Lý Do Có Pháp Bổn Sư Du Già (Guru Yoga)

Để có thể thực hành Chân Pháp, điều tối quan trọng trước tiên là phải đi tìm một vị thiện tri thức chân chính, một vị Chân Sư với tất cả các phẩm hạnh cần thiết. Sau đó bạn cần tuân theo từng giáo huấn của Ngài, khẩn cầu Ngài từ tận đáy lòng bạn và coi Ngài như một vị Phật đích thực. Như một trong các Kinh điển có nói: 

Chính nhờ có tín tâm mà chân lý tuyệt đối được chứng ngộ. 

Tương tự, Ngài Atisa đã nói: 

Các bạn, cho tới khi đạt được giác ngộ, các bạn cần một vị Thầy, vì thế hãy đi theo một vị thiện tri thức siêu việt. 

Cho tới khi chứng ngộ trạng thái như nhiên, các bạn cần phải học hỏi, vì thế hãy lắng nghe các giáo huấn của Ngài. 

Tất cả hạnh phúc là năng lực gia trì của Thầy, vì thế hãy luôn luôn tưởng nhớ đến lòng tốt của Ngài. 

Geshe Kharak Gomchung cũng nói: 

Ta cần ý thức được rằng vị Thầy giống như suối nguồn của mọi thành tựu thế gian lẫn các thành tựu xuất thế gian. 

và cũng nói: 

Bạn có thể thông hiểu toàn bộ Tam Tạng, nhưng nếu không có lòng quy ngưỡng đối với Thầy của bạn thì những thứ đó sẽ chẳng có ích lợi gì cho bạn. 

Điểm đặc biệt là trong tất cả các con đường của Mật Thừa, bậc Thầy có một tầm quan trọng vô song và tột bậc. Vì lý do này, tất cả mọi Mật điển đều dạy phương pháp thực hành Bổn Sư Du Già, và dạy rằng pháp này siêu vượt tất cả các pháp hành trì khác trong các giai đoạn phát triển và thành tựu. Trong một Mật điển có nói: 

Lợi lạc hơn cả công phu thiền định về một trăm ngàn Bổn Tôn trong mười triệu kiếp 

Là việc ta nghĩ tưởng về Thầy mình trong một khắc giây. 

Điều ấy đặc biệt đúng trong Thừa này, là tâm yếu của Đại Viên Mãn như nhiên, là giáo lý kim cương cốt lõi. Ở đây ta không được dạy rằng chân lý thâm diệu phải được thiết lập trên nền tảng của phân tích và luận lý, như các pháp thực hành trong các Thừa thấp hơn đã dạy. [Theo các chỉ dạy trong pháp Bổn Sư Du Già], ta không cần phải sử dụng các thành tựu thông thường để cuối cùng mới đạt đến được các thành tựu tối cao như trong các Mật điển cấp thấp đã dạy. Thông thường, qua lễ quán đảnh thứ ba – tức lễ quán đảnh về tâm của các Mật điển thượng thừa, ta sẽ được chỉ cho thấy đâu là Giác tánh nguyên sơ qua những dẫn dụ về tâm, và xuyên qua đó, ta sẽ đến gần hơn với Giác tánh nguyên sơ đích thực. Nhưng trong pháp môn Guru Yoga thì cách thức quán đảnh và dẫn dụ như trên không phải là điều được chú trọng đến. Điều được dạy trong truyền thống Guru Yoga là hãy hướng tâm ta đến một vị Thầy đã chứng ngộ siêu việt và cầu nguyện Ngài với lòng quy ngưỡng nhiệt thành và với một tín tâm tuyệt đối. Vị Thầy ấy phải là người xuất thân từ một giòng truyền thừa không bị hoen ố vì bất cứ một vi phạm thệ nguyện nào, giống như một sợi giây xích bằng vàng ròng – hãy nương cậy nơi Ngài, chỉ độc nhất một mình Ngài, và hãy coi Ngài đích thực là một vị Phật. Qua phương cách này, tâm bạn sẽ hoàn toàn hòa nhập với tâm Ngài. Nhờ năng lực gia hộ mà Ngài trao truyền cho bạn, kinh nghiệm chứng ngộ sẽ nảy sinh. Như chúng ta đã trích dẫn trước đây:

Tuệ giác bẩm sinh viên mãn chỉ có thể hình thành 

Như là dấu hiệu của công phu tích lũy công đức và tịnh hóa chướng ngại, 

Và nhờ vào năng lực gia trì của một bậc Thầy chứng ngộ. 

Hãy hiểu rằng nương tựa vào bất kỳ phương tiện nào khác là điên rồ. 

Và Ngài Saraha có nói: 

Khi lời dạy của Thầy đi vào trái tim của bạn, 

Bạn sẽ thấy chẳng khác nào có một kho tàng trong lòng bàn tay. 

Ngài Longchenpa, Pháp Vương Toàn Giác, trong tác phẩm luận giải An Trú Xa Lìa Ảo Giác, đã viết: 

Trong các pháp thực hành chẳng hạn như những pháp tu tập trong giai đoạn phát triển và thành tựu, không phải tự bản chất của những pháp tu này sẽ đem lại giải thoát, bởi vì điều đó còn tùy thuộc vào những yếu tố khác, chẳng hạn như là việc làm thế nào để ta có thể biến kinh nghiệm tu tập thành kinh nghiệm sống thực, giúp cho công phu thực hành của ta thêm phần sâu sắc. Tuy là như vậy nhưng trong pháp Bổn Sư Du Già (Guru Yoga), tự ngay bản chất của con đường này đã có khả năng làm sống dậy kinh nghiệm chứng ngộ trạng thái chân như trong ta, và đem lại cho ta giải thoát. Bởi vì lý do như thế mà Guru Yoga là con đường thâm diệu nhất trong tất cả mọi con đường [trong tất cả các pháp tu]. 

Trong Mật Điển Trình Tự Giới Nguyện có nói: 

Lợi lạc hơn cả việc thiền định trong một trăm ngàn đại kiếp 

Về một Bổn Tôn với tất cả các tướng chánh và phụ 

Là việc ta hướng tâm về Thầy mình trong giây khắc. 

Lợi lạc hơn cả một triệu câu trì tụng của các pháp tu trong giai 

đoạn phát triển và thành tựu (của Bổn Sư Du Già). 

Là một lời cầu nguyện độc nhất gửi tới Thầy ta. 

Và trong Mật Điển Trình Tự Pháp Tu A-Ti Du Già có nói: 

Bất kỳ ai thiền định về bậc Thầy từ ái của mình

Trên đỉnh đầu họ, 

Nơi giữa trái tim họ 

Hoặc trong lòng bàn tay, 

Sẽ có được các thành tựu của một ngàn vị Phật.

Bậc tôn kính Gotsangpa đã nói: 

Thực hành pháp tu Bổn Sư Du Già 

Làm cạn kiệt mọi khiếm khuyết và hoàn thiện mọi thành tựu. 

và cũng có nói: 

Có vô số các pháp tu trong giai đoạn phát triển, 

Nhưng không có pháp nào trong số đó vượt qua pháp thiền định về Thầy. 

Có vô số các pháp tu trong giai đoạn toàn thiện, 

Nhưng không có pháp nào vượt qua niềm tin tuyệt đối và lòng quy phục kia. 

Drikung Kyobpa Rinpoche nói: 

Trừ phi mặt trời của lòng quy ngưỡng chiếu sáng 

Trên đỉnh núi tuyết của bốn Thân của Thầy (four kayas),

Thì lực gia trì của Ngài sẽ không bao giờ tuôn chảy. 

Vì thế, hãy hết lòng khơi dậy lòng quy ngưỡng trong tâm con

Và Ngài Jetsun Rangrik Repa nói: 

Muốn cho trí tuệ nguyên sơ siêu vượt tri thức ló rạng 

Mà không có lòng tin nhiệt thành nơi Thầy 

Thì giống như mong chờ ánh nắng mặt trời trong một cái hang quay về hướng bắc. 

Theo đó, tướng và tâm sẽ không bao giờ hòa hợp được.

Pháp tu quy ngưỡng của Bổn Sư Du Già là con đường duy nhất đánh thức được trong bạn trạng thái chứng ngộ như nhiên phi tạo tác. Không phương pháp nào khác có thể đem lại sự chứng ngộ như thế. 

Ngài Naropa là một học giả hết sức uyên bác trong cả ba Thừa, và sau khi đánh bại mọi thách thức của những kẻ ngoại đạo (tirthika), Ngài được ban cho tước vị của một vị Hộ Thần của các học giả ở cổng phía bắc của Vikramasila.

Nhưng một ngày kia một Thiên Nữ Trí Tuệ (dakini) bảo Ngài: “Ông uyên bác trong ngôn từ, chứ không thâm nhập ý nghĩa của chúng. Ông vẫn cần phải theo chân một vị Thầy.” 

Tuân theo những giáo huấn trên, Ngài đi theo Tổ Tipola và chịu đựng nhiều thử thách, cho tới một hôm Tilopa bảo Ngài: “Mặc dầu ta dạy ông mọi sự, ông vẫn chẳng hiểu gì cả!” và đánh một chiếc dép lên trán Ngài. Ngay khi đó, Naropa chứng ngộ bản tánh như nhiên và trí huệ của Ngài trở nên đồng nhất với trí huệ của Thầy.

Cũng có truyện kể lại rằng Ngài Nagabodhi đã đạt được thành tựu tối cao bằng cách chộp lấy và nuốt một bện nước mũi nhỏ xuống của Đạo Sư cao quý Nagarjuna. Và Rigdzin Jigme Lingpa nói: 

Khi tôi xem các tác phẩm của Ngài Longchenpa, một vị Phật Thứ Hai – thì trong trí tôi lóe lên tư tưởng rằng Ngài đích thật là một vị Phật, và tôi cầu nguyện Ngài với lòng chí thành mãnh liệt. Ngài đã thị hiện trong một linh kiến và đã chấp nhận [lời khẩn cầu] của tôi. Kinh nghiệm chứng ngộ tự nhiên phát sinh trong tôi và từ ngày hôm đó trở về sau, tôi đã có thể dẫn dắt trên một trăm đệ tử. Những đệ tử tinh tấn lẽ ra không vượt quá khả năng nhập định tầm thường, những đệ tử thông minh lạc lối lẽ ra đã có thể lạc vào lối mòn trí thức; nhưng họ đã chứng ngộ được chân lý tuyệt đối vì họ được lòng quy ngưỡng dẫn dắt như một năng lực đối trọng [để đem lại cho họ sự quân bình trong tu tập].

Suốt thời kỳ tha hương ở Gyalmo Tsawarong, đại dịch giả Vairotsana đã dạy cho cụ già Pang Mipham Gonpo cách vận dụng năng lực gia trì của bậc Thầy như một con đường tu. Mipham Gonpo đã tám mươi tuổi và thân thể trì trệ vì tuổi già. Vì thế Ngài Vairotsana đã giúp ông giữ thân thể ngồi thẳng bằng một dây-đai-thiền-định và dựa đầu trên một giá-đỡ-thiền định.** Mipham Gonpo đã chứng ngộ kinh nghiệm thuần tịnh nguyên thủy của trekcho không chút sai lạc. Thân ông hòa tan thành vô lượng những hạt cực vi (infinitestimal particles) và đã đạt được Phật Quả.

 ** Dây-đai-thiền-định là một dây thắt lưng dài giúp thiền giả duy trì trong một tư thế ngay ngắn suốt thời gian dài ngồi thiền. Giá- đỡ- thiền-định là một cây gậy dài khum lại ở một đầu dùng như một giá đỡ cằm. 

Bạn có thể so sánh giáo lý này với bất kỳ giáo lý nào khác của tất cả chín Thừa, nhưng bạn sẽ không bao giờ tìm ra được một con đường tốt đẹp hoặc thâm diệu nào hơn giáo lý này. Pháp tu Guru Yoga này có thể được gọi là một pháp tu sơ đẳng nhưng thực ra đây là chìa khóa then chốt tối hậu của toàn thể các pháp tu chính yếu. Trong bất kỳ tình huống nào cũng vậy, nếu bạn luôn lấy pháp tu này làm cốt tủy cho việc tu hành của bạn, thì chỉ mình pháp ấy thôi là đã đủ – ngay cả nếu bạn không thực hành pháp nào khác nữa. Vì thế, điều cực kỳ quan trọng là bạn hãy hiến mình cho pháp tu này từ tận đáy lòng sâu thẳm. 

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi