hối Tam Tụ Kinh) có nói: 

Giống như tất cả chư Phật Thế Tôn trong quá khứ đã hồi hướng công đức một cách toàn hảo; giống như tất cả chư Phật Thế Tôn chưa xuất hiện sẽ hồi hướng công đức một cách toàn hảo; và giống như tất cả chư Phật Thế Tôn trụ thế đang hồi hướng công đức một cách toàn hảo; thì cũng như thế, con cũng xin hồi hướng tất cả mọi công đức một cách toàn hảo. 

và trong Phổ Hiền Hạnh Nguyện Tán có nói: 

Noi gương đấng anh hùng Văn Thù, 

Phổ Hiền và tất cả những Bậc đại trí, 

Con cũng xin hồi hướng thật toàn hảo

Tất cả mọi hành động thiện lành. 

Bất cứ lúc nào cũng phải luôn luôn niêm phong các hành động thiện lành của bạn bằng việc hồi hướng đúng đắn, bởi đó là phương pháp duy nhất không thể sai lầm để bảo đảm rằng công đức ấy sẽ dẫn tới Toàn Giác. 

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi