Những đau khổ khác của con người – Nỗi khổ vì gặp điều không mong muốn

Không ai trên thế gian này ước muốn bất kỳ loại đau khổ nào đã được mô tả ở đây, tuy nhiên chúng ta luôn phải trải qua đau khổ dù có muốn hay không. Chẳng hạn, có những người, do những hành nghiệp trong quá khứ, phải làm bộ hạ của một kẻ thống trị hay làm nô lệ của kẻ giàu có. Trái với ước muốn của họ, họ hoàn toàn phải phụ thuộc vào ý muốn của chủ, không có được một giây phút tự do nào. Họ có thể bị trừng phạt thật nặng nề vì một lỗi lầm rất nhỏ mà chẳng thể làm được gì về việc đó cả. Cho dù họ bị dẫn đến nơi hành hình, họ biết rằng họ cũng không thể trốn thoát. 

Chúng ta luôn luôn phải gặp những gì mình không mong muốn. Như Đấng Toàn Giác Longchenpa có nói: 

Bạn thích sống với gia đình và những người thương yêu
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn phải bỏ lại họ.
Bạn thích được giữ căn nhà xinh đẹp của mình
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn phải để lại phía sau.
Bạn thích được hưởng thụ hạnh phúc, giàu sang và an nhàn
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn phải đánh mất chúng.
Bạn thích giữ đời người tuyệt hảo này với những tự do và thuận lợi 
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn phải chết.
Bạn thích được học Giáo Pháp với vị Thầy phi thường của bạn
Mãi mãi, nhưng chắc chắn rằng bạn sẽ phải chia ly.
Bạn thích được ở bên những thiện tri thức tốt lành,
Mãi mãi, nhưng chắc chắn là bạn sẽ phải rời xa.
Ôi những người bạn của ta, những người đã vỡ mộng về cõi luân hồi,
Ta, kẻ ăn mày vô-Pháp*, thúc đẩy các bạn:
Từ hôm nay, hãy mặc áo giáp tinh tấn, bởi đã tới lúc
Phải băng qua sinh tử để đến xứ sở của đại lạc là nơi
không có sự cách ngăn. 

Của cải, tài sản, sức khỏe, hạnh phúc và được nhiều người mến mộ, tất cả đều là kết quả của thiện hạnh trong quá khứ.
* Các tác giả Tây Tạng thường tự ám chỉ mình với sự cực kỳ khiêm tốn trong cách nói này. 

Nếu ta tích lũy thiện hạnh trong quá khứ, thì kết quả là tất cả những điều này sẽ đến với ta một cách tự nhiên, cho dù có muốn hay không. Nhưng nếu không có thiện hạnh thì dù nỗ lực đến đâu chăng nữa, ta cũng không đạt được những gì mong muốn. Tất cả những gì ta sẽ thâu hoạch được là những thứ ta ít mong muốn nhất. Vì thế, khi thực hành Pháp, ta phải dựa vào kho tài sản vô tận là sự hài lòng với bất kỳ những gì sẽ xảy đến. Nếu không, một khi bắt đầu tu tập chắc chắn là những tham vọng thế gian của ta trong đời này sẽ làm cho ta phiền não và khiến cho các bậc linh thánh phải phật lòng. Ngài Jetsun Mila có hát rằng: 

Những gì mà đức Thế Tôn, Đấng Chiến Thắng, đã giảng dạy, chủ yếu là Làm thế nào thoát khỏi tám mối quan tâm tầm thường. Nhưng hỡi những kẻ tự cho là uyên bác thời nay – Không phải là những mối quan tâm thế tục ấy còn nảy nở lớn hơn trước nữa hay sao? 

Đấng Chiến Thắng đã giảng dạy những giới luật để tuân theo Nhờ đó người ta có thể rút lui khỏi tất cả mọi việc đời. Nhưng các vị tu sĩ thời nay, những kẻ tuân theo giới luật này – Không phải là những công việc thế gian của họ lại còn nhiều gấp bội lần hơn trước hay sao? 

Ngài dạy làm thế nào để sống như những bậc hiền thánh ngày xưa, Nhờ đó người ta có thể cắt đứt những ràng buộc với bạn bè và thân quyến. Nhưng những kẻ sống như những bậc thánh thời nay –
Chẳng quan tâm là người ta tới thăm họ thậm chí còn nhiều hơn trước hay sao? 

Tóm lại, tu tập mà không nhớ tới cái chết,
Thì bất cứ Giáo Pháp nào cũng vô ích. 

Nhân loại sống trong thời buổi suy thoái ở bốn trung châu, đặc biệt là tại đây ở cõi Diêm Phù Đề (Jambudvipa – cõi người) này, bị tước đi ngay cả những cơ hội hạnh phúc nhỏ bé nhất. Cuộc sống của họ tràn ngập đau khổ. Ngày nay, sự suy thoái ngày càng tăng tốc độ với mỗi một năm qua, với mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi bữa ăn, mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối. Đại kiếp đang đi từ chỗ xấu tới tệ hại hơn. Giáo lý của Đức Phật và hạnh phúc của chúng sinh đang suy tàn mỗi lúc càng nhiều hơn. Hãy suy ngẫm về tất cả những điều này và hãy phát khởi một tâm cảm chán ngán luân hồi. Đặc biệt, châu Diêm Phù Đề này có thể cho ta thấy rất rõ cái mãnh lực đặc biệt của sự trổ quả của nghiệp, là điều làm cho mọi sự khó có thể lường trước được – cho dù là tốt hay xấu, dễ chịu hay khó chịu, cao hay thấp, Pháp hay phi-Pháp. Ta cần tự mình thấu hiểu sự vật ra sao, và hãy giữ cho tâm thức được hoàn toàn minh bạch về những gì nên làm và những gì nên tránh. Hãy đưa lời khuyên của Đấng Toàn Giác Longchenpa vào thực hành: 

Đôi khi hãy nhìn vào những gì bạn thấy là thuận lợi; Nếu bạn biết đó chỉ là tri kiến, mọi sự bạn kinh qua sẽ trở nên lợi lạc.

Đôi khi hãy nhìn vào những gì bạn thấy là bất lợi và tai hại; Điều này thì tối yếu, sẽ khiến bạn kinh sợ cách bạn nhìn sự việc một cách mê lầm. 

Đôi khi hãy nhìn vào bạn bè của mình và các bậc Thầy của những người khác; Việc phân biệt người tốt với người xấu sẽ khiến bạn hứng khởi trong tu tập.

Đôi khi hãy nhìn vào sự phô diễn kỳ diệu của tứ đại trong không gian; Bạn sẽ thấy làm thế nào mọi tạo tác lắng xuống trong chân tánh của tâm.

Đôi khi hãy nhìn vào xứ sở, nhà cửa và tài sản của bạn; Khi thấu hiểu chúng là mộng huyễn, bạn sẽ cảm thấy ghê sợ trước cách nhìn lầm lạc của bạn. 

Đôi khi hãy nhìn vào của cải và tài sản của người khác; Khi thấy họ đáng thương ra sao, bạn sẽ bỏ đi tham vọng của cõi luân hồi. 

Tóm lại, khi quán chiếu bản tánh của mọi việc trong tất cả những nét vẽ đa dạng, Bạn sẽ tiêu diệt được mê lầm của sự bám chấp vào mọi thứ như là thật. 

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi