Lịch Sử Truyền Bá Giáo Lý Tâm – Yếu Ở Xứ Tuyết Tây Tạng

Vào thời Đức Phật, Tây Tạng không có cư dân là con người. Về sau, có một bộ lạc con người phát xuất từ sự kết hợp giữa một loài vượn (là Hóa Thân của đức Quán Thế Âm Avalokiteśvara cao quý) cùng với một nữ tinh linh núi**. Trong thời kỳ phôi thai này, Tây Tạng ở trong một tình trạng hỗn loạn không tôn giáo, không luật lệ, không người cai trị. ** Có chỗ nói rằng đó là một hóa thân của Đức Quan Âm (Tara). 

Trong lúc đó ở Ấn Độ, một vị vua tên là Śatānīka sinh hạ được một bé trai. Bàn tay và bàn chân của đứa trẻ có màng giống màng của một con thiên nga và mí mắt của em khép lại hướng lên trên như mí mắt của một con chim. Cha em cho rằng đứa trẻ hẳn có nguồn gốc quái thai không phải là người, tuyên bố là em phải bị trục xuất khỏi vương quốc. Ngay khi vừa lớn lên một chút, em bé đã bị đuổi đi. Do nghiệp lực dẫn dắt, em bé đã lang thang vô định và cuối cùng thì đến Tây Tạng. Ở đó em tình cờ gặp một vài người chăn cừu. Khi họ hỏi em từ đâu tới và là ai, em chỉ lên bầu trời. Những người chăn cừu cho rằng em bé phải là một vị Trời từ các cõi Trời hạ sinh, và tôn em làm thủ lãnh của họ. Họ làm cho em một chiếc ngai bằng đất và đá, và họ khiêng chiếc ngai đó trên vai, và vì thế em được gọi là Nyatri Tsenpo Cổ thời – Nyatri Tsenpo có nghĩa là “Đế Vương Của Chiếc Ngai Trên Vai.” Đây là vị vua đầu tiên, và là một Hóa Thân của Bồ Tát Sarvanivāranaviskambhin. 

Nhiều đời sau đó, trong triều đại Lha-Thothori Nyentsen, Ngài là một Hóa Thân của Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra), hiện ra trên mái Cung Điện Yumbu Lakhar cùng với một số các bảo vật linh thiêng: gồm có một tôn tượng được gọi là Cintāmani, tượng trưng cho thân tướng của chư Phật; Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương Kinh và Kinh Bách Nguyện Bách Bái, tượng trưng cho ngữ của chư Phật ; và một tháp pha lê cao một cubit (khoảng 46cm), tượng trưng cho tâm của chư Phật. 

Đây là khởi đầu lịch sử của Giáo Pháp ở Tây Tạng. 

Trải qua năm đời sau đó đến triều đại của vua Songtsen Gampo là một Hóa Thân của đức Quán Thế Âm (Avalokitesvara). Ngài xây dựng tất cả các điện thờ Thadul và Yangdul và cung điện chính ở thủ đô Lhasa và kết hôn với công chúa Kongjo (Văn Thành Công Chúa) xứ Trung Hoa – một Hóa Thân của đức Quan Âm (Tara) – và với công chúa Tritsun xứ Nepal – một Hóa Thân của Thiên Nữ Bhrikutī. Mỗi công chúa đều có đem theo một pho tượng của Đức Phật, như một phần thuộc của hồi môn. Hai pho tượng này được biết đến như là Jowo.

Lần đầu tiên một hệ thống chữ cái Tây Tạng được Thomi Sambhota khai lập; ông nghiên cứu ngôn ngữ dưới sự dạy dỗ của học giả Ấn Độ Devavit Simha, và sau đó đã bắt đầu dịch Bảo Vân Kinh và một số các Kinh điển khác. Vua Songtsen Gampo đã phóng tỏa ra một tu sĩ tên là Akarmati từ giữa cặp lông mày của ngài. Vị tu sĩ này đi nhiếp phục các vị vua phi Phật Giáo ở Ấn Độ, và tìm thấy năm bức tượng Quán Thế Âm tự hoá hiện có tên là Năm Anh Em Cao Quý ngay trong thân của một loại cây đàn hương gọi là “Mãng Xà Tâm Yếu,” ở ngay Cung Điện Cát nằm giữa Ấn Độ và Tamradvipa. Ngài cũng đã tạc pho tượng Quán Thế Âm Avalokitesvara mười một khuôn mặt (Quán Tự Tại Thập Nhất Diện hay Thiên Thủ Thiên Nhãn) đặc biệt linh thiêng hiện còn ở Lhasa. Chính trong triều đại này mà Phật Pháp thực sự bắt rễ ở Tây Tạng. 

Trải qua năm đời nữa, đến đời vua Trisong Detsen, một Hóa Thân của đức Văn Thù Cao Quý được sinh ra đời. Khi Ngài lên mười ba tuổi thì thân phụ mất. Trước tiên Ngài chinh phục một số các xứ sở bằng vũ lực sau khi đã tham khảo ý kiến với các quan thượng thư như Ngam Tara Lugong và Lhazang Lupel. 

Sau đó, lúc mười bảy tuổi, khi tham khảo các tài liệu lưu trữ của tổ tiên, Ngài nhận ra rằng trước tiên Phật Pháp đã tới xứ Tây Tạng trong triều đại Lha-Thothori Nyentsen và được vua Songtsen Gampo củng cố. Khi nhận thức được tổ tiên Ngài nhất tâm làm việc vì Pháp ra sao, Ngài cảm thấy chính mình cũng phải đặt hết mối quan tâm vào việc truyền bá giáo thuyết. Ngài hỏi ý kiến thượng thư Bộ Tôn Giáo của mình là Go Pema Gungtsen và khéo léo thỉnh ý các vị thượng thư khác khiến họ nhất trí xây dựng một ngôi chùa. Khi phải đi tìm một vị Thầy về để tổ chức tế lễ, làm an định (tức tai) thổ địa, họ hỏi ý kiến Nyang Tingdzin Zangpo, là vị Thầy rất được nhà vua tôn kính, khi đó đang ở Samye Chimpu. 

Dựa vào công phu thiền quán, Ngài Tingdzin Zangpo biết rằng ở Zahor miền đông Tây Tạng có một đại Tu Viện Trưởng tên là Santaraksita, con trai của Pháp Vương Gomadeviya. Ngài báo tin này cho nhà vua, và vị Tu Viện Trưởng được mời sang Tây Tạng. 

Sau đó Ngài Santaraksita cố gắng hiến cúng địa điểm của ngôi chùa. Nhưng một loài rồng nước (naga) sống trong một cung điện tên là Aryapalo, biết rằng bụi cây nơi ông ta sống sắp bị đốn hạ, đã kêu gọi tất cả các tinh linh tới trợ giúp ông. Hai mươi mốt genyen được người và các chúng phi-nhân (non-humans) hộ tống, cùng tập hợp thành một đội quân, và khi đêm đến, các tinh linh phá hủy bất kỳ những gì được con người xây dựng vào ban ngày, đưa mọi thứ đất đá trở về lại nơi xuất phát. 

Nhà vua đến gặp Tu Viện Trưởng và yêu cầu một lời giải thích: “ Có phải bởi vì các chướng duyên của trẫm quá sâu dày? Hay tại Ngài đã không gia hộ cho mảnh đất? Phải chăng kế hoạch của trẫm vẫn chưa thực hiện được ?” 

“Tôi đã thấu suốt Bồ Đề Tâm,” vị Tu Viện Trưởng đáp, “nhưng không thể điều phục các vị Trời và quỷ ma bằng các pháp an bình như thế. Chỉ có các pháp uy nộ mới đem lại kết quả. Hiện nay tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) ở Ấn Độ có một Đạo Sư tên là Liên Hoa Sanh xứ Oddiyāna. Ngài đến với thế giới này bằng một phương tiện thần kỳ. Ngài tinh thông ngũ minh khoa học và đã làm chủ được năng lực của [kiến giải] tuyệt đối. Ngài đã đạt được các thành tựu thông thường lẫn siêu việt. Ngài đã dẹp tan ma quỷ, và buộc tám loại tinh linh phải quy phục Ngài. Ngài đã làm tất cả các vị Trời và ma quỷ phải run sợ và có thể điều phục các tinh linh mạnh mẽ. Nếu nhà vua thỉnh Ngài đến đây, sẽ không tinh linh nào có thể chống lại Ngài và mọi ước nguyện của nhà vua sẽ được mỹ mãn.” 

“Lỡ không thể thỉnh mời được người như thế thì sao ?” nhà vua hỏi. Tu Viện Trưởng đáp: “Không đâu, Ngài sẽ có thể mời được vị ấy do bởi các lời cầu nguyện mà Ngài đã phát nguyện trong quá khứ. Thời xa xưa ở Nepal, có một người đàn bà tên là Samvari, con gái của người chủ trại gà Salé, bà ta có bốn con trai do sống chung với một người nuôi ngựa, một người nuôi heo, một người nuôi gà vịt và một người nuôi chó,” và Ngài kể cho vua câu chuyện tháp Jarung Khashor đã được xây dựng thế nào và những lời cầu nguyện đã được phát nguyện như thế nào vào lúc đó. 

Nhà vua phái Ba Trisher, Dorje Dudjom Chim Śakyaprabha và Shubu Palgyi Senge tới Ấn Độ, mỗi vị mang một số lượng bụi vàng và một cái nơ vĩnh cửu bằng vàng. Các vị ấy giải thích cho Đạo Sư rằng Ngài cần có mặt ở Tây Tạng để gia trì cho địa điểm của một ngôi chùa. 

Đạo Sư hứa sẽ đến. Ngài lên đường, dừng lại trên đường để buộc mười hai tenma, mười hai vị nữ hộ thần, hai mươi mốt genyen, cùng tất cả các vị Trời và tinh linh của Tây Tạng phải tuyên thệ. 

Cuối cùng Ngài đến Trakmar để gia trì mảnh đất, và tu viện Samye Tự Hiển Lộ đã được xây dựng. Tu viện có một dinh thự ở giữa cao ba tầng, được bao quanh bởi những tòa nhà tượng trưng cho bốn đại châu và các trung châu. Hai điện Yaksa, một cao và một thấp tượng trưng cho mặt trời và mặt trăng. Toàn bộ tu viện được một bức tường bao quanh. Tu Viện Trưởng Santaraksita, Đạo Sư Padma (Liên Hoa) và Vimalamitra tung hoa lên để cúng dường và làm an định cả thảy ba lần và người ta đã nhìn thấy nhiều dấu hiệu phi thường và kỳ diệu nhiệm mầu hiện ra.

Đức Patrul Rinpoche

Việt dịch: Thanh Liên

Trích Lời Vàng Của Thầy Tôi