Nghề đúc đồng Ngũ Xã -tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa

Đúc đồng Ngũ Xã
Nghề đúc đồng Ngũ Xã được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Điều này được thể hiện trong câu vè: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”

Kẻ chợ là tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long xưa, theo nghĩa hẹp, chỉ khu phố phường dân cư của kinh thành thời Lê – Trịnh, phân biệt với khu Hoàng thành của vua quan.

Kẻ chợ tập trung của nhiều phường thợ từ khắp nơi đổ về. Đời sống kinh tế – xã hội của Kẻ chợ gắn bó mật thiết với hệ thống giao thông thương cảng – sông (sông Nhị và sông Tô Lịch) và các thôn phường chuyên nghiệp ven đô (như các làng giấy, gốm, dệt, đúc đồng…). Kẻ chợ được xem là nơi phồn vinh bậc nhất, đương thời có câu “Nhất Kinh kì, nhì phố Hiến”. Để tồn tại và phát triển được ở đất kinh kỳ, người thợ phải giỏi, tinh nghề biết giữ uy tín và quan trọng hơn cả là phải biết liên kết thành phường hội.

Theo sử sách ghi lại: Vào khoảng đời Lê (1428-1527) có một số thợ đúc đồng quê ở 5 xã Đông Mai, Châu Mỹ, Lộng Thượng, Đào Viên (hay Thái Ti) và Điện Tiền (có tên nôm là làng Hè, làng Me, làng Rồng, làng Dí trên, làng Dí dưới) đều thuộc huyện Siêu Loại (nay thuộc vùng Thuận Thành – Bắc Ninh và Văn Lâm – Hưng Yên) cùng nhau ra bán đảo hồ Trúc Bạch lập nên một làng gọi là Ngũ Xã Tràng (trường đúc của 5 xã) và mở lò đúc các sản phẩm bằng đồng như nồi, đỉnh, chuông, tượng, đồ thờ và cả tiền đồng. Về sau làng được tổ chức thành phường nghề riêng, gọi là phường đúc đồng Ngũ Xã, nay là phố Ngũ Xã, thuộc quận Ba Đình – Hà Nội

Theo thời gian nghề đúc đồng Ngũ Xã được trọng dụng và phát triển hưng thịnh. Thời ấy nghề đúc đồng Ngũ Xã đã được coi là 1 trong 4 nghề tinh hoa bậc cao của Thăng Long xưa. Điều này được thể hiện trong câu vè được lưu truyền từ bao đời: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”.

Hai minh chứng cho sự tinh hoa và hưng thịnh của nghề đúc đồng Ngũ Xã là pho tượng đồng Trấn Vũ hay còn gọi là tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh tượng cao khoảng 3,9m nặng khoảng 4 tấn và pho tượng Phật Adiđà cao 3,95m, chu vi tượng 11,6m, nặng hơn 10 tấn toạ trên một đài sen bằng đồng có 96 cánh ở chùa Thần Quang nằm ngay tại làng Ngũ Xã.

Ngũ Xã bây giờ – Nhất nghệ tinh nhất thân vinh

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Ngũ Xã nay đã thành phố xá tấp nập. Nơi đây chỉ còn lại ngôi đình Ngũ Xã, chùa Thần Quang và hiện chỉ còn hai nghệ nhân đúc đồng là ông Nguyễn Văn Ứng và bà Ngô Thị Đan (con dâu của dòng họ Nguyễn) là còn “sống, chết” với nghề. Thật mừng, hai hộ này đều làm ăn khấm khá, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo có tính kế thừa cao. Nhiều khách hàng đến đây đặt làm nhiều đồ đồng khác nhau, có những đồ đúc đồng giá trị hàng tỷ đồng

Ông Ứng tiếp tôi tại phòng trưng bày các phẩm đúc đồng tại nhà của mình ở mặt phố Trấn Vũ. Ở cái tuổi 60, ông Ứng được biết đến như một nghệ nhân đạt đến trình độ cao của nghề đúc đồng. Có thể thấy rõ điều đó qua nhiều sản phẩm được trưng bày ở đây. Những năm gần đây đời sống ngày càng cao hơn, nhu cầu sử dụng và “chơi “ đồ đúc đồng tăng mạnh nhờ đó ông Ứng làm không hết việc. Những tác phẩm đúc đồng tinh xảo như tượng cỡ lớn, chuông, đồ thờ… của ông luôn được ưa chuộng, ông bán hàng cho khắp cả nước, có nhiều khách quốc tế đến từ Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Trung Quốc… tới tham quan và đặt mua các sản phẩm đúc đồng mà họ yêu thích. Tuy vậy, ông Ứng cho biết, khách hàng nhiều và tạo doanh thu nhiều nhất cho ông lại toàn là người trong nước mua về nhà chơi hoặc để tặng nhau.

Chiếc chuông đồng cao 3 mét nặng gần 6 tấn giá khoảng 2 tỷ đồng khách đặt làm đang được ông cùng các con đúc tại xưởng. Không chỉ làm đồ truyền thống, ông Ứng còn làm cả tượng chân dung. Đây là một việc rất khó do phải thể hiện được thần thái của nhân vật qua liệu đồng. Nhiều chân dung Bác Hồ, lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và các vị anh hùng dân tộc đã được ông Ứng thể hiện thành công như tượng Bác Hồ đặt tại UBND Thành phố, tuợng nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại Bảo tàng Phụ nữ…

Để mở rộng sản xuất, ông đã thuê đất, đào tạo thợ làm hàng. Xưởng của ông có đến 20 thợ, tất thảy đều là con cháu của ông. Ông Ứng có 3 người con trai thì cả 3 người con đều đã được ông truyền lại nghề tổ từ khi còn nhỏ. Hiện nay, các con ông đều có thể đảm đương được việc đúc các pho tượng có kích thước lớn và đòi hỏi sự tinh xảo cao. Điều ông tâm đắc đó là con ông đều có ý định tiếp bước theo nghề của cha ông.

Người thứ hai tôi gặp là nữ nghệ nhân đúc đồng Ngô Thị Đan, 58 tuổi. Trong căn nhà nhỏ chừng 30 mét ở phố Nam Tràng, đồ đồng bày la liệt chỉ chừa lại một lối đi nhỏ. Cũng như ông Ứng, bà Đan cũng có xưởng đúc bên Gia Lâm với 20 thợ. Hiện bà có 2 con trai nối nghiệp, thay bà làm hàng. Là người có thâm niên trong nghề nên khách hàng nhiều nơi tìm đến bà để đặt hàng, sản phẩm của bà làm ra cũng bán khá chạy. Nhiều bức tượng đồng, chuông đồng, đỉnh đồng cỡ lớn được bà làm ra như pho tượng phật cao 2,5 mét ở chùa Phổ Quang, chiếc đèn đồng cao gần hơn 1 mét ở Đền Quan Thánh… Mặc dù cao tuổi, nhưng bà Đan có tư duy rất cởi mở. Để đa dạng hoá và làm độc đáo sản phẩm, bà Đan cũng mời nhiều thợ giỏi từ nơi khác đến cộng tác như thợ trạm bạc, thợ điêu khắc… Chính vì thế, nhà bà có nhiều mẫu sản phẩm tinh xảo. Bà Đan cũng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề đúc đồng Ngũ Xã.

Cũng như ông Ứng, khách hàng của bà chủ yếu là những người trong nước thích “chơi” đồ đồng. Bà tâm sự vui với tôi: ‘Nhà có nhiều khách nước ngoài đến thăm và mua hàng nhưng họ mua ít và trả rẻ lắm. Tây gì mà mặc cả từng nghìn đồng, khách hàng chủ yếu của tôi là các “đại gia” mua đồ về bày ở nhà”.

Nghề tinh xảo 5 trong 1

Ông Ứng cho biết, nghề đúc đồng là nghề 5 trong 1. Một người thợ đúc đồng giỏi phải thành thục 5 việc. Đầu tiên là kỹ thuật tạo hình, tức là làm ra mẫu cần đúc giống như một nhà điêu khắc; tiếp theo là tạo khuôn để đúc thành hình; sau khi tạo khuôn thì phải nắm kỹ thuật đúc bao gồm việc pha chế đồng, nấu đồng và rót đồng; đúc xong đều phải sửa nguội, đối với một số sản phẩm như lọ hoa, lư đồng, khánh… thì phải trạm khắc trên bề mặt do đó phải nắm vững cả kỹ thuật trạm; sau cùng là kỹ thuật đánh bóng. Đây là 5 kỹ thuật tinh xảo khiến cho nghề đúc trở thành một nghề công phu, phải thực sự có tâm huyết và tài năng mới theo được nghề.

Ông Ứng nhấn mạnh, làm nghề là phải có “tâm” với nghề, phải xác định “sinh nghề tử nghiệp”. Có nhiều thợ trẻ sau một thời gian phải bỏ nghề do không chịu được vất vả, hoặc không đủ kiên nhẫn để học đủ hết nghề. Có rất nhiều bí quyết trong nghề mà theo quy định trong họ tộc không truyền cho người ngoài. Ông Ứng kể cho tôi một ví dụ, việc đắp khuôn phải đắp bằng vật liệu đặc biệt kết hợp với nấu đồng và rót đồng nóng chảy vào khuôn. Đây là 2 kỹ thuật chính tạo ra tiếng chuông kêu trong, vang ngân. Nhiều làng nghề khác, do không giỏi ngón nghề này nên khi đúc ra chuông bị “câm” đánh không kêu vang. Ông Ứng cũng đã từng phải mời một vị khách nước ngoài ra khỏi xưởng do vị khách đến thăm xưởng để học lỏm kỹ thuật và vật liệu đúc khuôn của ông.

Mở rộng hay giữ bí quyết nghề?

Bà Đan tâm sự: “Thật vui khi 2 người con trai của tôi đều nối nghiệp tổ tông. Hiện tại, chúng có khả năng thực hiện mọi công việc từ dễ đến khó trong nghề”.

Không truyền nghề ra ngoài đó là quy ước xưa của làng nghề. Tuy vậy trong thời kỹ hội nhập, với tư duy đổi mới, ông Ứng cũng đã có dự định sẽ mở một xưởng dạy nghề đúc đồng, với mong muốn nghề đúc đồng của Ngũ Xã sẽ được lưu giữ và tồn tại mãi mãi cùng những nét tinh hoa của đất Hà thành xưa. Đó cũng chính là mong ước của nhiều lãnh đạo Thành uỷ và UBND thành phố Hà Nội.

tuong-phat-dong-khong-lo-o-chua-ngu-xa-ha-noi-191-1 (1)

Trải qua bao thăng trầm lịch sử , làng Ngũ xã nay đã thành phố xá tấp nập. Nơi đây chỉ còn lại ngôi đình Ngũ Xã, chùa Thần Quang (trong ảnh: Đình Ngũ Xã)

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Hà Nội) được đúc năm 1677. Tượng cao khoảng 3,9m và nặng khoảng 4 tấn. Tượng đúc Huyền Thiên Trấn Vũ mặt vuông, mắt nhìn thẳng, râu dài, tóc xoã không đội mũ, mặc áo đạo sĩ, ngồi trên bục đá, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng một con rùa. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, đánh dấu kỹ thuật đúc đồng và tài nghệ của nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã cách đây 3 thế kỷ.

ngu-xa-2_jpg

Ngay tại ngôi chùa của làng Ngũ Xá mang tên chùa Thần Quang hiện có một sản phẩm hết sức tinh tế, kỳ vĩ. Đó là pho tượng Phật Adiđà được đúc trong những năm 1949 – 1952. Tượng cao 3,95 m, khoảng cách giữa hai đầu gối là 3,60 m, chu vi tượng 11,6 m, nặng 11 tấn toạ lạc trên một đài sen bằng đồng có 96 cánh. Tượng có tư thế ngồi bằng, hình khắc đơn giản nhưng hài hòa, khiến mọi người cảm nhận được vẻ hiền từ, trầm tĩnh từ nét mặt, thân hình, đến dáng ngồi, nếp áo. Tất cả toát lên sự trầm lắng, sâu xa, nhưng lại giống người thật. Không chỉ kỳ vĩ về kích thước, pho tượng này còn được đúc theo kỹ thuật rỗng liền khối, một kỹ thuật bí truyền mà chỉ làng Ngũ Xã mới có.

ngu-xa-5_jpg

Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng bên bức tượng Liên Hoa Sinh cao 1,15 m nặng 300kg, phải mất gần 10 tháng để hoàn thành. Bức tượng sẽ được đặt tại một ngôi chùa ở Đà Lạt.

ba-dan_jpg (1)

Nghệ nhân đúc đồng Ngô Thị Đan bên một sản phẩm do xưởng đúc của bà làm ra.

ngu-xa-67_jpg (1)

Các công nhân đang làm việc tại xưởng đúc Mai Hoa của nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng tại đường Hồng Hà ngay gần làng Ngũ Xã xưa

ngu-xa-02_jpg ngu-xa-8_jpg (1)

Tháng 7/2009, ông Ứng được đặt hàng làm quả chuông nặng 6 tấn, cao 3 mét, đường kính 1,2 mét. Quả chuông sẽ được treo tại Đài Tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong tại ngã 3 Đồng Lộc – Hà Tĩnh. Để hoàn thiện quả chuông này, một tốp thợ phải làm việc trong 7 tháng. Riêng việc đánh bóng cũng mất hai tuần. Điều quan trọng nhất là quả chuông khi đánh có tiếng vang lớn. Đây là bí quyết lâu đời của làng nghề đúc đồng Ngũ Xã.

ngu-xa-4_jpg

ngu-xa-04_jpg

ngu-xa-6_jpg

Nghề đúc đồng đòi hỏi sự tỉ mẩn và tinh xảo

ngu-xa-9_jpg

ngu-xa-10_jpg

ngu-xa-11_jpg

ngu-xa-3_jpg

Sản phẩm đồng Ngũ Xã ngày nay luôn đa dạng, có cả sản phẩm truyền thống và hiện đại

Lê Bích (VOVNEWS)