Về thăm Kê Túc sơn

Vượt hơn 1000 km bằng xe lửa, từ New Delhi chúng tôi thực hiện chuyến hành hương chiêm bái Phật tích và các Thánh địa Phật giáo vào kỳ nghĩ Đông dài ngày. Từ Bồ Đề Đạo Tràng phải đi mất hơn hai tiếng đồng hồ bằng ô tô, chúng tôi mới đến được núi Kê Túc, nơi ngài Đại Ca Diếp mang Y Bát của đức Phật đến đây đợi Phật Di Lặc ra đời để trao lại.

Núi Kê Túc cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 75 km về hướng Đông Nam. Tọa lạc trên dãy Kukkutapada, nằm ở miền Trung Ấn Độ, lãnh thổ của quốc gia Magadha (Ma kiệt đà) xa xưa có thành Vương Xá một thời huy hoàng tráng lệ. Theo Đại Đường Tây Vực Ký của ngài Huyền Trang thì: “Sông Mạc-ha chảy về phía Đông, xuyên vào rừng sâu, qua hơn trăm dặm, đến núi Quật-quật-tra-bàn-đà, người dân địa phương gọi núi ấy là Kê Túc, hoặc núi Quật-lô-đá-bà”. Sở dĩ núi mang tên ấy là vì có ba ngọn núi hình dáng giống như chân của một con gà nên được gọi là Kê Túc sơn hay Kê Phong.

Kê Túc Sơn không nằm trong Tứ động tâm mà là một Thánh địa của Phật giáo Ấn Độ mang dấu ấn mầu nhiệm lạ kỳ và những huyền thoại đặc biệt gắn liền với Tôn giả Maha Casapa. Nên mặc dù là một địa điểm rất xa, lại khó đi vì đường xấu, nhưng nó là một địa điểm quan trọng không thể bỏ qua trong chuyến hành trình chiêm bái Phật tích của những ai muốn nghiên cứu và tìm hiểu.

Xe dừng lại bên một ngôi làng nhỏ gần núi, chúng tôi phải băng qua con đường ray xe lửa và đi bộ gần 2 km mới đến chân núi. Núi Kê Túc mang một vẽ đẹp nguyên sơ, cây cối xanh tốt mọc xen với đá cheo leo như được sắp xếp tài tình bởi một bàn tay nào đó của thiên nhiên trong rất tuyệt đẹp. Ven lối đi, những cây cổ thụ sần sùi với nhiều thế mọc như dáng tạo của những cây kiểng. Chúng vẫn đứng hiên ngang cùng mưa nắng và tồn tại với thời gian.

Từ chân núi, chúng tôi bắt đầu leo lên trên những tảng đá gập ghềnh, thỉnh thoảng cũng có những khoảng đường được xây bậc cấp bằng xi măng khá kiên cố. Nếu ai cẩn thận hơn thì cần phải sử dụng thêm một cây gậy. Đứng dưới chân núi chúng tôi có thể nhìn thấy đỉnh núi khá rõ bởi thế núi dựng đứng đập vào trước mắt, nhưng phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến được chóp núi.

Trước khi đi vào tháp thờ Ngài Ca Diếp, chúng tôi phải luồn qua một khe núi hẹp chỉ đủ một người đi. Trong khe tối om, phải dùng dèn pin rọi đường mới có thể qua được. Tương truyền khi Ngài Ca Diếp mang Y bát của đức Phật đến đây, núi tự chẻ làm đôi để Ngài bước vào. Đi hết khe núi là Bảo tháp thờ Tôn giả Ca Diếp. Bảo tháp bảy tầng nhỏ gọn, được sơn son thếp vàng. Bên trong là Tôn tượng của Ngài được tạc với thế ngồi kiết già, thân thể gầy ốm, đắp y bày vai bên phải, hai tay ôm bình bát, trên khuôn mặt gấp nhiều nếp nhăn như đang suy tư về tiền đồ tương lai của Đạo pháp. Từ bảo tháp, leo thêm chừng 15 bậc cấp nữa là chóp núi. Hiện tại trên đỉnh núi được xây dựng một bảo tháp lớn để thờ đức Phật Di Lặc.

Sau khi nghĩ ngơi trong giây lát, chúng tôi vào thắp trầm nến dâng cúng và đãnh lễ Ngài. Một vị thánh tăng vĩ đại trong Thập đại đệ tử của đức Phật với hạnh đầu đà đệ nhất. Người được mệnh danh là bán giàu mua nghèo để cứu nhân độ thế và thực hành khổ hạnh, tuyệt đối tuân thủ những giới điều của đức Phật chế chỉ để thành tựu giải thoát và là một biểu mẫu thanh cao về oai nghi và giới hạnh. Cuộc đời của Ngài gắn liền với những sự kiện đặc biệt, được đức Phật trực tiếp đón gặp để hóa độ giữa đường và sau bảy ngày Ngài đã chững đắc thánh quả A la hán. Ngài là người duy nhất ngộ được ý chỉ của Phật trong pháp hội tại Linh sơn “Niêm hoa vi tiếu” và được truyền trao Y bát trở thành vị Tổ đầu tiên của thiền tông. Sau khi đức Phật nhập diệt, vai trò của Ngài lại càng quan trọng hơn trong sứ mệnh truyền trì mạng mạch chánh pháp tại thế gian đó là công việc tổ chức hội nghị kết tập kinh điển lần đâu tiên tại động Thất diệp trên núi Kỳ xà quật. Và sứ mệnh cuối cùng là mang Y bát của đức Phật Thích Ca đến Kê Túc Sơn đợi đức Di Lặc ra đời trao lại.

Ngày nay, trên đỉnh Kê Túc dư âm vẫn còn vang vọng về một bậc thượng thủ trong chúng trung tôn Thánh đại đệ tử của đức Phật. Danh tánh và đạo hạnh của Ngài đã khắc sâu trong tâm trí của tất cả mọi người con Phật khắp nơi trên thế giới kính ngưỡng.

Rời núi Kê túc mà trong tôi thật sự cảm kích, đây quả là một phước duyên lành mà chúng tôi may mắn hội đủ để một lần diện kiến. Đã hơn hai ngàn mấy trăm năm mà âm vang về Ngài vẫn còn vang vọng. Một vị Thánh đệ tử với vóc dáng hao gầy mà nội tâm tràn đầy sự kiên định. Cỏ cây, hoa lá nơi đây dường như cũng đã thấm nhuần đức hạnh của Ngài. Một ngọn gió thoảng đưa, một tiếng chim reo hót đều trở thành bài pháp vi diệu thức tĩnh lòng người luôn chánh niệm, tĩnh giác để vượt qua mọi chướng duyên trần lụy, về với nẻo giác ngộ giải thoát an vui.

Trung Định

Nguồn: Về thăm Kê Túc sơn