Tiểu sử Đức Gyetrul Jigme Rinpoche

Đức Gyetrul Jigme Rinpoche sinh tại Ấn Độ vào lúc rạng sáng ngày 15 tháng 10 năm 1968, ngày thứ mười của tháng thứ sáu năm Khỉ Đất, đúng vào ngày sinh của Guru Rinpoche. Ngài là con của bậc Tertön trứ danh, hay bậc Khai Mật Tạng, Đức Nhiếp Chính Vương Namkha Drimed Rabjam Rinpoche, bậc trì giữ dòng truyền Ripa. Mẹ Ngài là Khandro Chime Dolkar, cũng xuất thân từ một gia đình cao quý có nguồn gốc Bhutan. Pháp Vương Chatral Sangye Dorje Rinpoche từng nói với Đức Jigme Rinpoche rằng Ngài là “con trai của một người cha giống như hổ và của một người mẹ giống như báo.” Gia đình Ripa còn gồm cả Dungsey Tenzin Nyima Rinpoche, Semo Sonam Peldzom, Semo Pema Dechen, Semo Sonam Palmo, Dungsey Lhuntrul Dechen Gyurme và Khandro Tseyang Pelmo.

Đức Gyetrul Jigme Rinpoche là bậc trì giữ hai dòng truyền tâm linh, bao gồm dòng truyền Ripa và dòng Dungjud hay dòng cha truyền con nối, mà Ngài sinh ra từ trong đó và sẽ nắm giữ dưới cương vị là người thừa kế tương lai, đồng thời cũng là trưởng dòng truyền Pema Lingpa của tu viện Gyeling Orgyan Mindrolling trong miền đất ẩn mật Pemako – Ấn Độ, mà Ngài mang theo từ đời trước, như một vị tái sinh (tulku).

Đức Gyetrul Jigme Rinpoche được công nhận vào năm ba tuổi bởi Đức Pháp Vương Kyabje Dudjom Rinpoche, khi ấy là vị lãnh đạo tối cao của dòng Nyingma, công nhận Ngài như là một hóa thân tái sinh của Đức Gyeling Yonten Lhundrub Gyatso Rinpoche – một hiện thân của Tertön Pema Lingpa người Bhutan – một trong năm Tertön vua hay đứng đầu của Kim Cương Thừa, và là trưởng tu viện Gyeling Orgyan Mindrolling trong vùng đất ẩn mật Pemako. Ngài được đăng quang vào lúc 5 tuổi tại tu viện Rigon Thubten Mindrolling ở Orissa – Ấn Độ. Khi lên ngôi, Đức Pháp Vương Dudjom Rinpoche ban cho Ngài pháp danh: Gyetrul Jigme Lodoe Thaye Norbu Rinpoche. Các tiền thân của Ngài gồm Manjushrimitra (Jampel Shenyen) – một trong tám Trì Minh Vương vĩ đại đến từ Ấn Độ và là Đạo sư của dòng Đại Viên Mãn (Dzogchen). Trong thời gian Guru Rinpoche ở Tây Tạng, Ngài là con gái của vua Trisong Detsen, công chúa Pema Sal.

Vào tuổi thứ tám, bởi hiểu rằng cần có những sự chuyển đổi, Đức Jigme Rinpoche đi học sáu năm tại một trường học hiện đại ở Darjeeling – Ấn Độ, bên ngoài tu viện, để Ngài có thể học tiếng Anh và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Trong sáu năm này, Ngài sống cuộc sống của một cậu bé bình thường. Đức Jigme Rinpoche coi đây là thời gian quý báu nhất trong cuộc đời Ngài, bởi Ngài có thể tận hưởng một cuộc sống bình thường, chơi với những đứa trẻ khác, có những mối quan hệ bình thường và sống theo cách của một người bình thường, điều mà Ngài coi là mang lại cho Ngài những bài học quý báu. Tuy nhiên, ngay khi Ngài đang tận hưởng cuộc sống bình thường thì nhận được thư đề nghị trở lại tu viện, và quay trở lại với các khóa học truyền thống. Vào tuổi mười bảy, Đức Jigme Rinpoche tham dự Học viện nghiên cứu cao cấp Nyingma – Ngagyur Dojo Ling tại Bouddanath, Nepal, được thành lập bởi Đức Pháp Vương Dudjom Rinpoche, và vào năm 1993, Ngài nhận danh hiệu tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Kinh điển và Mật điển Phật giáo, nơi Ngài nghiên cứu cùng Bậc uyên bác Khetsun Sangpo Rinpoche.

Những bậc đạo sư tâm linh đầu tiên và chủ yếu của Đức Jigme Rinpoche là Đức Pháp Vương Dudjom Rinpoche, trong đời này, và người cha – bậc đạo sư gốc của Ngài là Đức Nhiếp Chính Vương Namkha Drimed Rabjam Rinpoche. Đức Pháp Vương Dudjom Rinpoche cũng là đạo sư gốc của Đức Jigme Rinpoche trong đời trước. Từ những bậc đạo sư này, Ngài thọ nhận tất cả những trao truyền chính của dòng Nyingma, bộ Taksham, đặc biệt bao gồm cả sự thực hành Tamdrin và Lama Norbu, và những trao truyền cấp Trì Minh Vương không gãy bể của dòng Ripa, bao gồm các đại nghi quỹ: Tukdrub Lama Norbu hay Thực hành tâm của Lama Norbu, Bổn Tôn Gongdu Drubchen (Tập hợp những ý định của mọi Bổn Tôn), Tâm yếu của Kim Cang Tát Đỏa (Dorsem Nyingthing), và Vajrakilaya (Phổ ba kim cang), cũng như toàn bộ pho kho tàng Tâm của Vua Gesar. Các vị Đạo sư khác của Ngài gồm: Đức Pháp Vương Dilgo Khyentse Rinpoche, Đức Kalu Rinpoche và Đức Khatog Moksa Rinpoche.

Bên cạnh đó, Đức Jigme Rinpoche là chít của bậc thành tựu giả trứ danh Đức Drubwang Shakya Shri, được công nhận là thành tựu giả vĩ đại nhất vào thời đó. Ngài từng học và thọ nhận trao truyền từ các bậc thầy thuộc truyền thống Drukpa Kagyu, đặc biệt là những bậc từ dòng truyền Drubwang Shakya Shri như Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Rinpoche đời thứ 12 và Nhiếp Chính Vương  Kyabje Thuksay Rinpoche.

Ngoài việc hoàn thành vai trò của một đạo sư tâm linh, vào tháng 9 năm 1993 tại Orissa – Ấn Độ, Đức Jigme Rinpoche bắt đầu thực hiện vai trò của người theo chủ nghĩa nhân đạo như một Phật tử có cam kết về mặt xã hội – một tên gọi mà Ngài rất vui khi được biết đến, và việc này đã trở thành một trọng tâm trong công việc của cuộc đời Ngài. Sinh ra tại Ấn Độ, Đức Jigme Rinpoche kinh nghiệm trực tiếp về hoàn cảnh khốn khổ của những người Tây Tạng tị nạn cũng như cư dân bản địa trong việc tìm kiếm nguồn nước sạch cho sinh hoạt. Điều này đã thúc đẩy Ngài thành lập dự án Nước sạch, nhờ đó Ngài nhận được sự ủng hộ lớn từ phía người dân và lời khen từ Đức Dalai Lama 14 và Chính phủ Tây Tạng tị nạn. Bởi đã từng thực hiện năm dự án nước trong cộng đồng tị nạn ở Orissa, và dự án thứ sáu tại một ngôi làng ở Ấn Độ, đồng thời, nhờ từng chứng kiến lợi ích to lớn mà điều này mang lại, Ngài trở nên hào hứng giúp đỡ những người khác, để giảm bớt những khổ đau của họ, và biết rằng mọi điều này đòi hỏi một chút kế hoạch, lòng quảng đại, sức lao động và sự giáo dục. Chứng kiến các cộng đồng hòa hợp và chứng kiến sự dễ dàng trong việc tạo ra điều khác biệt là sự đền đáp lớn lao [đối với Rinpoche] và đã trở thành một phần chính trong công việc của Ngài trong đời này. Các dự án khác mà Ngài chỉ đạo bao gồm việc thiết lập chương trình phòng ngừa và trị bệnh sốt rét, cũng như chỉ đạo các chương trình giúp đỡ trẻ em mồ côi, học sinh, các tu sĩ và người già.

Đức Jigme Rinpoche từng trải qua những thời kỳ nhập thất từ ba tháng cho tới 1 năm. Giáo lý căn bản của Ngài bao gồm những thực hành về các Bổn Tôn: Yeshe Tsogyal, Guru Rinpoche, Phật Dược Sư, và Đức Quan Âm (Chenrezig), cũng như các Bổn Tôn của bộ giáo lý Taksham của truyền thống Ripa, đặc biệt gồm bộ Kho tàng mới về giáo lý của  Vua Gesar – một kho tàng của Đức Nhiếp Chính Vương Namkha Drimed Rabjam Rinpoche. Bên cạnh đó, Ngài cũng có những mối liên kết gần gũi với những Bổn Tôn Văn Thù và Vua Gesar. Đức Jigme Rinpoche đến phương Tây lần đầu tiên vào năm 1996, ban giáo lý đầu tiên tại Châu Âu. Từ đó, Ngài thiết lập hệ thống các trung tâm Padma Ling – một hệ thống các tổ chức Phật Pháp tại Thụy Sỹ, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Anh và Luxembourg cũng như một trung tâm ở Nhật Bản.

Đức Jigme Rinpoche được biết đến bởi khả năng thành thạo Anh ngữ và phong cách giảng dạy thực tế mà sống động, trực tiếp, mềm mại và hài hước. Cách nhìn sáng tỏ và tươi mới của Ngài nhanh chóng hóa giải những nhận thức sai lầm thuộc về nhận thức cá nhân về Phật Pháp, về văn hóa Phương Đông và Phương Tây, về đời sống cổ xưa và đời sống hiện đại, và về sự thất bại cá nhân. Cách thức truyền tải Giáo lý của Đức Jigme Rinpoche tập trung vào những chủ đề mang tính mở, và một sự nhận thức thông suốt về cuộc sống trong tính tức thì của nó, không trang trí bằng những diễn giải hay đánh giá.

Đức Jigme Rinpoche đi lại giữa Phương Đông và Phương Tây. Ở phương Đông, Ngài giám sát sự tiếp nối và công việc của truyền thống thiêng liêng, bao gồm việc đứng đầu và chăm sóc các tu viện truyền thống Ripa ở cả Nepal và Ấn Độ, cùng với cộng đồng tu viện đang ngày càng phát triển, cũng như việc chăm sóc cộng đồng Tây Tạng nơi tị nạn. Ở Phương Tây, Ngài tiếp tục ban giáo lý thông qua Tổ chức Ripa Ladrang và Padma Ling, cũng như đang tích cực xây dựng cộng đồng và nền tảng của nó.

 

Việt dịch : Yangzhen Tso (Tuệ Bi)

Hiệu đính: Giác Nhiên

www.ripavietnam.org

Mọi sai sót trong quá trình chuyển dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ là thuộc người dịch và người hiệu đính, Con thành tâm xin sám hối trước Chư Tổ, Đạo Sư. Nếu tích tập được công đức nhỏ nào thì xin hồi hướng cho Giáo lý Kim Cang Thừa trải rộng khắp Việt nam và làm lợi lạc cho hết thảy hữu tình chúng sinh. 

Lời cầu nguyện trường thọ tới Gyetrul Jigme Rinpoche

 

T’CHI MÉ TSA SOUM T’SÉ LHAÏ DEN TOB DANG

Bởi sức mạnh của Chân lý về Ba Gốc, và những bậc Chủ nhân bất tử của đời sống,


KHYÉ PAR T’SO KYÉ GYEL WAÏ DJIN LAB KYI 

Đặc biệt cùng với ân phước của Đấng chiến thắng hóa thân tối thượng Liên Hoa Sinh,


T’CHOK GUI TRULKOU DJIKMÉ NORBOU YI 

Jigme Norbu (Như Ý Vô Úy), nguyện gót sen của Ngài trụ mãi


CHAB PÉ TEN TCHING DZÉ T’RIN PEL GYÉ CHO 

Và những hoạt động giác ngộ của Ngài, được nhanh chóng lan tỏa.

 

…………………………………………………………………………………………………………………….

Terton Namkha Drimed Rabjam Rinpoche cung hiến lời cầu nguyện trường thọ ngắn gọn này.