Sự tích Đại Bảo Tháp Jarungkhasor

Đây là sự tích Đại Bảo Tháp Jarungkhasor, nơi chứa Pháp thân vốn là Tâm của chư Phật và chư Bồ Tát thuộc Tam thế quá khứ, hiện tại, vị lai và mười phương. Vào năm Thân, ngày mùng mười, tháng Thân, trong gian giữa của Đại tự Samyeling (nghĩa là tự tại, bất biến, bất khả tư nghì), Trisondetsen, vị vua rất mộ đạo, cùng hai mươi lăm đệ tử của Đạo sư tập họp để làm lễ điểm đạo Tối Mật Tâm Lama. Orgyen Rinpoche, tức Đạo sư Orgyen Liên Hoa Sanh cao quý, được mời ngồi trên bảo tọa chín lớp nệm. Vua Trisondetsen dâng lên Đạo sư một ly rượu bằng vàng cùng các món sơn hào hải vị, hai mươi mốt viên lục ngọc lấy từ chuỗi ngọc mà nhà vua đang đeo trên cổ, năm ly vàng, bảy bát vàng, tám tấm lụa đẹp và rất nhiều món quý báu khác.

Phục lạy một ngàn lần vị Thầy của mình, Đức vua nói: “Thưa Đại sư! Tôi sinh ra ở xứ Tây Tạng man rợ của bọn khỉ mặt đỏ này. Tôi đã mời Hiền giả Bồ Tát Shantirakshita xứ Zahor và Ngài, đạo sư Liên Hoa Sanh, Sư trưởng xứ Orgyen, để đem Giáo pháp đến xứ này. Tôi đã xây Đại tự Samye để làm nơi thờ phụng Tam Bảo, nơi chứa công đức của chúng sinh, ngôi chùa vô song của Nam Thiệm Bộ Châu (cõi Diêm phù đề, Jambudvipa). Tôi đã đạt được những công hạnh này. Trong cái xứ dã man như một hòn đảo bóng tối này, Giáo pháp của Tam Bảo tỏa ra như mặt trời sáng sớm trên đỉnh núi, mọi người được nghe giảng về Tôn giáo thiêng liêng như họ đã nghe trong thời Hoàng Kim khi Phật Ca Diếp giáo hóa ở xứ Ma Kiệt Đà, trung tâm của thế gian. Khi Phật Đại Ca Diếp thuyết pháp thì nữ thí chủ Jadzima và bốn con trai của bà xây Bảo Tháp Jarungkhasor ở quận Maguta, vương quốc Nepal. Thưa Đại sư! Nếu Ngài có thể nói cho chúng tôi biết, do công đức xây Tháp, những người này được hưởng nghiệp quả tốt nào, thì chúng tôi, những người đã xây ngôi chùa Samye vĩ đại này và biết cách cầu nguyện, có thể vững tâm và tin tưởng vào tương lai. Để cho chúng tôi được thành tâm, chúng tôi cầu khẩn Ngài nói đầy đủ về kết quả của việc xây ngôi Đại Bảo Tháp đầu tiên đó.

Đại sư Liên Hoa Sanh nói: “Thưa Đại vương, xin hãy nghe cẩn thận và ghi nhớ lời nói của tôi! Tôi sẽ kể cho Ngài sự tích Tháp Jarungkhasor. Trong vô số kiếp trước, Đức Bồ Tát Ma-ha-tát Quán Thế Âm lập đại nguyện dưới chân vị thầy của Ngài, Đức Phật A Di Đà, là Ngài sẽ giải thoát chúng sinh khỏi sự đau khổ của thế gian này. Và sau khi đã giải thoát vô số chúng sinh, Ngài lên đứng trên nóc Điện Potala, nghĩ rằng chúng sinh tất cả không ngoại trừ đều đã được giải thoát. Nhưng trông xuống sáu cõi luân hồi Ngài thấy vẫn còn nhiều sinh vật đang lăn trôi sinh tử trong các cõi thấp như ruồi trên đống rác. Nghĩ rằng không thể giải thoát tất cả chúng sinh khỏi biển khổ của thế gian này, Ngài khóc và dùng ngón trỏ quệt hai giọt nước mắt, Ngài cầu nguyện rằng cả hai giọt nước mắt này cũng có thể giúp đỡ chúng sinh trong tương lai để họ thoát khổ. Lời cầu nguyện được trở thành sự thật, hai giọt nước mắt biến hóa và đầu thai làm hai người con gái của Indra, vua của ba mươi ba cõi Trời. Hai người này được gọi là nữ thần Purna (Viên Mãn) và Apurna (Không Viên Mãn).

Một lần, Apurna hái trộm mấy bông hoa, vi phạm luật của các vị thần và bị phạt phải tái sinh vào cõi người, ở quận Maguta, xứ Nepal, trong nhà của người nuôi gà Ansu và vợ là Purna. Nữ thần có tên là Shamvara (Người nuôi gà). Lớn lên bà ăn nằm với bốn người đàn ông đều thuộc giai cấp hạ tiện, với bốn người này bà sinh ra bốn con trai: Đứa con trai thứ nhất là của người nuôi cừu, đứa thứ hai là của người nuôi heo, đứa thứ ba là của người nuôi chó, và đứa thứ tư là của người nuôi gà. Với nghề nuôi gà, Shamvara đã dành dụm được nhiều tiền của để nuôi các con tử tế, trở thành những người có học. Sau này, khi đã giàu có, bà nghĩ: “Nhờ nghề của mình, nay đã gầy dựng các con thành những gia chủ đáng kính. Bây giờ mình đã giàu có thì cũng nên giúp đỡ mọi người bằng cách xây một Đại Bảo Tháp, nơi chứa Tâm của chư Phật, cũng là nguồn gốc thiêng liêng của mình. Cái Tháp sẽ là nơi chiêm bái cho vô số chúng sinh và là nơi giữ xá lợi của các Như Lai. Nhưng trước hết mình phải xin phép Maharaja (Đại vương)”. Nghĩ như thế xong, bà đến yết kiến vị Maharaja, phục lạy và nhiễu quanh Ngài, rồi quỳ xuống, chắp tay nói: “Thưa Đại vương! Tôi là một người nuôi gà hèn hạ. Một tay tôi đã nuôi bốn đứa con trai của bốn người cha bằng lời tức nghề nghiệp của tôi và đã lập gia đình cho chúng nó. Xin Ngài cho phép tôi được xây một Đại Bảo Tháp để làm nơi chiêm bái cho vô số chúng sinh, nơi thọ nhận Tâm của chư Phật, và là nơi chứa Xá lợi của các Như Lai. Tháp sẽ được xây với tiền của mà tôi để dành được từ khi các con trai bắt đầu sống tự lập”. Một vị vua vĩ đại thì không bao giờ quyết định vội vã một điều gì, vì vậy trước khi trả lời, nhà vua nghĩ: “ Người nuôi gà này là một người đàn bà hạ tiện, đã dành dụm đủ tiền của để nuôi lớn bốn đứa con hoang cho đến lúc trưởng thành, và bây giờ bà ta lại muốn xây một Đại Bảo Tháp. Thật là kỳ diệu”.

Nghĩ như thế xong, nhà vua cho phép người đàn bà nuôi gà xây Tháp. Shamvara rất vui mừng và phục lạy nhà vua, nhiễu quanh Ngài nhiều vòng, rồi trở về nhà. Thế là người đàn bà với bốn người con trai, một lừa, một voi bắt đầu việc xây dựng Đại Bảo Tháp. Họ mang đất đá tới địa điểm, đổ nền, xây tường lên đến tầng thứ ba. Lúc này dân Nepal kéo tới, họ ganh ghét người đàn bà nuôi gà thấp hèn vì bà ta đã làm nhục họ bằng công trình lớn lao của mình. Họ hỏi nhau là nhà vua, quan tể tướng và những người giàu có, danh giá sẽ xây dựng cái gì nếu một mụ đàn bà nuôi gà hạ tiện có thể xây một cái Tháp như vậy. Cho là mình bị nhục mạ và bị thiệt hại, họ đến xin nhà vua cho ngừng việc xây Tháp. Họ thưa với Ngài rằng: “Tâu Hoàng thượng! Ngài không nên cho phép xây Tháp. Nếu người đàn bà nuôi gà hèn hạ này có thể xây một Đại Bảo Tháp như vậy, thì Đức vua, các quan, và những người giàu có trong xứ này phải xây dựng cái gì? Nếu cho xây Tháp thì mọi người chúng ta đều phải nhục nhã. Tốt hơn là nên bắt họ mang đất đá về chỗ cũ. Không nên cho người đàn bà này xây Tháp”.

Vị Vua vĩ đại trả lời: “Hãy nghe ta nói! Người đàn bà nuôi gà hạ tiện này đã để dành được đủ tiền của nuôi bốn đứa con hoang và đã tích trữ đủ tiền để xây Bảo Tháp này. Ta coi đây là một công trình tuyệt diệu. Ta đã chấp thuận để bà ta làm công việc này. Là một vị vua, ta chỉ nói một lần thôi”. Có nhiều người khác cũng cản trở việc xây tháp, nhưng không thành công. Vì vậy Đại Bảo Tháp này được gọi là Jarungkhasor, nghĩa là khi đã được phép xây dựng thì mọi trở ngại đều có thể được khắc phục. Việc xây dựng được tiếp tục cả mùa hè lẫn mùa đông trong bốn năm, cho đến khi Tháp được làm đến phần cổ. Lúc đó người đàn bà hạ tiện nhận thấy mình sắp chết, nên gọi bốn người con trai và các gia nhân của họ lại rồi nói: “Hãy làm cho xong Đại Bảo Tháp này, là biểu tượng thiêng liêng của ta và là nơi chiêm bái cho người phàm tục cũng như chư thiên. Đặt xá lợi của chư Phật vào trong Tháp này rồi làm lễ dâng hiến Bảo Tháp này cho thật long trọng. Đây là ý nguyện của ta, và khi các người làm đúng thì ý nguyện của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai sẽ được thực hiện. Vâng lời mẹ, các con hãy làm tròn mục đích dẫu trải qua nhiều kiếp”.

Nói xong, bà trút hơi thở cuối cùng. Chiêng trống được đánh lên và các vị thần hóa hiện một cơn mưa những bông hoa. Bầu trời xuất hiện ánh sáng cầu vồng. Do công hạnh xây Đại Bảo Tháp, người đàn bà nuôi gà hèn mọn Shamvara đắc quả Phật và có danh hiệu là Chamsi Lhamo Pramsha. Bốn người con trai làm theo đúng ý nguyện của mẹ mình để đáp công ơn dưỡng dục và để tạo công đức, họ làm nốt phần trên của Tháp. Dùng voi và lừa để tải gạch đá tiếp tục công việc trong ba năm nữa, trước khi hoàn thành tòa Tháp, như vậy tất cả là bảy năm. Xá lợi bất hoại của Cổ Phật Đại Ca Diếp được đựng trong cây sự sống và đặt vào bên trong Tháp. Sau khi lễ dâng Tháp đã được tổ chức long trọng với những bông hoa cúng rải khắp nơi, Đức Phật Đại Ca Diếp cùng với các Bồ Tát tháp tùng Ngài xuất hiện trên các tầng trời ở trước Đại Bảo Tháp. Vây quanh họ là chư Phật, Bồ Tát mười phương và vô số các La Hán, năm dòng Như Lai (Ngũ Trí Như Lai), các Thiên Vương ba cõi (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) và vô số các vị thần hiền hòa cũng như phẫn nộ đông như hoa mè không thể kể xiết xuất hiện để rải hoa, làm vinh dự cho cuộc lễ bằng sự hiện diện quý báu của họ. Chiêng được đánh lên, các vị thần làm một trận mưa hoa, hương thơm tỏa ra khắp nơi. Đất rung chuyển ba lần. Hào quang vô lượng của trí huệ thiêng liêng từ thân của chư Phật làm mờ ánh mặt trời và chiếu sáng ban đêm trong năm ngày liền”. Samaya Gya Gya Gya Con dấu niêm phong ba lần.

Keith Dowman