Thiền Định Về Tâm Từ

Qua công phu thiền định về tâm xả vô lượng đã được mô tả như trên, bạn hãy quan tâm tới tất cả chúng sinh trong tam giới với lòng từ rộng lớn tương tự. Lòng từ ái mà bạn cảm thấy đối với tất cả chúng sinh phải giống như lòng từ của những bậc cha mẹ chăm sóc con cái mình. Cha mẹ không để ý tới sự vô ơn bạc nghĩa của con cái, họ gánh chịu mọi gian khổ, hoàn toàn hiến dâng mọi tư tưởng, lời nói, và hành động chỉ để những đứa con của họ được hạnh phúc, sung túc và thoải mái. Cũng thế, trong đời này và tất cả những đời sau của bạn, hãy hiến dâng mọi việc bạn làm, lời nói, hay suy nghĩ của bạn cho sự an lành và hạnh phúc của tất cả chúng sinh. 

Tất cả những chúng sinh đó đều cố gắng để đạt được hạnh phúc và an nhàn. Tất cả đều muốn được sống hạnh phúc và nhàn nhã; không một ai trong số đó muốn hứng chịu bất hạnh hay đau khổ. Tuy nhiên, họ không hiểu được rằng nguyên nhân của hạnh phúc là những thiện hạnh, thay vào đó họ đắm mình trong mười hành vi bất thiện. Do đó, ước muốn sâu xa nhất (được hạnh phúc) và hành động của họ lại mâu thuẫn nhau: trong nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc, họ chỉ mang lại đau khổ cho chính mình. 

Hãy liên tục thiền định về tư tưởng này “thật tuyệt diệu biết bao nếu mỗi người trong những chúng sinh đó có thể thọ hưởng tất cả niềm hạnh phúc và an nhàn mà họ mong muốn.” Hãy thiền định về điều đó cho tới khi lòng mong cầu cho người khác được hạnh phúc cũng mãnh liệt giống như bạn đang mong muốn cho bản thân bạn được hạnh phúc. 

Kinh điển nói về “những hành vi nhân từ của thân, những hành vi nhân từ của khẩu, những hành vi nhân từ của ý.” Điều này có nghĩa là tất cả những gì bạn nói ra bằng miệng, làm bằng tay, thay vì nói và làm những điều tổn hại người khác, thì hãy chỉ nói và làm những điều thẳng thắn và tốt lành. Như trong Nhập Bồ Tát Hạnh có nói: 

Bất cứ khi nào bạn nhìn người khác, 

Hãy nhìn họ với tấm lòng yêu thương rộng mở. 

Ngay cả khi bạn chỉ nhìn một ai khác, hãy nhìn họ với nét tươi cười, vui vẻ, thay vì nhìn họ bằng một cái nhìn chòng chọc đầy gây hấn hay biểu lộ sự thù ghét. Có nhiều câu chuyện nói về điều này, giống như câu chuyện về một nhà cai trị đầy uy quyền nhìn mọi người với cái nhìn phẫn nộ. Chuyện kể rằng người đó bị tái sinh làm một ngạ quỷ sống nhờ thức ăn thừa dưới bếp lò của một căn nhà, và sau đó, cũng vì đã nhìn một thánh nhân theo lối đó, ông ta bị đọa vào địa ngục. 

Bất cứ hành động nào bạn làm bằng thân, hãy gắng làm một cách dịu dàng và vui vẻ, cố gắng không làm hại người khác mà là để giúp đỡ họ. Lời nói của bạn không nên biểu lộ những thái độ như khinh miệt, chỉ trích hay ghen tị. Hãy làm sao để mỗi lời bạn nói đều vui vẻ và chân thật. Đối với thái độ của tâm, khi bạn giúp đỡ người khác, chớ mong chờ bất kỳ sự đền đáp tốt đẹp nào. Đừng làm một kẻ đạo đức giả và cố làm cho người khác coi bạn như một vị Bồ Tát bằng những lời nói và hành động tử tế của bạn. Tận đáy lòng bạn, hãy hoàn toàn mong ước hạnh phúc cho người khác và chỉ quan tâm tới những gì lợi lạc nhất cho họ. Hãy lập đi lập lại những lời cầu nguyện này: “Trải dài suốt tất cả các kiếp, nguyện xin cho tôi không làm tổn hại dù chỉ một sợi tóc trên đầu người khác, và nguyện xin cho tôi luôn luôn giúp đỡ mỗi người trong tất cả mọi người.” 

Điều đặc biệt quan trọng là tránh làm cho những người dưới quyền của bạn đau khổ bằng cách đánh đập, ép buộc họ làm việc cực nhọc, v.v… Điều này áp dụng cho người giúp việc cũng như cho những thú vật của bạn, xuống tới con chó giữ nhà khiêm tốn nhất. Luôn luôn, trong mọi hoàn cảnh, bạn hãy tử tế với họ trong tư tưởng, lời nói và hành động. Bị tái sinh như một người hầu, hay một con chó giữ nhà, bị mọi người coi thường và khinh rẻ, là nghiệp trổ quả do những hành vi đã tạo trong quá khứ. Đó là quả hỗ tương của việc xem thường và khinh rẻ người khác khi bạn có một địa vị quyền uy trong một đời quá khứ. Nếu bây giờ vì giàu có và quyền thế mà bạn xem thường người khác, bạn sẽ phải trả món nợ này trong vài kiếp tới bằng cách phải tái sinh làm những người hầu của họ. Vì thế, hãy đặc biệt tử tế với những người đang ở vị trí thấp hơn bạn. 

Bất kỳ những gì bạn có thể làm bằng thân, khẩu hay ý để giúp đỡ mọi người, đặc biệt là cha mẹ của bạn, hay những người bị bệnh kinh niên, sẽ đem lại những lợi ích không thể nghĩ bàn. Ngài Jowo Atisa nói: 

Tử tế đối với những người từ phương xa tới, những người bị bệnh lâu năm, hay cha mẹ trong tuổi già, tương đương với việc thiền định về tánh Không mà tinh túy của tánh Không ấy chính là lòng từ bi. 

Cha mẹ chúng ta đã tỏ cho ta thấy tình yêu thương và tâm từ ái bao la tới nỗi nếu chúng ta làm cho cha mẹ mình phải đau khổ lúc về già thì đây là một ác hạnh. Bản thân Đức Phật, để đền đáp lòng tốt của thân mẫu, Ngài đã đi tới tầng Trời thứ Ba Mươi Ba để giảng Pháp cho bà. Có câu nói rằng cho dù chúng ta hầu hạ cha mẹ bằng cách đưa họ đi khắp thế giới trên đôi vai của mình, thì việc ấy vẫn không đền đáp được lòng tốt của cha mẹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể đền đáp lòng tốt này bằng việc hướng dẫn cha mẹ đến với giáo lý của Đức Phật. Vì thế, hãy luôn luôn phụng sự cha mẹ bằng tư tưởng, lời nói, và hành động, và cố gắng tìm cách đưa cha mẹ mình đến với Giáo Pháp. 

Đạo Sư Vĩ Đại xứ Oddiyana đã nói: 

Không nên làm cho người già buồn khổ; hãy chăm sóc họ với lòng quan tâm và tôn kính. 

Trong bất cứ những gì bạn nói và làm, hãy tỏ ra tử tế với tất cả những người lớn tuổi hơn bạn. Hãy quan tâm tới họ và làm bất kỳ những gì bạn có thể làm được khiến cho họ vui lòng. 

Ngày nay, hầu hết mọi người đều nói rằng không có cách nào sống trong cõi luân hồi mà không làm tổn hại người khác. Nhưng điều này không đúng. 

Ngày xưa, ở Khotan, hai vị sa-di đang thiền định về Đức Văn Thù (Manjushri) siêu phàm. 

Một hôm, Ngài hiện ra với họ và nói: “Giữa ta và các ngươi không có duyên nghiệp với nhau. Vị Bổn Tôn mà các ngươi có liên hệ trong những đời quá khứ là Đức Quán Tự Tại vĩ đại. Hiện Ngài được tìm thấy ở Tây Tạng, là vị vua đang cai trị xứ này.* Các ngươi nên tới đó gặp Ngài.” 

* Nhà vua có danh hiệu là Songtsen Gampo, vị vua Phật tử đầu tiên của Tây Tạng, Ngài được coi là một hóa thân của Đức Quán Tự Tại. 

Khi hai vị sa-di tới Tây Tạng và đi vào vòng thành Lhasa, họ thấy rất đông người bị hành hình hay bị giam giữ. Họ hỏi điều gì đang xảy ra. 

“Đó là những người bị vua ra lệnh trừng phạt,” họ được cho biết như vậy. 

“Vị vua này chắc chắn không phải là Đức Quán Tự Tại,” họ tự nhủ, và sợ cũng bị trừng phạt như vậy nên họ quyết định bỏ đi. 

Vị vua biết họ bỏ đi nên phái một sứ giả đi theo mời họ tới gặp Ngài. 

“Đừng sợ,” Ngài bảo họ. “Tây Tạng là một vùng đất hoang dã, khó thuần phục. Vì lý do đó ta đã phải tạo ra ảo ảnh những tội nhân bị hành hình, bị chặt tay chân, và v.v. Nhưng trong thực tế, ta chưa từng làm tổn hại ai cho dù chỉ một sợi tóc.” 

Vị vua đó là người cai trị toàn xứ Tây Tạng, Xứ Tuyết, và đã khiến các vị vua khắp bốn phương phải phục tùng Ngài. Ngài đánh bại những đội quân xâm lược và giữ yên ổn khắp biên cương. Mặc dù Ngài buộc lòng phải chiến thắng quân thù và bảo vệ thần dân của mình trên một phạm vi rộng lớn như vậy nhưng Ngài hoàn toàn tự chế ngự được để không làm tổn hại một sợi tóc trên đầu người. Vì thế, làm sao chúng ta không thể không làm như vậy để tránh việc gây tai hại cho người khác khi ta đang chăm sóc nơi trú ẩn bé xíu của ta, là những thứ mà nếu so sánh thì không lớn hơn những tổ côn trùng? 

Gieo gió thì gặt bão. Việc làm hại người khác chỉ tạo nên đau khổ vô tận cho đời này và những đời kế tiếp. Chẳng có điều tốt lành nào có thể phát sinh từ ác hạnh, ngay cả trong những việc lặt vặt của đời này. Chưa từng có ai trở nên giàu có nhờ giết chóc, trộm cướp và những điều tương tự. Cuối cùng họ phải gánh chịu quả báo và thất thoát toàn bộ tiền bạc và của cải trong khi thực hiện ác hạnh. 

Hình ảnh được đưa ra để minh họa cho lòng từ ái bao la là một con chim mẹ săn sóc những đứa con. Nó bắt đầu bằng việc làm một cái tổ mềm mại, ấm cúng. Chim mẹ che chở và ủ cho thật ấm những con chim con bằng đôi cánh của nó. Nó luôn dịu dàng và che chở chim con cho tới khi chúng có thể chắp cánh bay xa. Giống như con chim mẹ đó, hãy học cách tử tế trong tư tưởng, lời nói, và hành động với tất cả chúng sinh trong ba cõi.

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi