Những huấn thị trực chỉ trong Đại ấn

Xin đảnh lễ tới Đức Liên Hoa Sinh xứ Uddiyana!
Đây là những huấn thị trực chỉ trong Đại Ấn

Vị Thầy của Uddiyana nói: Hãy lắng nghe, Tsogyal! Khi dạy về những huấn thị trực chỉ về Đại Ấn có 4 điểm: Đại Ấn của cái thấy, Đại Ấn của thiền định, Đại Ấn của thành quả, và Đại Ấn của huân tập.

Đầu tiên, với Đại Ấn của cái thấy, một mật điển nói:
Đại Ấn của cái thấy là bản tánh nền tảng tâm,
Không cần sự xác nhận hay chối bỏ nào.

Theo cách này, Đại Ấn không có sự nâng đỡ, hỗ trợ, không điểm quy chiếu, chỉ bởi bản tánh vô sanh, và không bị tàn tạ, chết đi bởi những hoàn cảnh. Phạm vi của nó không bị giam giữ và là bản tánh tự nhiên, bản tánh nền tảng của tất cả có thể được nhận biết.

Hơn nữa, những đức hạnh của nó không cần được sinh ra mà cũng không có những nhiễm ô cần phải được tẩy trừ, như một sự tương đồng với niềm tin sợi dây thừng là con rắn. Nó là khái niệm về con rắn bị hiểu lầm và không phải là sợi dây thừng; dù lần đầu tiên thoáng liếc nhìn qua, nó xuất hiện như là con rắn, sau đó con nhận ra rằng nó chỉ là một sợi dây thừng. Không phải là sợi dây thừng cần được xác nhận cũng như không phải là con rắn cần phải chối bỏ, không phải vậy, thậm chí dù là mong manh nhất. Giác tánh tự do niệm tưởng là sự hiện diện trực tiếp trong khi tư duy, và như vậy không thuộc về phạm trù nào của vĩnh cửu hay hư vô cả, 2 loại xác định này, hoặc tới người nhận thức hoặc cái được nhận thức – nó được nhận biết như là sự thuần tịnh viên mãn và nguyên khởi.

Thứ hai, về Đại Ấn của thiền định, một mật điển nói:
Hãy để bản tánh nền tảng của con an trụ không chút bám chấp;
Đó là trạng thái Đại Ấn của thiền định.

Theo cách này, Đại Ấn của thiền định cho phép bản tánh nguyên khởi của con ở yên như nó là mà không cần nắm giữ bất kỳ điều gì trong tâm. Vì vậy, nó không là kết quả của tư duy, không được trình bày, không phải là cái gì đó mà cũng không phải là cái không gì đó; nó không có xung đột và không có hoạt động tinh thần, nó không loại bỏ bất kỳ điều gì.

Hơn nữa, nhờ việc để yên nó như vốn là trong bản tánh tự nhiên, thì không có gì phải thêm bớt, chỉnh sửa với một phương pháp nào cả, chỉ như đại dương và những con sóng. Khi một con sóng chuyển động trên một đại dương vĩ đại, nó sinh khởi từ đại dương và rồi lại rút xuống, tan biến trở lại vào đại dương. Con sóng thì không khác biệt, tách khỏi với đại dương, và đại dương thì cũng không khác biệt gì với con sóng. Như con sóng trong đại dương, hãy duy trì một cách thong dong, quang đãng như trạng thái bình đẳng. Như sự tương đồng này, bên trong Đại Ấn của tâm yếu, bản tánh nguyên khởi tự do khỏi niệm tưởng, hãy để nó trọn vẹn trong bản tánh tự nhiên. Đừng nắm giữ điều gì trong tâm hết. Dù bất kỳ niệm tưởng nào có thể sinh khởi, thì vào đúng lúc sinh khởi, hãy đừng chia tách khỏi niệm tưởng tự do và giác tánh không lầm lỗi. Niệm tưởng sinh khởi từ con, xuất hiện trước con, và tan hòa vào con. Vào thời khắc ấy, bản tánh tự nhiên thì không phải là thứ con có thể nghĩ tới, cũng không phải là thứ để con có thể trình bày bằng ngôn từ.

Vốn không có sự nhị nguyên của người nhận thức và cái được nhận thức, nó không phải là thứ gì đó là. Khi giác tánh bất nhị này thể nghiệm trong từng cách có thể; nó không phải là thứ gì đó là, và cũng không phải là thứ gì không là. Và khi hai cấp độ của thực tại này là bất khả phân, nó không xung đột.

Khi vạn pháp bị hiểu lầm được đóng dấu với ấn niêm của mình, nó không loại bỏ bất kỳ điều gì. Và như vậy, như sự tự do nguyên khởi, nó được biết như là trạng thái tự giải thoát bổn nhiên.

Thứ ba, Đại Ấn của thành quả, một mật điển nói:
Nền tảng tự nó thuần thục, trưởng thành trong quả,
Đó là Đại Ấn của thành quả.

Theo cách này, Đại Ấn của thành quả là khi bản tánh nền tảng, trạng thái tự nhiên của tất cả những điều có thể được nhận biết, được trưởng thành, thuần thục trong sự chứng ngộ. Nói cách khác, bản chất của nó, pháp thân, đồng thời xảy ra với tánh không; bản tánh của nó, báo thân, được trang hoàng với phương tiện thiện xảo của giác tánh sáng tỏ, và năng lực của nó, hóa thân, là sự biểu lộ tự nhiên, không chút giam hãm.

Để dùng một sự tương đồng, khi một hạt giống trưởng thành vào một tai ngũ cốc, nó chỉ là hạt giống phát triển trong tai ngũ cốc. Không có tai ngũ cốc nào tách khỏi hạt giống và hơn nữa, tai ngũ cốc, không có gì vào trong hạt giống có thể chín mùi. Cũng như thế, thành quả là tâm bổn nhiên của con, sự thuần khiết tự nhiên, trạng thái nền tảng – sau đó vô số dạng thức thăng trầm tạm thời của nó tự rút xuống, tan vào chính nó. Nó chỉ đơn giản là trạng thái tự nhiên như nó vốn là.

Nó là bản tánh trống rỗng của tâm con, một trạng thái không chút giam cầm của giác tánh, đó là pháp thân. Nó là bản tánh quang minh của tâm con, một thể nghiệm không thể được diễn đạt bằng ngôn từ, đó là báo thân. Nó là năng lực biểu đạt của tâm con, sự tự giải thoát vào mỗi thời khắc của kinh nghiệm, đó là hóa thân.

Thứ tư, Đại Ấn của huân tập, một mật điển nói:
Để mang về phía trước những ân phước liên tục,
Có Đại Ấn của huân tập.

Con phải thỉnh cầu những giáo huấn khẩu truyền từ một bậc thầy sở hữu dòng truyền thừa, sự chứng ngộ và lòng bi mẫn. Từ ngày đó trở về sau, con phải khẩn xin ngài, tôn kính ngài không phải như một thân thể (sắc thân – rupakaya) mà là như pháp thân. Không thể có chút tách lìa nào với ngài, hãy hòa tan vào trong ngài với lòng khát khao sâu sắc, nhờ vậy thông qua những ân phước của bậc thầy mà chứng ngộ Đại Ấn được sinh khởi một cách tự nhiên. Điều này là lối tắt cho sự quán đảnh ban truyền phi thường, nó sẽ không cần phụ thuộc vào bất kỳ phương pháp nào khác trong 2 giai đoạn – được biết như là Đại Ấn của huân tập.

Để sử dụng ví dụ tương đồng, khi mặt trời tỏa sáng và con có một thấu kính tốt, thì rong rêu khô sẽ bắt lửa vào đúng lúc con sắp xếp chính xác 3 thứ (mặt trời, thấu kính và điểm hội tụ là rêu khô). Tương tự như vậy, những ân phước của bậc thầy, lòng sùng mộ của chính con và sự chân thành trong sáng từ sự hiện hữu của con (phật tánh thuần tịnh tự nhiên) khi tất cả trùng khớp, thì sự tỉnh giác nguyên thủy sẽ khiến Đại Ấn tự động sinh khởi chỉ đơn giản nhờ cách dâng lên lời thỉnh cầu với cảm xúc khát khao sâu sắc.

Bây giờ với phương pháp để đảm bảo rằng sự hiện diện của con được tịnh hóa. Sau khi nhận những giáo huấn khẩu truyền, đầu tiên hãy tới một nơi biệt lập và duy trì, ở trong sự cô tịch. Sau đó, hãy vứt bỏ đi tất cả những ý định khác – hãy hoàn toàn từ bỏ – hãy hình thành khuôn mẫu tâm thức sau liên tục, lặp đi lặp lại: “Sẽ thật là lãng phí ghê gớm nếu tôi bỏ lỡ thân người tự do và quý báu này, thứ mà may mắn chỉ có được một lần hiếm hoi này! Khi không có gì là chắc chắn cả, tôi sẽ làm gì nếu tối nay tôi chết hay thậm chí ngay lúc này! Tâm tôi đã không giữ được bất kỳ sự ổn định nào. Và sau khi tôi chết, không còn gì và sẽ không còn ai sẽ đồng hành với tôi cả!”

Sau đó quy y và hình thành bồ đề tâm kiên cố nhiều lần. Sử dụng những phương pháp khác nhau để tịnh hóa những che chướng của con và tích tập những công đức. Trong cách thế đặc biệt, hãy quán tưởng bậc thầy gốc của con ở trung tâm vùng luân xa tim, và suy niệm: “Chính Ngài độc nhất là Đại Ấn, pháp thân Phật!” Hãy khẩn cầu Ngài với sự thành kính mãnh liệt, cho tới khi con cạn kiệt sức lực. Sau đó, ý thức của con sẽ trở nên tự do khỏi niệm tưởng và đi vào trạng thái trống rỗng, một thể nghiệm thông tỏ, trong sáng bất khả tư nghị hay một trạng thái lạc phúc tự do khỏi ràng buộc, gắn kết. Hãy ý thức, nhận ra: “Chính điều này là tâm của vị thầy, bổn tâm của ta, Đại Ấn của pháp thân!” và hãy ở yên trong sự tự do, giải thoát tự nhiên từ trạng thái nền tảng tự tánh.

Đầu tiên, hãy huân tập trong những thời khóa ngắn được lặp lại thành nhiều lần, và nhờ điều này niệm tưởng của con sẽ bốc hơi như sương mù. Rồi sau đó, hãy mở rộng các thời khóa, và nhờ thực hành duy trì sự tự do khỏi niệm tưởng trọn vẹn. Cuối cùng, vượt lên khỏi các thời khóa và những giờ nghỉ giữa, con sẽ trải rộng vào một trạng thái mà trong đó vạn vật là bản tánh đơn nhất của pháp tánh.

Trong suốt những thời gian nghỉ giữa, hãy tiếp tục các hoạt động thường nhật của mình trong một trạng thái liên tục và tỏa khắp của sự tỉnh giác sáng tỏ, tự do khỏi bất kỳ hoạt động tinh thần nào. Nhưng, dù cho ngay cả trạng thái tự nhiên này giờ đây là một thực tại hiện hữu thực tế cho con, thì con hãy cứ vẫn tiếp tục vun trồng một lòng bi mẫn lớn lao, bao la tới những chúng sinh khác và phát khởi những lời nguyện cát tường, thiện ý tới cho tha nhân, cầu mong được thành tựu một cách tự nhiên trong đường lối phi hành động.

Đây chỉ là một phần giáo huấn “Giác Tánh Tự Giải Thoát: Những giáo huấn trực chỉ của Đại Ấn.

SAMAYA : Ấn, Ấn, Ấn :

Huấn thị tuyệt vời và tối hậu này, một phục điển terma của Drimey Kunga, được hiển lộ như một thành tựu bởi Pema Osel Do-Ngak Lingpa ở Thân Thẳng Đứng của Núi Đá Đỏ, sau đó nó được gửi tới Orgyen Chimey Tennyi Yungdrung Lingpa. Cầu mong nó trở thành nhân khiến cho dòng truyền thừa chân thực của sự chứng ngộ được lan tỏa và hưng vượng rộng khắp như hư không bao la tỏa khắp. (3)

(3): Pema Osel Do-Ngak Lingpa là tên terton của ngài Jamyang Khyentse Wangpo và Orgyen Chimey Tennyi Yungdrung Lingpa là tên terton của ngài Jamngon Kongtrul Lodro Thaye.

Đức Liên Hoa Sanh
Trích từ Những kho tàng từ chỏm núi bách xù