Quả tương ứng với nhân – Kinh nghiệm tương ứng với nguyên nhân

Mỗi một hành vi trong mười hành vi bất thiện đều dẫn tới một cặp hậu quả (a pair of effects) cho những kinh nghiệm mà chúng ta phải trải qua sau đó. 

Sát sinh. Việc sát sinh ở một kiếp trước không chỉ làm cho thọ mạng của đời hiện tại của chúng ta bị thâu ngắn mà ta sẽ còn thường xuyên bị bệnh tật. Đôi khi có những đứa bé đã chết ngay khi mới sinh ra đời như là quả tương tự với nhân của việc chúng đã từng sát sinh trong một đời quá khứ; trong nhiều kiếp, chúng có thể tiếp tục chết ngay lập tức khi vừa sinh ra đời và cứ lập đi lập lại như vậy. Cũng có những người sống tới tuổi trưởng thành nhưng từ thuở ấu thơ đã bị bệnh tật hành hạ, hết bệnh này tới bệnh kia không ngưng nghỉ cho tới khi chết – một lần nữa, đó là kết quả của việc giết hại và hành hung những người khác trong một kiếp trước. Đối mặt với những tình huống như vậy, điều quan trọng là phải sám hối với lòng ân hận về những hành động đã làm trong quá khứ, hơn là tìm cách làm dịu đi những khó khăn trước mắt. Chúng ta nên sám hối với lòng hối hận và phát nguyện từ bỏ những hành vi như vậy; và như một cách đối trị với những quả báo của nghiệp cũ, hãy nỗ lực làm những thiện hạnh và từ bỏ những ác hạnh. 

Lấy những gì không được cho. Việc trộm cắp trong đời quá khứ không chỉ làm chúng ta nghèo hèn trong đời này mà ta còn có thể phải bị chịu đựng cướp bóc, mất trộm, hoặc những tai họa khác chẳng hạn như là việc kẻ thù và đối thủ của chúng ta chia năm xẻ bảy những món tài sản ít ỏi mà ta kiếm được. Vì lý do này, bất cứ ai hiện nay đang thiếu thốn tiền bạc hay của cải thì tốt hơn hết là nên tạo ra thậm chí một tia lửa nhỏ công đức còn hơn là bỏ đi lên núi làm giàu. Nếu số phận bạn không giàu có vì bạn ít bố thí trong những đời trước, thì không nỗ lực nào trong đời này có thể giúp bạn được. Hãy xem của cải mà hầu hết những kẻ trộm cướp có được từ mỗi chuyến cướp bóc của họ – thường thì hầu như nhiều hơn những gì bản thân mặt đất có thể giữ được. Tuy nhiên những người sống bằng nghề trộm cướp luôn luôn kết thúc đời mình trong sự đói khát. Cũng hãy chú ý đến những thương nhân hay những kẻ chiếm đoạt tài sản của Tăng Đoàn đã thất thu trong việc kiếm tiền ra sao, cho dù tài sản của họ có lớn tới đâu chăng nữa. Trái lại, những người hiện nay đang được hưởng quả lành của việc bố thí của họ trong quá khứ thì trọn đời họ chẳng bao giờ thiếu thốn của cải, và đối với nhiều người trong số những người này thì mọi việc tốt lành xảy tới mà họ không cần chút xíu nỗ lực nào. Vậy, nếu bạn hy vọng trở nên giàu có, hãy dành hết mọi nỗ lực của bạn để làm việc từ thiện và cúng dường! 

Châu Diêm Phù Đề này (Jambudvipa – cõi người) là nơi có thể tạo được những điều kiện đặc biệt dành cho quả báo trổ sinh từ những hành động của ta trong quá khứ, khiến những gì chúng ta làm trong đời khi trước thì về sau có khả năng trổ quả cũng trong đời này – hay thậm chí ngay lập tức nếu những việc ta làm đã được tạo trong những hoàn cảnh đặc thù nào đó. Vì thế dùng tới cách trộm cướp, lừa gạt hay những phương cách khác để lấy đi những gì không được cho với hy vọng làm giàu thì điều này hoàn toàn ngược lại với những gì chúng ta dự định. Nghiệp báo sẽ giam giữ chúng ta trong thế giới ngạ quỷ trong nhiều đại kiếp. Thậm chí cho đến cuối đời này, quả báo sẽ bắt đầu có ảnh hưởng và sẽ làm chúng ta ngày càng nghèo khổ, ngày càng khó khăn. Chúng ta sẽ bị tước mất sự kiểm soát trên một số ít của cải còn sót lại của mình. Cho dù chúng ta giàu có tới đâu, tính tham lam sẽ làm chúng ta càng ngày càng cảm thấy thiếu thốn và mất mát. Của cải của chúng ta sẽ trở thành nguyên nhân của những ác hạnh. Ta sẽ giống như những ngạ quỷ canh giữ kho tàng nhưng không thể sử dụng những gì chúng sở hữu. Hãy để ý kỹ những người bên ngoài có vẻ giàu có. Nếu họ không biết phát triển lòng quảng đại hay bố thì tài sản của họ một cách rộng rãi cho Giáo Pháp – nguồn gốc của hạnh phúc và an lành trong đời này và trong những đời kế tiếp – hoặc ngay cả họ không biết rộng rãi trong việc mua thực phẩm và quần áo, thì họ thực sự còn nghèo hơn cả những người nghèo khó. Kinh nghiệm tương tự như kiếp ngạ quỷ của họ ngay bây giờ là quả tương tự với nhân, và điều này xảy ra là do việc bố thí bất tịnh của họ trong quá khứ.

Tà dâm. Ta được biết rằng việc thả mình trong các hành động tà dâm sẽ làm chúng ta có một người vợ (hay chồng) chẳng những không duyên dáng mà còn có lối cư xử phóng đãng hay thù địch nữa. Khi những cặp vợ chồng không thể ngưng tranh cãi hoặc đánh nhau, mỗi người thường đổ lỗi cho những tánh xấu của người kia. Trong thực tế, mỗi người trong những cặp vợ chồng đó đang kinh nghiệm hậu quả tương tự với nguyên nhân, là quả báo của sự tà dâm của họ trong quá khứ. Thay vì thù ghét nhau, họ nên nhận ra rằng đó là kết quả của những hành vi bất thiện trong quá khứ của họ và nên nhẫn nhịn lẫn nhau. Ngài Padampa Sangye có nói: 

Gia đình thì thoáng qua như đám đông trong phiên chợ;
Dân chúng xứ Tingri, đừng nên cãi vã hay đánh nhau! 

Nói dối. Kinh nghiệm tương tự với nguyên nhân gây ra từ sự nói dối trong những đời quá khứ là chúng ta không những thường bị chỉ trích hay xem thường mà còn hay bị người khác nói dối ngược lại. Nếu bây giờ bạn bị kết tội và chỉ trích không đúng, thì đó là kết quả của việc bạn đã từng nói dối trong quá khứ. Thay vì nổi giận và lăng mạ những người đã nói những điều như thế về bạn, hãy biết ơn họ vì họ đã giúp bạn làm cạn kiệt những quả báo của nhiều hành động bất thiện. Bạn nên cảm thấy hạnh phúc. Ngài Rigdzin Jigme Lingpa nói: 

Kẻ thù đáp trả việc tốt của bạn bằng việc xấu giúp bạn tinh tấn trong thực hành.
Lời buộc tội sai lầm là một ngọn roi dẫn bạn tới đức hạnh.
Kẻ ấy là vị thầy tiêu diệt tất cả bám chấp và tham dục trong bạn.
Hãy nhìn vào tấm lòng tử tế to lớn của hắn mà bạn không bao giờ có thể đền đáp!

Gieo mối bất hoà. 

Kết quả tương tự với nguyên nhân của việc gieo mối bất hòa trong đời trước là không chỉ những người cộng sự và tôi tớ của ta không thể thuận thảo với nhau mà họ còn hay tranh cãi và chống đối chúng ta. Phần nhiều, các vị thị giả của các lạt ma, những người tuỳ viên của các vị lãnh đạo hay những người phục vụ cho chủ nhà, giữa họ lại không hòa thuận với nhau, và tuy nhiều lần được yêu cầu làm việc gì đó, họ từ chối không nghe lời và còn bướng bỉnh tranh cãi. Những kẻ đầy tớ của người bình thường thì giả vờ như không nghe thấy khi được chủ yêu cầu làm những việc vặt, ngay cả những việc dễ làm. Chủ nhà phải lập lại mệnh lệnh hai, ba lần; và sau cùng chỉ khi ông ta nổi giận và nói nặng với họ thì họ mới chịu làm những gì đã được yêu cầu một cách chậm chạp và miễn cưỡng. Ngay cả khi làm xong việc họ cũng chẳng nghĩ tới chuyện quay trở lại báo cho chủ biết. Họ thường ở trong một tâm trạng không tốt. Những người chủ chỉ đang gặt hái kết quả của sự bất hòa mà chính ông đã gieo trong quá khứ. Do đó, ông ta nên hối tiếc những hành vi bất thiện của chính mình, và giải hòa những mối bất đồng của riêng ông và những người khác. 

Nói cay nghiệt. Việc nói cay nghiệt trong những đời quá khứ sẽ không chỉ khiến mọi điều người khác nói với chúng ta là những lời công kích và sỉ nhục, mà hơn nữa, kết quả của việc này là mọi điều ta nói ra cũng đều gây nên những sự tranh cãi. 

Lời nói cay nghiệt thì tệ hại nhất trong bốn hành vi bất thiện của khẩu. Như tục ngữ có nói: 

Lời nói không có cung tên cũng không đao kiếm, nhưng xé rách tâm người ta thành từng mảnh. 

Việc đột ngột kích động sự hận thù nơi người khác, hay – còn tệ hơn nữa – thậm chí chỉ nói một lời công kích một bậc hiền thánh sẽ khiến ta phải trải qua nhiều đời trong những cõi thấp mà không có bất kỳ cơ hội nào để giải thoát. Có lần một người bà la môn tên là Kapila lăng mạ những tu sĩ của Đức Phật Ca Diếp (Kasyapa), gọi họ là “đầu ngựa,” “đầu bò” và nhiều tên khác giống như vậy. Ông ta bị tái sinh thành con yêu quái giống như cá ở biển với mười tám cái đầu. Ông không thoát khỏi trạng thái đó trong suốt một kiếp và thậm chí sau đó còn bị tái sinh trong địa ngục. Một ni cô gọi một vị ni khác là chó cái, bản thân cô bị tái sinh làm chó cái năm trăm đời. Có nhiều câu chuyện tương tự như thế. Vậy hãy học cách luôn nói năng dịu dàng. Ngoài ra, vì bạn không bao giờ biết được ai là một bậc Thánh hay Bồ Tát, hãy tu tập bản thân để thấy tất cả chúng sinh đều thanh tịnh. Hãy học cách tán thán họ và ca tụng những thành tựu và phẩm hạnh tốt lành của họ. Người ta nói rằng chỉ trích hay nói công kích một vị Bồ Tát thì còn tệ hại hơn việc giết hại tất cả chúng sinh trong tam giới: 

Phỉ báng một Bồ Tát là một trọng tội,
Nặng hơn cả việc giết hại tất cả chúng sinh trong tam giới;
Tất cả những lỗi lầm lớn nhỏ như thế mà con từng tích lũy, con xin phát lồ sám hối. 

Nói chuyện tầm phào vô ích. Kết quả tương tự với nguyên nhân của việc nói chuyện tầm phào vô ích không chỉ làm cho những gì ta nói không có giá trị, mà còn làm chúng ta thiếu cương quyết và tự tin. Không ai tin chúng ta ngay cả khi ta nói sự thật, và chúng ta sẽ thiếu tự tin khi nói trước đám đông. 

Tham lam. Hậu quả của sự tham lam không chỉ ngăn trở không cho ta đạt được những gì mong muốn nhất, mà còn gây ra tất cả những tình huống mà ta ít ưa thích nhất. 

Mong ước làm tổn hại người khác. Như kết quả của ước muốn làm hại người khác, chúng ta sẽ không chỉ sống trong nỗi sợ hãi liên tục mà sẽ còn phải chịu đựng sự tổn hại thường xuyên. 

Tà kiến. Hậu quả của việc nuôi dưỡng tà kiến là chúng ta sẽ không chỉ khăng khăng cố chấp trong những tin tưởng có hại như vậy, mà tâm ta cũng sẽ bị những điều dối gạt và những nhận thức sai lầm làm cho rối loạn. 

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi