Chư Thiên cũng phải chịu đựng nỗi khổ của cái chết và luân hồi

Chư Thiên vui hưởng sức khỏe, tiện nghicủa cải và hạnh phúc toàn hảo suốt cuộc đời họ. Tuy nhiên, họ tiêu phí thời gian trong việc tiêu khiểnÝ tưởng thực hành Phật Pháp không bao giờ hiện đến với họ. Suốt trong cả cuộc đời có thể kéo dài một đại kiếp, chẳng bao giờ niệm tưởng thực hành Pháp khởi lên trong tâm họ dù chỉ trong giây lát. Rồi thì khi đã lãng phí cả cuộc đời trong sự phóng dậtđột nhiên họ phải đối mặt với cái chết. Tất cả các chư Thiên trong sáu cõi trời Dục Giới, từ cõi Trời của Tứ Thiên Vương cho tới cõi được gọi là Hóa Lạc, đều phải chịu đựng nỗi khổ của cái chết và luân hồi.

Có năm dấu hiệu báo trước cái chết của một vị Trời. Thân họ vốn chói sáng, có thể nhìn thấy cách một lý (khoảng 4,8km) hay vài dặm, bỗng mờ dần đi. Chiếc ngai mà trước đây họ vẫn ngự trên đó và không bao giờ cảm thấy mỏi mệt, thì giờ đây không còn làm họ hài lòng; họ cảm thấy thiếu tiện nghi và không còn thoải máiVòng hoa trên đầu của họ, trước đây dù lâu đến đâu cũng chẳng bao giờ tàn, nhưng giờ đây đã khô héo. Y phục của họ luôn sạch sẽ tinh tươm dù có mặc bao lâu thì nay trở nên cũ, bẩn và bắt đầu bốc mùi. Thân họ bắt đầu đổ mồ hôi dù trước đây không bao giờ như vậy. Khi năm dấu hiệu đưa họ gần tới cái chết bắt đầu xuất hiện, họ rất đau khổ vì biết chẳng bao lâu nữa mình cũng sẽ chết. Bằng hữu và những người thân yêu của họ cũng biết những gì sắp xảy ra với họ; nhưng họ không thể tới gần nữa, mà chỉ đứng ở xa ném hoa và nói những lời chúc tốt lành: “Khi Ngài chết và từ giã nơi đây, cầu xin ngài được tái sinh vào cõi người. Cầu mong Ngài làm nhiều việc thiện và lại được tái sinh vào cõi Trời.” Với những lời đó, họ từ bỏ chư thiên đang hấp hối. Hoàn toàn cô độcchư thiên đang hấp hối phải chìm đắm trong nỗi buồn sầu. Bằng thiên nhãn, họ biết nơi mình sắp. Nếu phải tái sinh ở một cõi đau khổ, thì những đau đớn của sự đày đọa này xâm chiếm tâm họ và làm cho họ càng đau khổ trong khi, mệnh của họ ở cõi trời vẫn chưa kết thúc. Những đau khổ này trở nên mãnh liệt gấp hai rồi gấp ba lần, khiến họ tuyệt vọng và than khóc trong bảy ngày liền trên cõi trời. Bảy ngày trên cung Trời thứ Ba Mươi Ba (cung Đao Lợi hay Đế Thích Thiên) thì bằng bảy trăm năm ở cõi người. Trong thời gian đó, khi nhìn lại và hồi tưởng lại tất cả những phúc lạc và sung sướng mà họ đã từng vui hưởng, họ nhận ra là mình không thể nán ở lại được nữa và họ phải trải qua nỗi khổ của sự chuyển kiếp; rồi nhìn về phía trước, khi đã bị dày vò bởi thị kiến có được về nơi tái sinh trong tương lai, họ trải qua nỗi đau khổ của việc bị đọa vào cõi thấp hơn. Nỗi đau đớn của cả hai tâm trạng này còn khổ sở hơn cả nỗi khổ trong địa ngục.

Trong hai cõi trời cao nhất, không có những đau khổ rõ ràng của cái chết và sự chuyển kiếpTuy nhiên, khi nghiệp quả đã đưa họ đến đây bị cạn kiệt thì những vị Trời này rơi vào những cõi thấp như thể thức dậy sau giấc ngủ. Sự đau khổ của họ là như vậy. Như Ngài Long Thọ có nói:

Hãy biết rằng ngay cả chính Phạm Thiên
Sau khi có được hạnh phúc nhờ thoát khỏi vướng mắc 
Đến lượt ông ta phải chịu đau khổ không ngừng dứt 
Như dầu đốt lửa của Điạ Ngục Vô Gián

Do đó, dù chúng ta sinh ra bất cứ nơi đâu trong sáu cõi, tất cả đều có một bản chất là đau khổ, tất cả đều là sự chồng chất đau khổ, tất cả đều là một cỗ máy động cơ của đau khổ – và không là gì khác hơn ngoài đau khổ. Tất cả giống như một cái hố sâu bằng lửa, một hòn đảo đầy quỷ cái ăn thịt người, một vực sâu trong đại dương, đầu lưỡi dao hay một hầm phân. Ta không thể tìm ra chút an lạc. Trong Tịnh Ức Diệu Pháp Kinh có nói:

Chúng sinh trong địa ngục đau khổ vì lửa địa ngục
Ngạ quỷ đau khổ vì đói và khát, 
Súc sinh đau khổ bởi việc ăn thịt lẫn nhau, 
Loài người đau khổ vì cuộc đời ngắn ngủi, 
A Tu La đau khổ vì chiến tranh và tranh chấp
Và chư Thiên đau khổ vì thiếu tỉnh giác
Chẳng bao giờ có hạnh phúc trong sinh tử luân hồi dù chỉ nhỏ bằng đầu đinh ghim. 

Và Đức Di Lặc có nói:

Cũng như không có mùi thơm trong một hố phân, 
Không có hạnh phúc trong năm loại chúng sinh

Đạo Sư Vĩ đại xứ Oddiyana cũng nói:

Người ta nói rằng trong vòng luân hồi này 
Sẽ không tìm ra được hạnh phúc dù nhỏ như đầu mũi kim. 
Nhưng nếu ngẫu nhiên ta tìm được chỉ một ít, 
Thì hạnh phúc ấy sẽ chứa đựng nỗi khổ của sự biến đổi

Càng quán chiếu về những điều này và những đoạn tương tự khác, ta sẽ càng nhận ra rằng cho dù sinh ra ở đâu; từ đỉnh cao của sự sống xuống tới địa ngục sâu thẳm nhất, tất cả đều không có ngay cả một giây phút hạnh phúc thực sự. Mọi sự đều vô nghĩa. Hãy suy ngẫm về luân hồi sinh tử và những đau khổ của sinh tử cho đến khi không còn tham muốn gì về cõi luân hồi này nữa, giống như người đau gan được mời ăn một món thức ăn có nhiều mỡ béo vậy.

Đức Patrul Rinpoche
Trích: Lời vàng của Thầy tôi