Giáo huấn chỉ thẳng cho một bà lão

Khi hóa thân, Bậc Minh Sư Liên Hoa Sinh Padmasambhava, được thỉnh mời bởi Đức Vua Trisong Deutsen và khi Ngài đang ngự tại Samye Vinh Quang ở Núi Đá Đỏ, Bà Lão đức hạnh của xứ Ton, một phụ nữ với lòng sùng mộ phi thường, đã gửi người hầu gái của mình là Margong với tên gọi Rinchen Tso để dâng lên một bữa sáng với sữa đông cùng vài miếng nho.

Sau đó, khi vị thầy đang chuẩn bị lên đường tới Samye Chimphu, ngay khi Ngài đi qua cánh cổng, Bà lão xứ Ton đã đảnh lễ quỳ gối trên đường và đi nhiễu quanh Ngài, chắp tay lại trước Ngài, và nói: Làm ơi, xin Ngài, hỡi bậc Thầy vĩ đại! Ngài sắp rời đi, và người phụ nữ già này thì sắp chết.

Trên hết tất cả, khi được sinh ra như là một phụ nữ, con đã thuộc về một tái sinh thấp kém. Do xao lãng bởi các hoạt động, con đã quên Pháp. Thứ hai, là một người kém thông minh, trí khôn của con thì lơ mơ, yếu ớt. Thứ ba, con cảm thấy bị che chướng, tối ám do tuổi già và tâm thức mờ tối.

Xin Ngài, hỡi đức Thầy vĩ đại! Xin ban cho con, bà lão già nua này một huấn thị, một huấn thị yêu cầu ít khó khăn và nỗ lực, đơn giản để nắm bắt, dễ dàng trong thực hành, và rất hiệu quả. Xin ban một huấn thị cho một bà lão già, người thì sẽ sớm kết thúc cuộc đời này.

Đạo Sư trả lời: Này bà lão, con là ai?

Bà lão thưa: Con là người đã gửi một bát sữa đông với một người hầu gái hèn mọn.

Vị Thầy hoan hỷ nói: Con chắc chắn là một người có lòng sùng mộ lớn lao hơn Trisong Deutsen.

Sau đó Ngài đã chỉ dẫn bà lão và người tỳ nữ với những lời sau: Hỡi bà lão, hãy để chân trong tư thế vắt chéo và giữ thân con thẳng đứng. Trong một chốc lát, hãy đơn giản duy trì, an trụ với sự chú tâm thư thái toàn bộ!

Vị Thầy chỉ ngón tay của Ngài vào tâm bà lão và ban huấn thị này: Hỡi bà lão, hãy lắng nghe Ta! Nếu con đã hỏi cái gì là sự khác biệt giữa tâm thức của một vị Phật viên mãn, hoàn hảo đích thực và tâm thức của những chúng sinh hữu tình của 3 cõi, thì nó không là gì khác hơn là sự khác biệt giữa sự chứng ngộ, nhận ra và không chứng ngộ, không nhận ra bản tánh tâm.

Khi những chúng sinh lầm lạc trong việc nhận ra bản tánh này, thì sự lừa dối sẽ xảy ra và từ sự vô minh này sẽ có vô số những loại đau khổ xảy tới. Như vậy, những chúng sinh bị trôi lăn, lang thang qua vòng sinh tử. Chất liệu cơ bản, nền tảng của phật quả thì ở ngay trong họ, nhưng họ thất bại và sai lầm để nhận ra nó.

Trước hết, chất liệu cơ bản, nền tảng của phật quả thì ở trong con. Đặc biệt, nó ở trong loài người – là những chúng sinh sở hữu những tự do và thuận cảnh. Hơn nữa, không phải là chất liệu nền tảng cơ bản của phật quả thì có nhiều, lớn lao hơn ở người nam và thấp kém, ít hơn ở người nữ. Như vậy, dẫu cho con đã nhận sự tái sinh như một người nữ, thì con cũng không bị ngăn che khỏi việc đạt được phật quả.

84.000 cánh cửa Pháp đã được giảng dạy là để nhận biết và chứng ngộ tâm trí tuệ của chư Phật, nhưng cái hiểu này được gom chứa trong ba từ huấn thị của một bậc thầy. Như vậy, dẫu cho con có thể mang một trí tuệ thấp kém và trí khôn mờ tối, thì con cũng không bị tổn hại, mất mát gì.

Bây giờ, ý nghĩa của Giáo Pháp, tâm Phật và ba từ huấn thị của một bậc thầy là đây: Nhờ việc tịnh hóa các đối tượng nhận biết bên ngoài, những ý niệm, nhận thức của con được tự do, giải thoát trong chính chúng. Nhờ việc tịnh hóa tâm ý niệm bên trong, giác tánh không trụ chấp của con được tự do, giải thoát trong chính nó. Khi ở giữa sự tỉnh giác sáng tỏ và minh mẫn là sự hỷ lạc, thì con nhận ra bản tánh của chính mình.

Làm thế nào các đối tượng nhận thức bên ngoài được tịnh hóa? Giác tánh hiện tiền này, trạng thái tỉnh thức của tâm, cái không bị tước đoạt bởi niệm tưởng và các ý niệm thì như một sự sáng chói tự nhiên. Hãy để nó là như thế, và các đối tượng được nhận thức cũng không bị bám chấp. Theo cách này, dù cho các hình ảnh có xuất hiện như thế nào, thì thực tế chúng là không thực và không được nắm giữ như là những điều thật có. Như thế, dù cho bất kỳ điều gì con nhận thức, như đất hay đá, núi hay vách núi, cây hay cành, nhà hay lâu đài, hàng hóa hay công cụ, bạn bè hay thù địch, người thân hay bạn đồng hành, chồng hay vợ, con trai hay con gái – khi hướng về tất cả những điều này và tất cả những điều khác – thì con không bị dính mắc vào thái độ bám luyến, sở hữu; và như vậy, chúng được nhận thức nhưng lại không bị nắm giữ, bám chấp theo cách đó. Do trở nên tự do khỏi việc trụ bám lên bất kỳ điều gì, con được tịnh hóa khỏi các đối tượng nhận thức bên ngoài.

Các đối tượng được tịnh hóa thì không có nghĩa là con làm dừng lại nhận thức. Nó có nghĩa là không nắm giữ và chấp chặt trong khi trở nên sáng tỏ và trống rỗng. Như ví dụ của những phản chiếu trong một tấm gương, chúng xuất hiện nhưng trống rỗng từ bên trong nên không có gì để nắm bắt hết cả, và những ý niệm của con được biết như là những ý niệm đang xảy ra tới chính con.

Nhờ phương tiện của tâm nhận thức bên trong được tịnh hóa, đây là huấn thị trong việc giải thoát giác tánh không trụ bám vào trong chính nó: Dù cho bất kể điều gì xảy ra trong tâm con – dù là dòng chảy của các niệm tưởng, những ký ức, hay các xúc tình 5 độc – thì khi con không tập trung vào chúng, sự chuyển động của chúng được tan biến nhờ chính nó; như vậy con không bị nhiễm ô bởi những lầm lạc của ý niệm.

Trở nên không hư hỏng bên trong thì không có nghĩa là trở thành một tảng đá trơ lỳ. Nó nghĩa là giác tánh của con duy trì, an trụ tự do khỏi những hoen ố, hư hỏng của ý niệm, như ví dụ của việc tới một đảo báu toàn vàng ròng; trên đảo vàng này, ngay cả cái tên của từ “đá” cũng không hiện hữu. Thì tương tự như vậy, một khi tư tưởng, ý niệm của con đã được tan biến vào sự tỉnh giác nguyên sơ, thì thậm chí ngay cả cái tên “ý niệm” cũng không còn hiện hữu.

Khi ở giữa sự tỉnh giác sáng tỏ, minh mẫn là sự hỷ lạc, đây là huấn thị trong việc nhận ra bản tánh của chính con: Trong khi thực hành, hãy tự do khỏi sự vô tình, vì ý thức của chính con là sự sáng rõ, tinh khiết và tỉnh giác. Khi thực hành, con có thể nghiệm rằng sự tỉnh thức tự sinh, cái vốn sẵn bẩm sinh thì không bị hư hoại bởi thái độ ý niệm cũng không bị nhiễm ô bởi sự bám chấp vào an lạc, trong sáng và vô niệm. Khi nó là chính nó thì đó là tâm Phật, lúc đó con đã nhận ra bản tánh của chính mình.

Nó giống như ví dụ của việc không cần thiết phải hình dung bà mẹ của con là bà mẹ, khi con không sợ hãi bởi việc nghĩ rằng người đó không phải là mẹ con. Tương tự, khi giác tánh của con nhận ra đó là bản tánh bẩm sinh vốn sẵn của pháp tánh, thì con sẽ không còn hình dung một cách lầm lạc rằng hiện tượng của vòng sinh tử là bản tánh bẩm sinh – thậm chí không cần phải biết nó thì con cũng không bao giờ bị chia tách khỏi bản tánh bẩm sinh vốn sẵn của pháp tánh này.

Khi điều này được biết như là sự huân tập không hư cấu, thì bà mẹ pháp tánh là sự thật rằng, vạn pháp không hề có tự tánh; trú xứ pháp tánh là sự thừa nhận rằng chúng không có tự tánh; và nhận biết bản tánh chính con nhờ chính con như vậy được gọi khi con nhận ra rằng giác tánh của chính mình là không gian hư không bẩm sinh của pháp giới.

Khi con đã nhận ra điều này, thì không có sự tái sinh cao cấp cũng như không có sự tái sinh thấp kém, không có các hoạt động cao thượng cũng như không có các hoạt động thấp kém, hạ đẳng, không có trí năng sắc bén hơn cũng như không có trí năng thấp kém hơn, không có già cũng như không có trẻ, không có tâm sáng rõ hay tâm không sáng rõ…

Đây là một huấn thị về việc ít khó khăn, nỗ lực mà lại đơn giản để nắm bắt, dễ dàng trong áp dụng mà lại rất hiệu quả, với nó, con sẽ vô úy, không chút sợ hãi khi vào thời điểm của cái chết. Hỡi bà lão, hãy thực hành nó! Hãy tinh tấn, siêng năng khi cuộc đời không chờ đợi! Con không có phần thưởng nào từ việc hầu hạ, phụng sự cho chồng và con cái, vì vậy hãy đừng trở về với hai bàn tay trắng, mà hãy nhận lấy những tích tập, tàng trữ từ những huấn thị của thầy con! Những nhiệm vụ của đời này thì vô hạn và không có điểm dừng; vì vậy hãy chạm tới sự viên mãn trong thực hành thiền định!

Hỡi bà lão, hãy giữ lấy lời khuyên này như sự hộ trì, bảo vệ con trong việc trở nên vô úy vào lúc chết!

Ngài đã nói như vậy.

Khi vị thầy ban huấn thị này trong khi chỉ thẳng ngón tay của Ngài vào tâm bà lão, nó được biết như là “Huấn Thị Chỉ Thẳng cho Bà Lão”. Nhờ việc lắng nghe nó, bà lão và người hầu gái, cả hai đã được giải thoát và đạt được thành tựu.

Bà Tsogyal xứ Kharchen đã ghi nhớ nó và viết xuống vì lợi ích những thế hệ tương lai. Nó được viết xuống trên dốc phía nam của Samye vào ngày 17, tháng mùa hạ thứ hai, trong Năm Thỏ.

Đã cất dấu như một kho tàng terma vì lợi lạc những thế hệ tương lai, Cầu mong nó gặp gỡ với một hóa thân xứng đáng! Cầu mong nó chỉ dẫn những chúng sinh trong những cách thế phù hợp! Nhờ điều này, cầu mong những người được tiền định giải thoát dòng hiện hữu của họ!

Ấn – Ấn – Ấn

Đức Liên Hoa Sanh