Ba điểm then chốt khi thực hành giáo lý Mật thừa

Ở nơi ẩn cư Samye Chymphu, công chúa Tsogyal xứ Kharchen, thỉnh cầu Đạo sứ Padmakara:

Xin chiếu cố, Đại sư! Dù Ngài đã chỉ cho một cô gái kém thông minh như con rằng: Tất cả thế giới và chúng sanh là Pháp thân. Vậy mà sự tu hành pháp của con vẫn lạc vào hiểu biết lý thuyết ý niệm do liên hệ tương tục với tập khí của tri giác sai lầm. Con xin Ngài từ bi ban cho con sự chỉ dạy, cho phép con nối kết bất kỳ điều gì con làm với bản tánh bổn nhiên của Pháp tánh!

Padmasambhava trả lời: Hãy nghe đây Tsogyal! Con phải có ba điểm then chốt khi thực hành giáo lý Mật thừa của Đại thừa: Điểm then chốt của thân, tư thế; điểm then chốt của mắt, cái nhìn; và điểm then chốt của tâm cách thức an trụ.

Trước hết, trong một nơi kín đáo, ngồi tư thế khoanh chân kiết già trên một tọa cụ thoả mái, để hai tay ngang nhau, dựng thẳng xương sống. Nếu thân con duy trì trong trạng thái bổn nguyên của nó, thiền định xảy ra đến tự nhiên. Không thực hiện tư thế thân thể đúng, thiền định sẽ không xảy ra.

Tiếp theo, đối với cái nhìn, chớ nhắm mắt, chớp mắt hay nhìn qua bên. Hãy nhìn thẳng không lay động vào trước mặt. Khi cái thấy của mắt và tâm thức chia nhau một bản tánh đơn nhất, bấy giờ thiền định xảy ra tự nhiên. Không có cái nhìn đúng thiền định không xảy ra.

Điểm then chốt của tâm là thế này: Chớ để trạng thái bổn nhiên của tâm bình thường theo đuổi các dạng thức quen thuộc ở quá khứ. Chớ để nó nhìn về các hoạt động phiền não ở tương lai. Và chớ để nó tạo tác thứ gì bằng danh tướng, ý niệm trong trạng thái hiện tại của con. Qua sự an trụ tỉnh thức trong cách thế tự nhiên của nó, thiền định xảy ra tự nhiên. Nếu con phóng tưởng hay tán tâm, thiền định không xảy ra.

Khi trong cách này, con để cho ba cửa ở yên trong trạng thái tự nhiên của chúng, mọi vọng niệm thô và tế lắng xuống, tâm con yên ổn thả lỏng trong chính nó (đây gọi là Samatha, Chỉ). Khi tâm con không chướng ngại, vô trụ, và trần trụi trong sự tỉnh giác tự nhiên (đây gọi là Vipashyana, Quán). Khi cả hai trong một khoảnh khắc thức giác, an trụ trong sáng một cách sống động như là một thực thể, không thể phân chia, đó gọi là Chỉ không lìa Quán. Hiểu biết theo danh tướng, ý niệm là khi con đặt ý thức như một đối tượng. Kinh nghiệm là khi con khám phá tính vô trụ của nó và chứng ngộ xảy ra khi các trạng thái này của tâm an trụ trong sáng một cách sống động, như là yếu tính sự thiền định của con. Cái ấy không có một khác biệt nào với sự chứng ngộ của chư Phật ba đời. Nó không phải là một sự tạo tác đặt căn bản trên lời dạy sâu xa của vị thầy, cũng không phải là kết quả của trí thông minh sắc bén của một đệ tử. Đó gọi là đạt đến trạng thái bổn nhiên của nền tảng.

Khi tham thiền như thế, ba kinh nghiệm về lạc, trong sáng và vô niệm sẽ hiện bày.Tâm thức tự do khỏi tưởng gọi là vô niệm và có ba loại: “Không có niệm thiện” nghĩa là tự do khỏi sự bám níu vào người tham phiền và đối tượng được tham thiền. “Không có niệm ác” là sự cắt đứt dòng tư tưởng thô và tế. “Không có niệm trung tính” là sự nhận ra khuôn mặt bổn nhiên của tánh Giác như là không chỗ trụ.

Trong trạng thái vô niệm này, sự trong sáng là sự sáng rỡ không bị che chướng và trần trụi của tánh Giác. Có ba loại trong sáng: “Trong sáng tự nhiên” là trạng thái tự do khỏi một đối tượng.”Trong sáng bổn nguyên” không xuất hiện một thời gian nhất thời. “Trong sáng bổn nhiên” thì không do ai tạo ra được.

Đức Liên Hoa Sinh
Trích trong Những lời khai thị của Đức Liên Hoa Sinh về con đường của Đại Toàn Thiện