Thiền Định Về Tâm Bi 

Thiền định về tâm bi là hình dung chúng sinh bị hành hạ bởi nỗi đau khổ khủng khiếp và mong muốn họ được giải thoát khỏi những đau khổ đó. Có câu nói rằng: 

Hãy nghĩ về một người nào đó bị đau khổ dữ dội, như một người bị ném vào ngục tối sâu thẳm chờ đợi cuộc hành hình, hay một con vật sắp bị làm thịt đang đứng trước kẻ đồ tể. Hãy cảm nhận lòng từ ái đối với chúng sinh đó như thể họ là mẹ hay con của chính bạn. 

Hãy hình dung một tù nhân bị nhà cầm quyền kết án tử hình và đang bị dẫn tới nơi hành quyết, hoặc một con cừu bị người đồ tể bắt trói lại. 

Khi bạn nghĩ tới một tù nhân bị kết án, thì hãy hình dung con người đau khổ đó là chính bạn thay vì là một người nào khác. Hãy tự hỏi mình sẽ làm gì trong tình huống đó. Làm thế nào bây giờ? Không biết chạy nơi đâu. Không nơi ẩn trốn. Không chốn nương tựa và không ai che chở bạn. Bạn không có phương tiện để đào thoát. Bạn không thể bay xa. Bạn không có sức mạnh, không có quân đội để bảo vệ. Ngay chính lúc đó, mọi tri giác về cuộc đời này sắp bị cắt đứt. Bạn sẽ phải bỏ lại ngay cả thân thể của chính mình mà bạn đã từng bảo vệ, chăm chút từng chút một, và phải bắt đầu lên đường đi đến cuộc đời kế tiếp. Đau đớn làm sao! Hãy rèn luyện tâm thức bằng cách nhận lãnh vào mình nỗi đau khổ của tù nhân bị kết án đó. 

Và khi bạn nghĩ tới một con cừu bị dẫn đi giết thịt, đừng nghĩ nó chỉ là một con cừu. Thay vào đó, hãy cảm thấy một cách chân thành rằng đó chính là người mẹ già của mình sắp bị giết, và hãy tự hỏi phải làm gì trong tình huống đó. Giờ đây bạn định làm gì khi họ sắp giết người mẹ già của bạn, mặc dù bà chẳng làm điều gì tổn hại đến ai? Hãy kinh nghiệm từ tận đáy lòng bạn nỗi khổ mà mẹ bạn phải trải qua. Khi tâm bạn nóng lòng muốn làm một điều gì ngay lập tức để người mẹ già của bạn không bị giết chết tại chỗ, hãy quán chiếu dù sinh loài đang đau khổ này không thực sự là cha hay mẹ bạn trong đời này, nhưng chắc chắn họ đã từng là cha hay mẹ bạn trong một thời điểm nào đó trong những đời quá khứ và đã từng nuôi dưỡng bạn với thiện tâm lớn lao giống hệt như cha mẹ trong đời này của bạn đã làm. Vì thế không có gì khác biệt giữa cha mẹ đời này với cha mẹ của vô lượng kiếp. Thương thay cho cha mẹ khốn khổ của bạn đang chịu đau khổ quá nhiều! Giá như họ có thể lập tức thoát khỏi nỗi khổ của họ, không chút trì hỗn – ngay giây phút này! Với những niệm tưởng này trong lòng, hãy thiền định với lòng bi mẫn không thể chịu đựng nỗi đến nỗi đôi mắt bạn trở nên đẫm lệ. 

Khi lòng bi của bạn được đánh thức, hãy thấu hiểu rằng tất cả những đau khổ này là hậu quả của các ác hạnh đã phạm trong quá khứ. Tất cả những chúng sinh khốn khổ giờ đây đang đắm mình trong những ác hạnh cũng sẽ phải chịu đau khổ không cách nào tránh khỏi. Để cho điều này hiện rõ trong tâm, hãy thiền định với lòng bi về tất cả những chúng sinh đang tạo nhân đau khổ cho bản thân họ bằng việc sát sinh và bằng những hành vi bất thiện khác. 

Sau đó hãy quán sát sự đau khổ của tất cả những chúng sinh bị tái sinh trong các cõi địa ngục, giữa những ngạ quỷ và những cõi giới đau khổ khác. Hãy đồng nhất với họ như thể họ là cha mẹ bạn, hay là chính bạn, và thiền quán về lòng bi với một năng lực vĩ đại. 

Cuối cùng, hãy quán chiếu sâu xa về tất cả chúng sinh trong tam giới. Bất kể ở đâu có không gian là ở đó có chúng sinh. Nơi nào có chúng sinh là nơi đó có ác hạnh và có quả khổ. Những chúng sinh đáng thương chỉ toàn dính mắc trong tất cả những ác hạnh và đau khổ! Tuyệt diệu biết bao nếu như mỗi chúng sinh trong sáu cõi có thể thoát khỏi mọi tri kiến gây ra bởi những hành vi trong quá khứ, thoát khỏi mọi đau khổ và những khuynh hướng bất thiện đó, và đạt được hạnh phúc vĩnh cửu của Phật Quả viên mãn. 

Khi bạn bắt đầu thiền định về tâm bi, điều quan trọng trước tiên là hãy chú tâm vào nỗi khổ của một cá nhân, từng người một, và sau đó từng bước một, tu tập bản thân cho tới khi bạn có thể thiền định về tất cả chúng sinh như một toàn thể đồng nhất. Nếu không như thế, lòng từ bi của bạn sẽ rất mơ hồ và chỉ là lý thuyết suông. Tâm bi ấy sẽ không phải là một tâm bi chân chính, xác thực. 

Hãy đặc biệt quán chiếu về những đau khổ và khó nhọc của trâu bò, cừu, ngựa thồ và những gia súc khác của bạn. Chúng ta chế ra đủ loại hình thức hành hạ dã man những sinh loài như thế, có thể so sánh với những hành hạ trong địa ngục. Chúng ta xỏ mũi, thiến, vặt lông, lấy máu sống những con thú.* Chúng ta chẳng suy xét trong bất kỳ phút giây ngắn ngủi nào để thấy rằng những con vật này có thể bị đau đớn. Nếu suy nghĩ về điều đó một cách sâu xa, ta sẽ thấy ngay vấn đề đáng tiếc là ở chỗ chúng ta đã không nuôi dưỡng lòng bi mẫn. Hãy quán chiếu về điều này thật kỹ lưỡng: ngay giờ đây, 

* Gù lông mềm trên lưng bò yak được dùng làm len, người ta thường vặt nó ra hơn là xén. 

nếu có ai chỉ nhổ một sợi tóc của bạn, bạn sẽ la lên vì đau đớn – bạn sẽ hoàn toàn không tha thứ cho việc đó. Thế mà chúng ta lại vặt tất cả lông-gù dài của những con bò yak của ta, để lại lớp da thịt trần trụi đỏ tấy lên mà nơi mỗi sợi lông tứa ra một giọt máu. Mặc dù con vật kêu rên vì đau đớn nhưng chúng ta chẳng mảy may quan tâm tới nỗi khổ của nó. 

Chúng ta chẳng thể đứng yên khi bị một vết phỏng dộp trên bàn tay. Đôi khi mông đít ta bị đau do du hành trên lưng ngựa, ta không thể ngồi trên yên mà phải ngồi lệch một bên. Nhưng chúng ta không làm thế khi con ngựa bị kiệt sức hay đau đớn. Khi nó không thể đi tiếp được nữa và bị vấp ngã, thở hổn hển, ta vẫn cho là tại nó cứng đầu. Chúng ta mất bình tĩnh và quất nó không chút thương xót. 

Hãy nghĩ về cá nhân một con vật, chẳng hạn một con cừu bị giết thịt. Trước tiên, khi bị lôi ra khỏi bầy, con vật tê liệt vì sợ hãi. Một vết thương tươm máu phồng lên ngay chỗ bị túm chặt. Nó bị quẳng nằm ngửa trên mặt đất; chân bị cột lại với nhau bằng một sợi dây da và mõm bị ràng cho tới khi chết ngạt.** Nếu con vật kéo dài thời gian hấp hối trong cơn đau dữ dội thì kẻ đồ tể, người làm những ác hạnh, hết sức giận dữ: 

“Con này không muốn chết!” hắn nói, và đánh con vật túi bụi. 

Con cừu này khó chết hơn cừu bị lột da và moi ruột. Cùng lúc đó một con vật khác bị rút máu cho tới khi không còn đứng vững được nữa. Máu của con vật đã chết được hòa chung với máu con vật còn sống và hỗn hợp này được nấu chín trong bộ ruột của một con vật đã bị mổ bụng để làm món xúc xích.* Bất cứ ai có thể ăn những thứ như thế về sau hẳn phải là một kẻ ăn thịt người thật sự. 

** Ở Tây Tạng, người ta thường giết súc vật bằng cách làm cho nó ngạt thở. 

*Như huyết-xúc xích. Điều này làm theo một niềm tin của địa phương là một hỗn hợp gồm máu của một con vật còn sống và máu một con vật đã chết làm tăng cường sinh lực. 

Hãy suy nghĩ kỹ càng về nỗi khổ của những con vật này. Hãy hình dung chính bạn đang trải qua nỗi khổ đó và xem xét coi chúng ra sao. Hãy lấy tay bịt miệng bạn lại và ngừng thở. Hãy ở trong tình trạng như thế trong một lát. Bạn hãy kinh nghiệm sự đau đớn và hoảng sợ. Khi bạn đã thực sự quán sát điều đó, hãy nghiền ngẫm kỹ lưỡng rằng thật đáng buồn biết bao khi toàn thể chúng sinh đó bị dằn xé bởi những nỗi khổ khủng khiếp như thế mà không có lúc nào được ngơi nghỉ. Giá như bạn có năng lực để ban tặng chúng nơi ẩn náu thoát khỏi mọi thống khổ này! 

Các Lạt Ma và tu sĩ là những người được mọi người tin tưởng là có lòng từ bi rộng lớn nhất. Nhưng họ lại chẳng có chút xíu nào tấm lòng ấy. Nói đến chuyện làm cho chúng sinh đau khổ thì quả là họ còn tệ hại hơn cả các gia chủ. Đây là dấu hiệu cho thấy thời đại giáo lý của Đức Phật đang thực sự tới lúc kết thúc. Chúng ta đã đi tới một thời kỳ khi mà những quỷ ma ăn thịt và các yêu tinh hoàn toàn được tôn kính. Trong quá khứ, Bậc Thầy của chúng ta, Đức Thích Ca Mâu Ni, đã từ bỏ vương quốc của một vị Chuyển Luân Thánh Vương. Cùng với những đệ tử A La Hán của Ngài, Ngài đi chân trần, khất thực với bình bát và cây gậy trong tay. Không những các Ngài đi khất thực mà không có lừa hay ngựa thồ, mà ngay cả Đức Phật cũng không có ngựa để cưỡi. Đó là bởi Ngài cảm thấy rằng làm cho chúng sinh đau khổ không phải là con đường của giáo lý đạo Phật. Không lẽ Đức Phật không đủ tháo vát để tìm cho bản thân mình một con ngựa già để cưỡi? 

Tuy nhiên, khi những vị tôn kính của chúng ta tổ chức một buổi lễ trong làng, họ xỏ một mẩu dây bện tròn qua cái lỗ được đục ở mõm con trâu yak. Khi được đỡ lên yên, họ kéo bằng cả hai tay mạnh tới nỗi có thể nắm được sợi dây làm bằng lông yak, nó thọc sâu vào mũi con trâu yak, làm con vật đáng thương này đau đớn khủng khiếp đến độ phải chồm lên và phóng vọt tới. Vì thế người ngồi trên lưng nó, với tất cả sức mạnh của mình, đánh nó bằng roi. Không chịu nổi chỗ đau mới bên hông, con trâu yak bắt đầu chạy – nhưng mũi lại bị sợi dây kéo lại. Bây giờ lỗ mũi bị đau quá khiến con yak đứng lại, và lại bị roi quất. Bị trì kéo phía trước, bị roi quất phía sau cho tới khi chẳng mấy chốc con vật đau đớn và kiệt sức. Mồ hôi toát ra từ mỗi sợi lông, lưỡi nó thè ra, hơi thở khò khè, và nó không thể đi được nữa. 

“Chuyện gì xảy ra với nó? Nó vẫn không chịu đi cho đàng hoàng,” người cưỡi trâu yak nghĩ như vậy và nổi giận, dùng cái tay nắm của sợi dây thúc vào sườn con vật cho tới khi trong cơn giận dữ, hắn thúc mạnh tới nỗi tay nắm bể làm hai. Hắn nhét những miếng bị bể vào thắt lưng, nhặt một cục đá nhọn và, xoay tròn trên yên, đâm mạnh xuống mông con trâu yak già nua… Tất cả những điều này xảy ra là bởi hắn không cảm thấy một chút xót thương nào đối với con vật. 

Hãy hình dung chính bạn là con trâu yak già nua, lưng bạn oằn xuống vì bị chồng chất quá nặng, một sợi dây trì kéo bạn ở lỗ mũi, hông bạn bị quất, sườn bạn thâm tím vì cái bàn đạp. Bạn chỉ cảm thấy đau rát ở phía trước, phía sau, và hai bên sườn. Không một giây ngưng nghỉ, bạn leo lên những sườn núi dài, đi xuống những con dốc sâu, vượt qua các con sông rộng và những cánh đồng mênh mông. Không được nuốt dù chỉ một muỗng thức ăn, bạn bị dẫn đi trái với ý muốn của bạn từ sáng sớm cho tới chiều tối khi những tia nắng sau cùng của mặt trời tà đã biến mất. Hãy quán chiếu về nỗi đau đớn và kiệt lực của con vật như thế nào, sự đau đớn, đói khát mà bạn trải nghiệm ra sao, và sau đó, hãy nhận vào mình nỗi đau khổ đó. Bạn không thể cảm thấy điều gì khác ngoài lòng bi mẫn mãnh liệt và không thể nào chịu đựng nổi. 

Thông thường, những người mà chúng ta gọi là Lạt Ma hay tu sĩ phải là nơi nương tựa và người trợ giúp – là những vị hộ trì và dẫn dắt tất cả chúng sinh với một tấm lòng vô phân biệt. Nhưng trong thực tế, họ thiên vị những vị thí chủ, những người bảo trợ họ, những người tặng cho họ thức ăn, nước uống và cúng dường họ. Họ cầu nguyện để những cá nhân đặc biệt này có thể được che chở và bảo vệ. Họ ban cho những người này các lễ quán đảnh và phước lành. Và trong thời gian đó, họ kết bè kết bạn để trục xuất tất cả những ngạ quỷ và những tinh linh ác hại mà sự tái sinh vào đường dữ là kết quả của nghiệp bất hạnh của chúng. Chư vị Lạt Ma cử hành những buổi lễ như vậy tới lúc nổi cơn thịnh nộ, làm ra vẻ muốn đánh đập và kêu lên: “Giết, giết! Đánh, đánh!” 

Giờ đây, chắc chắn rằng nếu bất kỳ ai coi những tinh linh ác hại như đối tượng để đánh hoặc giết thì hẳn đó là vì tâm thức họ đang bị đè nặng bởi năng lực của sự tham luyến và thù hận, và họ chưa từng phát khởi lòng bi mẫn bao la, vô phân biệt. Khi bạn suy nghĩ sâu xa về điều này, bạn sẽ thấy rằng những tinh linh ác hại này cần đến lòng từ bi hơn bất kỳ ân nhân, tín chủ nào. Họ trở thành những tinh linh nhiễu hại là bởi ác nghiệp của họ. Khi bị tái sinh làm ngạ quỷ với một thân thể khủng khiếp, họ đau đớn và sợ hãi không thể tưởng tượng nổi. Họ không kinh nghiệm được điều gì khác ngoại trừ sự đói, khát, và kiệt quệ kéo dài vô tận. Họ nhận thấy mọi sự chỉ là sự đe dọa. Khi tâm họ tràn đầy thù hận và gây hấn, nhiều người trong số họ bị đọa địa ngục ngay khi chết. Như vậy ai xứng đáng được thương xót hơn? Những vị thí chủ có thể đau yếu và khổ sở, nhưng điều đó sẽ giúp cho ác nghiệp của họ cạn kiệt và không còn tạo tác thêm nữa. Trái lại, những tinh linh xấu ác đó đang làm tổn hại những người khác với những ý định xấu ác, và bởi những ác hạnh của họ, họ sẽ bị lộn nhào xuống đáy sâu của các cõi thấp. 

Nếu Đấng Chiến Thắng, thiện xảo trong các phương tiện và tràn đầy lòng từ bi, đã giảng dạy cách khử trừ hay đe dọa những tinh linh gây tổn hại này bằng những phương pháp hung nộ thì cũng chỉ là vì lòng bi mẫn đối với chúng tinh linh, giống như một người mẹ phát vào đít đứa trẻ không nghe lời. 

Ngài cũng cho phép một số người thực hiện các nghi lễ giải thoát bằng cách là những người có năng lực được ngăn chặn dòng tạo tác ác nghiệp của những kẻ chuyên gây tổn hại, và chuyển tâm thức chúng tới một cõi thanh tịnh. Nhưng ngược lại, đối với việc cố tình làm thoả mãn yêu cầu của những tín chủ, làm thoả mãn các tu sĩ, và thỏa mãn những người mà chúng ta coi là đứng về phe ta để hắt hủi chúng quỷ ma và hắt hủi những người làm điều sai trái, rồi coi họ như những kẻ thù đáng ghét – bảo vệ một bên và tấn công bên kia do lòng tham luyến và thù hận – thì đó có phải là do Đấng Chiến Thắng đã giảng dạy những thái độ như thế hay không? Chừng nào chúng ta còn bị dẫn dắt bởi những cảm xúc tham luyến và thù hận như vậy, thì thật vô ích khi cố gắng loại bỏ hay tấn công bất kỳ tinh linh ác hại nào. Thân thể họ chỉ thuần là tâm thức nên họ sẽ không tuân lệnh chúng ta. Ngược lại họ sẽ chỉ gây thêm họa hại chúng ta. Quả thực – chưa cần phải nói tới chuyện tham luyến và thù hận – chừng nào chúng ta còn tin rằng những vị Trời và tinh linh như thế thực sự hiện hữu và muốn họ biến đi cho khuất mắt thì chúng ta sẽ không bao giờ thuần phục được họ. 

Khi Ngài Jetsun Mila sống trong Động Pháo Đài Kim Xí Điểu ở thung lũng Chong, thì Vinayaka, chúa tể của những kẻ gây chướng ngại, thi triển một ảo giác siêu nhiên. Trong hang đá của mình, Jetsun Mila nhìn thấy năm atsara* (nhà tu khổ hạnh) với đôi mắt to như cái đĩa nhỏ. Ngài cầu nguyện vị Thầy và Bổn Tôn của Ngài, nhưng những con quỷ vẫn không bỏ đi. Ngài thiền định quán tưởng Bổn Tôn và niệm các thần chú phẫn nộ, nhưng chúng vẫn không đi. 

Cuối cùng Ngài nghĩ: “Ngài Marpa xứ Lhodrak đã dạy ta rằng tất cả mọi sự việc trong vũ trụ đều chính là do tâm tạo, và bản tánh của tâm thì rỗng rang và chói ngời. Tin rằng ma quỷ và những kẻ gây chướng ngại này đều đến từ bên ngoài và muốn họ đi chỗ khác là điều vô nghĩa.” 

* atsara là một sửa đổi sai lạc của từ Phạn ngữ acarya, và ở đây có nghĩa là những sự xuất hiện mang hình tướng của các nhà tu khổ hạnh Ấn Độ. 

Cảm nhận một xác tín mạnh mẽ như thế giúp Ngài thấu suốt được rằng những tinh linh và ma quỷ chỉ là những tri giác của chính mình, Ngài trở lại hang động. Trợn tròn đôi mắt kinh hãi, những nhà tu khổ hạnh vụt biến mất. 

Đây cũng là điều mà Nữ Yêu Tinh ở Tảng Đá muốn nói tới khi nó hát cho Milarepa nghe: 

Quỷ ma ta đây là huân tập của riêng Ngài biến hiện trong 

tâm Ngài; 

Nếu Ngài không nhận ra bản tánh thật của tâm, 

Thì ta sẽ chẳng đi đâu chỉ vì Ngài bảo ta đi. 

Nếu Ngài không nhận ra được tâm Ngài rỗng rang, 

Thì ngoài ta ra, còn rất nhiều quỷ ma nữa! 

Nhưng nếu Ngài nhận ra bản tánh thật của tâm, 

Thì nghịch cảnh sẽ hộ trì Ngài chứ chẳng thể làm gì khác 

Và ngay cả ta, Nữ Yêu Tinh ở Tảng Đá, sẵn sàng 

đợi lệnh Ngài. 

Như vậy, thay vì có sự xác tín để thấu hiểu rằng tất cả tinh linh và ma quỷ chính là bản tâm của ta, thì làm sao chúng ta có thể khuất phục được chúng bằng cách lên cơn giận dữ phẫn nộ? 

Khi các tăng sĩ tới thăm các vị thí chủ của họ, các tăng sĩ này vui vẻ không chút do dự ăn hết con cừu đã bị giết để phục vụ họ. Khi các tăng sĩ ấy thực hiện những nghi thức đặc biệt để cúng dường các vị Hộ Pháp, họ tuyên bố rằng món thịt thanh tịnh là một phần cần thiết. Đối với họ, món này có nghĩa là thịt và mỡ còn ướt máu của một con vật bị giết chết tươi, và với máu và mỡ đó, họ dùng để trang trí tất cả các bánh cúng (torma) và những món cúng dường khác. Những phương pháp đe dọa ghê sợ như thế chỉ có thể là những nghi thức của các kẻ ngoại đạo hay những người theo đạo BoŠn – chúng chắc chắn không phải là nghi thức Phật Giáo. Trong Phật Giáo, một khi đã quy y Pháp, chúng ta phải từ bỏ việc làm hại người khác. Làm thế nào mà việc giết một con thú ở mỗi nơi chúng ta đến, thưởng thức máu và thịt của nó, lại không là việc phạm giới nguyện quy y? Đặc biệt hơn nữa, trong truyền thống Bồ Tát của Đại Thừa, chúng ta được coi là nơi nương tựa và là người bảo vệ cho tất cả chúng sinh bao la vô tận. Nhưng đối với chính những chúng sinh có nghiệp bất hạnh mà ta được coi như đang che chở cho chúng thì ta lại không cảm thấy chút xíu lòng bi mẫn nào. Thay vào đó, những chúng sinh nằm dưới sự che chở của chúng ta đã bị giết hại, thịt và máu nấu chín của chúng được bày ra trước mặt ta, và những người bảo vệ họ – là chúng ta, những Bồ Tát – lại hân hoan ngấu nghiến món thịt rồi chép môi hả hê thỏa mãn. Còn điều gì có thể xấu xa và ác độc hơn nữa không? 

Những bản văn của Kim Cương Mật Thừa có nói: 

Cho dù chúng ta có làm điều gì khiến simha và tramen* khó chịu 

Chẳng hạn như việc không thọ dụng các phẩm vật cúng dường gồm máu và thịt y cứ theo văn bản, 

Chúng ta hãy cầu xin các Không Hành nữ (dakini) ở những chốn linh thiêng tha thứ. 

Vậy ở đây, “thọ dụng các phẩm vật cúng dường gồm máu và thịt y cứ theo văn bản” có nghĩa là thọ dụng những món này như đã được giải thích trong những bản văn Mật điển của Mật Thừa. Những hướng dẫn trong các bản văn đó là gì? 

Năm loại thịt và năm cam lồ 

Là thức ăn và nước uống cho bữa tiệc hội bên ngoài.

* Những bổn tôn tượng trưng của mạn đà la.

Do đó, “cúng dường một tiệc máu và thịt y cứ theo các bản văn” có nghĩa là cúng dường năm loại thịt được coi là những chất liệu mật nguyện (samaya) có giá trị đối với Mật Thừa – đó là thịt người, ngựa, chó, voi, và trâu bò. Năm loại thịt này không bị ô nhiễm bởi những ác hạnh vì đây là toàn thể những sinh vật không bị giết để làm thực phẩm.131 Điều này hoàn toàn trái ngược với việc chúng ta dựa vào khái niệm tịnh và bất tịnh—đối với khái niệm này thì thịt người, thịt chó… được xem là bất tịnh, kém tệ, trong khi loại thịt bổ béo của một con vật vừa bị giết để làm thực phẩm lại được coi là thanh tịnh. Những thái độ như thế được đề cập tới như là: 

Xem chất liệu của năm mật nguyện thọ dụng 

Là tịnh hay bất tịnh, hoặc thọ dụng trong lơ đễnh. 

Nói khác đi, khi có những ý niệm tịnh hay bất tịnh là đã vi phạm những mật nguyện của việc thọ dụng, ngay cả khi năm loại thịt được chấp nhận kia chỉ có thể được sử dụng nếu bạn có năng lực chuyển hóa thực phẩm bạn ăn thành chất cam lồ và đang ở trong tiến trình tu tập để đạt tới những thành tựu đặc biệt ở một nơi ẩn dật. Nếu bạn ăn những món thịt này một cách ngẫu nhiên tình cờ trong làng xóm, chỉ vì bạn thích mùi vị của món thịt thì đây chính là ý nghĩa của câu “thọ dụng trong lơ đễnh, trái ngược với những mật nguyện của việc thọ dụng,” và đấy cũng là một sự vi phạm các giới mật nguyện. 

Do đó, “thịt thanh tịnh” không có nghĩa là thịt của một con vật bị giết để làm thực phẩm, mà là “thịt của con vật bị chết vì hành nghiệp của nó trong quá khứ.” Có nghĩa là thịt của một con vật chết già, chết bệnh, hoặc chết vì những nguyên nhân tự nhiên khác, và những nguyên nhân này không là gì khác hơn ngoài ác báo phải trả cho những hành nghiệp của chính con vật ấy trong quá khứ. 

Ngài Dagpo Rinpoche vô song nói rằng đem thịt và máu còn ấm của một con vật bị giết chết tươi và đặt nó trong mạn đà la thì việc làm ấy sẽ làm tất cả chư Bổn Tôn trí tuệ chết ngất. Cũng có câu nói rằng cúng dường chư vị Bổn Tôn trí tuệ máu và thịt của con vật bị giết thì cũng giống như giết chết một đứa con trước mặt bà mẹ. Nếu bạn mời người mẹ dùng bữa và sau đó đặt trước mặt bà ta món thịt của đứa con ruột của bà, thì liệu bà ta thích hay không thích? Chính bằng tình thương của bà mẹ đối với đứa con duy nhất của mình mà Chư Phật và Bồ Tát đã hướng nhìn về tất cả chúng sinh trong ba cõi. Như vậy, giết thịt một sinh vật vô tội mà nó là nạn nhân của những hành vi bất thiện của chính nó, rồi cúng dường thịt, máu của nó cho các Ngài thì không cách nào có thể làm cho các Ngài hài lòng. Như Bồ Tát Tịch Thiên có nói: 

Không niềm vui nào có thể mang lại sự hài lòng 

Cho những người mà thân thể họ đang bị thiêu đốt, 

Các đấng bi mẫn vĩ đại cũng không thể hài lòng 

Khi chúng sinh bị hãm hại. 

Nếu bạn chỉ dùng thịt và máu của những con vật bị giết để cử hành những nghi thức như nghi thức cầu nguyện những vị Hộ Thần, thì cố nhiên những vị Bổn Tôn trí tuệ và những vị Hộ Pháp, là những bậc Bồ Tát thuần tịnh, sẽ không bao giờ chấp nhận vật thực cúng dường là thịt của chúng sinh bị giết, được bày ra giống như được bày bán trên quầy thịt. Thậm chí các Ngài sẽ không bao giờ lại gần những nơi như thế. Thay vào đó, những tinh linh xấu ác đầy năng lực là những kẻ thích thịt và máu tươi, luôn luôn hăm hở trong việc hãm hại kẻ khác, chúng sẽ tụ hội quanh nơi cúng dường và dự tiệc. 

Chỉ một thời gian ngắn sau khi một hành giả của những “cúng dường đỏ” như thế thực hiện công việc của mình, người ta có thể thấy được một vài lợi ích nho nhỏ. Nhưng bởi những tinh linh này đang thường xuyên làm hại người khác, nên chúng có thể gây ra những khó khăn và bệnh tật bất ngờ. Một lần nữa, hành giả của những nghi thức “đỏ” sẽ lại xuất đầu lộ diện và cúng dường thịt và máu, và một lần nữa việc đó sẽ giúp ích trong một thời gian ngắn. Đây là cách thức những tinh linh xấu ác và các hành giả của những nghi thức “đỏ” trở thành bạn đồng hành không thể chia cách, luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau. Giống như những thú săn mồi rình mò, chúng đi loanh quanh vơ vẩn, hoàn toàn bị ám ảnh bởi nỗi khát khao nhai thịt, gặm xương và luôn luôn tìm kiếm thêm nạn nhân. Bị những tinh linh mê hoặc, các hành giả của những nghi thức như thế sẽ đánh mất ý niệm về sự huyễn ảo của vòng sinh tử luân hồi, đánh mất niềm khao khát giải thoát nào mà có thể họ đã có từ trước. Bất kể niềm tin, tri kiến thanh tịnh hay mối quan tâm nơi Giáo Pháp nào mà một thời họ đã có, tất cả những phẩm tính này sẽ mờ nhạt dần, tới độ ngay cả nếu chính Đức Phật hiện ra bay bổng giữa bầu không trung trước mặt thì điều này cũng chẳng đánh thức được niềm tin trong họ; thậm chí khi thấy một con vật với bộ ruột lòng thòng ra ngoài, việc ấy cũng không thể khơi được chút lòng từ bi nào trong tâm của họ. Họ luôn dáo dác tìm mồi, giống như những kẻ sát nhân la-sát (raksasa) lên đường đi chinh phạt, mặt họ hừng hực, rung lên trong cơn thịnh nộ và tỏ vẻ khiêu chiến hung hăng. Họ kiêu căng về năng lực và ân phước của ngôn ngữ của họ, nó xuất phát từ việc họ thân thiết với những tinh linh xấu ác. Ngay khi chết, họ bị hút thẳng vào địa ngục – trừ phi những ác nghiệp của họ chưa đến lúc hoàn toàn trổ quả để họ phải chịu quả báo như vậy. Trong trường hợp này, họ bị tái sinh vào hàng ngũ của một số tinh linh xấu ác chuyên đi săn bắt sinh lực của những người khác, hay tái sinh làm diều hâu, chó sói và những dã thú khác. 

Trong triều đại của Pháp Vương Trisong Detsen, những người theo đạo Bošn cúng dường máu và thịt vì lợi ích của nhà vua. Đức Phật Thứ Hai xứ Oddiyana (Đức Liên Hoa Sanh), Đại học giả Vimalamitra, Đại Bồ Tát Tu Viện Trưởng và những dịch giả, học giả khác, tất cả hoàn toàn bị xúc phạm trước cảnh tượng cúng dường của những kẻ BoŠnpo. Các Ngài nói: 

Một giáo lý duy nhất không thể có hai vị Thầy; Một tôn giáo duy nhất không thể có hai phương pháp tu tập. Truyền thống của đạo Bošn đối nghịch với giới luật của Giáo Pháp; Cái xấu ác của nó còn đồi bại hơn những việc làm sai quấy của người bình thường. Nếu quý vị cho phép tu tập như vậy, chúng tôi sẽ quay về nhà. 

Tất cả những vị học giả cùng chung một ý kiến, thậm chí không cần phải bàn luận với nhau. Khi nhà vua thỉnh cầu các Ngài thuyết Pháp, không một ai bước lên. Ngay cả khi nhà vua mời họ dùng bữa, các Ngài đều từ chối. 

Nếu chúng ta, tự cho là đang đi theo dấu chân của những học giả, thành tựu giả và Bồ Tát trong quá khứ, mà giờ đây lại thực hiện những nghi lễ sâu xa của Mật Thừa theo cung cách của những kẻ tu theo đạo BoŠn và gây tổn hại cho chúng sinh, điều này sẽ hủy hoại tính chất siêu phàm của Giáo Pháp, làm ô danh Tam Bảo, và sẽ quăng ném cả chúng ta lẫn những người khác vào địa ngục. 

Hãy luôn luôn ngồi ở vị trí thấp nhất. Hãy mặc y phục giản dị. Hãy giúp đỡ tất cả những người khác càng nhiều càng tốt trong khả năng của bạn. Trong tất cả mọi công việc, hãy chỉ làm với mục đích phát triển lòng từ và bi cho tới khi chúng trở thành một phần căn bản của con người bạn. Điều đó sẽ đáp ứng cho mục đích tu hành, cho dù bạn không thực hành những hình thức nổi bật bề ngoài và dễ nhìn thấy của Giáo Pháp như việc cầu nguyện, làm các hạnh lành hay các hoạt động vị tha. Trong Phật Thuyết Pháp Tập Kinh có nói: 

Hãy để những người khao khát Phật Quả không phải tu 

tập nhiều Pháp trừ một Pháp duy nhất 

Pháp đó là gì? Là lòng đại bi. 

Những người có lòng đại bi sở hữu tất cả giáo lý của Đức 

Phật như thể trong lòng bàn tay. 

Có lần Geshe Tongpa được một vị tăng đến thăm, ông ta là đệ tử của Ba Anh Em và Ngài Khampa Lungpa.* 

“Dạo này Potawa đang làm gì?” Ngài Tonpa hỏi vị sư. 

“Ngài đang giảng dạy cho Tăng chúng hàng trăm người.” 

“Rất tốt! Còn Geshe Puchungwa thì thế nào?” 

“Ngài dùng toàn bộ thời giờ để sáng tạo những biểu tượng** cho thân, khẩu và ý của Đức Phật từ những vật liệu mà Ngài và những người khác cúng dường”. 

“Rất tốt!” Ngài Geshe Tonpa lập lại. “Còn Gonpawa thì thế nào?” 

“Ngài không làm gì hết, chỉ thiền định” 

“Rất tốt! Hãy nói cho ta về Khampa Lungpa.” 

“Ngài sống ở nơi cô tịch, dấu mặt và khóc liên miên.”

*Xem Thuật ngữ. ** Nghĩa đen: sự hỗ trợ. Những biểu tượng cho thân Phật ám chỉ các pho tượng và tranh vẽ, những biểu tượng cho ngữ của Phật ám chỉ các Kinh văn linh thánh và những bản văn khác, và những biểu tượng cho tâm Phật ám chỉ các bảo tháp (stupa). 

Nghe nói tới đây Ngài Tonpa dở nón, chắp tay giữa ngực và rơi nước mắt, kêu lên, “Ô, vị ấy thật tuyệt diệu! Ngài đang thật sự thực hành Giáo Pháp. Ta có thể nói một ít cho người biết là Ngài tốt lành ra sao, nhưng ta biết Ngài sẽ không thích đâu.” 

Lý do khiến Ngài Khampa Lungpa dấu mặt và khóc suốt ngày là bởi Ngài thường xuyên nghĩ tới chúng sinh bị hành hạ bởi những nỗi thống khổ trong vòng luân hồi, và Ngài thiền định về lòng từ bi đối với họ. 

Một hôm Ngài Chengawa đang giảng về những lý do tại sao lòng từ và bi trở nên hết sức quan trọng, thì Langri Thangpa đảnh lễ trước mặt Ngài và nói rằng từ lúc đó trở đi, ông sẽ không thiền định về điều gì khác ngoại trừ hai điều này. Ngài Chengawa giở nón ra và nói ba lần “Thật là một tin lành tuyệt hảo!” 

Không gì có thể hữu hiệu hơn lòng từ bi để tịnh hóa ác nghiệp và chướng ngại của chúng ta. Thời xa xưa ở Ấn Độ, giáo lý A Tỳ Đàm bị thử thách trong ba dịp khác nhau và sắp bị biến mất. Nhưng một nữ tu sĩ Bà la môn tên Prakasasila nghĩ rằng :“Ta sinh ra làm thân nữ. Bởi địa vị thấp kém nên bản thân ta không thể làm cho kinh điển của Đức Phật chói sáng được. Vì thế, ta sẽ phối hợp với những người đàn ông để sinh ra những người con trai để có thể phổ biến giáo lý A Tỳ Đàm.” 

Cùng với chồng là một người trong giai cấp chiến sĩ (ksatriya), bà sinh Ngài Asanga (Vô Trước) cao quý, và với một người bà la môn, bà đã sinh ra Ngài Vasubhandhu (Thế Thân). Khi mỗi một trong hai con trai bà tới tuổi trưởng thành, họ hỏi cha họ làm gì. 

Người mẹ bảo với từng đứa con: “Ta sinh ra con không phải để đi theo dấu chân của cha con. Con được sinh ra để phổ biến giáo lý của Đức Phật. Con phải học Giáo Pháp, và trở thành vị thầy của giáo lý A Tỳ Đàm.” 

Ngài Vasubhandhu (Thế Thân) rời nhà tới Kashmir để học giáo lý A Tỳ Đàm. Ngài Asanga (Vô Trước) tới Núi Kukkutapada, ở đó Ngài bắt đầu thực hành pháp tu của Đức Phật Di Lặc với hy vọng có linh kiến về Ngài và có thể thỉnh cầu giáo huấn từ Ngài. Sáu năm trôi qua, mặc dù thiền định gian khổ, Ngài chẳng có được một giấc mộng lành nào. 

“Có lẽ ta chẳng bao giờ thành công” Ngài nghĩ, và bỏ đi, cảm thấy ngã lòng. Dọc đường, Ngài đi ngang qua một người đang chà xát một thỏi sắt khổng lồ bằng một miếng vải mềm. 

Ngài hỏi người đàn ông: “Ông đang gắng làm cái gì mà chà xát như thế?” 

Ông ta trả lời: “Tôi cần một cây kim, nên tôi đang làm nó bằng cách chà xát thanh sắt này.” 

Ngài Asanga nghĩ, “Ông ta sẽ không bao giờ làm được một cây kim bằng cách chà xát thỏi sắt khổng lồ đó với một miếng vải mềm. Cho dù nó có thể được làm trong một trăm năm, liệu ông ta có sống được tới đó không? Nếu chỉ vì một lý do quá nhỏ nhoi mà người bình thường còn nỗ lực như thế thì ta có thể thấy là mình chưa bao giờ thực sự thực hành Pháp với bất kỳ lòng kiên trì nào.” 

Vì thế Ngài thực hành pháp tu trở lại. Ngài thực hành hơn ba năm mà vẫn không thấy dấu hiệu nào.

“Lần này, ta hoàn toàn chắc chắn là ta không thể thành công,” Ngài nói, và lại lang thang lần nữa. Cuối cùng Ngài đi tới một tảng đá cao tới nỗi dường như chạm tới các tầng trời. Dưới chân tảng đá, một người đàn ông đang quất một miếng da nhúng nước vào tảng đá. 

“Ông làm gì vậy?” Ngài Asanga hỏi ông ta. 

Người đàn ông nói: “Tảng đá này cao quá, chẳng có chút nắng nào vào nhà, nhà tôi ở phía tây tảng đá nên tôi muốn làm tảng đá mòn đi cho tới khi nó biến mất”. 

Với những suy tưởng như ba năm trước, Ngài Asanga quay trở lại và thực hành trong ba năm nữa, nhưng vẫn không có một giấc mộng lành nào. 

Hoàn toàn thất vọng, Ngài nói: “Như vậy ta chẳng bao giờ thành công được điều gì!” và một lần nữa lại ra đi. 

Dọc đường, Ngài đi qua một con chó cái với hai chân sau bị què và toàn bộ phần sau của nó nhung nhúc dòi. Tuy thế, nó vẫn đầy vẻ gây hấn và cố cắn Ngài khi trườn mình bằng hai chân trước, thân sau của nó kéo lê trên mặt đất. Asanga vô cùng xúc động, Ngài cảm nhận một lòng bi mẫn sâu xa không thể chịu đựng nổi. Ngài cắt một miếng thịt của mình cho con chó ăn. Sau đó Ngài quyết định giúp nó thoát khỏi những con dòi ở phần thân sau của nó. Vì sợ rằng có thể giết chết những con dòi nếu Ngài bốc chúng ra bằng tay, Ngài nhận thấy cách duy nhất để làm điều đó là dùng lưỡi. Nhưng mỗi khi nhìn vào toàn thân con chó đã quá thối rữa và đầy mủ thì Ngài lại không thể làm được. Do vậy, Ngài nhắm mắt lại và thè lưỡi ra. 

Thay vì chạm vào thân con chó cái thì lưỡi Ngài lại chạm đất. 

Ngài mở mắt ra và thấy con chó đã biến mất. Đức Phật Di Lặc (Maitreya) có hào quang bao quanh đang đứng ở chỗ của nó. 

“Ngài tàn nhẫn làm sao,” Asanga kêu lên, “suốt thời gian qua Ngài không cho con nhìn thấy mặt!” 

“Không phải là ta không hiện ra cho con thấy. Ta và con chưa bao giờ xa cách nhau. Nhưng vì những ác nghiệp và chướng ngại của con quá mạnh nên con không thể thấy được ta. Nhờ con đã thực hành suốt mười hai năm ròng nên ác nghiệp và chướng ngại đã suy giảm được một ít nên con mới có thể nhìn thấy con chó cái. Ngay bây giờ, nhờ lòng đại bi của con, các chướng ngại của con đã hoàn toàn được tịnh hóa và con có thể thấy ta bằng đôi mắt của con. Nếu không tin, hãy mang ta trên vai và cho mọi người quanh đây nhìn thấy!” 

Vì thế Asanga đặt Đức Di Lặc trên vai phải và đi vào chợ, ở đâu Ngài cũng hỏi mọi người: “Ông thấy cái gì trên vai tôi?” 

Ngoại trừ một bà lão mà tri giác ít bị những tư tưởng huân tập ngăn che, còn thì mọi người đều trả lời là không có gì trên vai Ngài. Bà ta nói: “Ông đang mang thây một con chó thối” 

Sau đó Đức Maitreya mang Asanga lên cõi trời Đâu Suất, ở đó Ngài ban cho Asanga Di Lặc Ngũ Luận (Năm Giáo Lý Của Di Lặc) và những giáo huấn khác. Khi trở về cõi người, Ngài Asanga (Vô Trước) truyền bá rộng rãi giáo lý Đại Thừa. 

Bởi không có thực hành nào như lòng từ bi để tịnh hóa tất cả những hành vi gây tổn hại của chúng ta, và chính vì lòng bi mẫn chưa từng thất bại trong việc giúp cho chúng ta phát triển Bồ Đề Tâm phi thường, nên chúng ta phải kiên nhẫn thiền định về lòng bi mẫn. 

Hình ảnh được đưa ra để thiền định về lòng từ bi là hình ảnh của một người mẹ cụt tay, mà đứa con của bà bị một con sông cuốn đi. Một bà mẹ như thế sẽ đau khổ biết chừng nào. Tình thương của bà dành cho đứa con quá mãnh liệt, nhưng vì không thể dùng đôi tay nên bà không thể chụp đứa con lại được. 

“Tôi có thể làm gì bây giờ? Tôi có thể làm gì?” bà tự hỏi. Suy nghĩ duy nhất của bà là tìm ra phương tiện nào đó để cứu con. Trái tim bà tan nát, bà vừa khóc vừa chạy theo sau đứa con. 

Hoàn toàn giống như vậy, tất cả chúng sinh trong tam giới đang bị dòng sông đau khổ cuốn trôi vào biển luân hồi. Mặc dù ta cảm nhận một lòng bi mẫn không thể chịu đựng nổi, nhưng chúng ta không có cách gì cứu thoát họ khỏi nỗi khổ của họ. Hãy thiền định về điều này, hãy nghĩ: “Giờ đây tôi có thể làm được gì?” và hãy khẩn gọi Thầy và Tam Bảo từ tận sâu thẳm trái tim bạn.

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi