Giáo Huấn Đại Viên Mãn Đến Với Cõi Người

Nằm ở phía tây Ấn Độ là Oddiyāna, xứ sở của các vị Không Hành nữ hay Thiên Nữ Trí Tuệ. Ở đó, trong miền Dhanakośa, có một hồ nước tên là Kutra. Trên bờ hồ, trong một rừng cây tươi đẹp đầy hoa cỏ xinh tươi có một cái hang tên là Cung Điện Kim Cương, và đây là nơi cư ngụ của một thiếu nữ tên là Hoa Tươi, con gái của Vua Uparāja và Hoàng hậu Ālokabhāsvati. Cô mang trên người tất cả những dấu hiệu toàn thiện, có một trái tim đức hạnh và tâm Bồ Đề bao la. Từ bỏ thói đạo đức giả và phóng dật, cô được thọ giới làm tỳ kheo ni và giữ mọi giới nguyện thật toàn hảo không một lỗi lầm. Cô có một chúng đệ tử gồm năm trăm vị ni. 

Vào năm Mộc Ngưu, ngày mồng tám tháng hai của mùa hạ, khi bình minh vừa ló dạng, cô nằm mơ một giấc mơ trong đó cô nhìn thấy tất cả chư Như Lai phát hào quang, những luồng ánh sáng biến thành mặt trời và mặt trăng. Mặt trời tan vào cô qua đỉnh đầu, di chuyển xuống phía dưới. Mặt trăng tan vào cô qua các gót chân, di chuyển lên phía trên. Sáng ra, kinh nghiệm chứng ngộ của cô tăng trưởng, và cô đi ra lau rửa trên bờ Hồ Kutra. Trong lúc đó, đức Vajrapani trong thân tướng của một con thiên nga, vua của các loài chim; Ngài biến Adhicitta thành một chữ hūm và sau đó tự biến mình thành bốn con thiên nga. Bốn con thiên nga từ trên trời cao hạ cánh xuống dầm mình trong nước hồ. Rồi ba con trong số đó lại cất cánh bay lên giữa bầu trời, nhưng một trong những hiện thân này của Pháp Vương Mật Pháp (đức Kim Cang Thủ -Vajrapani), trước tiên đã chạm mỏ vào tim công chúa ba lần, và một chữ hūm sáng chói tan vào tim cô. Rồi con thiên nga ấy cũng bay đi. 

Quá kinh ngạc, công chúa báo lại cho phụ thân và chúng đệ tử biết chuyện gì đã xảy ra. Trong lòng tràn đầy xúc cảm kỳ diệu, vua cha rất hoan hỷ. 

“Đây có phải là điềm báo trước sự chào đời của hóa thân của một vị Phật ?” nhà vua hỏi. 

Nhà vua tiến hành tổ chức nhiều đại tiệc và lễ lạc. Mặc dù công chúa không có dấu hiệu gì chứng tỏ cô đang mang thai, nhưng khi gần đến thời kỳ ở cữ, một chày kim cang chín chấu lấp lánh phóng ra từ tim cô. Rồi chày kim cang ấy biến mất, để lại ở ngay vị trí đó một em bé với những tướng chính và phụ của Phật Quả, em cầm một chày kim cang trong bàn tay phải và tay trái cầm một cây gậy bằng vật liệu quý. Em đang tụng đọc những lời nguyện bắt đầu bằng câu: “Đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva), mênh mông như bầu trời…” Mọi người thấy đều hoan hỷ. Họ đưa em tới gặp một người Bà la môn thông thạo nghệ thuật lý giải những dấu hiệu kỳ lạ. Hết sức kinh ngạc, người Bà la môn tuyên bố em bé là một hóa thân hiển lộ, bậc nắm giữ các giáo lý của Thừa tối thượng (highest vehicle). Vì mọi người đang hết sức sung sướng hoan hỉ và em bé đang cầm một cái chày trong tay nên họ gọi em là Garab Dorje, có nghĩa là Kim Cương Cực Hỉ. Vì mọi người đang rất vui mừng, họ cũng gọi em là Kim Cương Niềm Vui. Và vì họ tràn đầy tiếng cười nên họ cũng gọi em là Kim Cương Tiếng Cười. 

Khi Garab Dorje lên ngôi, đức Kim Cang Thủ (Vajrapani) xuất hiện trong thân tướng con người và trực tiếp ban cho ngài pháp gia trì viên mãn bằng cách rót đầy những yếu nghĩa của các Đấng Chiến Thắng cũng như rót đầy các pháp gia lực khác. Chỉ trong giây khắc, đức Vajrapani cũng truyền cho ngài toàn bộ các Mật điển (tantra) và các giáo huấn tinh túy, chẳng hạn như hai mươi ngàn pho Cửu Phương Quảng Trí (Nine Expanses) v.v.., và trao quyền cho Ngài làm người trì giữ giáo pháp. Đức Kim Cang Thủ chỉ định các vị hộ pháp trung thành làm bạn đồng hành với Garab Dorje để bảo vệ Giáo Pháp. Không cần phải dụng công và chỉ trong khoảnh khắc, Garab Dorje đạt được Phật Quả thuộc quả vị Đại Viên Mãn. 

Vào lúc đó, ở tại xứ Ấn Độ cao quý, người Bà la môn Sukhapāla và vợ ông là Kuhanā sinh hạ một bé trai, là một hóa thân của đức Văn Thù (Mađjuśrī) cao quý. Em bé Bà la môn được đặt tên là Sārasiddhi, và cũng còn được gọi là Samvarasāra. Về sau em trở thành một tu sĩ, là người đứng đầu năm trăm vị học giả và được nhận lãnh danh hiệu Đạo sư Diệu Đức Hữu (Mađjuśrīmitra). 

Trong một linh kiến, đức Văn Thù cao quý bảo Ngài Mađjuśrīmitra: “Hãy đi về phía tây xứ Oddiyāna. Quanh bờ Hồ Kutra, có một mộ địa tên là Cung Điện Mahahe Vàng. Ở giữa là một cái hang gọi là Cung Điện Kim Cương, ở đó có hoạt hiện một hóa thân được gọi là Garab Dorje. Ngài là một Hóa Thân của đức Kim Cang Tát Đỏa (Vajrasattva). Ngài nắm giữ Giáo Pháp không cần dụng công của tất cả chư Phật, và tất cả chư Phật đã gia lực cho Ngài. Hãy đi đến gặp Ngài và khẩn cầu yếu nghĩa phi thường của các giáo lý, là pháp Atiyoga mà Ngài đang nắm giữ và nhờ đó có thể đạt được Phật Quả mà không cần dụng công. Ông phải là người biên soạn lại Giáo Pháp đó của Ngài.” 

Mađjuśrīmitra nói với những người bạn học giả của Ngài: “Ở phương tây trong xứ Oddiyana có một Đạo Sư đang giảng dạy một giáo thuyết siêu vượt nguyên lý nhân quả. Chúng ta phải lên đường và đánh đổ ông ta bằng luận lý.” 

Họ bàn cãi về vấn đề và bảy người trong số đó, gồm cả bậc huynh trưởng Rajahasti, đã du hành gian khổ đến xứ Oddiyāna. Nhưng mặc dù họ tranh luận gay gắt đến đâu với Garab Dorje chăng nữa, tranh luận về các giáo lý đặt trên nền tảng nhân quả, hoặc tranh luận về các giáo lý của ngoại hay nội Mật Thừa (outer or inner Mantrayana) thì họ vẫn không thể đánh bại Ngài. 

Rồi Mađjuśrīmitra hỏi các học giả khác: “Chúng ta có nên cầu hỏi vị ứng hiện hóa thân này về giáo pháp siêu vượt nguyên lý nhân quả của Ngài không?” 

Huynh trưởng Rajahasti muốn thỉnh cầu Giáo Pháp nhưng lại tuyên bố: “Tôi không dám, bởi chúng ta đã tỏ ra thiếu tôn kính với Ngài.” 

Một số người khác cảm thấy rằng họ có thể thỉnh cầu Giáo Pháp vì giờ đây họ đã được Ngài thuyết phục. Họ cùng nhau quyết định sám hối với bậc Đạo Sư. Một số bắt đầu lễ lạy và đi nhiễu quanh Ngài. Những người khác bắt đầu kêu khóc. 

Mađjuśrīmitra quỳ lạy trước mặt Ngài và nói: “Bậc ứng hiện Hóa Thân, bằng cách tuôn ra những luận cứ không sao kìm hãm được, con đã xử sự bất kính đối với Ngài.” 

Với ý định cắt đứt lưỡi mình để bày tỏ sự thống hối, ông bắt đầu đi tìm kiếm một lưỡi dao cạo. Nhưng Ngài Garab Dorje đọc được tâm ông. 

“Ông sẽ không bao giờ tịnh hóa các hành động xấu ác của ông bằng cách cắt đứt lưỡi được!” Ngài nói. “Hãy biên soạn một giáo pháp siêu vượt các giáo pháp dựa trên nguyên lý nhân quả. Việc làm đó sẽ tịnh hóa chính ông.” 

Tất cả những học giả còn thiếu thiện nghiệp cần thiết và thiếu phước duyên, họ đều quay trở về nhà. Nhưng Mađjuśrīmitra đã thâu hóa toàn bộ Giáo Pháp, đạt được chứng ngộ tức thời chỉ nhờ thấy được một cử chỉ của Đạo Sư. Để giúp cho Giáo Pháp được hoàn toàn viên mãn, Garab Dorje ban cho Ngài pháp gia lực trực tiếp bằng cách rót đầy những phương tiện thiện xảo của các Đấng Chiến Thắng, rót đầy tất cả các Mật điển (tantra) và các giáo huấn tâm yếu không thiếu thứ nào, gồm cả hai mươi ngàn pho sách của Cửu Đại Quảng Trí (Nine Expanxes). Chính vào lúc này Ngài ban cho ông danh hiệu Mađjuśrīmitra. Bậc ứng hiện Hoá Thân Garab Dorje đã ghi chép ý nghĩa của các giáo huấn này và ban cho Mađjuśrīmitra Giáo Pháp sau đây: 

Từ vô thủy, bản tánh của tâm là Phật. 

Không sinh cũng không diệt, tựa không gian. 

Khi ông liễu ngộ chân nghĩa, thấy ra tánh của vạn pháp vốn đồng đẳng, 

Hãy an trụ trong trạng thái đó, đừng kiếm tìm thì đó là thiền định. 

Mađjuśrīmitra hoàn toàn thấu suốt, hiểu rõ Giáo Pháp này muốn nói gì và diễn tả kinh nghiệm chứng ngộ của riêng Ngài như sau: 

Ta là Mađjuśrīmitra, 

Ta đã thành tựu quả vị Yamāntaka. 

Ta đã liễu ngộ tánh đại bình đẳng giữa sinh tử Niết Bàn; 

Tuệ giác nguyên sơ đã phát khởi. 

Ngài đã viết Giáo Huấn Về Bồ Đề Tâm Khắc Bằng Vàng Trên Đá để ăn năn sám hối, và ghi lại hết các giáo huấn của Garab Dorje.

Kế đó, các Giáo Pháp này được truyền cho Śri Simha, là người đã ra đời tại Trung Hoa ở một nơi có tên là Shosha, cha Ngài tên là Đức Hạnh và mẹ tên là Tri Giác Trong Sáng. Ngài trở nên tinh thông năm môn khoa học (ngũ minh khoa học), gồm có ngôn ngữ, luận lý, chiêm tinh học và v.v.., các môn này ngài học với Đạo sư Hastibhala. Năm hai mươi lăm tuổi, Ngài gặp Đạo Sư (Ācārya) Diệu Đức Hữu (Mađjuśrīmitra), và từ bậc Đạo Sư này, Ngài đã nhận lãnh toàn bộ Giáo Pháp Đại Viên Mãn thâm diệu, với những Mật điển, khẩu truyền, cùng với những giáo huấn tâm yếu, và Ngài đạt được chứng ngộ tối thượng, giải thoát khỏi mọi tạo tác trong tâm thức. 

Từ Śri Simha, các Giáo Pháp này đã được trao truyền tới Đức Phật Thứ Nhì ở xứ Oddiyāna* và sau đó tới học giả Jđānasūtra, đại học giả Vimalamitra, và đại dịch giả Vairotsana. Dòng truyền thừa cho tới thời điểm này là dòng truyền thừa qua biểu tượng của các đấng Minh Trì (Vidyadhara). * Đức Padmasambhava (Liên Hoa Sanh). 

Tu viện Samye 

Tu viện đầu tiên ở Tây Tạng, được khởi công xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 9, kiến trúc tượng trưng cho thế giới theo vũ trụ quan của Ấn Độ cổ. Tu viện bị phá hủy trầm trọng trong cuộc Cách Mạng Văn Hoá, nhưng từ đó tới nay ngôi chùa chính đã được trùng tu kỹ lưỡng và được ngài Dilgo Khyentse Rinpoche hiến cúng lại vào năm 1990.

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi