Cõi Người – Ba loại đau khổ chính yếu

  1. Đau khổ vì biến đổi 

Khổ về sự biến đổi là đau khổ mà ta cảm thấy khi trạng thái hạnh phúc đột nhiên chuyển thành đau khổ. Có khi chúng ta đang cảm thấy khỏe mạnh, hài lòng, no đủ sau một bữa ăn ngon, thì đột nhiên bị đau bụng quằn quại bởi những ký sinh trùng trong dạ dày chúng ta. Có khi ta hạnh phúc, và chỉ một lát sau thì có kẻ thù cướp đoạt tài sản hay thú nuôi của ta; hay lửa cháy thiêu rụi nhà ta; hoặc đột nhiên chúng ta bị mắc bệnh hay bị ảnh hưởng bởi những thế lực xấu; hoặc nhận được những tin tức khủng khiếp – và ngay lập tức chúng ta bị nhấn chìm trong đau khổ. 

Thật ra, bất kỳ biểu hiện hạnh phúc, tiện nghi hoặc quyền lực nào được tìm thấy trong vòng luân hồi đều không có một chút nền tảng bền vững nào, và về lâu dài, chẳng bao giờ có thể kháng cự lại được vòng quay của sự đau khổ. Vì vậy, chúng ta cần nuôi dưỡng sự tỉnh giác với tất cả những biểu hiện hạnh phúc, tiện nghi hoặc quyền lực trong cõi luân hồi. 

  1. Đau khổ chồng chất đau khổ 

Chúng ta trải qua đau khổ nối tiếp, chồng chất đau khổ; trước khi một đau khổ chấm dứt, chúng ta đã phải chịu thêm một đau khổ khác. Chúng ta bị bệnh cùi, và sau đó cũng lại thình lình bị phỏng; cũng như bị phỏng rồi lại bị thương. Cha chúng ta chết và sau đó không lâu mẹ ta cũng qua đời. Chúng ta bị kẻ thù săn đuổi, và thêm vào đó, người thân yêu qua đời; và v.v… Dù chúng ta tái sinh ở đâu trong luân hồi, thời gian của chúng ta cũng đều bị tiêu hao trong đau khổ này chồng chất đau khổ kia, không có bất kỳ may mắn nào để được hạnh phúc trọn vẹn trong giây lát.

  1. Đau khổ của tất cả những gì giả hợp

Bây giờ, một số người có thể nghĩ rằng mọi sự đang diễn tiến hoàn toàn tốt đẹp với mình vào lúc này, và dường như chúng ta không bị đau khổ nhiều cho lắm. Thật ra, chúng ta hoàn toàn bị nhận chìm trong những nguyên nhân của đau khổ. Ngay cả chính thực phẩm, quần áo, nhà cửa, các vật trang hoàng và lễ hội là những thứ đem lại cho chúng ta khoái lạc, tất cả những thứ ấy đều được tạo ra bằng ác hạnh. Bởi vì tất cả mọi việc chúng ta làm, những việc ấy hoặc dựa trên nền tảng của ác hạnh, hoặc có liên hệ đến ác hạnh, chỉ có thể dẫn đến đau khổ mà thôi. Hãy lấy trà và bột lúa mạch tsampa* ra làm ví dụ để có thể hiểu rõ hơn. 

Ở Trung Quốc, nơi trồng trà, số sinh vật nhỏ bé bị giết hại khi cây trà được trồng xuống rồi khi lá được hái, v.v… – qua đó, số sinh vật bị giết chết đó không thể tính đếm được. Sau đó trà được những phu khuân vác mang đi xa tận Dartsedo. Mỗi phu khuân vác mang 12 túi, mỗi túi có sáu bánh trà, chịu sức nặng quanh họ bằng dây buộc quanh trán làm da họ mòn đi. Nhưng ngay cả khi cái sọ đầu của họ lộ ra hết, hoàn toàn trắng bệch, thì họ vẫn phải tiếp tục. Từ Dotok trở đi, những con dzo, những con trâu yak và con la đảm nhiệm việc chuyên chở, lưng chúng muốn gãy sụm, bụng chúng bị đục thủng với những vết cắt, lông chúng loang lở từng mảng trầy xát. Chúng chịu đau khổ ghê gớm vì sự nô lệ này. Sự trao đổi trà chẳng là gì khác ngoài một loạt những lời thất hứa, lừa gạt và cãi cọ, cho tới cuối cùng trà được đổi chủ, thường là đổi để lấy những sản phẩm từ súc vật như len và da cừu non. Bây giờ nói tới chuyện len, vào mùa hè trước khi lông cừu bị xén, nó lúc nhúc đầy những bọ chét, ve và những sinh vật bé nhỏ khác nhiều vô kể như chính len vậy. Trong lúc xén lông, những con này bị đứt đầu, bị chặt làm hai hay bị lòi ruột. Số con không bị giết vẫn còn kẹt lại trong len và bị chết ngạt. Tất cả những việc làm này chỉ có thể dẫn tới những cõi thấp. Đối với da cừu non, hãy nhớ rằng những con cừu mới đẻ đều có đầy đủ những giác quan, và chúng biết cảm thấy sung 

* Trà và tsampa, lúa mạch nướng được xay mịn thành bột, là những thực phẩm chính yếu ở khắp xứ Tây Tạng. Trà Tây tạng được khuấy với sữa và bơ và được dùng thường xuyên suốt ngày. Tsampa được hoà trộn với trà để làm thành một món ăn lập tức. 

sướng và đau khổ. Đúng lúc chúng đang vui hưởng những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc sống, trong khi hoàn toàn khỏe mạnh, thì chúng lại bị giết. Có thể chúng chỉ là những con vật ngu dại, tuy nhiên chúng không muốn chết – chúng ham sống và đau khổ khi bị hành hạ và giết thịt. Đối với những con cừu mẹ có những đứa con bị giết, thì chúng là một ví dụ sống động về nỗi đau khổ mà một người mẹ mất đứa con duy nhất của mình phải trải qua. Vì thế, khi chúng ta suy nghĩ về việc sản xuất và buôn bán những sản phẩm như vậy, chúng ta có thể hiểu được rằng ngay cả một ngụm trà cũng chẳng thể làm gì khác ngoài góp phần vào việc đưa chúng ta đọa sinh trong những cõi thấp. 

Bây giờ hãy xem xét trường hợp của bột lúa mạch tsampa. Trước khi gieo lúa mạch, cánh đồng phải được cày xới, công việc đó khơi lên mặt đất tất cả mọi con sâu và côn trùng vốn sống ngầm dưới đất, và chôn vùi mọi sâu trùng vốn sống trên mặt đất. Những con bò cày tới đâu thì những con quạ và chim nhỏ bám theo sau, không ngừng săn bắt những con côn trùng bé nhỏ. Khi cánh đồng được tưới nước, tất cả sinh vật sống trong nước bị mắc cạn trên đất khô, trong khi mọi sinh vật đang sống ở đất khô lại bị chết đuối. Tương tự, vào mỗi giai đoạn gieo hạt, thu hoạch và đập lúa, số lượng chúng sinh bị giết thì không thể tính đếm. Nếu suy nghĩ về điều đó thì chúng ta hầu như đang ăn các côn trùng được nghiền thành bột vậy. 

Cũng tương tự như vậy, bơ, sữa và những thực phẩm khác, “ba thực phẩm trắng” và “ba thực phẩm ngọt” mà chúng ta xem là thanh tịnh và không bị những hành vi ác hại làm ô nhiễm, thì hoàn toàn không phải như vậy. Phần đông những trâu yak con, những con bê và cừu đều bị giết. Những con không bị giết, thì ngay khi được sinh ra và thậm chí trước khi chúng có một dịp may được bú một miếng sữa ngọt của mẹ chúng, đã có một sợi thừng quanh cổ và bị cột vào một cái cọc mỗi khi dừng lại trên đường, để mỗi ngụm sữa – thức ăn và uống chính đáng của chúng – có thể bị đánh cắp để làm bơ và phó mát. Bằng cách rút mất tinh chất của thân bò mẹ là thứ rất cần thiết cho bò con, chúng ta để mặc chúng nửa sống nửa chết. Khi mùa xuân trở lại, những con bò mẹ già nua trở nên suy yếu tới nỗi thậm chí chúng không thể đứng dậy trong chuồng. Những con bê và cừu non hầu như chết đói. Những con còn sống sót thì yếu ớt và như một bộ xương, lảo đảo như sắp chết. 

Tất cả những yếu tố mà chúng ta coi là những phần cấu tạo nên hạnh phúc – thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, và bất cứ những hàng hóa và vật liệu nào chúng ta có thể nghĩ tới – đều được tạo ra bằng một cách tương tự và duy nhất là qua hành động bất thiện. Hậu quả cuối cùng của tất cả những việc làm này là sự đau khổ vô tận của những cõi thấp. Do đó, mọi sự việc mà ngày nay có vẻ như tượng trưng cho sự hạnh phúc thì trong thực tế chỉ là đau khổ của tất cả những sự giả hợp. 

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi