Đại sư Manibhad – Bà nội trợ hạnh phúc

Khi tâm ta bị khởi che bởi vô minh
Ý duyên theo trần cảnh
Khi thực thể sáng tỏ như bản chất của ta
Bản chất ấy hiện ra như thực thể

Truyền thuyết

Thị trấn Agaru có một gia đình giàu có. Gia đình này có một cô con gái ở tuổi 13 tên là Manibhadra, được hứa gả cho một chàng trai cũng cùng đẳng cấp xã hội. Theo tục lệ thì chàng trai phải đến ở rể, chờ cho đến khi cô gái đủ tuổi kết hôn.

Trong thời gian này, một hôm có Đại sư Kukkuripa đến nhà cô gái Manibhadra để khất thực. Nhìn thấy nhà sư, cô gái thốt lên: “Ngài trông thật đẹp đẽ! Cớ sao lại phải đắp tấm vải rách mà đi xin ăn, trong khi ngài có thể tự mình kiếm sống và cưới một người vợ?”

“Thưa thí chủ, tôi sợ vòng sinh tử luân hồi và tôi đang tìm thấy niềm an lạc đầy giải thoát trong cuộc sống như thế này. Thân người khó được, Phật pháp khó gặp. Nay tôi phải nắm bắt lấy cơ hội có một không hai này mà tu tập. Nếu tôi lấy vợ, có con, thật là bận bịu, làm thế nào mà tu tập? Và như thế, đời sau sẽ càng tệ hại hơn. Do đó mà tôi từ bỏ việc theo đuổi phụ nữ.”

Cô gái tỏ ra rất cảm phục nhà Sư, sau khi cúng dường vật thực, cô nài nỉ: “Xin thầy chỉ cho tôi con đường giải thoát.”

“Ta sống nơi mộ địa, nếu cần, thí chủ có thể đến gặp ta.”

Sau khi nghe những lời thuyết pháp của đại sư, Manibhadra trở nên ưu tư về thân phận con người trong cuộc đời đầy bất trắc này, và cuối cùng cô quyết định tìm đến với đại sư.

Đại sư Kukkuripa quán xét thấy trình độ tâm linh của cô gái phát triển cao, bèn truyền cho cô pháp thiền định và thần thông.

Sau đó, cô tìm chỗ vắng vẻ tự tu tập một mình trong bảy ngày đêm. Sau thời gian ấy, cô trở về nhà thì bị cha mẹ la rầy, đánh đập.

Cô nói: “Không ai trong thế gian này là cha hay mẹ của tôi cả. Một gia đình giàu có chỉ có thể nuôi dưỡng nhưng không thể giải thoát cho một cô gái ra khỏi sinh tử luân hồi. Vì vậy, tôi phải nương tựa vào Chân sư để tu tập thiền định hầu mong giải thoát khỏi luân hồi.”

Lời lẽ xác đáng của cô khiến cha mẹ cô lấy làm lạ nhưng không thể đối đáp lại.

Manibhadra tu tập định tâm vào một điểm duy nhất. Và sau đó một năm, vị hôn phu đến đón cô về nhà riêng. Cô vui vẻ theo chồng không một chút phản kháng.

Trong cuộc sống mới, cô luôn tỏ ra đảm đang việc nhà, nói năng khiêm tốn, cử chỉ hoà nhã. Chẳng bao lâu, cô sinh hạ được một bé trai và một bé gái. Cô nuôi nấng và dạy dỗ chúng theo cách riêng của cô.

Mười hai năm trôi qua kể từ ngày Manibhadra gặp được Chân sư. Một buổi sáng, cô ra suối để lấy nước, vì mang một bình đầy lại vấp phải một gốc cây, cô ngã xuống làm chiếc bình vỡ tan.

Chiều đến người chồng không thấy vợ, vội đi tìm. Khi đến nơi ông thấy vợ mình nằm dưới đất, đôi mắt mở to đăm đăm nhìn vào chiếc bình vỡ.

Ông đến gần hỏi han, nhưng cô vẫn cứ nhìn trân trối vào chiếc bình như không nghe thấy gì. Mọi người đến tìm cách vực cô ngồi dậy nhưng vô ích. Cô vẫn nằm bất động mãi.

Đến lúc đêm xuống, cô đứng dậy hát:

Chúng sinh hữu tình
đập vỡ chiếc bình của họ,
Cuộc sống kết thúc.
Nhưng tại sao?
Tại sao họ trở về nhà
Ngôi nhà lục thú?
Hôm nay ta đập vỡ
chiếc bình của ta
Nhưng ta không quay về
ngôi nhà ấy nữa
Ta đi tới mềm vui thanh tịnh
Thầy ta thật tuyệt vời.
Nếu ngươi muốn?
Hãy nương vào bậc Thánh.

Hát xong, Manibhadra bay vào hư không.

Keith Dowman

Việt dịch: Nguyễn Thạnh Lê Trung Hưng

Hiệu đính: Nguyễn Minh Tiến

Trích tác phẩm: Các vị Chân sư Đại Thủ Ấn – Nhà xuất bản Tôn Giáo